HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 26 (PHẦN 3)

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CHO TRẺ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI, LỐI THOÁT CHO NỀN GIÁO DỤC HIỆN HÀNH

III. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC HIỆU QUẢ

Khi đã giúp trẻ hình thành được thói quen yêu thích trong một việc hoặc lĩnh vực nào đó thì làm sao để duy trì và phát triển nó nhằm thăng hoa trở thành một tài năng thực sự, đây là điều cần quan tâm tiếp theo.

Cho nên, có hai vấn đề chính chúng ta cần phải nhìn nhận và xem xét lại.

1. Do sự phân chia một số chức năng của não bộ, khi trẻ học chúng phải tiếp thu những cái mới nên cần dùng đến tư duy, lý luận, phân tích

Đa số các môn học thiên về bán cầu não trái hoặc do cách thức người dạy mang tính chất ràng buộc dập khuôn làm cho bán cầu não trái hoạt động tích cực, nhưng lại không đả động gì đến bán cầu não phải. Cách dạy thiên lệch về một bên, trong khi điều kiện để xử lý một thông tin cần có sự phối hợp gần như đồng thời của hai bán cầu não. Vậy nên khi được thảnh thơi, não phải đã tự tìm kiếm hoạt động cho riêng mình bằng cách tưởng tượng, kiếm chuyện nói, quay bên này lắc bên kia, khả năng tập trung ngắn hạn. Chuyện này chắc chắn không xa lạ với bất kỳ ai, nhưng chưa nhiều người thực sự hiểu được nguyên nhân xuất phát từ đây, chưa hiểu được cách hoạt động này trong tâm trí, nên đã dùng nhiều cách để cưỡng ép, thậm chí đánh đập trẻ để nghe theo sự sắp đặt của họ. Nhiều em trong đó lại bị gắn cho cái mác tiêu cực: “Đồ phá hoại, đứa lì lợm, không tập trung, bướng bỉnh”, những điều đó đang ngầm thể hiện sự bất lực của người lớn trong giáo dục con trẻ. Việc hiểu trẻ em và lựa chọn cách giáo dục phù hợp là một việc cấp thiết.

Mọi người có biết tại sao các trò chơi trong game lại khiến trẻ em ham thích, có khả năng tập trung nhiều giờ liền trong khi trong các tiết học truyền thống nhiều em lại không thể tập trung, dù chỉ trong vài phút? Ngoài sự quyến rũ cảm xúc trẻ như đã đề cập ở trên ra, khi chơi game hai bán cầu não của trẻ được phối hợp nhuần nhuyễn. Hoạt động bán cầu trái dùng để tính toán, lập luận, tư duy, giả định tình huống phản ứng, đồng thời trong lúc này bán cầu não phải lại tập trung quan sát không ngừng vào hình ảnh, âm thanh, các chuyển động trong game. Nắm bắt được đặc điểm này, một số thầy cô tiên phong đang dần thay đổi phương pháp giáo dục trong giờ học để đạt được hiệu quả hơn: “Thay vì chỉ đơn thuần dùng lý thuyết người ta đã biết kết hợp các hình ảnh trực quan, dùng ngôn ngữ cơ thể, sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt nhiều hơn, kết hợp với âm nhạc không lời, chỗ ngồi tự do, không gian hướng đến tự nhiên, chia nhỏ thời gian học, thiết kế bài giảng sao cho như một hoạt động vui chơi, kể chuyện, đóng vai, giúp các em tiếp thu một cách tự nhiên, vui vẻ, tăng thời gian ra chơi”. Tất cả những thay đổi này đã mang lại hiệu ứng tích cực, nhận được sự hợp tác chủ động từ các em, có như thế trẻ mới ham thích, tập trung và học tập tốt hơn.

Vì vậy điều kiện để hình thành nên một lớp học hiệu quả, buổi học đó cần giúp trẻ phối hợp được hai bán cầu não cùng một lúc.

2. Nên nghiêm túc xem xét lại mục tiêu cuối cùng của giáo dục và phương pháp đào tạo con người hiện nay.

Tôi quan sát thấy rằng cách mà người ta đào tạo con người, phát triển tiềm năng cho trẻ em từ trước đến nay chưa thực sự hiệu quả. Chẳng hạn, khi trẻ tham gia lớp học với nhiều điều kiện thuận lợi như cơ sở vật chất tốt, ấn tượng ban đầu tốt, có niềm yêu thích, giáo viên yêu nghề. Nhưng còn một nhân tố khác, chúng ta vẫn chưa đề cập đến đó là “phương pháp giáo dục”, đào tạo truyền thống, khép kín khiến đứa trẻ trở nên cứng nhắc, kiềm hãm sự sáng tạo, cá tính, sự phát triển cá nhân cũng như năng lực tiềm tàng trong mỗi trẻ. Phương pháp này không chỉ được dùng trong dạy văn hóa mà với những môn năng khiếu như múa, vẽ, cầu lông, bóng chuyền, võ thuật, điện tử,… cũng đã bị thâm nhập khá sâu.

