TINH HOA GIÁO DỤC 21 (PHẦN 2)
NGỪNG SO SÁNH, ĐỂ CON VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
II. TẠI SAO KHÔNG NÊN SO SÁNH NGƯỜI NÀY VỚI NGƯỜI
KHÁC
Nói như vậy, bạn có thể so sánh những đứa trẻ cùng
năng tài, năng khiếu với nhau để chúng có thể lấy đó làm động lực, nấc thang phấn
đấu được không, cụ thể như:
So với những đứa trẻ cùng tuổi nhưng Cam lại có vốn từ
ngữ nhiều hơn các trẻ khác rất nhiều.
Trong lớp học tiếng Anh, Nơ là đứa trẻ có học lực tốt
nhất.
Những đứa trẻ cùng tuổi với Thục Chi, thường không ai
có sự am hiểu nhiều như cô ấy.
Tốc độ chạy của Anna là nhanh nhất so với các bạn
trong nhóm.
Trong lớp học vẽ, bức tranh của Kim Ngân là sáng tạo
và đẹp nhất.
Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ có một thời kỳ bùng nổ và phát
triển khác nhau, có em sớm, em muộn, thậm chí rất muộn mới đơm hoa kết trái.
Như việc bạn trồng cây giá vậy, một tuần là ăn được, bạn trồng lúa sáu tháng gặt
hái, măng tre trước khi đâm lên mặt đất phải mất chục năm thai nghén dưới mặt đất,
cây gỗ lim cần trăm năm, cây đại thụ thì cần đến cả ngàn năm. Con người cũng vậy,
dù có năng tài, năng khiếu giống nhau đi nữa, nhưng trong cùng một thời gian,
trẻ lĩnh hội và tiếp thu một vấn đề không như nhau được. Sự khác nhau về thành
tích, kết quả, không có nghĩa đứa trẻ này giỏi hơn đứa trẻ kia, cũng không có
nghĩa sau này cũng thế, so sánh như vậy không ích gì.
Về ảnh hưởng đến tư tưởng, ước vọng được nhìn nhận chắc
chắn là một trong những mãnh lực ràng buộc quan trọng nhất của xã hội, trong mối
cảm xúc phức hợp này, hai lực lượng xây dựng và phá hủy luôn nằm kề cận bên
nhau. Ước mong được tán thành và nhìn nhận là một động cơ lành mạnh. Nhưng quá
khao khát được người khác thừa nhận rằng ta là một cá nhân giỏi hơn, mạnh hơn
và khôn ngoan hơn những cá nhân khác cũng rất dễ dẫn đến tâm lý vị kỷ thái quá,
có thể làm tổn thương đến chính cá nhân đó và cả cộng đồng xung quanh.
Phải chăng đây chỉ là lời nhận xét mang tính ước lượng,
bóng gió, chủ quan, và chỉ là một quan điểm mang tính cá nhân? Chắc chắn là
không, hãy cùng nhau suy ngẫm thật kỹ lời Lão Tử nói: “Lo thắng người thì loạn,
lo thắng mình thì bình”. Dù câu nói ấy đã xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng
ngàn năm, nhưng hiện trạng ngày nay khi con người ta chỉ lo thắng người mà
không lo thắng mình, đã nảy sinh ra vô số vấn đề những phân tích dưới đây sẽ
làm sáng rõ.
Với một hệ thống không ngừng kiểm tra, chấm điểm, xếp
hạng và so sánh trẻ em, học sinh. Bạn đã vô tình bóp méo hệ thống cảm xúc của
con người về niềm kiêu hãnh và nỗi hổ thẹn để thúc đẩy trẻ học tập. Nếu đứa trẻ
nào học kém hơn bạn bè, sẽ bị làm cho phải xấu hổ, còn đứa nào học giỏi hơn thì
sẽ được hãnh diện.
