HỌC LÀ GÌ?
Thưa bác, theo bác giới trẻ nên học
cái gì? Nên học như thế nào?
Đặt vấn đề với giới trẻ học cái gì là sai. Học
tất cả mọi thứ, khi nào mình cảm thấy cần là có cái để lý giải, hay để thoát ra
khỏi các bế tắc mà mình gặp phải trong cuộc sống. Vì thế tôi học khá nhiều, cho
đến bây giờ tôi vẫn học.
Còn việc học như thế nào? Phải
chuẩn bị cho mình một thái độ học không ngưng nghỉ, học như một thứ thư giãn, học
trong sự êm thuận trong đời sống tinh thần. Không nên biến học hành thành những
cuộc đua, bởi vì không ai đua suốt đời, nhưng người ta có thể đi suốt đời để dịch
chuyển suốt đời, và khi không dịch chuyển nữa là chết. Phải xem học là sự dịch
chuyển từ miền kiến thức này đến miền kiến thức khác. Từ giới hạn này đến giới
hạn khác cao hơn của kiến thức. Nếu phảt hiện thấy mình có một thứ tài năng ở mức
cao thì có thể mạnh dạn hiến thân cho chuyên môn mà mình theo đuổi để trở thành
chuyên gia. Những chuyên gia đôi khi sẽ trở thành rất ngẩn ngơ trong các lĩnh vực
khác của đời sống thông thường. Và chúng ta đánh giá một chuyên gia bằng độ sâu
kiến thức của họ trong lĩnh vực họ là chuyên gia, chứ không phải đánh giá sự ngớ
ngẩn của họ trong lĩnh vực khác.
Tôi khuyên các cháu là đối với những
người bình thường như chúng mình, Chúa không cho chúng ta tài năng như Ngô Bảo
Châu, như Đặng Thái Sơn, (mà chúa cũng không cho nhiều người) thì chúng ta đành
phải làm một con người độc lập, kể cả độc lập với chúa, bằng sự học hành. Chúng
ta nhặt nhạnh từng mảnh vụn mà chúa đánh rơi ở ngoài đường thay vì chúa cho một
cục như cho Ngô Bảo Châu hay Đặng Thái Sơn. Tôi là người biết rất rõ sự bình
thường của mình, vì thế tôi khắc phục cái bình thường của tôi để tạo ra giá trị
của tôi bằng cách nhặt nhạnh những mảnh vụn mà chúa đã cho người khác mà người
khác không dùng vứt đi. Tôi là kẻ bới những đống rác của đời sống để tìm ra những
thứ giá trị cần cho cuộc đời của mình.
Theo bác giới trẻ cần chuẩn bị những
gì để vào đời?
Theo kinh nghiệm của tôi thì trong bất kỳ hoàn
cảnh nào cũng phải giữ cho được sự lương thiện, trung thực và dũng cảm, đấy là
tài sản quan trọng nhất của con người khi vào đời.
Ngoài việc học, các cháu phải tự
do, việc đầu tiên là phải rất tự do trong ý thức của mình, trong tinh thần của
mình. Có tất cả các rào cản, các rào cản ấy không phải là một thứ cố định mà nó
xuất hiện vào một lúc nào đó mà mình không lường trước được. Phải rèn luyện cho
mình một miền năng lực để ứng phó với các đòi hỏi khác nhau vào những lúc khác
nhau, với những cường độ hoàn toàn khác nhau. Rèn luyện cho mình một thể chất
có thể sống để ứng phó với mọi khó khăn, và đủ sức để kéo cơ hội xuống gần mình
hơn. Có những người thể chất yếu không đủ sức để kéo cơ hội, có những người
lãng phí cái gì cũng tưởng là cơ hội kéo cả ngày, cho đến khi cơ hội thật đến
thì không đủ sức để kéo được nữa. Cho nên, con người phải đủ tỉnh táo, đủ tự
nhiên để giữ gìn một cách bản năng sức lực của mình và chuẩn bị một cách tự
nhiên các năng lực. Lúc nào cũng phải đi tìm bản thân mình, đừng nói giới trẻ
nông nổi, giới trẻ mà không nông nổi thì còn đâu là giới trẻ nữa.
Nguyễn Trần Bạt