VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: ĐỨC THẾ TÔN CÓ TÂM ĐẠI BI HAY KHÔNG?
- Thưa đại đức, Đức Thế Tôn hằng đem lại điều lợi ích cho chư thiên và
nhân loại; ngài có tâm đại bi, hằng tế độ cho chúng sanh trời, người, nam, nữ...
là điều chắc thật đấy chứ ạ?
- Quả đúng vậy.
- Đề-bà-đạt-đa chính do Đức Thế Tôn cho xuất gia?
- Phải rồi, Đề-bà-đạt-đa được Đức Phật cho xuất gia một lần cùng với
năm vị khác trong hoàng tộc là Bhaddiyà, Anuruddha, Ànanda, Bhagu, Kimabila! Có
thêm người thợ hớt tóc Upàli nữa là bảy người, tâu đại vương!
- Thưa đại đức, Đức Thế Tôn là bậc Toàn Giác, không có việc gì trên thế
gian mà ngài hướng tâm đến lại không biết; thế khi Đức Thế Tôn cho Đề-bà-đạt-đa
xuất gia, ngài có biết rằng sau này Đề-bà-đạt-đa âm mưu chia rẽ tăng chăng?
- Đức Thế Tôn có biết rõ như vậy, tâu đại vương!
- Trẫm có nghe rằng, trong pháp và luật của Đức Thế Tôn, là tỳ khưu
ni, sa di hoặc sa di ni đều không thể chia rẽ Tăng được, chỉ có tỳ khưu mới
chia rẽ tăng được, có phải vậy chăng?
- Đúng vậy! Chỉ có tỳ khưu cùng cộng trú, cùng làm lễ phát lồ mới hội
đủ điều kiện chia rẽ Tăng. Không phải là tỳ khưu không thể chia rẽ Tăng được. Đại
vương hiểu rất chính xác.
- Người chia rẽ Tăng thì ác nghiệp, tội báo sẽ như thế nào, thưa đại đức?
- Bị đọa địa ngục chịu thống khổ chừng một kiếp.
- Đức Thế Tôn cho Đề-bà-đạt-đa xuất gia làm tỳ khưu, Đức Thế Tôn lại
rõ biết sau này vị tỳ khưu ấy chia rẽ Tăng. Thế Đức Thế Tôn có biết là sau khi
tạo ác nghiệp chia rẽ Tăng rồi, Đề-bà-đạt-đa sẽ bị đốt cháy trong địa ngục a-tỳ
lâu chừng một kiếp chăng?
- Đức Thế Tôn càng biết rõ điều ấy.
- Thưa đại đức! Chính đại đức đã xác định rằng Đức Thế Tôn cho Đề-bà-đạt-đa
xuất gia, xuất gia rồi ông ta sẽ chia rẽ Tăng, chia rẽ Tăng ông ấy tạo ác nghiệp
chịu quả báo bị thiêu đốt ở địa ngục a-tỳ lâu chừng một kiếp. Ở đây, vấn đề này
sẽ nẩy sinh hai khía cạnh mà ngoại đạo sẽ đem ra dị luận, có hại cho Đức Thế
Tôn. Thứ nhất, nếu Đức Thế Tôn chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho Đề-bà-đạt-đa
trong tương lai - thì rõ Đức Thế Tôn không phải là "bậc Toàn Giác".
Thứ hai, nếu Đức Thế Tôn biết rõ quả báo thống khổ mai sau của Đề-bà-đạt-đa thì
Đức Thế Tôn tuy là bậc Toàn Giác nhưng ngài lại thiếu tâm đại bi. Vậy cái gọi
là Đức Phật có mặt ở đời hằng đem đến hạnh phúc và an vui cho chư thiên và loài
người, là điều hoàn toàn cần phải xét lại! Xin đại đức hãy vì người học Phật
trong mai hậu, dùng trí tuệ mà đem đèn sáng đặt vào bóng tối để xóa tan mọi
nghi nan của trẫm thì trẫm tri ân lắm vậy!
- Đại vương, những nghi nan của đại vương là có cơ sở, tuy nhiên, vì Đức
Thế Tôn là bậc Toàn Giác, ngài có sự thấy biết về quá khứ, vị lai là bất khả tư
nghì. Ngài thấy biết rằng, nếu Đề-bà-đạt-đa mà sống đời tại gia thì y sẽ tạo ác
nghiệp với khổ báo không thể nghĩ lường. Đề-bà-đạt-đa xuất gia, được gieo duyên
với giáo pháp, được phước báu thanh tịnh hỗ trợ; nên khi bị trả quả chia rẽ
Tăng, ông ta chỉ thọ báo quả địa ngục a-tỳ lâu chừng một kiếp, sau đó ông ta sẽ
đắc quả Độc Giác Phật hiệu là Atthisara. Trái lại, nếu Đề-bà-đạt-đa không tu tỳ
kheo thì ông ta sẽ bị thiêu, bị nấu từ địa ngục này sang địa nguc khác; hết khổ
địa ngục, ông ta rơi vào hàng trăm kiếp làm ngạ quỉ, rồi làm a-tu-la với thời
gian không đếm được. Và do đó, được thiện báo thọ sanh làm người đã khó khăn huống
hồ chứng quả Phật Thánh. Đại vương nghĩ thế nào, vậy bậc Toàn Giác là bậc đại
bi hay không phải đại bi?
- Quả đúng vậy, nếu sự thật như thế thì tâm đại bi của Đức Thế Tôn là
bất khả tư lường. Tuy nhiên, ngoại đạo cũng có cách nói của họ mà sự hữu lý xem
ra ta chẳng nên xem thường...
- Đại vương cứ nói!
