HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 24 (PHẦN 4)

TỰ DO TƯ DUY - NHIỆM VỤ TỐI THƯỢNG CỦA NGƯỜI LÀM GIÁO DỤC

III. BƯỚC ĐỆM THỨ BA, GIAI ĐOẠN TỪ 15 ĐẾN 21 TUỔI PHÁT TRIỂN NỘI LỰC TỪ BÊN NGOÀI - MUỐN PHÁT TRIỂN TƯ DUY TỰ DO, TRƯỚC HẾT BỐ MẸ, THẦY CÔ PHẢI HƯỚNG ĐẾN TỰ DO

TƯ DUY

Đứa trẻ có được khả năng tranh luận và phản biện là kỹ năng quan trọng cần trang bị cho mỗi em, đặc biệt sau năm 15 tuổi. Người phương Đông trong đó có Việt Nam từ trước đến nay có xu hướng ôn hòa, chịu đựng, điều này đã ảnh hưởng đến phần nào đó trong quá trình đào tạo và giáo dục. Những đứa trẻ lớn lên ít có được môi trường để phát triển khả năng này, nhất là đối với các em bé gái. Nên nhiều em thường ngại, không thích hoặc tỏ ra kém cỏi trong việc tranh luận và phản biện. Đây là thiếu sót mà nhiều ông bố bà mẹ mắc phải, hy vọng mọi người sẽ ý thức để khắc phục vấn đề.

Một vài khái niệm trước hết bạn cần nắm bắt, nhằm thực sự hiểu rõ hơn ý nghĩa việc tranh luận và phản biện. Bạn cần học hỏi, vì bất kỳ giá trị nào mà bạn muốn trao truyền đều phải là những điều đã thấm nhuần trong bản thân. Từ đó đứa trẻ cũng sẽ học được sự hiểu biết thông qua việc bạn thường xuyên đặt những câu hỏi, gợi mở, tương tác với trẻ trong đời sống hằng ngày, để làm quen dần với việc tranh luận và phản biện. Từ tư duy phản biện nói một cách đơn giản, cơ bản nhất đó là trưởng thành trong suy nghĩ và có cái nhìn đa chiều.

Thế nào là trưởng thành trong suy nghĩ?

Sách “Lu-Ca” (8: 5-8) trong Kinh Thánh có thuật lại những lời sau của đức Giê-su như sau: “Một người đi gieo hạt. Trong lúc anh ta đang gieo, có những hạt rơi bên vệ đường để rồi bị dẫm bẹp và chim chóc nuốt trọn. Có những hạt rơi vào chỗ đất đá, và vừa mới nảy mầm thì đã héo úa bởi thiếu hơi ẩm. Một số hạt rơi xuống vào những bụi gai, và gai um tùm mọc lên chèn chết chúng. Một số hạt rơi vào chỗ đất tốt, thì nảy lộc đâm chồi và kết thành quả sum suê, một thành trăm.”

Theo quan điểm của tôi, tôi cho rằng trưởng thành trong suy nghĩ là cách bạn hiểu cuộc sống dưới góc nhìn đúng nhất, như câu chuyện ở trên. Hạt giống có ở đây tượng trưng cho chân lý mà Giê-su muốn giảng giải. Mỗi một hạt rơi xuống tượng trưng cho nhiều kiểu người khác nhau cùng tiếp nhận một chân lý. Có người thì khinh thường, cho đó là điên rồ tượng trưng, cho hạt giống rơi bên vệ đường. Có người thì làm lơ, không thèm đếm xỉa đến, tượng trưng cho hạt rơi chỗ đất đá. Có người thì chứa đựng biết bao nhiêu lực xua đẩy, tác động khác, rồi cũng quên đi, tượng trưng cho hạt rơi vào bụi gai. Có người say sưa với những lời rao giảng ấy, nhờ đó mà thức tỉnh, tượng trưng cho hạt giống rơi xuống đất tốt. Dẫu là lời đức Giê-su dạy đi nữa mà cũng có người tiếp nhận có người không, có người coi thường, người miệt thị.

