VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: TẠI SAO CÓ NHỮNG CÂU HỎI MÀ ĐỨC THẾ TÔN LÀM THINH KHÔNG TRẢ LỜI?
- Thưa đại đức! Đức Thế Tôn đúng là một bậc thầy lỗi lạc trong tam giới,
hằng giáo huấn, dạy dỗ chúng sanh không mệt mỏi phải chăng?
- Thưa vâng!
- Và Đức Thế Tôn dạy đạo là luôn với bàn tay mở ra chứ không phải là với
bàn tay nắm lại? Ngài chẳng có bao giờ cố ý che giấu pháp, tiết kiệm pháp, phải
vậy chăng?
- Thưa vâng!
- Bạch đại đức! Thế tại sao có vị đại đức con một nữ bà-la-môn tên là
Màlanghà đến hỏi đạo Đức Thế Tôn, ngài lại im lặng không trả lời? Có thể Đức Thế
Tôn không thông hiểu vấn đề chăng? Hoặc là câu hỏi ấy hóc búa ngài không giải
đáp nổi chăng? Hoặc là ngài cố ý che giấu ý nghĩa, che giấu pháp, tiết kiệm
pháp chăng?
- Chẳng phải thế đâu, đại vương! Không thể hiểu đơn giản, là khi có
người đặt câu hỏi, Đức Phật sẽ trả lời hoặc không trả lời! Chính Đức pháp chủ
Xá-lợi-phất có dạy rằng, một câu hỏi có thể được trả lời bằng một trong bốn
cách khác nhau:
* Một là, có câu hỏi phải giải đáp ngay tức thời, giải đáp ngay
"một cái một"!
* Hai là, có câu hỏi thì phải chia chẻ ra để giải đáp từng phần.
* Ba là, có câu hỏi - phải cần hỏi lại rồi mới giải đáp.
* Bốn là, có câu hỏi không nên trả lời mà phải làm thinh!
Đức vua Mi-lan-đà hỏi:
- Đại đức có ví dụ nào về câu hỏi phải giải đáp ngay tức thời, đáp
ngay một cái một?
- Thưa vâng, ví dụ câu hỏi: Danh sắc là thường hay vô thường? Thọ, tưởng,
hành, thức là thường hay vô thường? Các loại câu hỏi ấy là phải đáp ngay
"một cái một", tâu đại vương!
- Vâng, trẫm hiểu rồi. Thế các loại câu hỏi nào phải chia chẻ ra để giải
đáp từng phần?
- Thưa, ví dụ câu hỏi: Thế nào là tiến trình sinh diệt của ngũ uẩn?
Câu hỏi ấy muốn cho người ta hiểu rõ thì phải cắt nghĩa, trình bày về hành tướng
của sắc, xong rồi mới đến thọ, đến tưởng, đến hành, đến thức. Phải nói rõ chức
năng và hoạt dụng của từng tâm sở, sau đó mới giải thích được tiến trình sinh
diệt của ngũ uẩn đó ra sao!
- Hay lắm! Còn loại câu hỏi phải hỏi ngược lại, đại đức có thể cho
nghe ví dụ chăng?
- Vâng, có thể được. Ví dụ loại câu hỏi: Người ta có thể cảm nhận được
trần cảnh qua con mắt phải chăng? Thưa đại vương, vì câu hỏi ấy mơ hồ, không rõ
nghĩa - nên cần phải được hỏi lại. Ví dụ, sẽ hỏi lại: Ông có thể cho biết cái
gì là trần cảnh? Ví dụ, người kia trả lời: Các hình tướng, sắc pháp mà mắt cảm
nhận được gọi là trần cảnh! Khi được trả lời như vậy ta có thể hỏi lại: Thế âm
thanh, mùi vị ... không phải là trần cảnh sao?... Tất cả các câu hỏi ấy nhằm để
cho người hỏi hiểu rõ rằng tất cả ngũ trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, đều là
trần cảnh. Và cảm nhận trần cảnh ấy không phải chỉ có con mắt mà còn có tai,
mũi, lưỡi và thân nữa!.
- Cảm ơn đại đức! Chẳng có sự giải đáp nào rõ nghĩa hơn thế nữa. Nhưng
còn loại câu hỏi thứ tư, tại sao phải im lặng!
- Thưa, vì các loại câu hỏi ấy là rỗng không, phù phiếm, hý luận ...
chỉ đưa đến não hại chứ không đưa đến lợi ích nên phải làm thinh!
- Xin đại đức cho ví dụ.
- Vâng! Ví dụ: Thế giới hữu biên hay vô biên? Sanh mạng và thân thể là
một hay là hai? Sau khi Niết bàn rồi Như Lai còn hay mất?!... Tâu đại vương! Đấy
là những câu hỏi mà ta phải im lặng vì chính chúng là rỗng không, phù phiếm, hý
luận ... không đưa đến ly tham, giác ngộ, giải thoát ..., nghĩa là chỉ làm mất
thì giờ, có hại và không có lợi vậy!
- Trẫm chấp nhận trọn vẹn tất cả mọi kiến giải của đại đức!
-ST-