Thử lấy một trường hợp cụ thể như trong việc dạy trẻ học múa, mọi động tác, nhịp điệu đã được giáo viên chuẩn bị sẵn, đã được lập trình, lên kế hoạch cụ thể. Việc của trẻ khi đến học chỉ còn duy nhất một nhiệm vụ là bắt chước, cố gắng ghi nhớ và lặp lại những gì người giáo viên đã chỉ dạy thì em đó được khen giỏi, xuất sắc. Với cách đào tạo này rất rõ ràng người ta đang chú trọng đến thành tích, kết quả, rèn luyện cho trẻ để chúng đạt được một kỹ năng nào đó, biến trẻ em thành một “công cụ” trong tương lai. Đây là cách đào tạo thịnh hành trên khắp thế giới mãi cho đến tận ngày nay chứ không riêng gì ở Việt Nam, ai cũng biết rõ không có gì lạ cả.

Bản thân tôi khi đưa ra những bất cập đó không hề có thái độ phán xét, phủ bỏ giá trị của giáo dục truyền thống. Mà hơn hết, nhìn nhận để chúng ta bù đắp lỗ hổng kịp thời, giúp đỡ trẻ em sớm ngày nào hay ngày đó. Trong một thời gian dài, tôi đã may mắn được quan sát, trải nghiệm cùng trẻ rất nhiều và phát hiện được cách đào tạo trẻ theo “phương pháp thuận tự nhiên” hiệu quả hơn nhiều.

Như hơi thở! Bản năng tự học có được trong trẻ từ khi chúng mới sinh ra, không ai dạy cả nhưng trẻ lại có thể tự học cách sử dụng năm giác quan chỉ trong vài tuần đầu tiên. Rồi chúng lại học cách kiểm soát cơ thể theo ý chí cá nhân trong vòng vài tháng như cầm, nắm, lật, trườn. Tự học một ngôn ngữ mà không thông qua một giáo trình có sẵn nào trong khoảng hai năm. Tự học, hiểu và có được nhiều cơ chế cảm xúc phức tạp không thể dạy bằng bất cứ cách nào. Tự hình thành tư duy phân tích, so sánh, tổng hợp khoa học. Bản năng tự học có được của trẻ nhờ tính tò mò. Động lực cơ bản nhất giúp nhận biết, học hỏi và khám phá thế giới, nhờ vào khả năng quan sát và bắt chước trẻ làm điều đó hoàn toàn một cách tự nhiên, không gò ép, không áp lực, không phải cố gắng, không sợ hãi, không biết chán nản và cũng không cần bất kỳ ai phải đốc thúc, dạy dỗ. Từ lúc trẻ chào đời, bản năng tự học có sẵn trong đứa trẻ như hơi thở.

Rõ ràng nhất cho bằng chứng về bản năng tự học là nếu bạn để ý trẻ có bố là võ sư thường chúng cũng rất giỏi võ. Bố mẹ chúng là kỹ sư điện tử, thợ sửa chữa máy móc thì rất có khả năng con họ cũng biết tháo ráp, có sở trường trong lĩnh vực này. Trẻ có bố mẹ chơi bóng đá thường chúng cũng khá giỏi hoặc ham thích thể thao. Chúng học được kỹ năng, hiểu điều đó thông qua môi trường chuyên môn đối với điều mà chúng thích thú.

Còn một kiểu phản ứng nữa có nhiều em ở trong môi trường chuyên môn đúng với nhu cầu, sở thích của mình nhưng lại không được bố mẹ ủng hộ, thậm chí phản đối ngăn cấm, bằng nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, cũng như những tình huống ở trên nhưng nhiều ông bố bà mẹ vì lý do nào đó mà lại không muốn con mình theo đuổi con đường chúng yêu thích. Để tôi kể cho bạn nghe chuyện những đứa trẻ thích đá bóng. Nhiều người sợ trẻ chơi bóng té ngã gãy tay chân; chơi bóng ngoài nắng sẽ đen da; học quan trọng hơn chơi bóng; sợ lấm bẩn áo quần, vì lẽ đó nhiều người họ cấm đoán con mình chơi bóng. Nhưng những đứa trẻ đó tìm mọi cách để chơi bóng đá, chúng nói dối bố mẹ, vẽ ra đủ mọi lý do, thậm chí trốn nhà đi đá bóng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có bóng để đá, nên khi không có bóng chúng dùng bóng chuyền, bóng rổ, bóng đã thủng hoặc trái bưởi thay thế. Chúng có thể đá bóng dưới mọi thời tiết, dưới cái nắng, những trận mưa. Ở quê, chỗ chơi thì nhiều, nhưng sân đá bóng thì ít, nên những đứa trẻ thường đá bóng dưới những đám ruộng hoặc chúng sẽ tìm mảnh đất nào đó để chơi. Nhưng nhiều lần bị chủ đất đuổi đi vì như thế chúng sẽ dẫm chết hết cỏ, như vậy trâu, bò không có cỏ mà ăn. Chúng lại chạy, tìm nơi khác để đá, hay hôm sau chúng lại đến đó đá tiếp. Cảm giác như không gì ngăn cản được chúng dừng lại.

