TINH HOA GIÁO DỤC 25 (PHẦN 1)
BƯỚC NGOẶT
TUỔI DẬY THÌ, BIẾN CÁ CHÉP HÓA RỒNG
Mỗi giai đoạn lớn lên của một đứa trẻ sẽ đảm nhận một nhiệm vụ riêng, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì cũng là một trong những chặng đường cần phải thực thi một nhiệm vụ nào đó. Mà sự định hướng đúng đắn giáo dục lúc này có thể giúp cá chép hóa rồng, vịt hóa thiên nga hoặc ngược lại.
Bước vào giai đoạn thứ ba của cuộc đời từ 15 đến
21 tuổi, nhiệm vụ cần hoàn thành là đưa thể cảm xúc đã được nuôi dưỡng trước đó
vào trải nghiệm trong cuộc sống. Trước tuổi dậy thì, chúng ta cần nuôi dưỡng
chúng, trong lúc này hãy luôn nhớ rằng thể cảm xúc của các em cần sự giúp đỡ của
người lớn để phát triển. Có nghĩa là người lớn khẳng định cảm xúc của các em, hỗ
trợ đứa trẻ để chúng tự nói lên cảm xúc của mình, quan tâm, tạo điều kiện cho cảm
xúc phát triển, giống như cơ thể vật lý của trẻ nhỏ được “bao bọc” trong bào
thai của người mẹ. Việc còn lại là sau khi bắt đầu dậy thì, cần đưa cơ thể cảm
xúc giờ đây đã độc lập tiếp xúc với những ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài mà nó
có thể tiếp nhận và xử lý trong trạng thái không được bảo vệ bởi vỏ bọc xung
quanh. Để cùng các em bình an đi qua tuổi dậy thì và tạo ra được bước ngoặt
trong giai đoạn này, cần lấy nền tảng chăm sóc và bồi dưỡng sớm ngay từ trước.
I. TÔN TRỌNG
CON LÀ TÔN TRỌNG CHÍNH MÌNH
Nhiều người trong chúng ta vẫn còn quan niệm, suy
nghĩ cứng nhắc, đánh giá chưa đúng khả năng, chưa đặt niềm tin vào trẻ em, từ
đó dẫn đến cách hành xử chưa hợp lý, thiếu tôn trọng các em. Nên bạn cứ thích mặc
định những gì bạn nghĩ, bạn chọn, bạn nói thay cho trẻ mà ít khi thực sự cân nhắc
tới ý kiến của trẻ. Cho dù đó có thể là những việc cá nhân của trẻ như cách trẻ
ăn mặc, đi chơi, làm việc gì, thể hiện bản thân ra sao, thích cái gì nhất, lúc
các em còn nhỏ và chưa có ý thức nhiều về bản thân. Nhưng đến tuổi dậy thì, các
em ý thức hơn về hình ảnh của mình và muốn thể hiện cảm xúc của bản thân một
cách mạnh mẽ hơn. Bao nhiêu sự đè nén, kìm kẹp bấy lâu bỗng có cơ hội được bộc
phát, các em bắt đầu ngầm phá vỡ hoặc trực tiếp phá bỏ tất cả những gì từ trước
đến giờ mà bạn đã áp đặt.
Mặc định tương tác như thế đã làm cho nhiều đứa trẻ
lột xác không thành công, để lại hậu quả của việc giáo dục áp đặt ở khắp mọi
nơi. Trẻ lớn lên thể hiện bản thân bằng nhiều cách không ai muốn, có một số thu
mình vào trong vỏ ốc không muốn giao tiếp với ai, đặc biệt với bố mẹ chúng. Nhiều
em sẽ tìm đến thuốc lá, rượu bia, sống ảo, chơi game, đua xe, nhuộm tóc, xăm
hình, hay thậm chí gia nhập hoặc thành lập băng nhóm. Vì ở trong các môi trường
mới các em có thể tha hồ thể hiện bản thân, thậm chí có thể lôi kéo tạo ảnh hưởng
đến người khác, làm những gì các em muốn, có được không gian thế giới mà ở đó
có thể tự mình làm chủ bản thân. Đây là thứ mà ngoài đời thực đến mơ cũng khó
có thể thấy được, vì cuộc sống thực tại trong gia đình không cho các em được sống
tự do, thể hiện bản thân theo mong muốn của mình.
Để đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì bình an, cân bằng,
ổn định và có những bước chuyển mình trở nên tốt đẹp hơn. Thiết nghĩ chúng ta cần
thay đổi lại cách hành xử với trẻ ngay từ lúc các em còn nhỏ, bằng những hành động
cụ thể như sau.
Lúc trẻ còn nhỏ hãy cho trẻ một không gian thể hiện,
một vòng tròn tự do, nếu nhà bạn đủ lớn hãy cho trẻ một căn phòng riêng, nếu
không có điều kiện đó sẽ là một góc nhỏ nơi dành cho trẻ. Làm chiếc ghế và một
chiếc bàn phù hợp với chiều cao của trẻ, làm móc quần áo riêng để con có thể tự
treo đồ. Trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc trong không gian như vậy, nơi mà trẻ có thể
tự do và tự chủ làm những thứ mình thích. Hãy thực sự tôn trọng không gian đó,
nếu muốn xâm nhập bạn hãy xin phép trẻ, muốn mượn đồ gì hãy xin phép các em, chắc
chắn những đứa trẻ sẽ thích được trải nghiệm cảm giác này.
Những vấn đề có liên quan đến trẻ như ăn gì, đi
đâu, mặc gì, thể hiện bản thân như thế nào, bạn cần hỏi ý kiến trẻ và để cho
các em có quyền quyết định. Cho trẻ được quyền thể hiện bản thân, vui chơi nếu
mọi chuyện không đi quá giới hạn, không gây hại cho bản thân và những người
xung quanh thì không nên can thiệp. Bạn hãy đứng ngoài quan sát và chấp nhận điều
này như một thực tế của cuộc sống.
Khi trẻ dần lớn lên bắt đầu qua tuổi lên 10, với
những vấn đề lớn hơn trong gia đình như: “Bố muốn mua một cái tủ, con nghĩ màu
gì thì thích hợp. Cả nhà định đi chơi xa con nghĩ nên chuẩn bị những gì. Bố mẹ
định vay ít tiền con có góp ý gì không. Nhà mình hôm nay có khách con xem nên nấu
món gì thì được, con có thể giúp bố cùng tiếp khách không… ”. Nên trao đổi với
trẻ, dù những ý tưởng của trẻ đưa ra có đi xa đến đâu cũng hãy chấp nhận và lắng
nghe. Bạn sẽ chẳng mất gì khi hỏi như vậy, nhưng lại giúp trẻ có khả năng suy
nghĩ độc lập, hơn hết là các em cảm nhận được tầm quan trọng của bản thân và được
nói lên cảm xúc, niềm mong muốn của mình.
Đứa trẻ được tôn trọng sẽ trở nên tự tin.
Trần Huy Toàn