TINH HOA GIÁO DỤC 23 (PHẦN 4 VÀ HẾT)
NHỮNG BÀI HỌC VÔ GIÁ TỪ CÁC LOÀI CHIM TU HÚ NUÔI CON
IV. BẠN ĐÃ BIẾT “THỰC PHẨM ĐỘC HẠI” CẦN TRÁNH CHO TRẺ, VẬY CŨNG CẦN
BIẾT ĐIỀU NGƯỢC LẠI “THỰC PHẨM BỔ DƯỠNG” LÀ GÌ?
1. Định hướng giáo dục
Câu chuyện về người huấn luyện cá Voi và bài học trong cách tương tác
với con người. Người huấn luyện cho biết, cá Voi dạy cho chúng tôi cách làm việc
với đồng loại của chúng, điều đầu tiên chớ nên chọc giận nó, điều thứ hai là
lòng kiên nhẫn. Chúng tôi tìm hiểu sở thích của từng chú cá, rồi nhảy xuống nước
chơi đùa với chúng cho đến khi chúng tin tưởng và đáp lại chúng tôi. Nghĩa là
chúng tôi đã hoàn toàn thuyết phục được chúng, chúng tôi chỉ tập trung vào khía
cạnh tích cực như thường xuyên cho chúng phần thưởng và đồ ăn mỗi khi chúng thực
hiện tốt yêu cầu của chúng tôi. Khi chúng không thực hiện hoặc làm không tốt những
yêu cầu, thì chúng tôi bỏ qua và lập tức chuyển hướng chú ý của cá voi đến những
điều mà cá voi thích thú. Khi thực hiện tốt rồi chúng tôi quan sát xem chúng có
thực hiện đúng phần nào điều chúng tôi mong đợi hay không để khen thưởng. Có
nghĩa là chúng tôi không áp dụng hình phạt để ép chúng luyện tập.
Con người cũng vậy, đặc biệt là đối với cách bạn tiếp cận với trẻ em.
Đầu tiên không nên làm trẻ sợ, có cảm giác căng thẳng vì sẽ khởi động tính năng
não bò sát. Với cách cũ khi trẻ làm được điều gì đó tốt, tích cực bạn xem như
việc hiển nhiên. Còn khi trẻ làm sai, hay có những khiếm khuyết bạn lại nhấn mạnh,
chỉ trích, trách phạt, hăm dọa. Cách này không mang lại kết quả tốt mà còn rất
tiêu cực.
Thức ăn bổ dưỡng ở đây là phương pháp hiệu quả học được từ người huấn
luyện cá voi: “Tập trung vào ưu điểm thay vì khuyết điểm; nhấn mạnh mặt tích cực
thay vì mặt tiêu cực; khen ngợi thay vì chỉ trích; yêu thương thay vì giận dữ;
bỏ qua chuyện nhỏ, những sai lầm vặt vãnh coi như không có hoặc nên làm lơ cho
qua.”
2. Tập trung tạo ra sức mạnh không thể nghĩ bàn
Phương pháp này có thực sự hiệu quả và hiệu quả của nó ra sao? Khi người
Nhật trồng cà chua cho ra số lượng quả khổng lồ trên một cây, cả thế giới đã sửng
sốt. Tất cả chúng ta đã tò mò và tự hỏi tại sao họ có thể làm được điều đấy. Đó
là nhờ vào sự cải tiến trong cách trồng trọt truyền thống sang phương pháp trồng
rau thủy canh, phương pháp này cho thu hoạch 10.000 quả cà chua từ một cây duy
nhất. Có thể chúng ta sẽ hỏi làm sao lại có chuyện như vậy được, câu trả lời
đơn giản đến kinh ngạc là hãy tạo ra một môi trường tốt để trồng cây cà chua. Tất
nhiên là thực vật mọc lên từ đất, nhưng với phương pháp thủy canh, rễ mọc trong
nước hút được chất dinh dưỡng cần cho cây và bởi vì cây không phải vận hết năng
lượng để trồi lên khỏi mặt nước, rễ cây có thể phát triển tự do và dễ dàng tìm
được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Bằng cách này cây cà chua có thể tận
dụng được tất cả các tiềm năng của mình.
Tương tự đối với con người, khi bạn bỏ qua khuyết điểm và những điểm
còn hạn chế. Tập trung vào ưu điểm, sở trường những mặt tích cực của người đó để
nhìn nhận, tận lực phát triển, người như vậy được gọi là thiên tài. Phẩm chất của
một thiên tài có ở trong tất cả chúng ta, vì ai cũng có ít nhất một, hay thậm
chí cùng một lúc có nhiều loại thế mạnh.
