HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 24 (PHẦN 1)

TỰ DO TƯ DUY - NHIỆM VỤ TỐI THƯỢNG CỦA NGƯỜI LÀM GIÁO DỤC

Sau đây là mẩu đối thoại thường thấy trong đời sống hàng ngày giữa bố mẹ với trẻ em, mà có thể bạn cũng đã từng bắt gặp không ít lần.

Bố: “Đây là đường nhựa hay đường bê tông?”.

Con: “Đường nhựa bố ạ”.

Bố: “Không đúng, là đường bê tông.”

Mẹ: “Đố con đây là màu gì?”.

Con: “Dạ, màu đỏ”.

Mẹ: “Sai rồi, là màu da cam.”

Bố: “Hỏi 7 cộng 15 bằng mấy?”.

Con: “Bằng 25”.

Bố: “Không phải, bằng 22 mới đúng.”

Mẹ: “Trời lạnh quá, mặc áo ấm vào đi con”.

Con: “Con không lạnh, không muốn mặc”.

Mẹ: “Lạnh như thế này mà nói không lạnh à, mặc vào.”

Con: “Mẹ ơi con thích mặc cái này”.

Mẹ: “Không, cái đó xấu lắm, cái này đẹp hơn, mặc cái này vào đi.”

Khi đi mua đồ cho con.

Mẹ: “Con thích cái nào? Thôi con còn nhỏ quá, để mẹ chọn luôn.”

Bố: “Có chuyện gì vậy con?”. Khi con kể lại sự việc đã gây nên rắc rối, bố trả lời: “Vậy à, con nghe bố, làm như thế này là được.”

Khi đứa trẻ làm một điều gì đó chưa đúng với điều thường tình hoặc không giống với số đông, hẳn nhiều người sẽ phản ứng: “Đừng có làm như vậy nữa, không có ai làm như con hết.”

Nếu bạn là đứa trẻ và bị mắng với những từ này, bạn sẽ như thế nào? Tôi đặt một tình huống thế này, nếu bạn vừa mới đầu quân cho một công ty, giả sử bạn là sinh viên mới ra trường, khi mà kinh nghiệm làm việc chưa có và thế giới quan còn khá đơn giản. Với một công việc, bản kế hoạch, hay một dự án bạn đã dày công chuẩn bị, thế nhưng kết quả đổi lại: “Không đúng, sai rồi, cô/cậu chưa hiểu vấn đề; Đừng; Không ai làm việc như bạn cả, cứ làm theo tôi…”. Nói thật lòng mình xem, bạn có bị tổn thương không? Kể cả khi bạn thật sự làm chưa tốt nhưng khi nghe những lời ấy, có thực sự giúp bạn tốt hơn? Đó có thể là động lực để bạn tiếp tục cố gắng, nhưng tôi tin chắc ai cũng sẽ trải qua khủng hoảng không nhiều thì ít. Bạn là người lớn, có đủ hiểu biết và có khả năng miễn nhiễm để vượt qua chuyện đó. Nhưng đối với những đứa trẻ, bạn có bao giờ nghĩ chúng sẽ ra sao? Tổn thương, bực tức? Đó chỉ là những cái bạn nhìn thấy được ngay lúc đó. Còn tư duy trẻ bị hạn chế, lỗi của ai?

Xuyên suốt tuổi thơ, chắc hẳn chúng ta cũng chẳng thể nhớ hết đã bao nhiêu lần quan điểm, trí phán đoán và cảm nhận của bản thân bị trực tiếp gạt đi bởi bố mẹ, nếu không đúng ý của họ, chúng ta phần lớn phải nghe theo, thừa nhận những suy nghĩ áp đặt. Họ xóa bỏ những giá trị bên trong của chúng ta, lấp vào đó bằng những giá trị của họ. Rất nhiều đứa trẻ đã lớn lên trong một nền giáo dục bị mặc định, áp đặt và chúng đã tiếp nhận hết thảy những điều đó một cách vô thức. Lớn lên chúng cũng sẽ trưởng thành, kết hôn, sinh con và chúng cũng sẽ nuôi dưỡng đứa con như cách mà chúng được nuôi dưỡng, mà chưa bao giờ đặt câu hỏi cho những hành vi của mình xuất phát từ đâu và có ý nghĩa như thế nào.

Hậu quả

Bạn biết không, đặc điểm tâm lý và tính cách của những đứa trẻ như vậy, sau khi quan sát tôi rút ra được vài điểm nổi bật như sau. Trước hết đứa trẻ sẽ rất nhanh học được cách giao tiếp của bố mẹ, khi nhận được thông tin trái chiều, trẻ cũng sẽ phủ nhận bằng những cụm từ khuôn mẫu từ trước như của bố mẹ từng dùng “không phải, không đúng, sai rồi”, mà không bao giờ biết đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận, nhìn nhận vấn đề dựa trên suy nghĩ, quan điểm của đối phương. Nhưng phủ nhận như thế dù đúng hay sai, cũng đánh một cú đau vào lòng tự trọng của người khác. Nhiều người dù biết mình sai, họ vẫn cố phản biện, bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, nên thường gây ra nhiều mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi lớn. Ngược lại, cũng đứa trẻ đó khi đưa ra một kết luận, nhận định hay một giải pháp bất kỳ mà bị ai đó phủ nhận quan điểm, thường chúng sẽ không có khả năng bảo vệ, giữ vững quyết định của mình.

Khi đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì, chắc chắn sẽ tiếp xúc với nhiều môi trường và cám dỗ khác nhau. Như khi đi chơi, chúng có thể sẽ được mời thử thuốc, uống một ly bia, một ngụm rượu, làm một việc tốt,… nếu đứa trẻ có suy nghĩ độc lập, một khi chúng đã từ chối sẽ rất khó có thể lay chuyển chúng thay đổi lại quyết định. Tuy nhiên, với những đứa trẻ thiếu đi sự độc lập trong suy nghĩ, gần như chưa bao giờ dám nói “không”. Khi được bạn bè mời gọi, thuyết phục đứa trẻ đó sẽ có xu hướng chấp nhận nhiều hơn như một thói quen vô thức bị áp đặt từ lúc nhỏ.

Lớn lên bước chân vào cuộc sống, những đứa trẻ ngày nào dù đã lớn vẫn gặp khó khăn khi tin tưởng bản thân, không phân định được đúng sai, hành động, quyết định bị chi phối bởi số đông. Số đông làm thì có nghĩa là đúng, số đông không làm có nghĩa sai. Chúng dễ dàng hùa theo đám đông mà không có định hướng, lập trường riêng của cá nhân, tư duy của chúng bị ràng buộc bởi các yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn, một học sinh quyết định thi vào ngành xây dựng chỉ vì ngành này đang được ưa chuộng và nhiều người đăng ký, chứ không dựa trên năng tài, năng khiếu của bản thân. Một người nông dân dễ dàng chuyển đổi canh tác, thay đổi cây trồng, chỉ vì rất nhiều người khác đang trồng loại cây mới, giá thành cao, mà không hề phân tích tới thị trường, cung cầu như thế nào. Một người có thể từ bỏ ước mơ của mình, chỉ vì người khác cho rằng điều đó không phải là ý hay, hay đơn giản họ bảo anh ta rằng chẳng ai làm điều ấy cả.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.