TINH HOA GIÁO DỤC 20 (PHẦN 5)
KHƠI GỢI KHẢ NĂNG QUAN SÁT LÀ
CHÌA KHOÁ DẪN ĐẾN TRÍ TUỆ ĐỈNH CAO
IV. TỪ 15 ĐẾN 21 TUỔI, KHẢ NĂNG
QUAN SÁT ĐI SÂU VÀO TRONG TIỀM THỨC VÀ BẮT ĐẦU RÚT RA BÀI HỌC TỪ QUÁ TRÌNH QUAN
SÁT
Lúc này không những đòi hỏi trí quan sát đơn thuần mà còn lập luận tư
duy, hiểu được nguyên nhân, kết quả, từ đó các em có thể rút ra được bài học
trong quá trình quan sát. Mười lăm tuổi trở lên các em có thể học cách phóng tầm
nhìn ra rộng hơn, mà ở đây thiên nhiên là người thầy vĩ đại, luôn có sẵn ở bất
kỳ đâu cho chúng ta quan sát và học hỏi. Có nhiều người sống cách đây hàng chục
ngàn năm hay sống trong hang, trên núi, ít được tiếp xúc với thế giới “văn
minh” của chúng ta, nhưng tại sao nhiều người trong số đó lại có trí tuệ siêu
việt. Đó chẳng phải là họ quan sát mọi mặt trong cuộc sống thường nhật, thiên
nhiên, những sự vật sự việc dưới chân, ngay trước mắt họ, rồi rút ra những quy
luật và thấu hiểu được chân lý từ đó hay sao.
Cho các em quan sát những hòn đá, đá có mặt khắp nơi trong thiên nhiên
và vốn không có giá trị gì khi nằm một chỗ. Tuy nhiên cũng khối đá đó, người ta
mang về điêu khắc, đục đẽo qua hàng trăm, hàng ngàn nhát xẻ lại có giá trị vô
cùng lớn.
Hiểu theo tầng nghĩa cao nhất, nếu Tạo hóa cứ mãi cho con người ở
trong điều kiện thuận lợi, đủ đầy, ấm no, cuộc sống cứ mãi bình lặng trôi, cứ
thuận theo một chiều họ đâu dám vượt qua vòng an toàn, vượt lên chính mình bởi
hoàn cảnh, bởi vòng tròn mặc nhiên. Vậy sẽ không ích lợi gì trên hành trình tiến
hóa. Nên cuộc sống cần có nghịch cảnh, khó khăn, trắc trở, tạo ra muôn vàn
thăng trầm, khổ đau để giúp chúng ta học hỏi, nâng tầm giá trị của bản thân,
đánh thức tiềm năng trong mỗi người. Khi nhận ra mình đang sống trong tình yêu
vĩ đại của Tạo hóa, mọi thử thách đến đều là bài học, vì sự tiến bộ của bản
thân, là kịch bản tốt nhất cho cuộc đời mỗi người. Với góc nhìn như vậy, các em
đón nhận vạn sự diễn ra với mình trong niềm hân hoan, sự biết ơn, dòng chảy năng
lượng tích cực để sống và học hỏi.
Bài học lớn từ biển. Hãy quan sát xem, biển là nơi rộng lớn nhất, chứa
nhiều nước và nuôi dưỡng nhiều loài sinh vật nhất trên trái đất. Nhưng để trở
nên to lớn và được vĩ đại như vậy, biển lại là nơi thấp nhất, thấp hơn núi, thấp
hơn suối, thấp hơn sông. Vì nó chịu ở dưới thấp hơn nên nhờ đó, mọi dòng chảy đều
tự nguyện đổ về biển.