Về mặt tâm lý, sự hổ thẹn sẽ khiến một số trẻ từ bỏ mọi
cố gắng, đối với bất kỳ một ai khi bị đưa ra so sánh thua thiệt sẽ cảm thấy tự
ti, khiếm khuyết về chính mình. Liên tục bị lặp đi lặp lại những ám thị tiêu cực,
đứa trẻ đó sẽ mất đi niềm tin ở bản thân. Khi bị so sánh, đứa trẻ nghĩ nguyên
nhân của sự tủi nhục, xấu hổ này là chính bởi đối tượng kia. Thay vì ngưỡng mộ,
quý mến, đứa trẻ đâm ra thù ghét, oán hờn. Những đứa trẻ có điểm số cao, thành
tích tốt, được so sánh hơn thì cảm thấy tự hào thái quá, dẫn đến ngạo mạn và
khinh bỉ số đông là những đứa trẻ có điểm thấp hơn, dẫn đến coi thường luôn những
giá trị và tiến trình dân chủ, can thiệp vào sự phát triển khả năng hợp tác.
Bạn cấy vào trong tâm trí đứa trẻ việc đề cao chiến
thắng người khác chứ không phải đánh giá cao nỗ lực, chiến thắng chính mình. Ở
đây thành công thường được đánh giá quá cao, bởi rất nhiều người coi thành công
nghĩa là mình đã vượt lên và trở nên ưu việt hơn người khác. Nhìn trên khía cạnh
ấy, thành công chẳng khác nào cuộc đua và hầu hết mọi người đều muốn chơi mà phần
lớn là thua cuộc. Khi đó, cuộc chơi sẽ có quá ít người thắng, nhưng không ai muốn
cảm giác ngược lại. Vậy phần còn lại làm sao để xoa dịu nỗi đau, làm sao để tìm
cho mình chút cảm giác được hơn người khác, để cảm nhận được chút hương vị của
người chiến thắng?
Hệ lụy của tư tưởng này khiến người ta “di căn” thêm
một kiểu phản ứng khác, là vô thức thích tập trung vào những khuyết điểm, mặt
tiêu cực, mặt xấu của người khác và của xã hội hơn là những khía cạnh tích cực,
việc tốt, mặt tốt. Bởi vì, khi bàn luận tới “mặt tối” của một ai đó, họ cảm thấy
như mình đứng ở trên, mình vẫn là người tốt, có cảm giác của người chiến thắng.
Và chính cách nhìn nhận cuộc sống như vậy, luôn chú ý đến những điều tiêu cực,
dần dần cơ thể sẽ tích tụ lại thành một khối năng lượng tiêu cực, tần số thấp
nhưng vô hình chung họ lại không hề ý thức được. Rồi họ lại vô thức lan tỏa
năng lượng tiêu cực ra gia đình, với những đứa con mình. Họ toàn nói những lời
tiêu cực, hành động tiêu cực, giáo dục con cũng theo cách tiêu cực.
Cuộc sống không phải là cuộc chiến cạnh tranh với những
người khác. Mà là cuộc chạy đua trường kỳ với chính bản thân mình.
Hoàng Yến
So sánh được đề cao bởi hơn người chứ không phải thắng
mình, nhiều người vì lòng tham, sĩ diện, hào quang chiến thắng, sự ích kỷ có thể
tìm đủ mọi cách, mọi thủ đoạn để giành lấy vinh quang. Lúc này mọi chuẩn mực đạo
đức, phẩm chất của con người đều có thể bị lung lay, phá vỡ. Điều này đã thực sự
xảy ra khi đạo đức xã hội mỗi ngày trượt dốc, có những người không việc xấu nào
không dám làm để giành phần hơn.
Vì thế, ngày một nhiều các chế tài, quy định, luật lệ,
pháp luật được đặt ra với mức độ chặt chẽ hơn. Nhưng những tệ nạn này không hề
có biểu hiện suy giảm, thậm chí ngày càng tinh vi hơn. Đó là bởi vì những điều ấy
chỉ ràng buộc hành vi của con người, còn lương tâm mới là yếu tố ràng buộc tâm
tính của một con người.
