TINH HOA GIÁO DỤC 26 (PHẦN 4)
PHƯƠNG PHÁP
GIÁO DỤC CHO TRẺ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI, LỐI THOÁT CHO NỀN GIÁO DỤC HIỆN HÀNH
IV. ÁP DỤNG
Dựa trên những đặc điểm tâm lý như vậy tôi đã tiến
hành áp dụng vào đào tạo trẻ em và được tóm tắt như sau: Cụ thể đối với trẻ em
đến trước năm 14 tuổi, sau khi đã hướng các em đến những điều chúng mong muốn
và yêu thích. Không như cách mà nhiều người vẫn làm, với tư cách là người thầy,
người đào tạo, huấn luyện viên dạy múa cho những đứa trẻ, ban đầu khi tôi muốn
hướng dẫn các em một phong cách múa nào đó như múa hiện đại, múa cổ trang, múa
tự do,… tôi sẽ biểu diễn điệu múa đó trước, nhằm tạo hình mẫu cho các em tham
khảo và học hỏi. Nhảy múa, hướng dẫn là việc của tôi, nhưng các em có bắt chước
làm theo tôi hay không thì tôi không ép. Tôi cũng không “dạy” các em múa giống
như những gì mình đã làm, mà việc tôi múa cho các em xem như một ngòi nổ để
đánh thức bản năng bên trong của chúng. Thời gian đầu, tôi không hướng dẫn các
em đến một loại hình múa cụ thể nào cả nên tôi cho trẻ học hỏi, tìm hiểu thêm
nhiều điệu nhảy, múa và các thể loại khác nhau trên khắp thế giới. Mục đích là
để không đóng khung trí não của các em lại ở một loại hình nhất định nào cả. Rồi
khi nhảy, múa tôi khuyến khích mỗi em cảm nhận, thể hiện theo cách riêng của mỗi
em. Cũng như việc sắp xếp đội hình, cách tổ chức múa, tôi đều để tự các em dàn
dựng, tổ chức tôi ở ngoài chỉ hỗ trợ và giúp đỡ khi các em cần.
Tôi cho rằng giáo dục là khơi dậy những giá trị đã
sẵn có bên trong mỗi đứa trẻ và lồng ghép chúng thông qua các hoạt động để trẻ
có thể tiếp nhận một cách tự nhiên, thỏa mái. Thông qua sự hiểu biết và linh hoạt
của người hướng dẫn chứ không phải là sự cứng nhắc, khắt khe, khó chịu hay là đưa
từ bên ngoài vào và quá trình giáo dục thuận tự nhiên này có được kết quả như
sau.
Bài học thứ nhất, sau một thời gian đào tạo theo
cách này tôi thấy rằng mặc dù không ép buộc hay bắt trẻ học theo điệu nhảy vũ đạo
của mình, nhưng khi có nhạc lên, trong điệu múa của các em, lại có những điệu
nhảy điệu múa mà các em đã từng thấy. Đồng thời trong lúc tập múa với nhau, các
em lại quan sát những bạn xung quanh và lại học hỏi thêm được nhiều động tác mới.
Ý nghĩa cao nhất đối với giáo dục đào tạo, khi có
hứng thú với một việc nào đó chỉ cần có môi trường phù hợp trẻ sẽ tự có nhu cầu
học hỏi mà không cần ép buộc hay gò bó trẻ, với bản năng tự học sẵn có trong
người, đứa trẻ sẽ lo những việc còn lại. Vậy nên bạn hãy tinh tế khi muốn dạy
trẻ bất cứ điều gì. Với cách tiếp cận này việc của bạn là tạo ra môi trường phù
hợp và xứng đáng cho trẻ phát triển.
Bài học thứ hai, vì tôi không biên đạo ra một hệ
thống múa để các em làm theo, mà luôn hướng suy nghĩ cho các em rằng hãy múa
theo cách riêng, theo ý chí cá nhân, theo tiếng nói bên trong của mình. Nên chỉ
một bản nhạc, một âm hưởng nhưng 100 em bé là 100 điệu múa và 100 cách cảm nhận
khác nhau, thể hiện riêng cá tính, bản sắc của mỗi em. Hơn nữa tôi luôn động
viên, các em hãy tạo thêm thật nhiều động tác mới và khen ngợi quá trình các em
phát minh ra động tác mới, nên có cả một bầu trời sáng tạo.
Khác với cách truyền thống làm triệt tiêu sự sáng
tạo, khi 100 em có cá tính, cảm nhận, tâm hồn khác nhau lại hành động giống y
như nhau. Đồng thời vì được cho xem rất nhiều các kiểu múa khác nhau từ nhiều
người, nhiều quốc gia, sau đó các em được tự do chọn lựa, được mình múa theo
phong cách hay thể loại múa nào phù hợp nhất với bản thân. Rồi tự cảm nhận, lắng
đọng, tích hợp thành phong cách riêng của mình nên các em đều có cách thể hiện
theo cách không ai giống ai.