Có nghĩa là khi trẻ còn nhỏ, nếu các em thể hiện niềm yêu thích của
mình vào một bộ môn, lĩnh vực nào đó, bạn nên giúp trẻ phát triển ở lĩnh vực đó
lên tột cùng. Phát triển tài năng này để là sự đặc biệt duy nhất mà chỉ nó mới
có được và làm tốt đến như vậy. Chẳng hạn, khi nhắc đến võ thuật người ta liền
nghĩ ngay đến Lý Tiểu Long, nhắc đến nhạc POP người ta nghĩ đến Michael
Jackson, nói đến hội họa người ta nghĩ đến Vincent Van Gogh, Pablo Picasso, nhắc
đến từ bi, trí tuệ người ta nghĩ đến Đức Phật, nói đến tình yêu thương người ta
nghĩ đến Chúa Giê-su.
Ai cũng thăng hoa được thế mạnh của mình lên vĩ đại thì thế giới này sẽ
trở nên đặc sắc thế nào. Lúc đó mỗi người chẳng khác gì là một Vũ Trụ thu nhỏ,
lung linh, ảo diệu và bạn là độc nhất là duy nhất. Mọi người đều có cái để học
hỏi trải nghiệm lẫn nhau. Tôi giỏi cái này, anh giỏi cái kia. Anh cho tôi trải
nghiệm thế giới này, vũ trụ kia và tôi cũng trao cho anh những gì mà chỉ tôi mới
có. Để làm được điều đó, cách nuôi dưỡng và đào tạo trẻ sẽ trải qua một số giai
đoạn làm nền tảng cơ bản như sau:
Giai đoạn một, từ 0 đến 7 tuổi: là giai đoạn bạn hiểu trẻ cần gì, để hỗ
trợ trẻ tốt nhất trên lộ trình riêng của mỗi em. Tức là bạn cần đánh thức tiềm
năng sẵn có bên trong của chúng. Để nhận biết được điều này, cách tốt nhất cho
trẻ con được tự do ngoài thiên nhiên, thoải mái trải nghiệm và môi trường để
vui chơi. Rồi quan sát xem trẻ thích chơi cái gì, việc gì trẻ đặc biệt hứng thú
và trẻ làm tốt một cách dễ dàng mà không cần nhiều nỗ lực thì đó là thế mạnh của
trẻ.
Sau khi nhận diện được thế mạnh của trẻ thì bạn cần tạo vết khắc trong
tiềm thức một cách tích cực, bằng cách cho trẻ trải nghiệm điều chúng thích thật
vui vẻ. Giai đoạn này chưa nên đưa sự nghiêm khắc, kỷ luật, dập khuôn vào để
rèn luyện mà nên cho các em được tự do sáng tạo. Đồng thời chúng ta cần cho trẻ
một nền tảng đạo đức vững chắc, chỉ cần điều chỉnh khi phát hiện chúng đang đi
xa cái gốc đạo đức mà thôi, thì sau này đứa trẻ tự biết sẽ cần làm gì.
Giai đoạn hai, từ 8 đến 14 tuổi: bạn cần giúp trẻ duy trì, nuôi dưỡng
niềm đam mê, mài dũa chúng như một thân cây lớn. Bạn cần tạo điều kiện thuận lợi
cho con sống trong môi trường có những chất xúc tác cần thiết. Cụ thể, con bạn
muốn trở thành ca sĩ, nên thường xuyên cho chúng đến các buổi hòa nhạc, xem một
vài chương trình ca hát, gặp một vài ca sĩ chúng yêu thích. Nếu điều kiện không
cho phép, bạn có thể giúp con mua tranh ảnh, sách báo, tài liệu có liên quan đến
lĩnh vực con thích. Cho con tìm hiểu về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ca sĩ
hoặc tạo điều kiện cho các sáng kiến, ý tưởng của con được áp dụng vào thực tế.
Chính những điều như vậy sẽ tạo nên chất xúc tác, năng lượng to lớn để nuôi dưỡng
tài năng cho con. Ngoài ra cần nuôi dưỡng phẩm chất bên trong cho cơ thể như ý
chí, cảm xúc, tình yêu, lòng tốt để làm nền tảng phát triển dài lâu cho trẻ về
sau.
