CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA Ô SÀO THIỀN SƯ VÀ BẠCH CƯ DỊ
Quãng đời tu hành ngộ Đạo của Ô Sào thiền sư trôi
qua bình thản trong bóng mát của tùng lâm cổ kính. Cây cổ thụ chạng ba nơi có
chiếc tổ quạ ngày xưa, theo năm tháng giờ đây đã to lớn lắm rồi…
Ô Sào thiền sư là một cao tăng đắc Đạo nổi danh
vào đời Đường. Tên thật của ông là Đạo Lâm, xuất thân trong gia đình họ Phan ở
núi Phú Dương – Hàng Châu. Từ lúc chín tuổi Đạo Lâm đã xuất gia. Năm 21 tuổi
ông đến chùa Quả Nguyện ở Kinh Châu thọ giới.
Khi đó ở phía bắc Tây Hồ, nơi núi Tần Vọng có một
cây tùng cao lớn, cành lá sum suê, uốn quanh như cái lọng, cao tăng Đạo Lâm bèn
tới thiền định và cất chòi ở luôn trên cây đó. Ít lâu sau thì có một đôi quạ lớn
tới làm tổ ngay nơi ông ngồi, nên người đời quen gọi ông là Ô Sào thiền sư - 'Ô
sào' tức là tổ quạ.
Quãng đời tráng niên tu hành ngộ Đạo của thiền sư
trôi qua bình thản trong bóng mát của tùng lâm cổ kính. Cây cổ thụ chạng ba nơi
có chiếc tổ quạ ngày xưa, theo năm tháng giờ đây đã to lớn lắm rồi. Kể từ khi
lên núi Tần Vọng hành thiền nhập định, chưa một lần nhà sư rời khỏi căn chòi nhỏ
xíu trên cây ấy.
Quãng đời tráng niên tu hành ngộ Đạo của thiền sư
trôi qua bình thản trong bóng mát của tùng lâm cổ kính.
Một hôm, có quan đại Thị lang Bạch Cư Dị - cũng là
một thi hào nức tiếng đương thời đi ngang qua khu rừng đó. Trông thấy thiền sư
đang ngồi vắt vẻo trên tàng cây. Vốn không ưa gì hạng người “lánh nợ chợ đời” như thế, viên quan cau
mày hỏi:
– Bộ hết chỗ
rồi hay sao mà thầy lại lựa nơi vắt vẻo hiểm nghèo như thế để ngồi vậy?
Thiền sư bình thản đáp:
– Chỗ của
tôi xem ra còn vững vàng hơn cả ngàn lần cái chỗ mà quan lớn ngài đang an tọa
đó!
Quan thị lang ngẩn mặt nhìn lại chiếc kiệu của
mình đang ngồi, ngạc nhiên hỏi:
– Tại hạ là
đại quan trọng yếu đương triều, địa vị trấn áp cả giang sơn, có gì mà nguy hiểm?
Thiền sư mỉm cười đáp:
– Củi lửa
giao nhau, toan tính chẳng dừng. Quan trường thay đổi, tranh chấp triền miên.
Chỗ ngồi của ngài là chỉ ở dưới vua, mà trên cả các quan và thần dân trăm họ.
Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua. Tính mạng của đại
quan gia ngài và thân quyến đều lệ thuộc vào lòng thương ghét của vua và sự tật
đố tỵ hiềm của mọi người. Hỡi ôi, một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên
hạ thì không nguy hiểm sao được!
Bạch Cư Dị nghe vị thiền sư đang ngồi trên cây nói
xong mà giật thót cả mình. Ông im lặng cúi đầu, hồi lâu sau vị đại quan viên mới
cất tiếng hỏi:
– Thầy có thể
cho tôi biết thế nào là đại ý của Phật pháp chăng?
Ô Sào thiền sư liền chắp tay trước ngực rồi tụng
lên một bài kệ:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.
Tạm dịch là:
“Các điều ác chớ làm
Các điều lành vâng giữ
Tự thanh lọc ý mình
Đó là lời Phật dạy”.
Bạch Cư Dị nghe xong thầm nghĩ: “Ngỡ là vị Thiền sư này sẽ khai thị đạo lý
thâm sâu gì cho mình, không ngờ ông ta lại nói ra mấy điều đơn giản tầm thường
đến thế”. Cảm thấy quá thất vọng, quan đại Thị lang nói:
– Mong thiền
sư bớt giận, bổn quan thiết tưởng ngài sẽ chỉ giáo cho Pháp lý uyên thâm gì, chứ
mấy đạo lý thế này thì đến đứa trẻ lên ba cũng biết!
Thiền sư Ô Sào chắp tay hợp thập, nhìn vị khách
qua đường mỉm cười nói:
– Đúng thế!
Thưa đại quan, đạo lý trên đứa bé ba tuổi là có thể nói ra được, nhưng ông lão
80 tuổi cũng chưa chắc đã làm xong. Ngài có thấy như thế không?
Bạch Cư Dị lập tức hiểu ra, ngài im lặng cúi đầu
thi lễ.
Kể từ đó, người ta thấy một đại quan viên thường
xuyên lui tới chân núi Tần Vọng, nơi có bóng tùng cổ thụ ngàn năm mà vị cao
tăng Ô Sào và cặp quạ đen thường cư ngụ để tham thiền học đạo. Tương truyền, dưới
sự chỉ điểm và giáo hóa của thiền sư Ô Sào, quan đại Thị lang Bạch Cư Dị mỗi
ngày một thêm minh huệ bất hoặc, tiến tới đại ngộ. Ông cũng nhất mực tín tâm và
trân quý Phật pháp hơn.
Đường
Phong