HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: THỨC, TUỆ VÀ SANH MẠNG

- Thưa đại đức, thức và tuệ có ý nghĩa, ngữ tự giống nhau hay khác nhau?

- Ý nghĩa và ngữ tự của thức và tuệ hoàn toàn khác nhau, tâu đại vương.

- Xin đại đức giảng cho nghe.

- Thức là vinnàna, nghĩa là nhận biết, thu góp mọi kiến thức, kinh nghiệm; còn tuệ là pannà có nghĩa là thấy rõ, biết chắc mọi sự mọi vật (các pháp) đúng như thực tướng, tâu đại vương.

- Cả hai thức và tuệ ấy chính là sanh mạng ở trong thân tứ đại này phải không?

- Đại vương! sanh mạng theo cách hiểu của đại vương là linh hồn phải chăng? Và vấn đề linh hồn thường tại ở trong thân thì đại vương đã hỏi rồi, và bần tăng cũng đã giải đáp thỏa đáng rồi. Đừng nên rơi vào quan niệm thường kiến như thế!

- Vâng, nhưng trẫm vẫn bị một hoài nghi khởi sanh. Là nếu không có một sanh mạng thường tại ở trong thân thì ai là người thấy bằng mắt? Nghe bằng tai? Ngửi bằng mũi? Nếm bằng lưỡi? Đụng chạm bằng thân? Và suy nghĩ bằng ý? Hẳn phải có một linh hồn ở trong thân chứ?

- Đại vương, xin ngài hãy nghe cho kỹ đây, khi đại vương nhìn thấy một cái hoa đẹp, đại vương nhận thức rõ là cái hoa ấy đẹp chứ?

- Vâng!

- Nếu sau đó, đại vương thoáng nghe một âm thanh chát chúa, đại vương cảm thấy khó chịu chứ?

- Vâng!

- Vậy thì cái "thức nhận biết" đóa hoa đẹp và "thức cảm nghe" âm thanh chát chúa ấy nó là một thức hay là hai thức?

- Thưa, nó là hai thức.

- Vậy thì thức trước diệt rồi mới có thức sau phải chăng?

- Đúng vậy!

- Thế là đại vương đã tự trả lời, rằng là chẳng có thức thường trú như linh hồn, như sanh mạng, mà thức chỉ là duyên sanh, duyên diệt!

Đức vua Mi-lan-đà chợt như bừng sáng:

- À ra thế, chẳng có lý giải nào rõ nghĩa hơn thế! Vậy còn tuệ thì sao?

- Tuệ cũng từ cái nhận biết ấy, từ cái thức ấy chứ không phải là hai cái khác nhau: nhưng thức thì dễ sai lầm, còn tuệ thì thấy đúng, biết đúng - tuệ thấy đúng như thực tướng, tâu đại vương!

- Đại đức có thể nói rõ nghĩa hơn một chút nữa chăng?

- Thưa vâng, nhận biết của cái thức là do vô minh, ái dục chi phối, còn cái thấy của tuệ là một cái thấy trong sáng, thanh tịnh từ sự giác ngộ và giải thoát, không bị ngăn che bởi vô minh và ái dục nữa, tâu đại vương!

- Nghĩa là thức có chức năng khác, và tuệ có chức năng khác? Hay nói cách khác "thức thanh tịnh" thì "tuệ" khởi sanh?

- Vâng, có thể hiểu như vậy.

- Còn sanh mạng thì sao?

- Sanh mạng cũng như thức và tuệ vậy, nó có vai trò và chức năng khác nhau trong toàn bộ cơ cấu thân tâm của loài hữu tình, tâu đại vương!

- Cảm ơn đại đức! Quả thật là vi diệu!

- Đại vương, điều vừa trình bày ấy quả thật là vi diệu nhưng trí óc con người vẫn có thể lãnh hội được. Còn Đức Thế Tôn thì ngài liễu tri cả những điều thậm mật hơn thế nhiều, làm được cả những việc huyền diệu mà trong tam giới không ai làm được!

- Những điều ấy là điều gì, thưa đại đức?

- Những việc tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm là cái gì cụ thể, tuy nhiên, nhận biết cho đúng là một việc khó. Nhưng thử hỏi những pháp vô hình, vô tướng, những pháp tế vi trừu tượng từ tâm vương, tâm sở thì ai là người có khả năng thấy rõ, biết chắc bằng Đức Thế Tôn?

- Vâng, xin đại đức giảng rộng cho nghe?

- Đại vương, ví như có người ngụm một ngụm nước biển, y có thể biết được nước biển ấy là mặn chăng?

- Biết được.

- Nhưng y có thể phân tích trong ngụm nước biển ấy, bao nhiêu là nước từ Hằng hà? Bao nhiêu nước từ sông Yamanà? Bao nhiêu nước từ sông Sarabbù? Bao nhiêu nước từ sông Aciravatì? Bao nhiêu nước từ sông Nahì?

- Thật không thể! Chẳng ai có khả năng phân tích ra được.

- Tại sao?

- Vì chúng đã bị trộn lẫn làm một rồi.

- Đại vương có thấy không, lưỡi nếm vị là một cái gì cụ thể, thế mà ta chẳng thể nào phân tích được, huống hồ là những pháp vô hình, vô tướng, tế vi và trừu tượng. Chúng ta làm thế nào để biết được đây là thọ (cảm giác), đây là tưởng (tri giác), đây là hành (ý chí), đây là tác ý (khởi tâm); đây là tâm vương này, tâm vương kia?

- Quả thật là khó khăn.

- Đức Thế Tôn không những biết rõ mà còn phân tích chi ly, rằng đây là hành trình của các tâm vương, tâm sở trong dục giới, đây là hành trình của các tâm vương, tâm sở sắc giới, đây là hành trình của các tâm vương, tâm sở vô sắc giới!

- Vâng, vâng.

- Rồi Đức Thế Tôn còn biết rõ và phân tích được các trạng thái tâm, đạo và quả xuất thế gian nữa, tâu đại vương.

- Thật là kỳ diệu, thật là phi thường, thưa đại đức.

- Đúng vậy.

-ST-

Được tạo bởi Blogger.