BÀI HỌC RÚT RA TỪ CUỐN SÁCH “MUÔN KIẾP NHÂN SINH 2”
1. “Tất cả những gì hướng ra bên
ngoài đều không mang lại kết quả lâu dài được, bởi vì hiểu biết thật sự phải đến
từ bên trong. Khi thế giới bên ngoài biến động lớn đến mức không còn điểm tựa
nào nữa thì chính là đến lúc chúng ta buộc phải quay vào bên trong.”
2. “Bất cứ ai một khi đã gây nhân
ắt sẽ có quả nhưng khi nào nhân trổ quả thì còn tùy thuộc vào lực chiêu cảm,
hành vi tiếp theo và công đức của mỗi người. Chính vì vậy, số phận con người
không bao giờ cố định mà luôn luôn thay đổi tùy theo tâm thức và sự thức tỉnh của
người đó. Khi con người có thêm hiểu biết, có nhận thức mới và quyết tâm thay đổi
từ tâm thức, thay đổi suy nghĩ, lời nói và hành động, thì khi đó con người mới có
thể cải biến được số mệnh.
3. “Nếu chúng ta có thể cùng nhau
chuyển hóa những tư tưởng thù hận, tham lam, ích kỷ bằng những tư tưởng cao thượng,
tốt lành, chuyển hóa các hành động ác, giết chóc bằng tình yêu thương rộng lớn
thì tất cả mọi việc đều có thể thay đổi. Một khi mỗi cá nhân có thể sửa đổi
nghiệp quả của mình bằng cách làm việc thiện lành thì một tổ chức hay một quốc
gia cũng có thể làm như vậy để chuyển nghiệp và có sự thay đổi tốt đẹp hơn.”
4. “Từ chối làm một việc ác cũng
chính là thực hiện một việc thiện lành. Khi con người nhận thức được cái gì là
xấu thì cũng là lúc họ biết thế nào là đẹp. Khi tri thức nhận loại ngừng hướng
đến những dục vọng ích kỷ, thấp hèn thì sẽ hướng đến những điều thiêng liêng,
cao quý. Khi đó tri thức nhân loại sẽ xoay chiều, chuyển hướng vào bên trong,
hòa hợp với tâm linh, đem lại sự toàn diện cho tâm thức. Khi tâm thức thay đổi,
mọi sự sẽ thay đổi.”
5. “Sự truy cứu đến cùng của luật
Nhân - Quả đối với những hành động bất lương của con người là tất yếu sẽ xảy
ra. Có những người từng uy quyền, giàu sang nhưng giờ đã trắng tay, thậm chí có
người còn rơi vào vòng lao lý. Ngẫm lại thì họ đều từng sử dụng thủ đoạn hại
người, chiếm đoạt, lừa gạt nhằm mưu lợi cho mình. Luật Nhân - Quả của Vũ Trụ luôn vận hành chính xác
và nghiêm minh.”
6. “Không phải cứ mặc sức làm điều
độc ác, hại người, lợi mình, rồi sau đó vì sợ trừng phạt của luật Nhân - Quả
nên vội vàng bỏ tiền bỏ của ra làm những việc công đức nặng tính hình thức là
có thể xóa đi nghiệp ác hay báo ứng được. Nếu không có sự xuất phát từ suy
nghĩ, hành động thiện tâm thì không một ai trên đời có thể thay đổi được nghiệp
quả.”
7. “Nghiệp quả không phải là số mệnh
đã được định đoạt trước. Đó là những động lực theo thời gian sẽ xảy ra và chúng
ta có thể tạo ra các động lực mới để sửa đổi chiều hướng của nó, khiến việc dữ
có thể hóa lành.”
8. “Nếu con người sống hòa thuận
với thiên nhiên, không còn giết chóc, bỏ thói tham lam, tiêu trừ sự ích kỷ,
thói kiêu căng thì có thể tạo ra các năng lượng chuyển hóa lan tỏa mạnh mẽ. Các
dịch bệnh tai ương hiện nay chính là những dấu hiệu cảnh cáo nhân loại rằng đã
đến lúc phải thay đổi. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần nhận thức được đây
là cộng nghiệp chung của nhân loại và chúng ta đều là nguyên nhân gây ra tình
trạng này. Hãy bắt đầu bằng cách thay đổi chính mình.”