Nhưng nếu chủ thể biết nhìn nhận chiến thắng cuối
cùng của cuộc đua là vượt lên chính mình, thì mọi chuyện lại khác. Khi đó chiến
thắng có thể dành cho tất cả mọi người hoặc không ai hết. Lúc này những yếu tố
người nhất của một con người sẽ được hình thành chính là lương tâm, lòng tự trọng
của bản thân (không phải theo chủ nghĩa vị kỷ chỉ biết đến bản thân) và sự tôn
trọng người khác. Ở nơi đó, trong mỗi người sẽ có một tòa án lương tâm để phán
xét bản thân, còn đanh thép và day dứt hơn tòa án nhà nước, pháp luật, dư luận,
những chế tài, nên mọi giá trị đạo đức sẽ luôn được đề cao. Tự anh ta/cô ấy sẽ
định hình việc thể hiện bản thân mình ra sao mà không cần bất kỳ sự tác động của
ngoại lực. Anh ta/cô ấy thực hiện hành động dựa trên quyết định bởi lương tâm.
Đó cũng là bước khởi đầu cho công cuộc khám phá những điều vĩ đại nhất bên
trong chính mình.
Khi so sánh người này với người kia, bạn sẽ có xu hướng
tỏ ra không ưa, ghét bỏ, coi đối thủ là thù địch. Bạn sẽ giảm đi năng lực tương
tác, mất khả năng đồng cảm với đối phương. Điều này không chỉ làm lỡ mất việc
thấu hiểu cảm xúc của người kia, mà còn ngăn chặn chính bản thân bạn đưa ra những
nhận định sáng suốt về suy nghĩ hay ý tưởng của họ. Thậm chí ngay cả khi những
ý tưởng đó thật sự xuất sắc mà cá nhân bạn cũng chẳng thể nghĩ ra. Thật khó để
luôn nhìn nhận và đánh giá bản thân một cách sáng suốt, để vượt lên chính mình
với một nhận thức rõ rệt về tầm quan trọng của “chiến thắng bản thân”, đủ can đảm
và bản lĩnh để nghiêm khắc với chính mình. Con người sẽ tự động nhìn nhận lại bản
thân một cách sâu sắc, biết nhìn vào mặt tốt của mình. Họ sẽ dẹp bỏ rào cản cá
nhân, biết cách dung hòa và hỗ trợ nhau hiệu quả. Từ đó cùng nhau tiến đến những
mục tiêu cao hơn mà một cá nhân khó lòng gánh vác nổi.
Chúng ta một loài sống tập thể, tồn tại trong một xã
hội văn minh - hiện đại so với những loài khác, sinh ra là để cùng sát cánh bên
nhau. Trẻ em luôn muốn giúp đỡ bạn bè một cách tự nhiên, cả khi ở trường hay ở
nhà, chúng cũng vậy. Thử hỏi nếu không còn đánh giá, chấm điểm, phân loại hay
so sánh, thì những đứa trẻ có còn đố kị, còn xa cách nhau không, hay bởi vậy mà
chúng xích gần tới nhau hơn? Khi đó chúng mới có thể yêu thương nhiều hơn, trở
nên thánh thiện hơn, như thế những hạt mầm tốt đẹp nhất trong mỗi người sẽ có
cơ hội phát triển.
Giảm sự ganh đua tăng sự kết nối.
Nếu xem Tây du ký bạn sẽ thấy có một việc khá lạ là tại
sao Đường Tăng là người học rộng, tài cao và đức độ, nhưng mỗi khi gặp chuyện
gì lại thường chỉ tin vào Trư Bát Giới mà không phải là Tôn Ngộ Không - có khả
năng nhìn đâu biết đó, nhìn thấu tâm can mọi việc. Chẳng hạn, khi mình dự định
dậy lúc năm giờ để đi tập thể dục, dù biết là vậy nhưng khi chuông đồng hồ reo
lên, lại nghe bên tai một đứa trong mình bảo rằng: “Thôi nằm ngủ chút nữa đi
cho sướng, thế là mình lại nghe và làm theo nó”. Chẳng phải đó là nghe theo Bát
Giới hay sao? Sau khi giật mình tỉnh giấc thì thôi rồi, thời gian đã qua và việc
mình muốn làm và cảm thấy tốt cho bản thân lại chưa làm được.
