TINH HOA GIÁO DỤC 26 (PHẦN 5)
PHƯƠNG PHÁP
GIÁO DỤC CHO TRẺ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI, LỐI THOÁT CHO NỀN GIÁO DỤC HIỆN HÀNH
V. TÂM THỨC
NGƯỜI GIÁO VIÊN CẦN HƯỚNG ĐẾN
Nhiệm vụ của người thầy ở đây nuôi dưỡng tính độc
lập thông qua sự hiểu biết các giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, xa dần sự ảnh
hưởng của người thầy, thăng hoa bản năng tự học của trẻ. Người thầy cung cấp
môi trường thuận lợi học tập cho học trò, nhưng không can thiệp vào quá trình
nhận thức của trẻ. Người thầy cần từ bỏ khái niệm tin và chịu trách nhiệm cho
trẻ học được một điều gì đó nhất định vào một thời điểm cụ thể. Mà việc học của
trẻ còn phụ thuộc vào quá trình tự nhận thức của mỗi em, đó cũng là định hướng
của giáo dục thuận tự nhiên. Bởi vì, còn giữ lối suy nghĩ như vậy thì họ tiến bộ
đến đâu chăng nữa, họ vẫn phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế, ép buộc, gian lận,
gây áp lực để khiến trẻ làm được điều họ mong muốn. Thay đổi được cách suy nghĩ
và giảng dạy, lối học chay, tình trạng quá tải, thì tâm lý lo sợ sự trừng phạt
từ phía người thầy nếu như trẻ không lĩnh hội đủ khối lượng kiến thức nào đó vào
một thời điểm nhất định và không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của người thầy
sẽ không còn nữa, trả lại được cho trẻ niềm vui, hạnh phúc khi đến trường.
Ở đây không can thiệp không có nghĩa là gạt bỏ
hoàn toàn ảnh hưởng của người thầy, có điều việc ảnh hưởng ấy giống như hỗ trợ,
mà ở đó trò được đóng vai trò chủ động và thầy cũng là một người học. Tất
nhiên, không có hệ thống giáo dục nào mà không có những hình thức này hay hình
thức kia gây áp lực lên cá nhân. Có điều phương pháp sư phạm cần cố gắng giảm
thiểu áp lực ấy, tăng cường sự kết hợp lợi ích cá nhân với yêu cầu cần có của
đào tạo.
Giáo dục đi theo tâm thức người thầy, nhưng kết quả
giáo dục đi theo sự phát triển của trẻ em.
Phương pháp dạy học truyền thống được duy trì qua
nhiều thế hệ lấy hoạt động của người thầy làm trung tâm, người thuyết trình, diễn
giảng, là “kho tri thức” sống, học sinh là người nghe, nhớ, ghi chép và suy
nghĩ theo. Thầy là chủ thể, tâm điểm, học sinh là khách thể, phương pháp giảng
dạy này không còn phù hợp, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay. Bởi
vì trong một thế giới như hiện tại, trẻ không cần thầy nhồi nhét cho chúng thêm
thông tin, bọn trẻ hiện nay đã được nhận quá nhiều thông tin từ thế giới qua
nhiều phương tiện cung cấp như sách, báo, internet,... Thay vào đó, cái chúng cần
là khả năng phân loại, sự khác biệt giữa những gì quan trọng và không quan trọng,
và trên hết là có thể kết nối những mẫu thông tin rời rạc thành một bức tranh
rõ ràng hơn phản ánh về thế giới. Để từ đó trẻ có được nguồn thông tin chất lượng,
kết hợp với bộ óc sáng tạo tuyệt vời sẽ cho ra đời những kiến thức tiến bộ hơn
trong tương lai. Chúng ta muốn con mình dành cả đời để tiếp thu thật thứ đã có,
hay muốn nó tìm kiếm và tạo ra những giá trị mang ý nghĩa thật sự? Suy cho
cùng, kiến thức cũng chỉ là điều kiện cần của cuộc sống, chỉ thật sự có giá trị
nếu giúp ích được cho con người. Đừng làm nô lệ của kiến thức.
Giáo dục hiệu quả nên là quá trình giáo dục đa
phương, chứ không phải chỉ tác động đơn phương lên trí tuệ của đứa trẻ. Là quá
trình hoạt động tích cực, chứ không phải thụ động tiêu hóa những kiến thức mà
người ta thông tin tới nó. Đó là một kiểu nhà trường mới không phải như nơi ban
phát chân lý và yêu cầu học thuộc, thấm nhuần, mà là môi trường mở về tri thức,
tự do tư tưởng, nơi cả thầy và trò, cũng như trò và trò cùng học hỏi lẫn nhau,
cùng trao đổi, phản biện.
Về bản chất, không có sự giáo dục nào cao hơn là tự
giáo dục, dù ở cấp độ nào đi nữa.
Ngôi trường như vậy sẽ không xuất hiện những hình ảnh
trước đây, hình ảnh người thầy tự cho mình hoặc đứng ở vị trí đầy uy quyền và
đòi hỏi sự kính trọng từ phía học trò. Mọi sự kính trọng chân thành xuất phát từ
nội tâm chứ không phải sự lặp đi lặp lại của nghi thức hay tuân theo một kỷ luật
nhất định, đó chỉ là hình thức, lễ nghi bên ngoài, chỉ là sự dối trá, hình
thành nên thói đạo đức giả xuất phát từ sự sợ hãi, ràng buộc. Con người không
ai thích điều làm họ sợ hãi, nên giáo dục dựa trên căn bản của quyền uy, đe dọa
không bao giờ là sự giáo dục chân chính. Một người thầy theo đúng nghĩa không
phải người có nhiều kiến thức hay ăn nói lưu loát, mà nên là người bạn đồng
hành cùng trẻ. Dìu dắt các em với sự tôn trọng xuất phát từ hai phía, chứ không
phải dựa vào một uy quyền nào đó để áp chế nó.
Một người thầy giỏi cần biết đặt mình vào địa vị của
đứa trẻ để cùng phát triển, học hỏi, thấu hiểu, đi sâu vào những vấn đề khó
khăn của nó, nhìn ngắm mọi việc xuyên qua lăng kính của trẻ và toàn tâm hiến
mình cho giáo dục đứa trẻ ấy. Nếu vị thầy không tiếp xúc mật thiết với trẻ như
thế, thì mọi sự dạy bảo chỉ là sự hời hợt bên ngoài. Một sự lặp đi lặp lại những
kiến thức chết, rồi để mặc cho những đứa trẻ loay hoay với khó khăn, sợ hãi, bất
ổn, từ đó tạo nên những hố sâu ngăn cách chúng ta với nhau.
Trẻ em không cần người thầy, cô phải có học vị nhiều,
bằng cấp cao. Điều chúng cần ở người thầy, cô là một trái tim chan chứa tình
yêu thương.
Hoàng Yến
Trần Huy Toàn