VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: PHẬT VÀ CHƯ TĂNG, AI PHƯỚC BÁU NHIỀU HƠN
Hôm sau, sau khi an vị nơi chỗ ngồi, đức vua Mi-lan-đà lại hỏi tiếp:
- Thưa đại đức, Bà Pajàpati Gotàmì là di mẫu của Phật, có dâng cúng đến
Đức Phật một bộ y quý giá, nhưng Đức Phật không thọ nhận, lại nói với bà rằng:
"Hãy cúng dường bộ y này đến Chư Tăng, vì cúng dường đến Chư Tăng cũng như
cúng dường đến Như Lai vậy." Chẳng hay điều ấy có đúng chăng?
- Thưa, quả có như thế.
- Như vậy chứng tỏ rằng Đức Phật không cao quý hơn Tăng, không cao thượng
hơn Tăng, không phải là bậc thầy tối thượng của Tăng rồi! Đại đức nghĩ như thế
nào? Bộ y kia đã được làm ra thật công phu, mất biết bao nhiêu là thì giờ cùng
tâm huyết? Chính tự tay bà Pajàpati Gotàmì cán bông, bắn bông, quay sợi rồi tự
dệt lấy. Thế mà Đức Thế Tôn đã cam tâm từ chối! Nếu Đức Thế Tôn quả đã tròn đủ
các đức tánh cao thượng đặc biệt phi thường hơn Tăng thì ngài đã thọ nhận để
cho bà di mẫu - vốn có ân đức nuôi dưỡng ngài từ nhỏ - được phước báu to lớn mới
phải. Chuyện xảy ra như vậy làm cho trẫm có hai mối nghi, thưa đại đức . Mối
nghi thứ nhất là phước báu của Phật không hơn phước báu của Tăng. Mối nghi thứ
hai là Đức Thế Tôn quên nghĩ đến ân đức dưỡng dục đối với bà di mẫu của mình!
- Tâu đại vương, cả hai mối nghi của đại vương đều chính đáng, tuy
nhiên, việc làm của Đức Phật chứng tỏ Đức Phật cao thượng hơn đại vương nghĩ rất
nhiều.
- Xin đại đức hoan hỷ giải thích cho nghe.
- Bần tăng muốn giải thích bằng ví dụ.
- Vâng, trẫm rất vui lòng.
- Ví như đại vương sắp truyền ngôi cho một vị hoàng tử vậy. Muốn cho
hoàng tử sau này được mọi người tôn trọng, nể phục, khả dĩ có đủ uy tín để lãnh
đạo quốc độ, có đủ uy tín với lân bang; nên trước mặt bá quan văn võ triều
đình, trước mặt các sứ thần ngoại giao, đại vương thường ca ngợi tài đức, phẩm
hạnh của hoàng tử. Đại vương làm như thế là nghĩ đến sơn hà xã tắc trong tương
lai, hay làm như thế vì nghĩ rằng hoàng tử cao quý, cao thượng hơn đại vương?
- Dĩ nhiên là trẫm nghĩ đến quốc độ sau khi trẫm nhắm mắt.
- Việc ca ngợi phước báu của Tăng cũng y như thế. Đức Phật vì nghĩ đến
tương lai của giáo pháp, muốn cho giáo pháp được thịnh mãn lâu dài nên Đức Phật
mới ca tụng phước báu của Tăng. Dù sao, đến thời phải lẽ, Đức Phật sẽ nhập diệt;
và kẻ kế thừa sự nghiệp hoằng truyền giáo pháp tồn tại năm ngàn năm là sứ mạng
của Tăng. Tăng còn thì giáo pháp còn, cho nên Đức Phật khuyên bà di mẫu cúng dường
đến Tăng cũng vì lẽ ấy. Đức Phật nghĩ đến Tăng cũng như đại vương nghĩ đến vị
hoàng tử của đại vương vậy, đâu phải vì Tăng cao quý, cao thượng hơn Đức Phật!
Đại vương hãy suy gẫm thử xem?
- Có lý lắm, trẫm đã suy gẫm rồi. Nhưng đại đức có ví dụ nào nữa
chăng?
- Ví như cha mẹ vì thương con, lo lắng, chăm sóc con. Ngoài vấn đề lo
cơm ăn áo mặc cho đầy đủ, đôi khi cha mẹ còn bóp tay, bóp chân tắm rửa, kỳ cọ,
thoa dầu, trang điểm cho con nữa. Việc làm ấy của cha mẹ có phải là vì con cái
cao quý, cao thượng hơn cha mẹ không, hở đại vương?