Phải chăng đó là những gì đã diễn ra với Lý Tiểu
Long, người sáng lập võ phái chiến đấu thực dụng Triệt Quyền Đạo, cũng là ngôi
sao điện ảnh và là thần tượng của hàng triệu con người của những năm 70 của thế
kỷ XX. Đầu thế kỷ XXI lại xuất hiện DK Yoo, một chuyên gia võ thuật người Hàn
Quốc, cũng có những đặc điểm tương tự. Điều đáng nói ở đây không phải là võ thuật
họ giỏi đến mức nào, mà là phong cách võ thuật của họ mang đậm chất cá nhân. Để
hình thành nên phong cách võ thuật mang thương hiệu rất riêng, hai con người
tiêu biểu đó có một thứ rất giống nhau, mà từ đấy ta có thể rút ra bài học cho
việc đào tạo, rèn luyện trẻ em. Đó chính là họ được học nhiều môn võ khác nhau,
đồng thời tư duy của họ không bị giam cầm bởi những gì mình đã học. Họ tích hợp
được nhiều thứ vào trong võ thuật, tưởng chừng như chẳng liên quan gì với nhau,
rồi lắng đọng tất cả những thứ mình học được và cho ra thứ mới mẻ theo cảm nhận
riêng của mình. Một đứa trẻ cũng nên được giáo dục và đào tạo theo chiều hướng
như thế.
Trong môi trường khi mọi đứa trẻ được tự do, trẻ sẽ
tìm cách sống và học hỏi sao cho phù hợp nhất với bản thân, thông qua đó sẽ có
những đóng góp khác nhau cho cộng đồng. Đứa trẻ cần được phát triển toàn diện
trước khi bị nhào nặn trong khuôn khổ chật hẹp và cứng nhắc của tiến trình
chuyên môn hóa. Đứa trẻ sau này có thể trở thành một quan chức, thương nhân,
nhà khoa học, nhà binh, tu sĩ… nhưng không hình ảnh nào trong số đó được phép
trở thành mục tiêu chính đáng của giáo dục cả.
Bài học thứ ba, Tiến sĩ Marian Diamond tại Trường
Đại học California, ông đã từng làm một thí nghiệm nổi tiếng. Ông đặt những con
chuột vào hai môi trường khác nhau với nhiều tác nhân kích thích và thiếu tác
nhân kích thích. Những con chuột trong môi trường thiếu tác nhân kích thích ở
trong một cái lồng rỗng tuếch cả ngày, còn những chú chuột trong môi trường
giàu tác nhân kích thích rượt theo guồng cối xay, trèo lên thang, chạy điên cuồng
trong mê cung cả ngày. Kết quả chỉ ra rằng: “Những chú chuột trong môi trường
thiếu kích thích có bộ não phát triển hạn chế, ít giao thiệp xã hội và chết sớm.
Nhóm ở trong môi trường giàu tác nhân kích thích sống lâu hơn, xây dựng thành
công mạng lưới quan hệ xã hội và bộ não phát triển hơn với khả năng kết nối các
tế bào thần kinh đặc biệt phát triển”. Nghiên cứu của Diamond khẳng định khả
năng liên kết dưới môi trường có nhiều tác nhân kích thích là chìa khóa làm
tăng năng lực trí tuệ, tạo sự kết nối và là tiền đề cho sự phát triển và sản
sinh ra thiên tài.
Bài học áp dụng vào thực tiễn trong giáo dục đào tạo.
Trong quá trình đào tạo trẻ em tôi chỉ hỗ trợ, tạo môi trường để cho trẻ tự thể
hiện bản thân, biến những ý nghĩ trong đầu các em thành hiện thực. Tôi để cho
trẻ chủ động học, thể hiện, lên kế hoạch nên mỗi buổi học lại có “một giáo viên
mới đứng lớp khác nhau”, tôi dạy như không dạy gì cả. Khi trẻ được giúp đỡ để
nhận thức bản thân là chủ thể hoặc người sáng tạo và khi trẻ được giúp đỡ để
khám phá những điều thú vị của tìm tòi, trẻ sẽ trở nên năng động, thích thú.
Nhà trường là nơi cung cấp cho trẻ em những công cụ để hiện thực hóa ý tưởng của
mình.
Vì vậy không như phương pháp dạy truyền thống khi
nhập học, trẻ muốn theo học một bộ môn nào đó, ban đầu thì rất phấn khởi, vui vẻ
tham gia. Nhưng theo thời gian lại bỏ dần, không còn hứng thú, cũng như động lực
duy trì tập luyện. Đó là vì cách đào tạo này làm triệt tiêu đi khát khao độc lập
của đứa trẻ, đưa các em vào khuôn khổ, quy tắc, quy định, bắt phải làm cái này,
không được làm cái kia, các em bị điều khiển và không được thể hiện cái bên
trong mình mong muốn. Với phương pháp mới sẽ duy trì ngọn lửa yêu thích cho trẻ
và là một quá trình năng động có kiến tạo.
