HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 21 (PHẦN 1)

NGỪNG SO SÁNH, ĐỂ CON VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH

I. AI AI CŨNG CÓ NĂNG TÀI, NĂNG KHIẾU

Ngoài xã hội người ta so sánh Minh Khang còn nhỏ mà cái gì cũng biết, giỏi ăn nói, thông minh lanh lợi, còn thằng em thì chẳng được lấy một góc của anh.

Ở trường giáo viên dạy Văn so sánh: “Chi lanh lợi và linh hoạt trong giao tiếp còn bạn Tí chậm chạp, không biết cách ứng xử, lại chẳng chịu nói chuyện với ai”. Giáo viên Ngoại Ngữ so sánh: “Chi không học giỏi tiếng Anh như Nhật Nam”. Giáo viên Mỹ Thuật so sánh: “Chi và Nhật Nam thì không giỏi vẽ như Tí.”

Về nhà bố mẹ lại so sánh: “Con thấy bạn Bách nhà bên cạnh không, học giỏi Toán còn con thì kém tệ”. Mẹ Bách bên cạnh cũng so sánh: “Con có thấy bạn Bon hàng xóm không, lúc nào cũng năng động khỏe mạnh, giỏi thể thao, còn con chẳng bằng một góc”. Hoặc khi hai đứa trẻ cùng xử lý một việc bạn lại so sánh: “Em làm xong rồi, con giờ vẫn chưa được gì.”

Nếu để tiếp tục kể về những việc so sánh của người lớn nói chung và của mỗi phụ huynh dành cho con em mình nói riêng, thì khó lòng mà kể hết, có rất nhiều và cũng rất phong phú. Mỗi phụ huynh luôn mang trong mình thật nhiều “cây thước” đo để ướm lên người con họ. Những cây thước đó được phụ huynh tự thiết kế theo hình mẫu mà họ xem là lý tưởng về nhiều mảng như học tập, thể thao, kỹ năng, hay nếp sống.

Nghe thì bạn cảm thấy có vẻ lạ, thuở giờ chỉ có thước đo chiều cao, thước kẻ học sinh, hay những loại thước đại loại có sẵn các đơn vị đo đã được toàn thể thế giới lấy làm tiêu chuẩn, có ích trong cuộc sống, gọi chung là thước đo lường. Còn những loại thước tôi kể trên bạn cảm thấy lạ chăng?

Xin thưa với bạn rằng, bạn đã dùng loại thước đó còn sớm hơn những loại thước đo lường trên nữa kìa. Làm sao mà bạn nhìn ra trong khi nó vô hình, và đặc biệt luôn biến thiên thay đổi tùy vào sự đánh giá của phụ huynh với đối tượng vinh dự được lấy làm chuẩn. Nghe thôi đã thấy khôi hài rồi phải không? Ấy thế mà người người, nhà nhà, cả xã hội đang từng giây từng giờ tự “sản xuất” ra những loại thước như thế, chẳng những không có lợi gì mà còn vô cùng tai hại. Hành vi đó của người lớn chẳng khác nào việc họ đưa một chiếc gương có hình thù và đặc tính sẵn, bảo trẻ nhỏ phải tập tành, thay đổi để giống nhân vật trong gương. Nghe cứ như lễ hội hóa trang ấy nhỉ! Bạn có thấy vai trò của chiếc gương đã bị dùng sai cách rồi không? Sẽ ra sao nếu tất cả quý phụ huynh đều dùng một chiếc gương, mang tên hoàn hảo đặt trước mặt con mình?

Mong cho con mình trở nên tốt đẹp hơn ai mà không muốn, bất kỳ người làm bố làm mẹ nào cũng muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho đứa con mình dứt ruột sinh ra, dù mình có hy sinh bao nhiêu đi chăng nữa cũng không nề hà. Tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái là tình cảm thiêng liêng và quý báu không gì sánh bằng. Nhưng mọi người ạ! Hãy nghe tiếng lòng của con trẻ. Vứt bỏ cái gương che khuất nhau đi, để con đường từ trái tim đến trái tim giữa bạn và đứa con thân yêu không còn nhiều rào cản nữa.