Bài học ứng xử, tương tác trong đời sống hằng ngày. Ai cũng có quan điểm riêng và người nào cũng cho rằng mình có lý trong việc làm của họ, dù người khác cho rằng quan điểm đó sai nhưng với họ điều họ làm chính là lẽ phải. Do đó các quan niệm như phải trái đúng sai, tốt xấu chỉ có giá trị tương đối, chịu ảnh hưởng bởi không gian và thời gian, điều hôm nay đúng ngày mai có thể sai, quan niệm này ở đây có lý ở một nơi khác lại vô lý. Một người có hiểu biết thực cần vượt lên trên sự phân biệt đó và không bao giờ bắt ai phải tuân theo quan điểm của mình, nên có sự bao dung hòa hợp với mọi người và vạn vật.

Nhưng còn một lối suy nghĩ khác gây nên sự bất hòa, chia rẽ. Nhiều người luôn cho quan điểm, ý kiến của mình là đúng, người khác nghĩ đó là sai liền cãi lại và bắt người kia phải đồng ý với mình cho bằng được. Họ không hiểu rằng cái đúng của họ không còn là cái đúng của người kia, cái mang lợi cho họ không còn là cái lợi cho người kia. Suy nghĩ của mỗi người một khác, ai cũng có quyền suy nghĩ.

Họ tự cho mình suy nghĩ đúng, rồi cho nó là chân lý, ai tin theo mình thì coi như họ thuộc “phe” của mình, là bạn, còn ai không tin thì quay ra chống đối nhau, bác bỏ nhau, đời chống đời, Đạo chống Đạo. Cũng vì sự cố chấp, tự cho suy nghĩ mình là đúng và muốn người ấy cũng nghĩ như mình. Họ còn ép người khác, tìm mọi cách để người khác theo mình, người ta không theo thì họ giận, họ buồn. Tự xiềng xích bản thân với những phiền não, còn người kia thì bị trói chặt trong sự ràng buộc. Chẳng phải đó là nguyên nhân của khổ hay sao. Trong gia đình bố với con tư tưởng bất đồng ở chung được không. Vợ chồng bất đồng sống với nhau được không. Bất đồng trong quan điểm giáo dục có dạy con được không. Bạn bè, đồng nghiệp bất đồng còn có chơi, làm cùng nhau được không.

Đừng cố cưỡng ép đồng nhất người khác với mình và cũng không sao cưỡng ép cho đồng nhất được. Chỗ bạn không đồng nhất với người khác mà bạn biết nhận lãnh, chấp nhận và để cho họ tự do theo cách sống của họ, đó là nhân chỗ bất đồng mà làm cho vạn vật đồng nhất, sẽ dễ dàng chung sống với nhau. Tôi nghĩ cái này còn bạn nghĩ cái kia, tôi cư xử thế này còn bạn cư xử thế kia, bạn và tôi đều tự do sống với bản tính của chính mình, làm được như vậy đó là lúc bạn đã học xong chữ Hòa. Còn nếu bạn cho mình đúng rồi bắt tôi cũng phải theo bạn, như thế sẽ không thuận lẽ tự nhiên, đó là áp đặt sẽ gây ra hiềm khích, tan vỡ, bỏ đạo đức giả, chiến tranh và khổ đau - sau cùng là chia rẽ.

Ba đức tính lớn cần có trong hành trang vào đời nói chung và cần mang nó khi tranh luận và phản biện nói riêng.

Khiêm nhường - Bài học ở trên giúp chúng ta hiểu ra rằng, trong đời sống mặc dù có đôi lúc bạn nói đúng hay sai đi nữa cũng sẽ có người ủng hộ, cho là đúng cũng có người nói sai, có người ra sức phủ nhận quan điểm của bạn và ngược lại. Đó là chuyện hết sức bình thường nên thay vì tỏ ra tức giận, hơn thua với họ, hãy khiêm nhường.

