HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 20 (PHẦN 2)

KHƠI GỢI KHẢ NĂNG QUAN SÁT LÀ CHÌA KHOÁ DẪN ĐẾN TRÍ TUỆ ĐỈNH CAO

I. XUYÊN SUỐT GIAI ĐOẠN TỪ 0 ĐẾN 10 TUỔI CÓ HAI ĐIỀU CẦN QUAN TÂM ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG QUAN SÁT CHO TRẺ

1. Để yên cho trẻ tập trung quan sát

Từ lúc nhỏ, ngay khi trẻ có những biểu hiện của việc chú ý quan sát bằng cách dán mắt vào một vật hay một sự việc nào đó, cụ thể như nhìn các bạn cá đang bơi, côn trùng đang bò, kem đang tan, hay một bức ảnh,… tuyệt đối bạn đừng nên can thiệp, đừng cắt ngang sự tập trung của trẻ, hãy để như thế, thậm chí nếu việc đó kéo dài đến hàng giờ liền.

Đừng vì những chuyện vặt mà làm gián đoạn sự quan sát của trẻ. Chẳng hạn sắp đến giờ ăn cơm bạn gọi con về, nhưng lại thấy trẻ đang tập trung quan sát một chiếc lá hay một con kiến. Đừng gọi nữa, hãy kiên nhẫn chờ. Hoặc bạn có chuyện muốn hỏi con, nhưng khi đó trẻ đang tập trung chơi búp bê nên không nghe hoặc không muốn trả lời, tuy nhiên bạn lại liên tục lặp lại câu hỏi và bắt trẻ phải trả lời câu hỏi của mình. Nếu rơi vào tình huống như thế, thì bạn đừng làm như vậy nữa. Hay khi trẻ đang tập trung vào một trò chơi, vẽ, tô màu, tuy nhiên, trước đó trẻ đang xem tivi nhưng quên chưa tắt và bạn muốn nhắc con rằng: “Con yêu, hãy đi tắt tivi rồi chơi tiếp, vì con là người lúc nãy bật nó”. Đừng làm vậy hãy kiên nhẫn chờ đợi, hoặc bạn cũng có thể bỏ qua một vài sai sót, tắt tivi giúp trẻ.

Nếu bạn phá vỡ việc tập trung quan sát lúc nhỏ, trẻ lớn lên có thể sẽ mất đi trí quan sát, sự tập trung, dễ bị sao nhãng khi làm việc, nghiên cứu.

2. Tác động gián tiếp đến thế giới quan của trẻ, là hình mẫu lý tưởng về khả năng quan sát cho các em bắt chước

Khi nói chuyện với trẻ hãy thường xuyên dùng cách nói “miêu tả và kể lại” những sự vật sự việc vừa trải qua hoặc đang diễn ra trước mắt, nhằm tác động khả năng quan sát của trẻ một cách tự nhiên.

Cụ thể, hai bố con trên đường về nhà gặp tàu hỏa chạy qua, bạn và trẻ có thể đứng lại xem và mô tả lại những gì đang diễn ra: “Bố thấy một đoàn tàu lửa thật dài, phía trước đầu kéo có màu nâu, trên đó có một người đang đứng nhìn ra. Những toa phía sau là khoang hành khách, có một vài người ở toa đầu tiên vẫy tay chào, người ở toa phía sau đang ngồi nói chuyện. Khoang cuối cùng không có cửa sổ, có lẽ là đang chở hàng.”

Miêu tả lại cách ăn mặc, hình dáng của người mà bạn và con vừa mới trò chuyện: “Chú vừa nãy mặt áo khoác màu đen, mặt chiếc áo sơ mi bên trong màu xanh, chiếc quần dài lại có màu đỏ, mang đôi giày thể thao. Dáng vẻ gấp rút chắc đang có chuyện gì đó nên đi vội.”

Đang chuẩn bị ăn cơm, bạn nói với trẻ: “Con biết món nào mẹ nấu ra trước không? Món này mẹ nấu ra trước, nó nguội rồi. Món này mẹ nấu ra sau nên vẫn còn nóng, hơi vẫn còn bốc lên, có nghĩa là vừa được nấu cách đây vài phút thôi.”

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.