HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 24 (PHẦN 2)

TỰ DO TƯ DUY - NHIỆM VỤ TỐI THƯỢNG CỦA NGƯỜI LÀM GIÁO DỤC

I. PHÁT TRIỂN NỘI LỰC TỪ BÊN TRONG, GIAI ĐOẠN TỪ 0 ĐẾN 7 TUỔI, BẢO VỆ CÁ TÍNH, LẬP TRƯỜNG VÀ QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN LÀ NỀN MÓNG NỞ RỘ TƯ DUY VỀ SAU

Sách “Sáng thế ký” trong Kinh Thánh có viết về một nhân vật tên Nô-ê, người mà vào thời xưa ơi là xưa nhờ vào một Đấng không ai biết rõ mặt mũi tay chân, không có chứng chỉ, bằng cấp, quốc tịch, chưa được truyền thông công nhận gọi là Đức Chúa Trời, đã chỉ dẫn cho ông làm một con thuyền và điều kỳ lạ hơn nữa là nó ở trên núi. Nhân vật Nô-ê nổi tiếng khắp thế giới đến thời đại của chúng ta, gắn với hình ảnh “siêu thuyền Nô-ê” và trận Đại Hồng Thủy.

Chúng ta hãy đặt vị trí của bản thân mình vào hoàn cảnh của Nôê, xem ông ta đã phải đối mặt với điều gì trước đám đông. Đó là sự cười nhạo, khinh thường, chỉ trích, bị cho là điên, khùng, tâm thần, bệnh hoạn, thậm chí là bị bài xích vì tự dưng khi trời đang yên biển đang lặng, mưa thuận gió hòa mà ở trên núi lại đóng một con thuyền siêu to khổng lồ để “cứu rỗi nhân loại”… ai mà tin được chứ.

Hình ảnh về Nô-ê mang đến một thông điệp vượt thời gian, từ xưa đến nay những người mở đường, có tư duy đột phá, suy nghĩ sáng tạo, người có trí tuệ đi trước thời đại đều tư duy vượt lên trên suy nghĩ nhất quán của đám đông. Họ dám “bước ra khỏi vòng tròn” mà số đông thường giới hạn bản thân trong đó, và chính họ thiết lập để bảo vệ mình trước sự an toàn giả tạm. Nô-ê hay những người đi tiên phong đều có suy nghĩ cấp tiến, họ vượt ra ngoài nhận thức của đám đông, giá trị thông thường, nên ông dễ dàng bị đánh giá, phán xét, bị áp lực nặng nề. Nhưng đặc điểm chung của những con người vĩ đại đó là họ rất có cá tính, lập trường và có quan điểm cá nhân rõ ràng. Họ không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, không bị tác động bởi đám đông mà thay đổi ý định của mình, điều mà người bình thường không đủ ý chí, lòng can đảm để đối mặt và vượt qua.

Bài học được rút ra, việc nuôi dưỡng trẻ trở thành người có cá tính, lập trường và có quan điểm cá nhân là điều hết sức quan trọng. Để đứa trẻ ở trong đám đông, hòa mình với xã hội, nhưng sẽ không hùa theo bất kỳ ai cả, sẽ là một cá thể hoàn toàn độc lập trong quần thể. Đứa trẻ cần có năng lực phân định đúng sai, biết bảo vệ hay phủ nhận và một khi niềm tin đã được xác lập từ bên trong, giúp chúng dám dấn thân trên con đường mà mình đã chọn. Hoàn toàn không bị chi phối bởi đám đông, chúng có khả năng miễn nhiễm với mọi đánh giá, phán xét, chúng hành động theo thôi thúc từ bên trong, theo kịch bản cuộc đời mà chúng đã chọn lựa là tốt đẹp nhất, chứ không phải kịch bản mà bị người khác áp đặt.

1. Được quyền tự quyết và tự chọn

Để nuôi dưỡng được một đứa trẻ cá tính, có lập trường và hình thành được quan điểm cá nhân rõ ràng, những việc tưởng chừng như rất đơn giản và nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày. Bạn nên chú ý, đừng tự ý quyết định mà cần tôn trọng, hỏi ý kiến và để cho trẻ từ từ từng bước có thể tự đưa ra lựa chọn cho chính mình.

Con thích mặc áo ngắn tay hay áo dài tay.

Con muốn cắt kiểu tóc thế nào.

Bố đi đến nhà ông nội, con muốn ở nhà với mẹ hay đi với bố.

