VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: CHÁNH PHÁP CỦA ĐỨC THẾ TÔN CÓ VẺ KHÔNG ĐƯỢC TOÀN HẢO?
- Thưa đại đức, trẫm thấy rằng, dường như chánh pháp của Đức Thế Tôn
thuyết ra, có vẻ không được toàn hảo?
- Tại sao đại vương lại nói vậy!
- Thế tam tạng, tức là kho tàng chánh pháp gồm có những gì thưa đại đức?
- Là tạng kinh, tạng luật và tạng vi-diệu-pháp.
- Tạng kinh toàn hảo chứ?
- Tạng kinh là từ sự thật, từ chân lý; từ sự thấy chắc, biết chắc, thấy
đúng và biết đúng mà nói ra - thì sao lại không toàn hảo được?
- Thế tạng vi-diệu-pháp?
- Tạng này là do Đức Thế Tôn thấy rõ tâm vương, tâm sở, sắc pháp và niết-bàn
mà nói ra thì chắc chắn là toàn hảo!
- Còn tạng luật?
- Là tạng mà Đức Thế Tôn dựa theo những lỗi lầm từ nhẹ đến nặng, từ
cách đi đứng nằm ngồi, mặc áo, khất thực, độ thực, cách thu thúc, sự gìn giữ
thân khẩu ý v.v... của Chư Tăng hoặc tùy từng trường hợp vi phạm mà chế định
ra. Tạng luật ấy rất thực tiễn, rất cụ thể, rất dân chủ, rất đạo đức, rất phạm
hạnh ... nhờ vậy Tăng chúng mới có được đời sống kỷ cương và hiền thiện! Vậy
thì theo bần tăng, tạng luật cũng rất là toàn hảo, tâu đại vương!
- Thưa, toàn hảo nghĩa là hoàn toàn tuyệt hảo chẳng ai có thể thêm bớt
hoặc sửa đổi dẫu là tí chút, phải vậy không đại đức?
- Đúng thế!
- Thế sao Đức Thế Tôn có thuyết rằng: "Này Ànanda! Sau khi Như
Lai diệt độ rồi, nếu Chư Tăng có sự mong cầu là nên bỏ bớt một số giới điều nhỏ
nhặt không cần thiết - thì nên vì ước nguyện của Chư Tăng mà bỏ bớt đi".
Thưa đại đức! Câu nói ấy của Đức Phật chứng tỏ giới luật chưa toàn hảo. Mà giới
luật chưa được toàn hảo có nghĩa là chánh pháp chưa được toàn hảo! Xin đại đức
hãy soi sáng cho trẫm ở điểm này?
Đại đức Na-tiên mỉm cười:
- Đại vương! Trước khi giải nghi vấn đề ấy, đại vương hãy cho bần tăng
được hỏi một điều!
- Xin vui lòng!
- Đại vương hiện đang cai quản một quốc độ mênh mông như thế này, ví dụ
đến khi đại vương tuổi đã lớn, mệnh trời sắp hết, đại vương bèn gọi thái tử kế
vị tương lai đến để dạy rằng: "Này con! Lãnh thổ của vương triều ta quá rộng
lớn, nếu sau này con không quản lý và bảo vệ nổi thì con cứ tùy nghi bỏ bớt những
phần đất nhỏ nhít ở các biên trấn xa xôi xét thấy là không cần thiết". Đại
vương, nếu có trường hợp như thế xảy ra, và nếu trường hợp thái tử là người con
có chí, có hiếu, biết thương yêu thần dân và tổ quốc thì thái tử sẽ xử sự ra
sao khi đại vương mệnh chung?
Đức vua Mi-lan-đà đáp:
- Có thể trẫm sẽ nói như vậy vì muốn tôn trọng sự tự do của Đức vua
tương lai, nhưng suy bụng ta ra bụng người, trẫm biết là con trẫm vì thương yêu
thần dân và mãnh đất của phụ vương đã dày công máu xương và hãn mã; sẽ không bỏ
bớt bất cứ một phần đất nhỏ nào mà còn ra công gầy dựng, chinh phục để mở rộng
thêm đất đai, lãnh thổ! Ý trẫm là vậy, thưa đại đức!
- Đấy cũng là câu trả lời của bần tăng, thưa đại vương! Chư tỳ khưu
Tăng đương lai vì tôn kính Đức Phật, tôn kính giáo pháp; đã không ban bố thêm
giới điều thì thôi, chớ nào dám bỏ bớt một số giới điều dầu nhỏ nhặt mà Đức Đạo
Sư đã dày công bi mẫn chế định vì tương lai của phạm hạnh, của nếp sống kỷ
cương cho tăng-già thời hậu lai!
Đức vua Mi-lan-đà nhè nhẹ gật đầu:
- Nghe có vẻ thuyết phục lắm! Nhưng trẫm còn muốn hỏi thêm. Kinh và vi
diệu tạng, là y cứ vào chân lý, vào sự thật mà nói lên, "như thị thuyết";
còn tạng luật chỉ là chế định, chế định là cái tạm thời có thể tùy nghi thay đổi
theo thời gian, quốc độ. Đúng ra là có thể thêm thắt hoặc bỏ bớt nếu thấy không
còn đúng, không còn hợp thời nữa, phải vậy không đại đức!
