TINH HOA GIÁO DỤC 26 (PHẦN 2)
PHƯƠNG PHÁP
GIÁO DỤC CHO TRẺ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI, LỐI THOÁT CHO NỀN GIÁO DỤC HIỆN HÀNH
II. CẢM
XÚC, CHÌA KHÓA VẠN NĂNG ĐỂ DẠY TRẺ
Tôi mong muốn trẻ thích đọc sách và có tinh thần khám phá tri thức theo bạn tôi sẽ làm như thế nào? Thường tôi sẽ mang sách vở ra đọc, viết trước mặt các bé và tỏ ra thích thú với việc học của mình, lúc đó các bé tò mò lại hỏi: “Bố đang làm gì đó?”
Tôi trả lời: “Đang chơi học bài, tập viết, nhưng
không cho các con chơi đâu”. Thế là các bé muốn bắt chước, mè nheo, đòi cho
chơi học cùng.
Không dễ dàng để cho các bé đạt được mong muốn,
tôi nói: “Phải ngồi đó chờ một lúc rồi mới chơi được hoặc phải đi lấy giùm bố
ly nước.”
Tóm lại là làm khó bé một chút, sau đó mới cho bé
chơi, bé vẽ rồng, rắn gì cũng được, thích tô gì thì tô, tôi không đặt nặng vấn
đề phải tròn vành rõ chữ, không tìm kiếm kết quả trong hành động của bé, mà để
bé thấy được niềm vui, hạnh phúc trong hành động mình làm. Nhưng thường sau
không quá 1/3 nhu cầu của trẻ rồi tôi sẽ không cho chơi nữa. Đặt giới hạn cho
bé để bé không được thỏa mãn quá mức và duy trì sự ham muốn cho lần sau. Cứ vậy
hết lần này đến lần khác, một năm sau những đường nét nguệch ngoạc vô chủ đích
nay đã trở thành những con chữ, con số, hình ảnh rõ ràng tự nhiên. Nhưng điều
quan trọng nhất mà tôi hướng đến đã đạt được là giúp các em hình thành nên một
tiềm thức tích cực đối với việc học.
Hay như khi đi học võ, tập múa, hát,… tôi thường
thấy khi vào đăng ký học, ban đầu có rất rất nhiều em tham gia. Nhưng càng về
sau các em càng bỏ dần và cuối cùng gần như chẳng còn em nào đủ kiên trì theo
đuổi niềm yêu thích của mình. Đó là vì khi đăng ký vào học dù là trẻ 5, 10 hay
14 tuổi đều ngay lập tức đưa vào kỷ luật, bị bắt phải làm cái này, phải tập cái
kia, phải nghe người này, tuân thủ quá nhiều quy định, quy tắc. Làm cho việc học
trở nên máy móc, cứng nhắc, khô khan và bỏ qua cảm xúc của trẻ em, điều này là
bất tự nhiên đối với các em, trong khi cảm xúc lại quyết định đến hành động,
nên đứa trẻ dần mất đi động lực và hứng thú. Chính vì thế sau một thời gian ngắn
khiến rất nhiều trẻ em trở nên buồn chán, ngán ngẩm với chương trình đào tạo,
rèn luyện, dẫn tới từ bỏ.
Ngược lại, đó không phải là cách tiếp cận mà tôi
khuyến khích mọi người làm. Một vài lần hay thậm chí một vài tháng đầu, bạn nên
cho trẻ tiếp cận một cách thoải mái, vui vẻ. Để trẻ tự do vui chơi với bạn bè,
học ít thôi chơi nhiều hơn, giảm nhẹ tính kỷ luật, quy tắc, quy định. Làm sao để
biến mọi thứ có vẻ như thành một trò chơi, một cú đấm, đá, hay lộn nhào đều như
trò chơi, đều tràn đầy cảm xúc, tạo tiềm thức tích cực cho trẻ. Như vậy, dần dần
đứa trẻ sẽ biến niềm yêu thích của mình thành đam mê thực sự và khi có tình yêu
vào bất kỳ việc gì, chúng mới có năng lượng, nhiệt huyết, động lực nội tại cố gắng,
chủ động hành động và đưa mình vào kỷ luật được.
Anh Bảo cùng vợ rất quan tâm đến giáo dục con và
cũng rất mong muốn giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Bảo có một cô
cháu nhỏ 5 tuổi, con của chị, vì bé được mẹ chăm quá mức, yêu chiều không đúng
cách, muốn gì được đó, ăn uống thỏa sức… (sự tổn thương của người mẹ trong quá
khứ và tìm cách lấp đầy cho đứa con theo cách của mình muốn chứ không phải điều
đứa trẻ cần) nên mỗi lần bé xuống ở lại nhà anh ấy là hai vợ chồng tranh thủ
“đào tạo” lại bé. Khoảng 2, 3 lần như vậy khiến bé cảm thấy sốc và không được
thoải mái, chuyển từ trạng thái lúc nào cũng muốn xuống nhà anh ấy chơi sang
tâm lý không muốn đến nữa.
Nên tôi đã nói với anh ấy rằng: “Trước hết, hãy
đón nhận bé trong tình yêu vô điều kiện, khi bé cảm nhận được tình yêu rồi mới
dạy dỗ bé được”. Thế là anh ấy thay đổi cách tiếp cận, từ đó mỗi lúc bé xuống
nhà anh chơi, bé được yêu thương, chăm sóc, cho đi chơi thoải mái, mà anh chị gần
như không tác động gì, đôi khi còn đáp ứng một vài đòi hỏi “có vẻ” quá đáng của
bé nữa. Sau nhiều lần như thế, bé đã cảm nhận được sự an toàn, gần gũi, rồi mới
dần dần hướng dẫn anh chị ấy lồng ghép những bài học vào cho bé một cách tự
nhiên.
Ấn tượng ban đầu xấu, tiêu cực, buồn chán, trẻ sẽ
tránh xa, không muốn lặp lại thêm nữa. Những trải nghiệm đầu tiên mang đến cho
trẻ cảm xúc vui vẻ, tích cực, thú vị đứa trẻ sẽ muốn lặp lại. Bạn tiếp tục duy
trì những trải nghiệm này vài tuần hoặc vài tháng để khắc sâu vào tâm trí trẻ,
biến chúng thành một “thói quen tốt”, trở thành niềm yêu thích thực sự. Bài học
ở đây là trong quá trình tương tác, đào tạo và rèn luyện trẻ em bạn cần ghi nhớ
đặc điểm tâm lý này. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng và bạn là người có khả
năng tạo ra ấn tượng đó tích cực hay tiêu cực theo chủ ý của mình. Tóm lại, hãy
làm mọi thứ thật vui vẻ, giàu cảm xúc, rồi trẻ sẽ bắt chước những hình mẫu tích
cực đó.
Trẻ em chúng học bằng trái tim và bộ não còn trống
rỗng, nhẹ tênh, hồn nhiên, trong sáng và sáng tạo. Cho nên, hãy giáo dục đứa trẻ
bằng trái tim của chúng ta, chỉ có trái tim mới kết nối được với trái tim.