HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 20 (PHẦN 3)

KHƠI GỢI KHẢ NĂNG QUAN SÁT LÀ CHÌA KHOÁ DẪN ĐẾN TRÍ TUỆ ĐỈNH CAO

II. GIAI ĐOẠN TỪ 6 ĐẾN 10 TUỔI, TẠO MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI ĐỂ TRẺ QUAN SÁT

Bạn hãy thường xuyên cho trẻ quan sát một cách có chủ đích, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Bạn có thể bắt đầu bằng việc cho trẻ nhận biết sự khác nhau giữa các sự vật bên ngoài. Những trò chơi dưới đây sẽ được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, dành cho trẻ từ nhỏ đến lớn, thích hợp cho các bé từ 6 đến 8 tuổi.

Trò chơi 1: Cho trẻ một quyển tạp chí thời trang, người mẫu, hay hình ảnh các doanh nhân, cho con chọn một hình bất kỳ. Sau đó gấp lại và cho trẻ lật ra tìm lại hình ảnh mình đã chọn.

Trò chơi 2: Trước khi đi siêu thị, hiệu sách, đi chợ, hãy liệt kê cho trẻ vài thứ cần mua như bột giặt, hộp màu, quả táo,... để trẻ hình dung và ghi nhận những hình ảnh đó trong tâm trí. Khi đến nơi trẻ sẽ chú tâm duy nhất vào những hình ảnh đó, so sánh, đối chiếu chúng với những hình ảnh khác.

Trò chơi 3: Khi đến bữa ăn cho trẻ nhìn tổng thể một lần, nói trẻ nhắm mắt lại và rồi kể tên những món ăn trên bàn, vị trí của các món được sắp xếp như thế nào.

Trò chơi 4: Hãy để một số vật dụng khác nhau trên bàn, cho trẻ nhìn một vài giây, rồi bảo trẻ quay đi chỗ khác và hỏi: “Trên bàn có những món đồ gì, vị trí của các món đồ?”. Sau đó lấy đi một vài thứ trên bàn hoặc đánh tráo vị trí các món đồ cho nhau, để trẻ xem lại một lần nữa. Rồi hỏi xem có thiếu thứ gì không? Vị trí các món đồ có đúng không?

Trò chơi 5: Cho trẻ quan sát tổng thể một bức tranh và đặt câu hỏi: “Bức tranh đó mô tả những gì? Hãy nhắc lại những gì con thấy trong đó?”, cho trẻ nhìn vào tủ lạnh, phòng của chính mình, trong quán cà phê, sau đó cũng đặt câu hỏi: “Con thấy có gì trong đó? Căn phòng được bố trí như thế nào”. Thậm chí nếu khả năng quan sát của trẻ tốt, bạn có thể hỏi sâu hơn vào từng chi tiết trên bàn đó có những gì, bức tranh đó vẽ cái gì, được treo cao hay thấp?

Khi trẻ bắt đầu có ý thức hơn về sự quan sát, bạn có thể nâng cao độ khó và phức tạp hơn cho trẻ. Điều này không chỉ giúp trẻ quan sát sự khác nhau giữa các sự vật sự việc, mà còn giúp trẻ thấy được sự giống nhau trong các sự vật sự việc đó. Tùy vào sự phát triển và tiến bộ của mỗi em, mà có những cách thức tác động sau đây sẽ phù hợp với những trẻ từ 9 đến 10 tuổi.

Cụ thể, giữa con trâu và con bò có những điểm giống và khác nhau chỗ nào. Chẳng hạn như khác là sừng trâu lớn và dài hơn sừng bò, giống là đều có sừng, trong khi động vật khác như chó mèo thì không có.

Hãy cho trẻ học cách phân biệt và nhận diện những đặc điểm như giữa người châu Âu với người châu Á. Người Việt miền Bắc với người Việt miền Nam. Sư tử cái với sư tử đực. Một con công mái với công trống. Xem mọi thứ giống và khác nhau ở những điểm nào.

Mức độ cao hơn nữa, tập cho trẻ vẽ, vì điều này rất có lợi cho sự quan sát. Trẻ có thể vẽ tranh tĩnh vật, phong cảnh hay bất kỳ điều gì trẻ muốn, từ đơn giản cho đến phức tạp. Ban đầu có thể cho trẻ nhìn trực tiếp rồi vẽ lại, sau một thời gian bạn hãy cho trẻ quan sát kỹ những gì chúng sắp vẽ trước. Để hình ảnh đó khắc sâu vào tâm trí, sau đó không cho nhìn nữa mà để những hình ảnh được ghi nhớ đó được vẽ lại.

Trong quá trình quan sát thì nguồn thông tin được thu nhận thông qua thị giác là chính, nên hầu hết các ví dụ đều tập trung vào đây. Ngoài ra, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác cũng có thể góp phần xây dựng hình ảnh trong quá trình quan sát. Bởi vì muốn có khả năng quan sát tối ưu bạn cần vận dụng càng nhiều giác quan càng tốt. Do đó dưới đây là một vài gợi ý mà bạn có thể áp dụng cho con như một trò chơi vui vẻ, nhằm khơi dậy những giác quan còn lại.

Thính giác: Phân biệt giọng nói của người già người trẻ, giọng của những người khỏe mạnh ốm đau, người đang tâm trạng vui vẻ buồn rầu.

Xúc giác: Cho trẻ sờ, chạm, để nhận diện và so sánh hai vật khác nhau.

Như chạm vào da bố mẹ, chạm vào quả cà chua, quả cam, nhựa sắt.

Vị giác: Để con nhắm mắt lại và nếm thử những thực phẩm có trong bếp, nhưng tránh những thứ gây nhiều khó chịu, để trẻ đoán xem đó là món gì, xuất phát từ đâu.

Khứu giác: Bạn để con nhắm mắt và ngửi thử tất cả những gì có thể được. Mùi cơ thể của bố mẹ, mùi nước mắm nước tương, mùi hoa hồng hoa cúc, mùi trái chuối trái cam.

Tóm lại, hãy hướng sự quan sát của đứa trẻ đến một sự vật, sự việc nào đó, rồi cho trẻ miêu tả lại cho bạn nghe.

Trần Huy Toàn
Được tạo bởi Blogger.