HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 21 (PHẦN 3 VÀ HẾT)

NGỪNG SO SÁNH, ĐỂ CON VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH

III. CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI NHẤT LÀ VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH

Việc so sánh chỉ thực sự có ý nghĩa và đúng đắn khi lấy chính mình làm tâm điểm. Người thực sự tiến bộ là khi họ tiến lên vượt qua được cái ngưỡng của chính mình, đó là thành tích, năng lực, nhận thức của mình ngày hôm nay so với hôm qua. Nên lấy đây làm kim chỉ nam, từ đó thay đổi cách định hướng cho trẻ “thành công không phải chiến thắng người khác, mà vượt lên chính mình.”

Trở ngại cuối cùng, rõ ràng khi ngừng so sánh bản thân với người khác, mọi đối thủ sẽ biến mất, chỉ còn một kẻ duy nhất tồn tại bên trong mỗi người, đó cũng là đối thủ mạnh nhất và khó đánh bại nhất. Vậy làm thế nào để giúp trẻ đối mặt và có thể vượt qua những cám dỗ, cái ngưỡng của chính mình. Ngay từ nhỏ hãy giúp trẻ vực lên được ý chí, nền tảng nội lực dồi dào, bằng cách giúp trẻ giành lấy những chiến thắng nhỏ đầu tiên cho các em.

Thông thường khi chạy được đoạn đường ngắn thì cơ thể sẽ reo lên hồi chuông báo đuối sức, một cách bản năng con người sẽ muốn dừng lại ngay lúc đó. Nhưng đứa trẻ đã dừng lại hay cố gắng chạy tiếp. Bạn đã làm gì để khích lệ con vượt qua được cái ngưỡng đầu tiên của nó?

Bạn muốn tạo nhịp điệu sống lành mạnh trong sinh hoạt hằng ngày để con có một cơ thể thể chất khỏe mạnh. Nên mỗi ngày, vào lúc 6 giờ 30 phút sáng bạn lặp đi lặp lại việc đánh thức con dậy để tập thể dục. Con bạn có làm được không và bạn sẽ làm gì để giúp con vui vẻ dậy sớm?

Khi cầm điện thoại lên, bản năng thôi thúc khiến trẻ không muốn dừng lại, nhưng lý trí nói vậy đủ rồi. Con bạn có dừng lại được không?

Bạn làm gì để giúp tâm trí con tự chủ cảm xúc bản thân?

Cầm trên tay hộp bánh yêu thích, một cách bản năng trẻ muốn ăn sạch một lần, nhưng ý thức khuyên nên chia ra nhiều phần, trẻ đã làm được chưa? Con bạn đã chia ra nhiều phần nhỏ để ăn hay là ăn hết một lần. Bạn động viên thế nào để con có thể vượt qua cám dỗ?

Lúc làm việc nào đó không thích, phản ứng một cách bản năng nó sẽ tỏ thái độ bực bội, làm cho qua chuyện. Nhưng ý thức không như vậy. Nó quyết tâm làm cho thật tốt. Con bạn đã làm được như thế chưa? Bạn khích lệ ra sao để giúp con điều chỉnh hành vi tốt hơn?

Khi ai đó làm được như vậy, họ mới hiểu và cảm nhận được sâu sắc điều Lão Tử nói: “Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường.”

Cố gắng vượt qua cái ngưỡng của sự bỏ cuộc, chán nản, vượt qua cảm giác đó khi làm bất cứ điều gì. “Cố gắng thêm một chút nữa”, câu nói này thực sự rất quan trọng! Kẻ chiến thắng hay người thất bại, vĩ đại hay trở nên bình thường, một vận động viên chuyên nghiệp hay không chuyên, người hạnh phúc hay trở nên bất hạnh. Sự khác biệt này cũng chỉ ở một câu thần chú rằng có đủ ý chí để có thể: “Cố gắng thêm một chút nữa” hay không. Hãy lặp đi lặp lại, bằng cả lời nói lẫn bằng hành động để trẻ nhớ và thực hiện, đến một lúc nào đó câu nói này sẽ trở thành kim chỉ nam, tính cách của đứa trẻ.

Khi tâm trí điều khiển thân, sẽ không biết đâu là giới hạn sức mạnh cho chính mình.

Thời gian đầu từ 0 đến 14 tuổi, trẻ em chưa thể tự dùng lý trí, kỷ luật, ý chí cá nhân để tự chủ thân tâm trí của mình được. Nên đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào người lớn giúp đỡ, động viên, khích lệ để các em có thể vượt qua được cái ngưỡng đầu tiên như những gợi ý ở trên. Cứ như thế lâu dần thứ chi phối khả năng con người không có gì khác chính là ý chí, nghị lực. Nó trở thành một phần ăn sâu vào trong đứa trẻ, tạo nên nội lực vô hạn, làm tiền đề cho công cuộc khám phá những giới hạn thực sự với chính mình, từ đó có được định nghĩa riêng về thành công cho bản thân.

Mọi sự so sánh người này với người khác, dưới bất kỳ hình thức nào đều là khập khiễng. So sánh bản thân ngày hôm nay có vượt lên trên ngày hôm qua hay không, mới là minh triết.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.