Thuận tự nhiên - Chẳng hạn, bạn hiểu đúng về một vấn đề nào đó, mà hầu hết mọi người nghĩ sai. Bạn đừng nghĩ rằng lấy cái đúng mà mình hiểu, rồi có thể thay đổi được tất cả bọn họ. Chỉ được vài người, mỗi người có một lộ trình phát triển, có những cảnh giới khác nhau, không có sự đồng nhất, có nông có sâu, có xa có gần, do đó sự tham ngộ sẽ phân chia cao thấp tùy vào tâm trí từng người, nên hãy thuận tự nhiên bạn à.

Yêu thương - Hiểu được những điều kể trên, khi bạn mang một tâm tốt đi giúp đỡ ai hay muốn thức tỉnh người nào đó, dẫu được một người, mười người hay không được ai cả. Bạn cũng bằng lòng với thực tại và chấp nhận những người đó bằng tất cả tình yêu thương trong trái tim mình, cũng như tự hài lòng với bản thân. Như vậy, bạn mới thoát ra được khỏi dục vọng, mong cầu, dính mắc của cái phàm trí của mình muốn tác ý đến người khác, từ đó được an nhiên, tự tại và thảnh thơi.

Vì vậy, trong đời sống hằng ngày khi bạn không thống nhất về quan điểm, lý tưởng sống, một nhận định nào đó mà người khác đưa ra, lúc này sẽ nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến tranh luận và phản biện với nhau. Trong tình huống như thế phải làm sao cho đúng, tôi cho rằng đầu tiên khi nghe một thông tin nào đó cần xác định lại, xem điều bạn nghe có đúng như ý của bên kia đưa ra hay không? Kiểu như: “À, vấn đề bạn nêu ra không biết có phải như tôi hiểu là thế này hay không?”

Thứ hai, nếu đã nói ra như vậy mà vẫn còn sự khác biệt thì bạn chỉ cần nhẹ nhàng và từ tốn nêu ra quan điểm cá nhân là được: “Theo tôi nghĩ vấn đề sẽ như thế này… Nhưng tôi không chắc nó đúng hay sai, cho nên chúng ta hãy cùng nhau trao đổi thêm nhé, bạn thấy sao?”. Tranh luận và phản biện dựa trên sự khác biệt giữa những quan điểm cá nhân, bạn vẫn tôn trọng người mà bạn đang tranh luận và luôn luôn tâm niệm về ba đức tính “khiêm nhường - thuận tự nhiên - yêu thương.”

Thế nào là suy nghĩ đa chiều - sự cởi mở trong nhận thức.

Bạn còn nhớ câu chuyện Thầy bói xem voi? Bạn chớ vội cười thầy bói trong câu chuyện đó, vì mỗi một thầy bói ngụ ý phần nào đó hình ảnh bản thân bạn và lối tư duy của số đông ngày nay. Phần lớn chúng ta đều nhìn thế giới một cách bất toàn, khập khiễng, thiếu thông tin, nhưng cái gì tôi đã biết từ trước; tôi đã được giáo dục, sẽ nhất nhất cho mình là đúng, cái nhìn của mình chính xác, còn những người kia sai, mỗi người nghĩ theo một cách khác. Nhưng người kia họ cũng nghĩ tương tự như bạn thôi, họ vùng vẫy trong vũng nước của chính mình, gây sự chia rẽ trong tư duy. Có phải giống như những ông thầy bói kia không. Vậy làm sao để có cái nhìn đa chiều và cởi mở trong nhận thức?