Làm người cũng như vậy, tự đặt mình lên cao là tính kiêu ngạo của bản
thân. Những người có tính như vậy họ không thích phục ai, tự cho mình ở trên,
luôn luôn muốn cao hơn người. Nhưng vì kiêu ngạo kiểu này nên lại bị trì xuống
thấp mà không được lên cao như ý muốn, bị chê bai và bị người đời xa lánh. Cho
nên bạn cần học được hạnh khiêm tốn, ý không muốn hơn ai, luôn luôn tìm kiếm và
chấp nhận khiếm khuyết của mình để cầu tiến, nhằm học hỏi tất cả. Thấy mọi người
đều có chỗ hơn mình, thấy được trong chỗ dở, chỗ thấp kém cái cao cái hay để
mình học hỏi và tiến hóa hơn. Người này sẽ vọt lên cao thật nhanh, dù bản thân
không hề ý thức mình muốn làm cao. Ngã mạn trược chỉ là tính kiêu ngạo ở trạng
thái vụng về, thô thiển, trạng thái năng lượng thấp. Ngã mạn thanh hay đức
khiêm tốn, là trạng thái kiêu ngạo ở trạng thái cao ngã, tế nhị và có năng lượng
cao. Lối tự tôn bằng cách khiêm tốn này sẽ giúp bản thân tiến hóa lên chỗ sáng
suốt. Dĩ nhiên đây phải là đức khiêm tốn thật sự chứ không phải là màu mè, cố
trở nên khiêm tốn để được ca ngợi. Khi tâm bản thân còn vọng động một chút làm
cao, muốn được khen, muốn được xưng tụng, tức là còn vướng mắc ngã mạn, nặng
trược, người đó sẽ bị trì xuống mà chẳng tiến hóa lên cao được. Luôn hòa đồng với
tất cả, luôn học hỏi để tiến bộ, mà tâm không chút vọng tưởng hay mong được cao
được sáng, được quý, được tôn trọng. Giữ gìn tâm ý thanh tịnh, không không, ấy
mới thiệt là biết kiêu ngạo thanh, như hạnh kiêu ngạo của Phật vậy.
Hướng trí quan sát của trẻ đến vòng tuần hoàn bất tận của tự nhiên.
Khi nước bốc hơi lên thành mây, mây tụ rồi lại đổ mưa, mưa lại trở về nuôi dưỡng
cây sinh trưởng, cây lại giữ nước mưa thấm vào lòng đất thành các mạch nước ngầm.
Nước ngầm chảy ra kênh hồ, suối, sông, biển, rồi lại bốc hơi lên ngưng tụ thành
mây và cứ thế mà vòng tuần hoàn bất tận cứ nối tiếp nhau diễn ra. Hạt giống nhờ
đất, nước và độ ẩm để nảy mầm, thêm chất dinh dưỡng từ phân bón cùng với ánh nắng
mặt trời lớn lên thành cây. Cây ra nụ, đơm hoa kết trái cho hạt và cũng héo úa,
về với đất lại thành phân, phân lại làm chất dinh dưỡng cho hạt nảy mầm thành
cây và lại cho hoa, cứ như vậy tuần hoàn mãi.
Đó là luật cộng sinh quân bình, tức là mọi vật mọi việc đều có vai
trò, nhiệm vụ, tuy khác nhau hay thậm chí là đối nghịch, nhưng giúp nhau tồn tại
và phát triển. Ở đây chúng ta cũng cần hiểu được vô thường trong ý nghĩa tương
tác, có nghĩa rằng vạn vật đều tương tác với nhau, đều phụ thuộc lẫn nhau để tồn
tại và ảnh hưởng lẫn nhau. Chúng ta có thể đã nghe đến “hiệu ứng cánh bướm”,
nghĩa là một con bướm vỗ cánh ở nửa kia của quả địa cầu thì sẽ gây ảnh hưởng đến
thời tiết ở nửa còn lại. Không có bất cứ thứ gì có thể tồn tại độc lập, một
mình - vạn vật đều tương tác, phụ thuộc lẫn nhau, không bất biến. Hiểu theo một
tầng nghĩa hẹp, mỗi người sẽ đảm nhận một vai trò, một nhiệm vụ, công việc,
năng tài khác nhau. Mỗi người sẽ đều là một mảnh ghép hoàn hảo của tạo hóa, có
ý nghĩa riêng. Khi các em thông qua quan sát mà thấu triệt được bài học đó
chúng sẽ xóa đi mặc cảm tự ti hoặc là sự ngạo mạn của bản thân, xóa đi những
suy nghĩ phân biệt, hướng sự hòa hợp với vạn vật.