Con có muốn chụp hình cùng bố mẹ không? Hãy tạo dáng theo ý muốn của chính con.

Con hãy tự chọn bàn học của mình.

Con muốn ăn bao nhiêu, tùy vào nhu cầu của con.

Hôm nay con thích tắm với bố hay với mẹ, hay như thế nào.

Tóm lại hãy để cho đứa trẻ được tập sự, được quyền có những quyết định từ việc đơn giản cho đến phức tạp, từ nhỏ cho đến lớn, phù hợp theo độ tuổi nhận thức của mỗi trẻ. Chúng được tự do đưa ra câu trả lời “có” hoặc “không” cho riêng mình, thể hiện cho tiếng nói và mong muốn thực sự bên trong của các em, đối với những sự việc, sự vật có liên quan đến bản thân.

Kinh nghiệm: Khi bạn cho trẻ một số quyền tự quyết tự chọn sẽ nảy sinh một số vấn đề cần chú ý như sau.

Một: Nhiều người khi cho con lựa chọn, nhưng họ lại hay dùng lăng kính chủ quan của mình phán xét cái này được cái kia không được, cái này đẹp cái kia chưa đẹp, cái này đúng cái kia chưa đúng. Như vậy sẽ làm đứa trẻ sau này không muốn đưa ra quyết định nữa. Cho nên, khi bạn đã để con được tự do ý chí thì đừng nên phán xét, nếu không sau này con sẽ vô thức không thiết tha lựa chọn nữa.

Hai: Trong một số trường hợp, nếu để trẻ tự ý quyết định có khả năng chúng sẽ chọn lựa sai lầm và dẫn đến hậu quả nhất định, hoặc gây ra rắc rối. Tuy vậy, vẫn nên để trẻ chọn lựa, thậm chí càng nhiều càng tốt, vì như thế các em sẽ học được nhiều bài học qua sai lầm của mình, tạo nên nền tảng vững chắc, giúp trẻ phát triển tính cách độc lập, tự chủ hơn.

Từ đó bạn có thể yên tâm và dần dần buông tay cho trẻ hướng đến tự do.

Trong lúc chuẩn bị đi ra ngoài chơi, trời lúc đó rất nắng (một số trẻ đang đi chân đất) bạn nên giải thích cho trẻ hiểu: “Ngoài kia trời đang nắng, nếu con không đi dép chân sẽ bị nóng rát rất khó chịu. Ngược lại, con mang dép chân sẽ không sao cả, mà con có thể đi chơi thoải mái”. Nếu trường hợp trẻ không làm theo lời khuyên và thường chúng cũng sẽ không nghe đâu - trẻ con học thông qua thực hành, ứng dụng thực tế chứ không phải thông qua khuyên bảo, giáo huấn, lý thuyết. Như vậy cứ để thuận theo ý trẻ, khi đi ngoài trời nắng, nóng chân, chúng sẽ nhận ra được bài học của mình. Hay khi trẻ muốn ăn ớt thì bạn chỉ cần nói: “Ăn ớt sẽ rất cay đó”. Thường thì trẻ không nghe đâu, trẻ vẫn sẽ cố thử, bạn không nên cản hay ngăn cấm trẻ. Cứ để các em cắn trái ớt, rồi nhận ra bài học.

Đặc điểm chung của những sai lầm này là người chọn lấy quyết định ngay lập tức sẽ nhận hậu quả từ sai lầm của mình và nhanh chóng rút ra bài học, không mang rủi ro và cũng không quá nguy hiểm. Tóm lại, với những tình huống tương tự như trên bạn nên để cho trẻ tự chọn lựa và điều quan trọng phải để cho trẻ tự chịu trách nhiệm.

2. Không phải chuyện gì cũng được quyền tự quyết và tự chọn

Chẳng hạn, một số việc như con thích uống nước suối hay nước ngọt? Con thích chơi điện tử nhiều hay ít? Con muốn đi ngủ vào lúc mấy giờ? Con thích tự xúc cơm hay để mẹ đút? Con bị ốm, con có muốn đi bệnh viện hay không? Con thích học trường A hay trường B? Con có muốn bố mẹ khơi dậy ý chí, tự chủ cho con không? Tóm lại: Những vấn đề có liên quan đến sức khỏe, sự sinh tồn, tính ổn định, nhịp điệu, hoặc cái gì làm nền tảng cho một đứa trẻ thì không phải vấn đề nào cũng để con tự chọn, tự quyết được.