Bạn biết không? Việc so sánh là bước đầu tiên để con em mình đi lệch. Bạn nhìn con người khác vậy thấy rất thích, thì cũng muốn rèn được cho con mình như thế, mà quên coi lại con mình và con họ là hai đứa trẻ khác nhau. Vì mỗi người là hoàn toàn khác nhau về tính cách, thế mạnh, khả năng, đến cả tâm tư tình cảm của trẻ nữa. Phải làm sao khi nó nhìn một người thông minh hơn và mang trong mình một niềm tin rằng, mình là đồ bỏ đi hay chỉ là một kẻ ngu dốt.

Dạy cho trẻ cứ mải miết tập trung vào người khác mà quên mất đi đường đua của bản thân, thì cho đến khi nào nó mới sống cuộc đời của chính nó được đây? Bạn mang một sinh linh đến với thế gian này đã là điều rất cao cả và vĩ đại rồi, thực sự không nên biến điều đó thành một gánh nặng. Khi bạn đang ra sức đẩy một đứa trẻ đáng yêu trở thành cỗ máy robot trưởng thành, mà điều đau lòng nhất là có thể bạn cũng không tự ý thức được tác hại của việc đó ra sao.

Những đánh giá, so sánh theo cách ở trên liệu có chính xác, khách quan, nên hay không nên và vì sao?

Phương châm giáo dục của dân tộc Do Thái: “Mọi đứa trẻ sinh ra đều có một giá trị riêng, một ý nghĩa và một tài năng khác nhau, không đứa trẻ nào là vô dụng cả, nhiệm vụ của giáo dục là giúp các em tìm kiếm và phát huy tài năng đó.”

Albert Einstein nói rằng: “Mỗi con người đều là thiên tài. Nhưng bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời với ý nghĩ rằng mình thật ngu ngốc.”

Trong cuốn sách của tiến sĩ Thomas Armas đã mô tả con người có ít nhất 7 loại hình thông minh như sau:

Trí thông minh logic: Đây là loại thông minh liên quan tới con số (toán học) và mối quan hệ logic giữa các sự vật. Những người có trí thông minh này thường làm việc trong lĩnh vực liên quan tới con số như toán, vật lý, hóa học, ngân hàng, tài chính,…

Trí thông minh ngôn ngữ: Đây là loại trí thông minh liên quan tới năng lực sử dụng ngôn ngữ. Những người có trí thông minh này thường là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội,…

Trí thông minh không gian: Những người có trí thông minh này thường làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật như kiến trúc, hội họa, điêu khắc, địa chất, vật lý thiên văn,…

Trí thông minh cơ thể: Đây là loại trí thông minh liên quan tới vận động của thân thể thường có ở những vận động viên thể thao, nghệ sĩ múa,…

Trí thông minh âm nhạc: Loại trí thông minh này thể hiện ở khả năng nghe nhạc, ghi nhớ nhanh giai điệu, sáng tạo ra các bản nhạc,…

Trí thông minh về nội tâm: Thể hiện ở khả năng khám phá chiều sâu của bản thân, trực giác,…

Trí thông minh tương tác cá nhân: Những người có năng lực quan hệ với mọi người, nắm bắt được suy nghĩ của người khác, giỏi hợp tác, tập hợp mọi người, lãnh đạo,…

Thông điệp của tác giả gửi đến là có nhiều loại hình thông minh, tùy vào đặc tính mỗi người mà mang một hoặc cùng một lúc nhiều loại hình thông minh khác nhau. Việc xác định được bản thân có trí thông minh nào giúp bạn không bỏ phí thời gian, sức lực và tinh thần, lao vào những thứ “mình không thuộc về”, để rồi bị cô lập trong chính cái kỳ vọng mà mình đã tin sai ngay từ đầu. Khi xác định đúng loại trí thông minh của mình bạn sẽ hiểu được giá trị của bản thân, đầu tư có chủ đích hơn và đặc biệt có niềm tin mãnh liệt hơn với những gì mình đang dấn thân. Tôi nói như trên không có nghĩa mỗi người chỉ nên chuyên tâm vào những gì trong phạm vi trí thông minh của mình và bỏ lơ đi những điều khác. Cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ, sự chăm chỉ quyết định trí thông minh là không thể phủ nhận. Nhưng khoan hãy bàn tới. Việc tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bạn đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân, đừng tự cô lập và gắn mác chính mình, đó là điều ngu xuẩn. Cũng đừng ngưng tìm tòi và khám phá bản thân, rồi đến một ngày bạn sẽ là thần tượng của chính mình. Hãy tin tôi!