- Vâng, ngoại đạo sẽ châm biếm, mỉa mai rằng: "Ông Phật Tổ Cồ đàm
khéo thật! Ông đánh Đề-bà-đạt-đa sưng mày sưng mặt rồi ông kêu lại, dịu dàng đấm
bóp, xoa dầu cho! Ổng xô Đề-bà-đạt đa té sấp, té ngữa rồi đến dỗ dành, ẵm bồng
ra chiều từ ái. Ổng giết Đề-bà-đạt-đa chết rồi cho tái sanh làm người mới! Ổng
để cho Đề-bà-đạt-đa thọ khổ chán chê rồi sau đó mới cho hưởng hạnh phúc, an
vui!" Đại đức sẽ trả lời thế nào về điều ấy?
- Dễ dàng thôi, tâu đại vương! Cứ lý ấy của ngoại đạo sẽ bị tác dụng
ngược lại khi ta chỉ cần đặt cho họ vài câu hỏi.
- Vâng, trẫm đang chú tâm lắng nghe đây.
- Đại vương hãy hỏi họ rằng: khi người mẹ dùng roi đánh đứa con một của
mình - thì do bà ấy thương con hay ghét con?
- Thưa, người mẹ nào lại không thương con, nhất là đứa con một thì
tình thương kia lại càng dạt dào, vô lượng. Sở dĩ bà phải đánh con là mong nó
chừa bỏ một vài tật hư, tánh xấu nào đó; chỉ mong nó trở nên người lành, người
tốt mà thôi!
- Tâm đại bi của Đức Thế Tôn đối với chúng sanh, đối với Đề-bà-đạt-đa
cũng như người mẹ đối với con một của mình đấy, tâu đại vương!
- Hay lắm! Đại đức hãy cho nghe thêm ví dụ nữa.
- Vâng, ví như đại vương là bậc minh quân của thiên hạ, trí bi gồm đủ;
xử phạt, khen thưởng đều nghiêm minh, công bằng; tình lý đều cân phân, trọn vẹn.
Bần tăng có nghe rằng, trong các khung hình phạt của đại vương đặt ra, có một tội
ác được gọi là "tội nên cảnh cáo, tội nhằm để ngăn ngừa", bần tăng
không rõ lý do làm sao mà đại vương đặt ra khung hình phạt ấy?
- Thưa, đấy là phạt tội nhẹ để ngăn ngừa tội nặng, ví như cắt xẻ một
cái ung nhỏ, thà đau đớn chút ít nhưng ngăn ngừa được cái bệnh chết người trong
mai hậu!
- Cũng vậy là Đức Phật cho phép Đề-bà-đạt-đa xuất gia, biết chia rẽ
Tăng sẽ đọa địa ngục. Thà để cho Đề-bà-đạt-đa chịu đau khổ chút ít mà ngăn ngừa
được khổ báo nặng nề nếu ông ta sống đời tại gia, tâu đại vương! Giới và định
trong thời gian Đề-bà-đạt-đa xuất gia sẽ giúp cho ông ta sớm thoát khỏi khổ ách
và sẽ thành Phật Độc Giác trong ngày vị lai.
- Đại đức còn ví dụ nào về điều ấy nữa không?
- Có chứ! Ví như có một tội nhân thụ án phải bị chặt đầu. Khi ấy có một
vị quan thân tín của đại vương, được đại vương sủng ái, tin cậy, thường được đại
vương ban cho nhiều đặc ân; tỏ vẻ tội nghiệp cho tội nhân ấy, bèn xin đại vương
tha cho tội xử trảm, chỉ chặt một tay của người ấy thôi. Tâu đại vương! Theo ý
đại vương thì vị quan ấy có thiện tâm hay ác tâm? Có tội lỗi hay không có tội lỗi?
- Y là người tốt sao gọi rằng có tội được!
- Đức Thế Tôn cũng ví như vị quan ấy, vì không nỡ để Đề-bà-đạt-đa thọ
khổ lâu dài, tội báo kinh khiếp nên ngài tạo hoàn cảnh cho ông ta chỉ trả quả
đau khổ chút ít. Vị quan là người tốt, có lòng từ thì Đức Thế Tôn quả là có tâm
đại bi, tâu đại vương!
- Thật ra, ví dụ là để hiểu rõ thêm vấn đề thôi, chứ theo định luật
nhân quả thì ai làm người ấy chịu, có phải thế không, đại đức?
- Đúng thế, tâu đại vương! Tuy nhiên, những hỗ trợ duyên bên ngoài
cũng tác động và quyết định cho nhân kia được thành quả hay không được thành quả;
có quả lớn hoặc quả nhỏ, quả được tăng trưởng hay quả bị hủy hoại! Kẻ tội phạm
kia theo lẽ bị chặt đầu nhưng do nghịch duyên, có vị quan kia can thiệp nên quả
trổ bị nhẹ đi. Đề-bà-đạt-đa đáng lẽ ra phải bị tội báo nặng hơn, nhưng nhờ giới
định một thời hỗ trợ; vào phút cuối cùng lại có tâm hướng thiện hồi đầu, niệm
ân đức của Đức Phật, đặt đức tin nơi Đức Phật; do vậy, thiện quả sẽ trổ sanh
trong ngày vị lai cũng không lạ lùng gì. Sự vận hành ấy đúng với định luật
nhân, duyên và quả cả vậy. Đại vương có nghi ngờ gì nữa chăng? Và ngoại đạo còn
có thể dùng lý lẽ gì để xuyên tạc nữa chăng?
- Về câu hỏi này thế là đã được giải đáp một cách trọn vẹn, thưa đại đức.
Bọn ngoại đạo thật không còn kẻ hở nào để chúng thò lý luận của chúng vào đấy
được nữa!
-ST-