HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

ĐẠO LÝ LẤY CHỖ THẤP LÀM CHỖ CAO

Người tìm chỗ cao mà leo, đại đa phần đều không sai, nhưng người tìm chỗ thấp đến thì mới là quý hiếm.

Độ cao của nơi thấp

Chu Dịch viết: "Tiềm long, vật dụng; kháng long, hữu hối" (rồng ẩn thì chớ dùng, rồng cao thì có hối hận). Câu này có nghĩa là: Con người khi ở vị trí thấp kém thì cần tích cực chuẩn bị, chớ bộc lộ khả năng, để đợi thời cơ sau này sử dụng. Khi ở vị trí cao thì cần khiêm hạ, cẩn thận lời nói, hành động, kẻo sẽ phải hối hận.

Có thể thấy là bất kể ở hoàn cảnh nào như mở đầu sự nghiệp hay là đã có thành công thì cũng đều phải khắc chế khiêm hạ. Đặt mình xuống thấp chính là tuyệt học xử thế ngàn năm

Thái Căn Đàm có viết: "Đất thấp thành biển, người thấp thành vua". Giữ vững nơi thấp của cuộc đời là một loại hướng nội thanh tịnh, là một tâm thái vững chắc mà đời người cần phải đi cho thật chính, cần phải nhẫn nại, ngôn từ khiêm tốn, cần phải có phong cách xử thế bình hòa.

Đặt mình chỗ thấp là ẩn nhẫn không hiển lộ tài năng

Từ xưa đến nay, mặc dù con đường dẫn đến địa vị cao luôn có đầy cạm bẫy, nhưng người đi nườm nượp như nước chảy không ngừng.

Nơi cao danh lợi tạo ra phồn hoa và náo nhiệt vô tận, cũng tạo ra bi kịch bất tận.

Còn cẩn thận ở chỗ thấp là an toàn nhất. Càng gió xuân đắc ý thì càng cần hạ thấp mình, cần cù cố gắng làm việc.

Thời Minh Thành Tổ nhà Minh có cao nhân Đạo Diễn được mọi người gọi là "Tể tướng áo đen", sau khi trợ giúp Chu Đệ giành được ngôi báu, Đạo Diễn đã quay trở về với chức phận vốn có của mình là một hòa thượng. Hàng ngày ông ăn chay niệm Phật, không những tránh được hàng loạt nguy cơ chính trị triều đình mà còn lưu lại danh tiếng đẹp trên vũ đài chính trị lịch sử: coi nhẹ danh lợi.

Đặt mình chỗ thấp là trí tuệ ẩn mình nuôi dưỡng tài năng

Đặt mình chỗ thấp là một phương thức thành tựu đại sự. Sự khiêm hạ đặt mình chỗ thấp là thu được ích lợi nhiều nhất. Không nói năng hùng hồn, không tự cho mình là đúng, nói chuyện bằng thái độ học hỏi và ngữ điệu thảo luận luôn luôn thu được ích lợi bất ngờ.

Có người tự cho mình là đúng, thích làm thầy người khác, mà không biết "ba người cùng đi ắt có người là thầy của ta". Với thái độ khiêm hạ xin thỉnh giáo người khác, hấp thu trí tuệ của người khác, từ đó đạt được sự gợi mở và ích lợi, hình thành kiến giải riêng của mình.

Thực ra nơi cao có quang cảnh nơi cao, chỗ thấp có cảnh sắc chỗ thấp. Hơn nữa, người giỏi xử sự ở chỗ thấp thì cuối cùng thường đạt đến nơi cao cuộc đời.

Khiêm hạ là cảnh giới tu thân dưỡng tính

Làm người khiêm hạ có nghĩa là phải buông bỏ một số thứ như cảm giác thân phận, cảm giác ưu việt, cảm giác tôn quý, cảm giác vinh quang…

Khiêm hạ không phải là ức chế dục vọng của bản thân, mà là tu dưỡng phẩm chất tính cách một cách rất tự nhiên. "Đi đường gặp chỗ hẹp, để lại một bước nhường người đi. Hương vị thơm nồng, giảm 3 phần nhường người thưởng thức", suy nghĩ cho người, nhìn toàn bộ đại cục, hợp tác cùng có lợi. Sau đó tiến thêm một bước, làm cho bản thân mình có tấm lòng vượt trên dục vọng, coi nhẹ danh lợi.

Người giữ vững chỗ thấp thì không bao giờ cần khéo léo, họ dựa vào lao động thành thực của mình, họ hiểu điềm đạm thong dong mới có thể tiến xa.

Người giữ vững chỗ thấp thì ôn hòa đôn hậu, yên tĩnh giống như trái đất, luôn luôn ở dưới thấp, nhưng không ai phủ nhận sự vĩ đại của đất.

Người giữ vững chỗ thấp thì hướng nội, kín đáo, giống như biển cả luôn luôn đặt mình ở chỗ thấp nhưng không ai phủ định sự thâm sâu của biển.

Nếu không có áp lực thì nước sẽ không tự chảy lên chỗ cao.

Nếu không có tiết tháo thì người sẽ không tự tìm xuống chỗ thấp.

Trong thế giới hỗn loạn coi vật chất là trên hết này, người giữ vững ở chỗ thấp mới là phong cảnh đẹp hiếm có nhất.

-ST-

Được tạo bởi Blogger.