Quan sát vạn vật xung quanh sẽ thấy mọi thứ đều không ngừng biến đổi, bông
hoa có tươi đẹp cũng sẽ tàn, gió mạnh không thổi ngày dài, mưa lớn không trút
suốt tháng. Trời đất còn biến đổi huống chi con người? Trẻ đẹp rồi già, tình
yêu cũng sẽ nhạt phai, khỏe mạnh rồi cũng suy yếu, tiền tài rồi cũng ra đi,
công danh rồi cũng tiêu tan.
Nếu đứa trẻ chịu quan sát và nghiền ngẫm sẽ nhận ra rằng mọi thứ đều sẽ
luôn biến đổi, nay được mai mất, cái gì đến sẽ đi. Chúng chẳng thể nắm giữ hay
bám chấp được điều gì cả, thậm chí ngay cả sinh mạng của mình. Luôn luôn chiêm
nghiệm điều đó, cho đến lúc thực sự thấu triệt được sự vô thường trong đời người.
Luôn luôn quý trọng, nâng niu, gìn giữ những gì đến trong cuộc đời mình cho đến
ngày chúng vụt mất đi. Nhưng không sao cả. Bởi vì, các em đã nhìn thấy trước được
sự bất toàn, vô thường, vô chủ từ trước. Thấy được nguyên nhân của khổ đau, các
em buông bỏ, không ràng buộc, không dính mắc nên sự khổ đau không còn phát sinh
nữa. Thấu hiểu được như vậy, là lúc giải thoát được bản ngã ra khỏi rất nhiều
điều khiến chúng sầu khổ.
Tùy vào bản tính mỗi đứa trẻ mà có đứa không có khả năng tập trung
quan sát cao, cần có những chiều kích thích khác nhau. Thông qua sự tò mò, dẫn
dụ bằng lợi ích, hay một chút cảm giác nguy hiểm nếu cần thiết để tăng cường khả
năng cho các em. Trong đó cũng có một số trẻ chỉ muốn và tập trung chú ý không
vì lợi ích hay vì nguy hiểm nào cả. Những đứa trẻ này có ý chí rất cao, là người
sau này thường rất có khả năng nắm giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Nhưng dù
là đứa trẻ nào đi nữa thì việc tác động có chủ đích của bạn sẽ trực tiếp ảnh hưởng
đến sự thành bại của trẻ về sau. Nếu bạn không phải là người giỏi quan sát, thật
khó tưởng tượng bạn có thể làm gì giúp con nhỏ có thể phát triển năng lực này.
Nhưng với những gợi ý ở trên, nếu bạn nỗ lực học hỏi bạn cũng có thể giúp con
mình đánh thức được trí quan sát, để trẻ có thể tự phát triển, khi có nhu cầu
muốn hiểu và khám phá bản thân.
Chúng ta muốn đánh thức trí thông minh và năng lực tư duy của trẻ thì
trí quan sát là một phần không thể thiếu. Người có trí quan sát tốt, sẽ có thể
học mọi lúc mọi nơi, vốn hiểu biết ngày một tăng trưởng, sự phát triển không bị
giới hạn bởi không gian và thời gian. Trẻ được tự do học tập suốt đời, bởi vì bất
kỳ đâu cũng có những sự vật, hiện tượng để quan sát, rút ra được bài học. Người
đó thực sự có khả năng trở thành một nhà khoa học lỗi lạc hay một bậc thầy minh
triết, vì mọi sự cũng bắt nguồn từ quan sát mà ra. Nhưng tiếc thay, trí quan
sát ít được nhiều người nhìn nhận và đánh giá đúng tầm quan trọng như vốn có của
nó. Mãi cho đến những thập niên đầu thế kỷ XXI, thông qua những cuốn sách về
ngôn ngữ cơ thể, người ta mới bắt đầu chú ý đến. Nhưng sự quan tâm này cũng còn
ở mức rất giới hạn, chỉ được sử dụng cho một vài công việc và hướng đến người lớn
là chính.
Vạn vật sinh ra từ Đạo, vì vậy từ con côn trùng, chiếc lá, viên sỏi, một
giọt nước đến con người,… đều ẩn chứa Đạo. Cho nên mỗi chúng ta chỉ cần quay
vào bên trong quan sát chính mình sẽ ngộ Đạo, thấu hiểu vạn vật và toàn bộ ý
nghĩa cuộc đời.
Trần Huy Toàn