Phát triển tiềm năng như một bông hoa hướng dương, chỉ tập trung nuôi
dưỡng một bông hoa duy nhất để tất cả dinh dưỡng có thể dồn về một. Dù rằng,
cây có thể cho ra nhiều hoa nhưng hãy chỉ để lại một bông chăm sóc, để nó phát
triển tươi tốt nhất, to nhất, đẹp nhất, rạng rỡ nhất, đắt giá nhất, dưới ánh nắng
mặt trời. Phát triển tiềm năng con người cũng như vậy. Một người có thể học và
giỏi nhiều ngành nghề, nhưng chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực mà mình yêu
thích, là thế mạnh nhất của mình để có thể dành hết mọi trí lực, thời gian, tâm
tư tình cảm vào đó.
Giai đoạn ba: tuy nhiên một cây không chỉ có hoa mà còn có cành, có
lá, con người cũng như vậy, ngoài một ngành nghề chủ đạo còn nên biết quan sát,
học hỏi thêm các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, ngoài sự phát triển thế mạnh chính của
mình là ca hát các em cũng nên tìm hiểu, học hỏi sang các lĩnh vực khác như Ngoại
ngữ, Địa lý, Văn hóa, Lịch sử, Võ thuật, Tâm lý học, Tôn giáo,… có thể không cần
phải giỏi hay hiểu biết quá sâu sắc về các mảng này. Tuy nhiên, cần học và tìm
hiểu thêm để bổ sung cho ngành nghề chính. Nên với trẻ từ 15 đến 21 tuổi, khi
tư duy trên đà phát triển, chúng sẽ hiểu mình cần làm gì là tốt cho bản thân.
Nên từ bên trong các em sẽ khởi phát niềm mong muốn học tập, nhằm nâng tầm đam
mê. Chúng sẽ thực sự cố gắng học, chủ động tìm hiểu đưa mình vào kỷ luật, tự
nghiêm khắc với chính mình, nỗ lực xuất phát từ bên trong, chúng hoàn toàn chủ
động theo một cách tự nhiên. Tóm lại, khi chúng đã có niềm đam mê thì bạn không
cần phải dạy chúng nữa, hãy để chúng tự bơi, để chúng tự làm chủ cuộc đời và tỏa
sáng theo cách chúng muốn.
Do đó, trong giai đoạn này cần hướng các em mở rộng sự học hỏi đến những
lĩnh vực khác để tìm hiểu và phát triển thêm nữa nhằm hỗ trợ cho ngành nghề
chính mà mình theo đuổi.
Giai đoạn bốn: từ 22 tuổi trở lên các em đã lớn, chúng hoàn toàn có khả
năng độc lập tự phát triển thế mạnh của mình lên cao hơn nữa. Chúng đã được
trang bị mọi công cụ cần thiết để tự lao động, tự học hỏi, tự đi trên đôi chân
của mình. Đến giai đoạn này có hai điều cần lưu ý. Thứ nhất, thế giới bên ngoài
phản ánh thế giới bên trong chúng ta, nên cần đi sâu vào tìm hiểu và khám phá về
bản thân. Càng đi vào nội tâm, thế giới tâm hồn càng phong phú, biết hoàn thiện
nhân cách, đạo đức, con người bên trong càng có trí tuệ thì năng tài, năng khiếu
sẽ được hiển lộ càng tinh tế, có chiều sâu và tỏa sáng chừng ấy. Thứ hai, cần học
Đạo. Khi có Đạo và biết cách đưa Đạo vào ứng dụng như Đạo trong giáo dục, Đạo
trong võ thuật, Đạo trong âm nhạc, Đạo trong thiết kế, Đạo trong kinh doanh, Đạo
trong chính trị, Đạo trong giao tiếp... thì tài năng của mỗi người đều có thể
thăng hoa lên vô cùng vô tận.
Tuy nhiên nếu làm ngược lại thì hại vô cùng. Cũng đứa trẻ đó từ 8 đến
14 tuổi, có đam mê về ca hát, nhưng ngoài ca hát bạn còn nhồi nhét vô số thứ để
cho trẻ phải học khác như Ngoại ngữ, Lịch sử, Tâm lý học, Sinh học, Toán học,…
không những không có lợi gì mà còn có hại vô cùng. Bởi vì lúc đó đứa trẻ chưa
có ý thức rằng tại sao mình cần phải học nhiều như thế, bên trong đứa trẻ chưa
thực sự hiểu và chúng chưa có động lực để hành động. Mọi tác động đến từ bên
ngoài đều là không chân thật và không thực sự hiệu quả. Thứ hai, làm đứa trẻ
già trước tuổi vì phải học quá nhiều thứ cùng một lúc, không đúng giai đoạn. Thứ
ba, làm kiệt quệ tư duy, trí năng của đứa trẻ. Vì đáng lẽ ra trong lúc nó cần
dùng năng lượng để đi nuôi dưỡng cơ thể vật lý, thể cảm xúc, thể sức sống,… nó
lại phải dùng để phát triển tư duy, trí não, khiến chúng kiệt quệ tư duy ở giai
đoạn về sau.