Tuy nhiên cũng có nhiều đứa trẻ sống trong môi trường chuyên môn như thế nhưng chúng lại không hề giỏi võ, thậm chí không có chút hứng thú nào cả, chúng cũng chưa bao giờ biết tháo một cái máy, hoàn toàn mù tịt về điện tử, sửa chữa máy móc, chúng cũng chưa bao giờ thích chạm đến trái bóng. Trong tình huống này có nhiều bố mẹ đã cảm thấy không hài lòng, vì sự kỳ vọng muốn con tiếp nối con đường của mình nên họ đã cố ý cưỡng ép, áp đặt trẻ theo ý mình.

Lúc này đứa trẻ sẽ phản ứng lại và kịch bản thường xảy ra hai trường hợp sau đây. Kịch bản thứ nhất, có một số trẻ kiên định (thường là những bé trai), trẻ độc lập trong đám đông, tự do thoát khỏi những khuôn mẫu tư duy, có khả năng đưa ra cái nhìn cá nhân của mình, những ý muốn áp chế bản thân và đi theo con đường mình chọn. Kịch bản thứ hai dễ thấy hơn (thường là đối với các bé gái), trước sự áp đặt, quyền lực, đứa trẻ co người lại, theo thời gian dần mất đi sự kháng cự, chúng ngoan ngoãn đi theo con đường đã được vạch sẵn.

Vì sao lại có sự khác biệt như vậy, khi mà trẻ ở trong cùng một môi trường chuyên môn (nghề nghiệp của bố mẹ) có trẻ lại phát triển tốt có trẻ lại không?

Có hai nguyên nhân dẫn đến kiểu phản ứng trên và cũng là hai quan điểm chủ đạo cần nhìn nhận lại trong cách giáo dục trẻ em. Thứ nhất, trẻ sinh ra đã muốn học, đã có đầy đủ công cụ để có thể tự học, chỉ cần có được môi trường thuận lợi là chúng có thể phát huy được. Thứ hai, bản năng tự học hay động lực muốn khám phá thế giới của trẻ chỉ phát huy tác dụng khi nó phù hợp với nhu cầu sở thích, đam mê của đứa trẻ chứ không phải của một người nào khác. Đó không phải quá trình mà bạn muốn giáo dục đứa trẻ như thế nào cũng được, hiểu theo một tầng nghĩa rộng nhất thì không có một chương trình, giáo án nào phù hợp cho tất cả các học sinh. Nói cách khác mỗi một học sinh cần có một chương trình, giáo án riêng.

Bạn không thể đi theo trẻ mãi được, bạn cũng không thể kèm cặp chúng suốt cuộc đời, hơn nữa cho dù bạn giỏi đến đâu, lời bạn nói có chứa chan tình yêu thương hay chân lý đi nữa, mà bản thân đứa trẻ không có niềm hăng say, mong muốn học thì mọi sự tác động đến từ bên ngoài đều vô nghĩa. Người thầy (nghĩa hẹp thầy cô trên bục giảng) có thể không có nhưng không thể đánh mất đi bản năng tự học của trẻ được. Vì khi các em muốn học thì tự nhiên sẽ tìm thấy nhiều ông thầy khác có thể hướng dẫn các em, đó là bạn của trẻ, thầy từ thất bại, thầy từ kinh nghiệm của bản thân các em, thầy từ sách vở, thầy từ internet,... Nếu muốn học thì đứa trẻ sẽ có động lực để tìm kiếm những điều đó.

Thời đại công nghệ 4.0 khi mà mọi thứ đều có thể chạm tay và tiếp cận đến, việc học đâu còn khó khăn như trước, sự lựa chọn duy nhất đâu phải là trường học. Vấn đề nằm ở việc đứa trẻ có muốn hay không. Khi các em muốn học cả vũ trụ sẽ hợp lực để giúp các em theo luật hấp dẫn, nhưng khi chúng nói không thì tất cả đều vô ích.

Vì vậy không phải như cách nhiều người hay làm với trẻ em hiện nay là dạy các em học, nói đúng hơn họ không dạy trẻ được gì đâu. Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục tại nhà, cũng như người giáo viên ở trường là tạo môi trường tốt nhất để bản năng tự học của trẻ làm việc.

Hãy lắng nghe những người thực sự đã phát triển bản thân nói gì về việc tự học. Cha đẻ của phương pháp bản đồ Tư duy Tony Buzan nói: “Kỹ năng tự học là kỹ năng quan trọng nhất mà một người có thể sở hữu”. Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, mà còn là nhà tư tưởng, cũng nhấn mạnh rằng: “Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt lõi.”

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.