9. “Giúp người, bố thì, làm việc
thiện không nên là hành vi nhất thời để mong cứu vãn nghiệp họa nào đó cho bản
thân. Đó phải là sự giác ngộ, thức tỉnh sâu sắc trong tâm hồn để chuyển hóa
thành hành vi thiện nguyện từ tâm. Chúng ta làm điều tốt vì điều đó tốt đẹp chứ
không phải vì danh hay mong muốn nhận lại được điều gì đó tốt cho bản thân. Từ
đó, nghiệp và số mệnh mới có thể chuyển biến.”
10. “Khi qua đời, con người rời bỏ
xác thân vật chất và hiện hữu dưới hình thức khác gọi là thân trung ấm (Bardo)
hay vong linh (Spirit). Đây là trạng thái trung gian giữa cái chết và lần tái
sinh tiếp theo. Thứ duy nhất thật sự hiện hữu là tàng thức, nó là căn bản của sự
tồn tại, là nền móng của mọi tâm thức. Mọi tư tưởng, lời nói, hành động trong một
kiếp sống dù tốt hay xấu, đều tạo ra nhân hay chủng tử, được lưu trữ trong tàng
thức không bao giờ mất đi.”
11. “Chúng ta có thể không phải
là những người hùng nhưng chúng ta vẫn có khả năng góp phần vào công cuộc cứu lấy
thế giới này. Tất cả chúng ta đều phải bắt đầu chuyển đổi tâm thức, chia sẻ,
lan tỏa nhận thức mới, yêu thương, hàn gắn và chữa lành. Trong giai đoạn này,
chỉ khi hết lòng hành thiện như vậy, nhân loại mới có thể có một tương lai tươi
sáng.”
12. “Chúng ta không thể thay đổi
ngay được cộng nghiệp của quốc gia nhưng hoàn toàn có thể thay đổi biệt nghiệp
của cá nhân tùy theo sự thay đổi tâm thức và hành động hướng thiện của chúng ta
trong lúc này.”
13. “Con người giống như một cỗ
máy vận hành năng lượng bằng tư tưởng, lời nói và hành động. Khi suy nghĩ, nói
ra điều gì, hay làm gì ta đều phát ra một luồng năng lượng vào không gian, nó
va chạm với các năng lượng khác, làm mất đi sự cân bằng vốn có. Do đó Vũ Trụ tự
động phản ứng ngược lại để tái lập lại sự cân bằng. Nói một cách khác, tư tưởng,
lời nói, hay hành động của ta cũng đều là những năng lượng - đó là Nhân gây mất
cân bằng nên sẽ gặp phản lực ngược lại - đó chính là Quả.”
14. “Mỗi hành động của chúng ta đều tạo ra một
năng lượng tương ứng. Khi chúng ta chọn những hành động mang lại niềm vui và
thành công cho người khác, Nhân – Quả sẽ mang lại thành công và hạnh phúc cho
chúng ta.”
15. “Nhân quả trong Vũ Trụ vô
cùng phức tạp. May cũng như rủi, tốt cũng như xấu, đều nối kết với nhau, được
cái này thì mất cái khác. Do đó, càng ham muốn nhiều thì người ta càng đau khổ
nhiều.”
16. “Trí thức hiện nay là hướng
ngoại, là sự suy luận, phân tích, tính toán và phân biệt. Tuy nhiên tâm thức
con người không phải chỉ là tri thức mà còn có phần khác, ta tạm gọi là tâm
linh. Tâm linh là yếu tố sáng suốt, thanh khiết, mỹ lệ, là phạm trù của tình
thương yêu và sáng tạo vượt ra khỏi điều kiện giới hạn của thời gian và không
gian. Người ta chỉ có thể nhận diện và phát triển được tâm linh khi tâm thức hướng
ngoại được xoay chiều, quay vào bên trong.”