- Đại vương có ví dụ cụ thể chăng?
- Vâng, có thể được. Ví như trong luật ấn định rằng chư tỳ khưu phải
mười lăm ngày tắm một lần, nếu chưa đủ mười lăm ngày mà tắm là phạm "ưng-đối-trị"!.
- Đúng vậy mà cũng không phải vậy, thưa đại vương! Điều luật ấy chỉ áp
dụng ở xứ trung Ấn Độ, là nơi thường hạn hán, nước khan hiếm. Nên điều luật còn
ghi chú rằng: những xứ khác, nước nhiều, tắm nhiều lần không phạm tội!.
- Thế rõ ràng giới luật có thể thay đổi!
- Đại vương - Đại đức Na-tiên nhấn mạnh - bần tăng hoàn toàn đồng ý về
cách hiểu của đại vương, là các pháp chế định có thể tùy nghi thay đổi; nhưng bần
tăng đã nói rồi, là vì kính trọng Đức Thế Tôn và kính trọng giáo pháp, chư Tăng
thời hậu lai sẽ không bao giờ bỏ bớt một học giới nào!
- Cả những giới điều nho nhỏ như phạm tác ác cũng không thể bỏ ư?
- Những giới điều nhỏ nhặt như phạm tác ác ấy, đại vương có nhớ rõ những
giới điều nào không?
- Thưa, không nhớ rõ lắm!
- Đại vương! Phần lớn những giới điều thuộc tội tác ác ấy nằm trong bảy
mươi lăm điều "ưng học pháp", là những pháp mà tỳ khưu cũng như sa di
đều phải thực hành. Nói tóm, chúng là những cách thức về việc mặc y thế nào cho
nghiêm trang; đi đứng, nói năng, ăn uống phải thế nào cho nghiêm túc, đứng đắn
v.v... Một vị tỳ khưu trong Phật giáo không thể ăn mặc luộm thuộm cẩu thả;
không thể đi tới đi lui mà khua tay, múa chân; chẳng thể muốn đến nhà cư sĩ,
vào xóm làng lúc nào cũng được; chẳng thể nói cười tự do vung vít; chẳng thể ngồi
đứng ưỡn ẹo, thân mình lắc lư; chẳng thể ăn uống khua muỗng, khua bát, húp canh
sột soạt, mắt láo liên ngó chỗ này chỗ kia .v.v... Đại vương! Những giới điều
nhỏ nhặt về tội tác ác ấy có thể bỏ đi được chăng?
Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:
- Nếu bỏ đi thì còn đâu là tăng tướng mô phạm làm y chỉ cho chúng
sanh. Nhưng trẫm nghe rằng có những học giới không thuộc tác ác mà thuộc ưng đối
trị, xem ra cũng nhỏ nhặt như để muối cách đêm, xế bóng hai ngón tay còn ăn được,
tọa cụ không có bìa, thọ dụng tiền bạc chút ít để đi đây đi đó v.v... Những giới
điều ấy xét ra nghiêm khắc và tiểu tiết quá. Đức Thế Tôn nhập diệt đã năm trăm
năm rồi, thời đại đó xưa rồi, vậy nên thay đổi chút ít cho hợp với hoàn cảnh mới,
được chăng?
- Đại vương! Những giới điều nhỏ nhặt mà đại vương nêu ra đó, thuộc bốn
trong mười điều lầm lạc mà kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai, chư Thánh Tăng
A-la-hán bảy trăm vị đã chỉnh lại bởi những sai phạm của một phe nhóm tỳ khưu
sa đọa. Và nếu cứ vậy, cứ qua mỗi thời thay đổi một ít, sữa đổi một ít thì chừng
một ngàn năm sau, giới luật bậc Thánh của đạo giác ngộ sẽ trở thành giới luật của
ngoại đạo mất thôi! Đây là hiểm họa, đại vương nên phóng tầm mắt nhìn xa thấy rộng
hơn một tí nữa. Trong kỳ kết tập lần thứ nhất, khi ngài Ànanda kể lại Đức Thế
Tôn có cho phép bỏ bớt những giới điều nhỏ nhặt, ngài Ca-diếp hỏi lại rằng:
"Vậy thì hiền giả có hỏi Đức Thế Tôn những điều nhỏ nhặt ấy là những học
giới nào không?" Ngài Ànanda bảo là không có hỏi. Đức Ca-diếp bèn quyết định
giữ nguyên tạng luật như thuở Đức Phật còn sanh tiền!
- Cảm ơn đại đức! Trẫm đã hiểu rồi. Giữ nguyên như thế là tốt hơn nhiều.
Quả chư Thánh Tăng đã nhìn xa thấy rộng. Thật là toàn hảo.
-ST-