3. Hướng đến thế giới tích cực
Điều gì thực sự xảy ra trong chính bản thân con người nói chung và bên
trong một đứa trẻ nói riêng khi được giáo dục theo phương pháp này? Ở Nhật Bản
người ta đã thực hiện nhiều thí nghiệm như sau. Họ trồng hai cây hoa lan hay
hoa hồng: “Một cây thì khi đến tưới nước mà đồng thời người tưới cũng đang cãi
cọ với ai đó vào tận trong nhà, tiếng cằn nhằn lây tới cả cây bông và cây bông
nghe tiếng chửi người khác nên nó cũng bị tần số của lời nói hay tần số của tư
tưởng như những mũi tên màu tím “tưới” vào. Dần dần nó cũng ủ rủ, thời gian sau
không nở hoa nữa, đôi khi lác đác cũng có vài bông thì cũng rất mau tàn. Riêng
cây lan hay hồng được trồng ở chỗ khác xa hơn dù trong nhà, mà khi đến tưới nước
trong sạch, nói lời ngọt ngào với nó, vuốt ve, cưng nó như con, thì cùng thời
gian với cây lan kia, bông hoa trổ to và rất đẹp, lâu tàn”.
Bài học thứ hai trong thí nghiệm về nước của Tiến sĩ Masaru Emoto, Chủ
tịch Viện Hado Quốc tế đã ghi nhận: “Khi tận mắt chứng kiến các tinh thể được
hình thành từ nước, sau khi được nghe những từ ngữ như tình yêu thương, lòng biết
ơn, lời lẽ tốt lành, những tinh thể này thành hình rất đẹp. Những từ ngữ tích cực
mang lại tinh lực cho nước để thể hiện cuộc sống đầy đủ nhất. Không những thế,
hành động quan sát tinh thể nước chính là quá trình hình thành sự sống. Vì người
ta thấy rằng, khi chúng ta nhìn vào những tinh thể, nước thay đổi diện mạo liên
tục, suy nghĩ biểu hiện qua ánh mắt có năng lượng đặc biệt của riêng nó, ánh mắt
thiện cảm sẽ có tính khích lệ, ánh mắt ác ý sẽ có tính phá hủy.”
Sự chú ý tích cực hay tiêu cực của bạn đối với điều gì đó cũng là một
dạng cung cấp năng lượng, một dạng thức gây tổn thương lớn nhất, dù có thể chỉ
đơn giản là không quan tâm. Nếu suy nghĩ có thể tác động đến nước, hãy thử tưởng
tượng điều mà suy nghĩ có thể làm đối với chúng ta và con trẻ. Đây là một trong
những hiểu biết mang tính đột phá trong công cuộc đổi mới, khai sáng nền giáo dục
ở thế kỷ XXI. Sở trường của một người đã được xác nhận và tập trung phát triển
đồng nghĩa với việc bản thân người đó đã được khẳng định và quan tâm đúng mức.
Việc tiếp theo đó chính là sự khích lệ, động viên, bằng những lời lẽ, ngôn từ
tích cực mang tính xây dựng, sẽ tạo ra nguồn năng lượng dồi dào để trẻ phát triển.
Từ nước, cỏ cây, đến muông thú đều phản ứng như thế, con người trước
những tác nhân kích thích ở trên cũng như vậy, điều này hoàn toàn hợp với luật
vạn vật đồng nhất. Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ thấy một số ít đứa trẻ ở Việt Nam
được sống trong môi trường giáo dục tốt, hoặc hầu hết những trẻ em ở phương Tây
thường có khuôn mặt tràn đầy năng lượng, rạng ngời và tươi sáng. Ngược lại, phần
lớn trẻ em ở đất nước ta nói riêng cũng rất dễ thương, đáng yêu nhưng nhìn kĩ
những đứa trẻ này thường lại ít tươi sáng, kém rạng ngời và hơi nhút nhát. Sự
khác nhau này không đến từ người da trắng, da đen, di truyền hay về vị trí địa
lý, mà do phương pháp nuôi dạy đã ảnh hưởng đến các em.
Những đứa trẻ ở phương Tây được nuôi dạy với năng lượng tích cực mà ở
đó bố mẹ đặt niềm tin vào chúng, được tôn trọng, khen ngợi, động viên, chúng nhận
được sự quan tâm và lời khẳng định bản thân. Các tinh thể nước phản ứng tuyệt vời
trước những lời yêu thương và năng lượng tích cực cũng giống như cơ thể con người
vậy, vì cơ thể chúng ta có hơn 70% là nước.
