TINH HOA GIÁO DỤC 23 (PHẦN 1)
NHỮNG BÀI HỌC VÔ GIÁ TỪ CÁC LOÀI CHIM TU HÚ NUÔI CON
Thiên chức làm mẹ, được nuôi dưỡng con là tình mẫu tử thiêng liêng mà
tạo hóa ban cho muôn loài. Nhưng loài chim tu hú đã từ chối tiếp nhận. Vào mùa
sinh sản thay vì làm tổ như các loài khác, tu hú đi tìm cho mình một cái tổ vừa
ý, nhưng là tổ của loài khác, sau đó tu hú vào tổ đẻ trứng của mình lẫn vào. Tu
hú con lớn lên và trưởng thành nhờ vào sự chăm sóc của loài chim kia. Hiện tượng
“đẻ nhờ” và cách hành xử đặc biệt của loài tu hú thể hiện muôn vàn sắc thái
trong tự nhiên.
Lý giải hiện tượng này là vì tu hú mẹ chuyên ăn sâu kể cả sâu có nọc độc,
vậy nên tu hú trưởng thành có khả năng miễn nhiễm với các loại sâu độc. Nhưng
tu hú con chưa có hệ thống miễn nhiễm, nếu ăn phải sâu độc chúng cũng có thể bỏ
mạng. Vì thế mà tu hú phải từ bỏ thiên chức làm mẹ để các loài khác nuôi con của
mình. Ở một khía cạnh nào đó, qua cách làm của loài chim tu hú đã gợi mở cho ta
nhiều bài học trong cách nuôi dạy con.
I. HỌC CÁCH BUÔNG CON RA ĐỂ CHO CON NHẬN ĐƯỢC SỰ GIÁO DỤC TỐT NHẤT
Con người cũng như vậy, có thể áp dụng điều này vào trong giáo dục, gửi
con cho người khác nuôi dạy hộ hoặc nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ khác. Dựa vào
các mối quan hệ, những người bạn tin tưởng hay tham gia lập một nhóm gồm các bố
mẹ nuôi con có chung chí hướng, quan điểm, yêu thương trẻ. Với tư cách người đỡ
đầu, người thầy, người tham vấn để thường xuyên gửi hoặc nhận nuôi những đứa trẻ.
Việc gửi ở nhờ hoặc nhận nuôi, có thể tiến hành khi bé trai bước vào
tuổi lên 4, đối với bé gái vào tuổi lên 5. Trẻ từ 6 đến 10 tuổi, sẽ tương ứng với
số ngày bạn gửi trẻ đi. Từ 11 đến 14 tuổi, lúc này các em có khả năng tự lập,
tinh thần muốn khám phá thế giới nhiều hơn, có thể cho trẻ ở nhờ từ tối thiểu
hai đến bốn tuần. Tuổi 15 trở đi, lúc này tâm lý các em vô cùng tò mò và muốn
khám phá thế giới, đã được mài dũa và chuẩn bị từ nhỏ nên thời gian ở nhờ có thể
tiến hành từ một đến ba tháng. Trong một năm có thể tiến hành phương pháp trải
nghiệm này từ một đến hai lần.
1. Lợi ích của phương pháp giáo dục khách quan
Tại Việt Nam hình thức giáo dục như vậy vẫn còn được xem như mới lạ,
nhiều người sẽ không cảm thấy thoải mái. Thế nhưng, nếu bậc cha mẹ biết cách
yêu thương con mình một cách đúng đắn có thể sẽ tán thành bởi những lợi ích mà
nó mang lại không hề nhỏ. Với phương pháp này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn
đề.
Thứ nhất, không phải ai sinh con ra cũng biết nuôi dưỡng, giáo dục.
Nên nuôi hộ, có thể giải quyết được vấn đề này.
Thứ hai, khi ở vai trò người đỡ đầu, người thầy, người hỗ trợ, bạn sẽ
có góc nhìn rộng, tâm lý thoải mái, không bị vướng bận, nên dễ đánh giá khách
quan và cái nhìn bao quát. Từ đó có thể thấy những điểm mù để sửa chữa, việc mà
chính bố mẹ đứa trẻ đó cũng không nhận ra.
Thứ ba, mỗi gia đình sẽ có một triết lý và phương pháp giáo dục khác
nhau, có thể mang nhiều ưu điểm cũng như khuyết điểm, cả tốt lẫn xấu, tích cực
lẫn tiêu cực. Khi đứa trẻ được nuôi hộ, nhận được sự đa dạng trong giáo dục,
chúng sẽ trải nghiệm tính hai mặt nên sẽ phát triển cân bằng và toàn diện. Khuyết
điểm của gia đình này có thể được bồi dưỡng bởi ưu điểm của gia đình kia. Chẳng
hạn, đứa trẻ sống nhà Nam luôn được tự do thỏa mãn và đáp ứng mọi nhu cầu vật
chất, dần trở nên buông thả quá mức. Nhưng khi ở nhà Bắc và không còn được thỏa
mãn, đáp ứng các nhu cầu vật chất nữa, chúng sẽ học được cách tự chủ các nhu cầu,
ham muốn của bản thân, đồng thời đời sống tinh thần cũng trở nên phong phú hơn.