Có một cô gái đi học không bao giờ muốn ghi bài, cô ta chỉ “vẽ bài”. Khi nghe thầy cô giảng cô không chép ra thành chữ như bao nhiêu học sinh khác, cô ấy chuyển ngôn ngữ nghe được thành “hình vẽ - hình ảnh”. Điều đó làm thầy cô trách phạt và đuổi cô ra khỏi lớp, vì khi nhìn xuống cuốn tập mà chỉ có toàn là hình vẽ. Họ cho rằng cô gái này xao lãng, không tập trung chú ý nghe giảng, chép bài mà lại vẽ lung tung. Cô gái đó lớn lên trở thành một họa sĩ, sau này cô kể lại rằng: “Ngày xưa cô ấy bị phạt và đuổi ra khỏi lớp không biết bao nhiêu lần. Nhưng cách tiếp nhận thông tin và cách ghi nhớ của cô ấy bằng hình ảnh. Khi nhìn lại hình đó, cô ấy kể lại được hết tất cả các câu chuyện và bài giảng của thầy cô mà không gặp khó khăn gì.”

Rồi cô ấy có một đứa cháu cũng giống như mình. Nghe bài và chép bài bằng hình ảnh. Điều tương tự cũng lặp lại, cô cháu gái cũng bị trách phạt như bà, thậm chí còn bị đưa lên phòng hiệu trưởng. Nhưng lúc này cô bé nói: “Không. Em nghe giảng rất kỹ và em chép bài bằng hình ảnh, chứ không phải là không chép bài. Bây giờ để em nói cho thầy nghe là trong các bức vẽ đó có cái gì. Thế là cô bé chỉ vào những cái hình mà mình đã vẽ và chuyển lại thành ngôn ngữ cho thầy nghe, đây là nhân vật gì, con đang ghi chú cái gì, đây là giai đoạn lịch sử nào, nhân vật này làm cái gì, đóng vai nào.”

Sau khi nghe cô bé mô tả như vậy, thầy mới hiểu rằng: “Có những con người có lối tư duy, cách xử lý thông tin, phương cách tiếp thu và cách hiểu khác với số đông. Khi những con người đó được tôn trọng và nhìn nhận đúng cách thì những năng tài, năng khiếu đó sẽ được tự do phát triển.”

Hoàng Yến là cô gái sinh ra ở cuối những năm 80, với nhãn quang của người bình thường thì thấy cô ấy chẳng có gì đặc biệt, không nổi bật, Hoàng Yến bị đánh giá thấp, xem thường và cũng không được trân trọng đúng mức. Nhưng ẩn đằng sau vỏ bọc có vẻ bình thường đó là một năng lực và trí tuệ tâm linh đặc biệt. Hoàng Yến có thể kết nối được với vạn vật, trò chuyện, thấu hiểu, an ủi chúng, giúp mọi loài tiến hóa. Cô ấy kết nối được với bên trong con người bạn và trong tôi, để biết nó đang có vấn đề gì, cần giúp đỡ ra sao - sự hỗ trợ đến từ vô hình (vô vi). Cô ấy giúp người khác chữa lành những tổn thương trong trái tim tâm hồn bằng tình yêu thương của mình, hỗ trợ người khác chuyển đổi năng lượng từ tiêu cực sang tích cực, từ đó có thể làm thay đổi cách nhìn, tâm thức, nhận thức của một con người - tác động ra hữu hình (hữu vi).

Trí tuệ, thế mạnh của Hoàng Yến vượt ngoài hiểu biết và những nhận thức thông thường. Không chỉ với Hoàng Yến, mà những đứa trẻ được sinh ra từ sau năm 2012 với một chiều kích năng lượng hoàn toàn mới. Chúng ta sẽ không dự đoán được lớp thế hệ này lớn lên sẽ sản sinh ra thêm năng tài, những loại năng khiếu mới lạ, sáng tạo độc đáo và tư duy mang tính đột phá ra sao. Chúng ta thực sự cần lắng tai, lắng lòng, mở rộng tâm thức, mở mắt linh hồn. Để có thể khiêm nhường hơn, kiên trì, tỉnh táo quan sát nhằm kịp thời thích ứng với những đứa trẻ của thời đại mới. Có như vậy mới nhận diện được những tài năng và điểm sáng ẩn sau bên trong mỗi đứa trẻ mà chúng ta có thể chưa từng biết trước đây.