Thực sự hiểu về giáo dục có nghĩa là: “Dạy mà
không dạy.”
Bài học thứ tư, các em được là chính mình, được sống
trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, vì các em học là bởi thôi thúc nội tại. Các em
học không phải vì quá khứ, cũng không phải là sự chuẩn bị cho tương lai, cũng
không vì phần thưởng hay sợ bị trừng phạt, mà đó là quá trình tự nhiên, phát
sinh từ bên trong. Hơn nữa, đó là tôn trọng sự khác nhau của mỗi em, phù hợp với
sức lực, thể trạng của mỗi trẻ, không ai giống ai cả. Về bản chất trẻ em không
thể phát triển cùng năng lực, mức độ lĩnh hội như nhau, càng không thể bắt tất
cả mọi đứa trẻ trong cùng một thời điểm phải đạt được một mức năng lực nào đó.
Giáo dục là quá trình phát triển thuận tự nhiên, rằng
giáo dục thực sự không phải là sự áp đặt lên đứa trẻ từ bên ngoài, mà là quá
trình tăng trưởng và phát triển tự nhiên các đặc tính, năng lực từ bên trong.
Giáo dục thuận tự nhiên tạo động lực cho trẻ vì tùy vào tần số rung động của mỗi
em sẽ cộng hưởng với loại “âm nhạc” phù hợp. Cho nên trong cùng một bài hát
nhưng mỗi em lại có một cảm nhận, khả năng hấp thụ khác nhau, do đó cũng có
cách múa đặc trưng tùy vào mỗi em. Không giống như cách truyền thống, làm cho
nhiều em không bung tỏa được cảm nhận bên trong của mình ra bên ngoài, lại còn
lấy thành tích, kỹ năng, kết quả của các em thành một hình mẫu chung rồi mang
ra so sánh, đánh giá.
Bài học thứ năm, dạy theo phương pháp mới có làm
những đứa trẻ trở nên vô kỷ luật, ồn ào, hỗn loạn hay không? Điều này hoàn toàn
phù hợp với đặc điểm phát triển tự nhiên của trẻ. Trẻ em rì rầm, ngọ nguậy,
tươi cười, thể hiện cảm xúc rất rõ rệt - đây là những điều kiện cần thiết để
chúng học tập thoải mái, vui vẻ. Chứ không phải là ngồi một chỗ, trẻ con sinh
ra không phải để “ngoan” như vậy. Nhưng chính cách làm này đã biến nhà trường
thành một nơi bất bình thường xa rời với cuộc sống.
Thứ hai, khi trẻ vừa mới đến với thế giới này hành
động của trẻ chưa theo một trật tự, quy tắc nhất định nào, vẫn đang trong tình trạng
hỗn loạn, bừa bãi. Nhưng nếu để trẻ tự do, trẻ sẽ phát triển một kiểu xu hướng
tự lựa chọn bản thân. Khi xu hướng này hình thành, hoạt động trí lực của trẻ sẽ
bắt đầu xuất hiện theo một quỹ đạo. Chỉ thông qua tự do đứa trẻ mới có thể bộc
lộ khuynh hướng tự nhiên của mình ở trường, có như vậy trẻ mới biết mình làm vì
cái gì và đâu là hạnh phúc.
Vì thế theo cách dạy học ở trên, không gò bó các
em, thích thì các em học không thích có thể nghỉ, có thể đổi chỗ liên tục, tự
do ra vào trong buổi học. Giai đoạn này trẻ được tự do quyết định mình muốn làm
cái gì đó hay không, vì khi trẻ vào lớp không thể có kỷ luật ngay được, cần qua
một quá trình tự nhiên không phải bị cưỡng chế, ép buộc. Khi bị áp đặt thì dù
hay ho bao nhiêu cũng thành không tự nguyện. Lúc đó bạn mới biết được con trẻ
thích gì và quan tâm đến vấn đề nào, ở trạng thái ban đầu này không có chỗ cho
các tiết học tập thể, khi cô giáo giảng bài có thể trẻ sẽ không nghe, nói chuyện,
chạy ra ngoài. Đầu tiên đứa trẻ sẽ hoạt động dựa trên những nguyện vọng của
chính mình là dành cho các hoạt động vui chơi. Nhưng sau một thời gian, trẻ sẽ
tìm thấy được những việc mình thích, chơi đi chơi lại một việc nào đó, chỉ tập
trung gắn bó với điều ấy. Trong quá trình này trẻ học được cách quan sát, nhận
ra được quy luật của nó cũng là bước đầu tiên khám phá ra được điều gì đó mới mẻ
cho bản thân. Tiếp theo trẻ sẽ bước vào trạng thái “làm việc”, và cuối cùng là
có được kỷ luật.
Cái gốc của trồng người chính là giáo dục. Vạn nghề
trong thiên hạ cũng từ giáo dục mà ra, từ quan đến ăn mày đều là kết quả của hệ
thống giáo dục.
Trần Huy Toàn