- Không phải thế. Mà vì cha mẹ nào cũng thương con, hằng lo cho con,
mong cho con được sung sướng, được xóm làng nể trọng, để còn kế thừa sự nghiệp,
đem lại danh thơm tiếng tốt cho gia đình, tổ tiên...
- Vâng, đúng là vì Đức Phật hằng chăm lo cho Tăng trong mai hậu được đầy
đủ tứ sự cúng dường, được ngoại giáo và thế gian nể trọng, để thừa tự giáo pháp
cho được xán lạn và vinh quang, tâu đại vương!
- Ngài còn ví dụ nào nữa chăng?
- Ví như một nước lân bang vốn quy phục đại vương, đem cống hiến cho đại
vương những phẩm vật quý giá. Đại vương lại đem vật cống hiến ấy tặng cho vị quốc
sư mà đại vương hằng kính trọng và thương mến. Người ta có vì lẽ đó mà bảo quốc
sư ấy cao quý và cao thượng hơn đại vương chăng?
- Không thể bảo như thế được. Sở dĩ mà trẫm đem vật quý giá ấy ban tặng
cho vị quốc sư là vì vị quốc sư xứng đáng được hưởng, ngoài ra, trẫm còn muốn
văn võ bá quan trong triều đình tôn trọng danh dự và địa vị của vị quốc sư ấy nữa.
- Đức Thế Tôn là bậc thầy tối thượng của Tăng, là bậc thầy của chư
thiên và nhân loại; ngài vĩ đại, cao thượng và cao quý hơn tất thảy chúng sanh
trong tam giới, ân đức và phước báu của ngài ai nào dám so sánh được, tâu đại
vương? Ở trong kinh Samyutta Nikàya (Tương ưng bộ) có kệ ngôn như sau:
"Cao quý hơn tất cả các núi ở tuyết lãnh chỉ có Tuyết Sơn. Mặt trời là bá
chủ, là cao quý hơn tất thảy các vật giữa hư không. Biển cả cao quý hơn tất cả
sông hồ trên mặt đất. Mặt trăng cao quý hơn tất cả các vì tinh tú. Giữa tam giới,
Đức Phật cao quý, cao thượng hơn tất cả chúng sanh." Lại nữa, Đức Pháp chủ
Sàriputta có thuyết rằng: "Trên thế gian này chỉ có một người, một con người
duy nhất, độc nhất, trải qua vô lượng kiếp tu tập các công hạnh, là kẻ tế độ
chúng sanh; sanh ra trong thế gian là vì sự an vui, tiến hóa, sự lợi ích cho
chư thiên và loài người. Vị độc nhất vô nhị ấy chính là Đức Chánh Đẳng Giác, bậc
A-la-hán vô song, là Đức Phật Sakya Muni vậy." Tâu đại vương! Đức Phật cao
quý và cao thượng như thế thì tâm bi mẫn của ngài đối với Chư Tăng mai hậu, đối
với tiền đồ của giáp pháp cũng giống như đại vương đối với hoàng tử, như cha mẹ
lo cho con, như đại vương ban tặng phẩm vật cho vị quốc sư vậy. Đại vương đã
sáng tỏ chưa?
- Sáng tỏ rồi. Nhưng còn mối nghi thứ hai?
- Vậy đại vương nghĩ thế nào? Bà di mẫu cúng dường bộ y quý giá do tự
tay mình làm đến Đức Phật là do động cơ nào thúc đẩy?
- Có lẽ là do động cơ mẹ con, nghĩa là nặng về tình cảm cá nhân hơn là
bố thí cúng dường vì tâm ly tham, vì các trạng thái tâm cao thượng.
- Cúng dường, bố thí do tình cảm cá nhân, phước báu sẽ như thế nào so
với sự cúng dường, bố thí bằng các trạng thái tâm cao thượng như xả, ly tham hoặc
chỉ nghĩ đến Tăng cùng sự tồn tại lâu dài của giáo pháp?
- Dĩ nhiên bố thí cúng dường với các trạng thái tâm sau, phước báu sẽ
thù thắng hơn nhiều.
- Đức Thế Tôn chính vì nghĩ đến ân đức to lớn của bà di mẫu nên ngài
đã tạo duyên cho bà cúng dường bố thí đến Tăng, để bà hưởng được phước báu thù
thắng trong mai hậu vậy. Điều lợi ích ấy chính đại vương đã tự nói ra.
- Vâng, hóa ra Đức Thập Lực Tuệ đã giúp cho bà di mẫu cúng dường cao
thượng để bà hưởng được phước báu cao thượng. Trẫm đã rõ. Ôi! Hay vậy thay! thật
là những ý nghĩa vàng ngọc, cao quý vậy thay!
-ST-