Trẻ nhỏ chưa tự chủ được đòi hỏi, cám dỗ của thân tâm trí, chưa phân biệt được tốt xấu đúng sai, nên không phải chuyện gì cũng cho trẻ tự chọn, tự quyết. Hơn nữa, nhiều sự việc diễn biến chậm, nếu như không có đủ sự hiểu biết và tầm nhìn sẽ không thể nào biết cách để đưa ra sự lựa chọn tốt nhất. Nên có một số trường hợp, dẫu sự việc có liên quan trực tiếp đến trẻ, bạn vẫn quyết định thay cho các em. Nhưng hãy linh hoạt và cởi mở để các em hiểu rõ lý do bạn hành động như vậy, điều này cần thiết cho sự trưởng thành và khả năng sống sót của trẻ.

Chuyện gì cũng quyết định thay cho con, đó là áp đặt. Ngược lại, cho con sự tự do hoàn toàn, trong khi những đứa trẻ chưa đủ điều kiện tinh thần sống tự do, cũng là một việc rất nguy hiểm khi được thụ hưởng sự tự do quá sớm. Bạn nên linh hoạt trong tư duy để xử lý tình huống, biết trường hợp nào để con chọn lựa, trường hợp nào bạn cần dẫn dắt thay con quyết định.

Những gì tôi nói ở trên, cho trẻ quyền tự do, tự quyết, tự chọn là một cách tiêu biểu để rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập ngay từ nhỏ. Rất giống cách làm ở phương Tây đó là tạo điều kiện để trẻ có tự do ý chí - nghĩa là muốn gì làm nấy. Tuy nhiên, đứa trẻ nào cũng mang tiềm tàng sẵn trong bản thân nó khuynh hướng làm cái mình muốn. Nên đằng nào trong quá trình lớn lên của một đứa trẻ, nếu không được hướng dẫn đúng đắn thì tư duy của nó trước hết cũng sẽ được nó mang ra phục vụ cho những nhu cầu ham muốn của nó. Đây là những nhu cầu của tâm hồn cảm giác, cảm xúc của nhục dục. Như vậy, khi người lớn vì thiếu vắng tri thức trên mà luôn tạo điều kiện để trẻ con được tự lập, tự quyết, làm theo ý mình quá sớm sẽ như thế nào? Trước hết, họ đã trong vô thức mà hướng trẻ con đến việc luôn luôn thỏa mãn những nhu cầu của cảm xúc, cảm giác, từ đó vô tình đặt những chướng ngại lớn trên con đường sau này đứa trẻ đến với chân thiện mỹ.

Cho nên, việc để cho đứa trẻ tự do là điều cần thiết, tuy nhiên cũng cần có những nguyên tắc nhất định. Trẻ được tự do ý chí nhưng khi dùng tự do của mình mà gây tổn hại cho người khác, đi sai đường lạc lối, thậm chí cho chính bản thân, bạn cần điều chỉnh lại cho trẻ trở về con đường ngay chính.

Giống như vòng Kim Cô được đeo trên đầu của Ngộ Không vậy. Ngộ Không tượng trưng cho con của bạn. Đường Tam Tạng tượng trưng cho người lớn chúng ta. Vòng Kim Cô tượng trưng cho những nguyên tắc không nên phá vỡ, để điều chỉnh tâm con người khỏi đi lầm đường lạc lối.

Ngộ Không được tự do, nhưng làm gì sai quấy sẽ bị sư phụ niệm chú “dạy dỗ”. Tương tự như vậy, khi đứa trẻ dùng tự do ý chí để làm việc sai quấy, vượt qua những nguyên tắc đã được đề ra, bạn nên “niệm chú” dạy dỗ nhằm điều chỉnh hành vi của con về với lẽ phải, sự thiện lành, con đường chân chính. Mà “niệm chú” ở đây là bằng hình thức thưởng phạt đúng mực trong hành vi.

Khi Ngộ Không thành Phật tức là lúc đó hàng phục được ma tính, đã hướng đến điều chân thiện mỹ vĩnh hằng thì vòng Kim Cô cũng biến mất. Do đó, bạn nên là người hướng dẫn, chỉ đường, vun đắp giá trị lương tâm cho con ngay từ nhỏ, gieo cho con những hạt mầm lương thiện, hướng về lẽ phải và cái đẹp. Lớn lên chúng sẽ có thể tự đi bằng đôi chân của mình, tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời chúng, khi đã có ý thức hoàn toàn và đủ sức chịu trách nhiệm cho những gì mình làm.

Yêu thương con vô điều kiện nhưng cần có nguyên tắc.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.