17. “Tất cả mọi người trên đời đều
ít nhiều có duyên - nợ với nhau. Nghiệp quả của bất kỳ một ai dù nặng đến đâu vẫn
có thể được giảm bớt nhờ sự hiểu biết, thức tỉnh và phát triển tình thương. Khi
chúng ta bắt đầu hành thiện thì sẽ tạo ra những động lực mới, thay đổi nghiệp lực
cũ, cải thiện số phận của chính mình. Từ đó sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp đến
nhiều người và có thể dần chuyển đổi cộng nghiệp chung.”
18. “Tất cả sự gặp gỡ trong đời của
chúng ta đều do nhân duyên được thu xếp từ trước qua luật Nhân – Quả. Mỗi nhân
duyên gặp gỡ ai đó đều chứa những bài học mà con người cần phải học, vì người
ta gặp nhau là để học hỏi lẫn nhau. Có khi là bài học về hạnh phúc, có khi là
bài học về sự đau khổ. Có khi gặp nhau để trả nợ, có khi gặp nhau để nối lại
duyên xưa. Qua những bài học này, con người sẽ học những bài học cần thiết cho
mình, biết đâu là điều cần làm để thay đổi, để chuyển hóa, để phát triển lên mức
độ hiểu biết cao hơn.”
19. “Trong giới kinh doanh, hầu
như ai cũng từng nghe đến câu “Phù thịnh chứ không phù suy”, câu nói thể hiện
rõ rệt tinh thần trọng vật chất, đề cao lợi nhuận của ngành này. Nhưng với những
hiểu biết về luật Nhân – Quả, tôi đã nghiệm được riêng cho mình một câu khác
“Trời phù thiện lương, không phù tham ác.” Kinh doanh thẳng thắn, trung thực dẫu
có thể không giúp chúng ta đạt được nhiều lợi nhuận trước mắt, nhưng đó là con
đường tươi sáng lâu dài. Con đường đó chỉ có thể được dẫn lối bằng sự trung thực
và thiện lương – không thể có chỗ cho sự tham lam, ích kỷ và gian trá.”
20. “Chúng ta đều là phần tử của
một sự sống vĩ đại hay còn gọi là chân ngã, thuộc về một năng lượng khởi thủy
uyên nguyên, được sắp đặt khéo léo bởi những định luật trong Vũ Trụ. Trải qua
muôn vàn kiếp sống, con người đã từng lầm đường lạc lối vì tự cho mình là thực
thể riêng biệt, có tự ngã, độc lập khỏi những quy luật của Vũ Trụ.”
21. “Khi không bị thế giới bên
ngoài lôi kéo thì ta sẽ đạt được trạng thái định và trong tâm thức bất động, vô
vi đó sẽ khởi lên một tình thương bao la vô bờ bến. Tình thương thật sự chỉ hiện
diện ở cái tâm không còn tư dục.”
22. “Đừng bao giờ tự mãn về những
gì chúng ta đã biết. Bể học mênh mông, còn vô số điều chúng ta chưa biết. Cái
biết có thể che cái thấy. Do đó, ta cần tránh những thành kiến hẹp hòi mà nên
biết quan sát mọi việc, mở rộng tầm nhìn, sẵn sàng trải nghiệm, học hỏi những
điều mới mẻ.”
23. “Dù là một người bình thường
hay một nhân vật lừng danh, chúng ta từ khi sinh ra cho đến hiện tại đều mang
theo mình đủ mầm thiện, ác đan xen. Và chính bản thân chúng ta sẽ là người quyết
định hạt mầm nào được đâm chồi nảy lộc, đơm hoa, kết trái. Chính suy nghĩ và
hành động của chúng ta - chứ không phải của bất kỳ ai khác – tạo nên số phận của
chúng ta".
24. “Điều nhân loại đang cần là sự
phát triển về phương diện tâm linh sâu sắc, để hoàn thiện sự tiến bộ của tri thức.
Nền tri thức duy vật hiện nay là hướng ngoại, là sự suy luận, phân tích, tính
toán và phân biệt. Hướng đến tâm linh là hướng đến sự hiểu biết mang tính minh
triết, thanh khiết, là phạm trù của yêu thương và sáng tạo vượt ra khỏi điều kiện
giới hạn vật lý của thời gian và không gian. Người ta chỉ có thể thức tỉnh và
phát triển được tâm linh khi tâm thức hướng ngoại được xoay chiều quay vào bên
trong. Đây là giải pháp quan trọng và rất cần thiết trong gian đoạn hiện nay.”