Để làm được điều đó khi bạn bắt gặp một quan điểm khác với mình, bạn cũng đừng vội bác bỏ và phủ nhận nó, mà hãy đặt mình vào vị trí của người kia để suy nghĩ ở góc độ và khía cạnh của họ, nhằm bổ sung thêm góc nhìn khác cho một vấn đề. Chẳng hạn, nếu bạn là một nhà khoa học khi bạn nghe một người học Đạo Phật nói chuyện về cuộc sống, trước hết bạn sẽ tiếp nhận được rất nhiều thông tin mới mẻ, nếu có đúng với niềm tin, nhận thức của bạn cũng đừng vội tin. Nhưng nếu trái với niềm tin, lẽ sống, quan điểm của bạn cũng đừng vội chối bỏ. Hãy nghe trọn vẹn, nghe tất cả những điều người kia nói, để bổ sung hiểu biết và như thế góc nhìn về thế giới, cuộc sống của bạn sẽ được mở rộng thêm. Rồi bạn lại đi nói chuyện với một người có kết nối tâm linh, mọi thứ lại mới mẻ, mọi thông tin mới toanh, bạn cần đặt mình vào vị trí, quan điểm của người kia, lắng nghe thực sự tất cả tinh hoa của họ. Vậy là từ một nhà khoa học, chỉ có một góc nhìn duy nhất bạn thành người có Đạo, biết về tâm linh, có thêm những góc nhìn mới.

Lúc này thể trí, trí não hay lý trí của bạn sau quá trình dài học hỏi, trao đổi và va đập, nó sẽ dần được phát triển. Nó sẽ bắt đầu so sánh, phân tích, lý luận: nó cảm thấy mình cũng giỏi, cũng có điểm hơn người, không ai bằng mình nên dần sinh ra tính tự kiêu, chấp ta ngã mạn. Cái trí đó nó hoành hành trong đầu bạn, nó cho rằng những gì nó nói ra là đúng, là chân lý và không còn muốn nghe ai nữa.

Đó là cám dỗ tự đóng khung nhận thức của mình và như thế sẽ không phát triển thêm được nữa. Bởi vì, tư duy, suy nghĩ bằng trí não thì sẽ không bao giờ có giới hạn, không có điểm dừng để rộng trí hiểu biết. Bạn còn gặp được nhiều người trong cuộc sống với những góc nhìn và kiến thức đa dạng như gặp anh công nhân, người quét rác, giám đốc ngân hàng, nhà địa lý hay một nhà khoa học khác. Bạn cũng gặp nhiều người theo Đạo Phật nhưng ở các cấp độ khác nhau hoặc Đạo Lão, Đạo Khổng, Thiên Chúa Giáo, Đạo Mẫu, Đạo Cao Đài. Người có tâm linh cũng có nhiều nhóm, góc nhìn tâm linh A, B, C, D, khác nhau. Lúc này mà bạn vẫn giữ cho mình được tâm hồn sáng trong như một đứa trẻ, không chấp vào những gì mình biết, đầu óc trống không để khiêm nhường và có thể lắng nghe, suy nghĩ dựa trên quan điểm và cách nhìn của mọi người, rồi lắng đọng tất cả lại cho mình thì tư duy sẽ mở rộng vô cùng.

Như vậy từ một cái nhìn ban đầu bạn phát triển và học hỏi vô vàn góc độ khác nhau, bạn chủ động xem xét cả hai phía của một vấn đề, thấu hiểu quan điểm của bên đối lập. Nhưng điều mạnh mẽ nhất mà bạn có thể làm là có khả năng hấp thụ tinh hoa từ rất nhiều quan niệm khác nhau, cuối cùng lắng đọng thành quan niệm riêng của chính mình, đưa tư duy của mình lên mức cao nhất, tư duy tổng quát, trở lại một.

Thế gian rộng lớn, mỗi người đều có điểm độc đáo riêng. Khi xem ai ai cũng có thể là thầy của mình, vạn vật xung quanh đều có chỗ để học hỏi, trí tuệ của bạn sẽ mở ra vô tận.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.