Tất cả những bằng chứng kể trên đưa đến một kết luận rõ ràng rằng: “Ai tồn tại trên cuộc đời này cũng sở hữu một vài năng tài, năng khiếu nào đó. Nếu bạn nhìn vào một người mà không thể thấy bất kỳ phẩm chất sáng giá nào của người đó, rất có thể bạn có cái nhìn quá thành kiến đối với người kia, nhìn vấn đề một cách hạn hẹp và hơn hết sự thiếu hiểu biết đã che mờ tầm nhìn, cách tốt nhất nên tiếp tục tìm kiếm và thay đổi cách nhìn khác. Bởi vì thậm chí một khuyết điểm, nếu biết linh hoạt vận dụng cũng có thể trở thành ưu điểm, điểm sáng có thể sử dụng được. Trong trời đất không vật nào là bỏ đi cả, đều có một ý nghĩa thiêng liêng, chỉ vì bạn không biết dùng hoặc do thành kiến mà phí uổng không biết bao nhiêu nhân tài của đất nước.”

chiếu chung cho tất cả các học sinh, dạy mọi em đều như nhau, cho chúng một giáo trình nhất định. Vậy là những học sinh nào không thuộc hệ quy chiếu, khuôn khổ đó sẽ bị đánh giá ngu dốt, không có năng tài, năng khiếu, không có tương lai. Như chúng ta đã biết, hầu hết mọi đứa trẻ đều đi học. Rất nhiều trẻ em phải đến trường hằng ngày dù muốn hay không. Thế là những sản phẩm lành lặn ngay từ ban đầu, sau một quá trình người ta gọi là giáo dục, họ biến các em thành sản phẩm lỗi.

Bao thế hệ đã trôi qua, trong một khoảng thời gian dài, nhiều người đã được thuyết phục và hoàn toàn tin tưởng rằng mình không có bất kỳ phẩm chất đặc biệt nào cả, thậm chí là một người dưới mức bình thường. Nếu bạn không ý thức được những trải nghiệm nhàm chán của bản thân, các niềm tin đã đặt sai chỗ, tiềm thức bị nhào nặn trong khuôn mẫu tiêu cực. Bạn sẽ lại mang những trải nghiệm và niềm tin sai lầm đó, gieo mầm vào trong tâm trí trẻ em, tạo nên sản phẩm lỗi cho thế hệ tiếp theo.

Có thể hiểu giáo dục nhà trường như một đoàn tàu xuất phát và đưa tất cả đi từ điểm A đến Z, nhưng mỗi người lại có mỗi điểm đến khác nhau. Mỗi người cần biết điểm dừng, điểm cần xuống của riêng mình, không ai giống ai hết. Giáo dục nhà trường, lẽ ra nên giúp các em làm được điều này, nhưng chưa được. Vậy nên, chỉ có thể trông chờ vào cá nhân mỗi ông bố bà mẹ, để giúp con em mình tìm ra hướng đi, để tới bến đỗ thích hợp nhất.

Vậy nên, nếu có ai nói với con bạn rằng, hay chính bạn cũng thấy nó không phù hợp với bến đỗ Z, C, K,… thì rất có thể những bến đỗ L, H, D, Y, sẽ phù hợp với con bạn. Phủ nhận một đứa trẻ không có năng tài, năng khiếu không chỉ thể hiện năng lực chuyên môn yếu kém, sự hiểu biết hạn hẹp về con người, mà còn mang tội ác hủy diệt mầm non tương lai của nhân loại.

Do đó các bậc bố mẹ cần chủ động trong việc gửi con đến trường, lựa chọn kiểu giáo dục phù hợp với đứa trẻ. Nên biết rằng nhà trường chỉ có thể giảng dạy những kiến thức cơ bản, chương trình học ở trường cũng chỉ cung cấp cho con bạn một phần rất nhỏ bé trong rất nhiều những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, còn có hạn chế nhất định chưa thể khỏa lấp được. Nhưng điều đặc biệt hơn, bạn cần biết rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Hãy tỉnh táo nhận biết những đặc trưng riêng để giúp đứa trẻ phát triển, có khả năng tự giáo dục chính mình theo cách của bạn mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào trường học, cơ quan, tổ chức, hay bất kỳ ai cả.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.