25. “Trong cuộc đời mỗi con người,
đôi khỉ chỉ cần chúng ta dám đặt câu hỏi và dám đi tìm tận cùng câu trả lời thì
chúng ta sẽ bước vào một hành trình khám phá có thể làm thay đổi hoàn toàn nhận
thức và ý nghĩa cuộc sống. Vì cuộc sống chính là hành trình trải nghiệm, học hỏi
không ngừng, bất tận. Mỗi một giờ khắc trôi qua, thế giới lại sản sinh ra hàng
triệu điều mới mẻ. Những ai ngừng học hỏi, khám phá sẽ đi đến sự thiếu hiểu biết,
bảo thủ, định kiến, lỗi thời.”
26. “Kiến thức giúp chúng ta
tranh luận và thuyết phục bằng những lý lẽ xác đáng nhưng sẽ không thực sự cảm
hóa được người khác, vì nó không thực sự thu phục được nhân tâm, không xâm nhập
vào tâm hồn con người được. Chỉ có những gì đi từ trái tim mới đến được trái
tim người khác.”
27. “Kiến thức, học vấn khác hẳn
với minh triết. Người học nhiều bằng cấp, có kiến thức nhiều không hẳn đã tài
giỏi uyên bác thông thái hơn người. Người càng ỷ lại, cho rằng mình học nhiều
thì càng bám chặt lấy các ý tưởng giới hạn của mình và thường tỏ ra thiếu khoan
dung, đồng cảm với suy nghĩ của người khác. Người giỏi lý luận thường thích
tranh luận, cãi vã, bất đồng ý kiến với người khác theo suy nghĩ hơn là biết lắng
nghe, khám phá và cảm thông.”
28. “Các quy luật cơ bản của Vũ
Trụ đều rõ ràng và dễ hiểu, chỉ vì các giác quan của chúng ta bị giới hạn nên
không thể thấu tỏ hết các quy luật đó. Tạo hóa luôn có khuôn thức.”
29. “Mọi việc xảy ra trong Vũ Trụ
chính là sự chuyển hóa của năng lượng qua nhiều hình thức, có khi rõ ràng và có
khi khó nhận biết. Bất kỳ suy tưởng, lời nói hay hành động nào của chúng ta đều
phát ra một luồng năng lượng vào không gian, nó tác động vào năng lượng khác,
làm mất sự cân bằng sẵn có. Do đó, Vũ Trụ phải phản ứng ngược lại để tái lập sự
cân bằng. Mọi tư tưởng, lời nói hay hành động của ta đều tạo ra những kết quả ảnh
hưởng đến chính ta và những người xung quanh.”
30. “Những biến động chưa từng có
gần đây đã xảy ra đồng loạt khắp mọi nơi, rất khó giải thích được nếu chỉ dựa
vào khoa học. Không cần phải là nhà tiên tri cũng có thể thấy những tai ương
đang ập đến hành tinh này mỗi lúc một dồn dập, nhanh hơn. Sóng thần, động đất,
bão tuyết, khô hạn, lũ lụt, cháy rừng, đại dương nhiễm độc, băng tan ở hai đầu
cực, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, những chia rẽ, bạo lực, xung đột…ngày càng hiện
rõ khốc liệt hơn. Tương lai sắp tới có lẽ sẽ rất khác, thế giới sẽ không giống
như ngày hôm qua. Để thực sự góp phần cứu vãn – nhất thiết phải cảnh báo, thức
tỉnh càng nhiều người càng tốt – chúng ta cần phải chuyển đổi tâm thức, chia sẻ
yêu thương, giảm biệt nghiệp mỗi người, cộng nghiệp quốc gia càng sớm càng tốt.”
Tương tự như thế gian này không có điều gì là bí mật, tất cả đều có trời đất chứng
giám, “Muôn kiếp nhân sinh” của GS John Vu – Nguyên Phong, tác phẩm của thời đại
sẽ đồng hành giúp độc giả thấu hiểu và khám phá trọn vẹn thế giới xung quanh,
hiểu về năng lượng Nhân quả để thực sự hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn –
cho tương lai - và mãi sau này.
-ST-