Ngược lại ở Việt Nam, phần lớn chúng ta vẫn chưa biết cách yêu thương
và thể hiện tình cảm với trẻ đúng mực, rằng các em cũng có nhu cầu được tôn trọng,
tin tưởng và được khẳng định bản thân. Các em thường xuyên bị trêu chọc, bỏ
rơi, bị những lời tiêu cực tấn công dẫn tới việc phủ nhận bản thân: “Mình thật
kém cỏi”; “Thật chẳng có gì đặc biệt”; “Yếu đuối và ngốc nghếch”,… dù vô tình
hay cố ý, lời nói từ bố mẹ hoặc bất kỳ ai cũng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới
trẻ. Lớn lên trong cách yêu thương này, khuôn mặt và tâm trí của các em cũng sẽ
dần trưởng thành và chịu ảnh hưởng không khác gì như cách mà các tinh thể nước
biến dạng trước những lời nói tiêu cực.
Tâm trí bên trong sẽ biểu hiện ra hình hài của người đó, muốn xây dựng
cho trẻ một cái Tâm tốt thì ngay từ nhỏ cần dạy trẻ bằng tình thương yêu rộng lớn,
sự quan tâm, vị tha, sự chia sẻ, lòng khoan dung, sống hướng thượng và tư duy
tích cực.
Thí nghiệm của Tiến sĩ Emoto cho ta biết rằng nước ghi lại được những
trải nghiệm, những mốc thời gian, khoảnh khắc mà chúng đi qua. Nước ghi nhận
thông tin và mang đến cho chúng ta biết ký ức về lịch sử qua cách chúng phản ứng
trước ngôn từ. Đó cũng là lý do tại sao các nhà khoa học tìm hiểu lịch sử nhân
loại của Trái Đất hàng trăm triệu năm về trước, mong biết được điều gì đã thực
sự xảy ra vào những khoảng thời gian đó bằng cách khoan sâu vào trong những tảng
băng ở Bắc Cực để tìm kiếm những bí ẩn. Một người giỏi quan sát khi nhìn vào
đôi mắt và khuôn mặt đứa trẻ, cũng có thể cơ bản hình dung được cuộc sống và
cách thức giáo dục mà các em được nuôi dạy.
Nước cũng có ký ức: Mỗi giọt nước có một hình dạng khác nhau
Nhìn đôi mắt, cảm nhận năng lượng, bạn có thể hiểu và biết đối phương
là người như thế nào.
Từ 8 đến 14 tuổi điều gì là quan trọng đối với đứa trẻ?
Nếu như nhiệm vụ cần được hoàn thành của trẻ từ 0 đến 7 tuổi là tập
trung năng lượng để hoàn thiện cơ thể vật lý. Thì giai đoạn 8 đến 14 tuổi có một
nhiệm vụ khác là mối quan tâm đến thể sức sống cho trẻ. Sự phát triển thể sức sống
của trẻ em chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi cảm xúc và tinh thần của người lớn. Cảm
xúc tích cực, tinh thần của người lớn ổn định chừng nào thì thể sức sống của trẻ
sẽ được nuôi dưỡng chừng ấy.
Ngoài ra một số thứ luôn kết hợp với thể sức sống mà bạn cần xem xét
như là “nhịp điệu và thói quen”. Vì lý do này giáo dục tại nhà phải làm cho được
nhiệm vụ là giúp trẻ thiết lập nền tảng vững chắc cho cuộc sống dựa trên nhịp
điệu và thói quen tốt. Những người hành động mỗi ngày mỗi khác, thiếu sự ổn định
trong nhịp điệu và thói quen sống thường ngày, về sau sẽ dần mất đi nghị lực,
trở nên mất cân bằng và thiếu sức sống.
Giữa độ tuổi từ 8 đến 14, nhiệm vụ của người làm giáo dục tại nhà là
thiết lập nền tảng cho những nhịp điệu và thói quen tốt cho các em. Trẻ nhỏ
chưa có khả năng kiểm soát nhịp điệu, nên cần có người lớn giúp đỡ, thiết lập một
nhịp điệu vững vàng. Nhưng nhịp điệu cũng phải mang sự hài hòa như hơi thở. Do
vậy cần có những kế hoạch, lịch trình mà ở đó sẽ được lặp đi lặp lại đều đặn,
nhịp nhàng hàng ngày và quanh năm suốt tháng. Nhịp điệu được lặp lại trung bình
ba mươi ngày sẽ hình thành nên những thói quen tốt, đó là khoảng thời gian cần
thiết để nó đi vào thể sức sống.
Trần Huy Toàn