Con người cũng như vậy, luôn luôn có hai luồng suy
nghĩ trái chiều: một bên là não người làm chủ là sự chọn lựa có ý thức như sự cố
gắng, kiên trì, sự hy sinh, nỗ lực, tính kỷ luật, ý chí, đòi hỏi nhiều thời
gian, tốn nhiều năng lượng và hoàn toàn không dễ đạt được ví như Ngộ Không; Bên
kia là não bò sát làm chủ với phản ứng hoàn toàn bản năng, luôn bị điều khiển bởi
nguyên lý thỏa mãn, tức là luôn đi tìm kiếm sự dễ chịu, thoải mái ngay tức khắc,
đáp ứng mọi khao khát, ham muốn, nhục dục, đi đến những quyết định nhanh chóng,
dễ dàng. Nó rất cám dỗ, ví như Bát Giới vậy. Chính sự khác biệt này tạo ra một
cuộc chiến không cân sức kéo dài triền miên trong tâm trí mỗi người, trong từng
ngày, từng giờ, từng phút, trong mọi việc, mọi hành động, chọn lựa.
Đề cao chiến thắng người khác thực chất chỉ là sự phỉnh
lừa bản thân, nhằm ngụy tạo và che đậy sự hèn yếu trong việc chạy trốn và đối đầu
với đối thủ thực sự là chính mình. Chiến thắng bản thân là tự đấu tranh với
chính bản thân mình, vượt lên cái xấu, cái không tốt, cái tầm thường, cái nhục
dục thấp hèn để khơi dậy những giá trị linh thiêng, vĩ đại bên trong mỗi con
người.
Đó là cuộc đấu tranh đầy khó khăn, bởi đối tượng đấu
tranh thật không dễ nhận diện. Bạn có thể tự nhận diện đối tượng ấy trong tâm
trí bạn, chúng không hiện hữu và phân định rạch ròi. Ranh giới của chúng hết sức
mong manh giữa thiên thần và ác quỷ, phần con và phần người, sự vĩ đại và sự tầm
thường, luôn luôn không ổn định. Đây là cuộc chiến lâu dài bền bỉ và bạn có niềm
tin mình sẽ làm được hay không, câu hỏi này chỉ chính bạn mới có thể giải quyết
khi hướng vào bên trong. Lấy chính mình làm cột mốc cho sự đấu tranh, tập trung
vào phát triển những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người, sự thay đổi sẽ diễn
ra.
Thắng người rất dễ, vượt lên trên chính mình rất
khó.
Nếu tư tưởng chiến thắng của một người được định hình
bằng cách vượt qua người khác, thì đó sẽ là khởi điểm cho những suy đồi về các
giá trị bên trong, là mầm mống cho sự bất ổn và hỗn loạn. Ngược lại, khi chúng
ta quay về với những giá trị mà phương Đông đã từng soi đường dẫn lối, sẽ có một
hướng theo đuổi khác ít cạnh tranh và bền vững hơn: “Thành công không phải chiến
thắng người khác, mà là chiến thắng chính mình.”
Tục ngữ Ấn Độ cũng có câu nói tương tự: “Tỏ ra mình
hơn người khác chưa phải là hay. Cái chân giá trị, có thể tỏ ra rằng hôm nay
mình đã hơn chính ngày hôm qua.”
Triết gia Aristotle cũng từng có một câu nói bất hủ,
nhắn nhủ học trò cưng Alexander đại đế: “Thế giới mà con cần chinh phục, chính
là thế giới ở bên trong con.”
Tóm lại, những bậc thầy minh triết cho rằng: “Thắng
người vạn lần không bằng thắng mình một lần.”
Trần Huy Toàn