Thiếu trải nghiệm ở gia đình này, cũng có thể được bù đắp ở gia đình kia. Chẳng
hạn, nếu chỉ ở trong gia đình Nam, đứa trẻ chỉ có bạn Khoai, Nghé, Chíp, Vừng,
Cam nhưng khi đến gia đình Bắc, chúng sẽ có thêm nhiều bạn mới. Nhìn xa hơn về
tương lai những đứa trẻ như vậy không chỉ có thêm nhiều bạn, mà chúng còn có khả
năng hội nhập toàn cầu, tăng cơ hội tương tác giữa người với người, trái tim
tâm hồn mở rộng để đón nhận mọi người không phân biệt sắc tộc, màu da, một xu
hướng tất yếu của thế giới ngày nay.
2. Bài học cho người lớn
Khi bạn thực hiện được những điều kể trên là bước tiến bỏ đi bớt ham
muốn xiềng xích, dám buông tay con ra để chúng nhận được nhiều bài học quý giá.
Mỗi bậc bố mẹ hiện nay có thể vẫn ái ngại với cách trên, vì còn nhiều điều lạ lẫm.
Bố mẹ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con mình, nhưng đừng bao giờ
trao sẵn mà hãy tạo điều kiện để trẻ được tự học hỏi và nhận lấy những gì chúng
đáng được hưởng. Bố mẹ Việt luôn xem con mình là những đứa trẻ bé bỏng không
bao giờ lớn và luôn cần được mình bảo vệ, chỉ luôn “mớm”. Cứ như thế bao giờ
chim non mới rời tổ được. Xin hãy tin tưởng con mình, trẻ có thể làm được những
điều bạn không bao giờ ngờ tới. Ai trong chúng ta trước khi làm bố làm mẹ cũng
đều là những đứa trẻ, cũng từng luôn hy vọng nhận được sự tin cậy và nhìn nhận
của người lớn. Điều đứa trẻ cần là môi trường tốt để bản thân tự phát triển, chứ
không phải một cái lồng do bạn tạo ra để bảo vệ trẻ. Nên sẽ thật tuyệt vời nếu
bạn tạo điều kiện cho các em được mở rộng môi trường học hỏi, bỏ qua mọi thành
kiến trước đó, cùng nhau chung tay vì sự phát triển của trẻ em.
Khi tiến hành phương pháp giáo dục này, bạn còn nhận được bài học lớn
là mở rộng tình yêu thương. Bạn không chỉ đóng khung, giới hạn trái tim tâm hồn
biết yêu thương mình ở chỉ một hai đứa con nữa mà có rất nhiều đứa con. Những đứa
trẻ xa lạ đến nhà bạn ở, được bạn chăm sóc, nuôi dưỡng. Bạn sẽ tập cho những đứa
trẻ đó cách gọi mình “là bố, là mẹ”. Không cần phải sinh thêm con, nhưng sẽ có
nhiều đứa trẻ gọi bạn “bố ơi…! mẹ ơi…!”. Hãy tin tôi, nếu không phân biệt con mình
hay con người khác, yêu thương những đứa trẻ như thể đó là con mình từ cả bên
ngoài lẫn bên trong, từ trong hành động lẫn ý nghĩ. Đứa trẻ cũng sẽ luôn nhớ,
yêu thương, coi bạn như bố mẹ ruột thịt của chúng vậy. Chúng yêu thương, hiếu
kính, tôn trọng bố mẹ chúng thế nào, thì sẽ thể hiện tình cảm đó với bạn như vậy.
Đây là hành trình vượt lên chính mình, vượt lên mọi đánh giá, phán xét
từ thế giới bên ngoài. Bạn sẽ sợ, lo lắng, vì nghĩ nếu đứa trẻ trong thời gian ở
nhà mình nếu có xảy ra vấn đề gì thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây, người ngoài sẽ
nghĩ gì về mình, nhận định thế nào. Tóm lại, bạn bị chi phối bởi các tác nhân
bên ngoài, thậm chí lẫn bên trong khi tiếp nhận những đứa trẻ, thì mọi tương
tác, tác động không còn khách quan nữa. Nên nhiều người sẽ quan tâm, chăm sóc,
bao bọc thái quá đối với những đứa trẻ đó. Như vậy lại quay về cách giáo dục
theo hình thức. Đừng sợ hãi bạn à! Hãy làm hết khả năng, bằng tình yêu trong
trái tim mình, đừng làm gì khiến bạn áy náy với lương tâm là được. Việc người
khác nói gì, đánh giá hay phán xét đó là bài học của họ, bạn cảm thấy mình như
thế nào mới quan trọng.
Thế giới đi đâu mà trái tim tâm hồn con người cũng mang theo tâm thức
rằng tất cả đều là một gia đình. Bạn xem ai ai cũng như bố mẹ, anh chị em ruột
thịt. Bạn đón nhận, đối xử với mọi người bằng tình yêu. Từng lời nói, hành động,
ý nghĩ đều xuất phát từ yêu thương, mong muốn người kia được vui vẻ, hạnh phúc.
Thế giới như vậy hạnh phúc, đáng yêu và đáng sống biết bao nhiêu. Đó không phải
mơ mộng, mà hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, tất cả đều thu được từ việc
cho trẻ tiếp nhận một sự đa dạng trong giáo dục.
Giáo dục là phương pháp dạy con người làm chủ và chuyển hóa dục vọng từ
thấp hèn lên thanh cao.
Trần Huy Toàn