LÀM SAO HẾT GIẬN…!
Bạn có tự hỏi cơn giận của bạn lấy
năng lượng từ đâu ra hay không? Nó đến từ suy nghĩ của chúng ta. Khi chúng ta
còn suy nghĩ về điều đó theo chiều hướng tiêu cực thì cơn giận sẽ mãi không
nguôi. Và nếu như bạn đã biết điều này rồi, tâm trí sẽ cố gắng gạt suy nghĩ
tiêu cực đi và thay vào đó suy nghĩ tích cực hòng làm nguôi ngoai cơn giận. Và
đúng là nguôi ngoai thật. Rồi chúng ta tưởng rằng mình đã được chữa lành. Đây
là một cú lừa ngoạn mục của bản ngã. Thực sự chúng ta chỉ là đang đắp thêm lớp
vỏ bên ngoài để khoả lấp đi cái thực sự diễn ra bên trong. Cái vỏ đắp thêm đó
chỉ mang lại sự thoả mãn, vui vẻ, hạnh phúc, bình yên... TẠM THỜI cho chúng ta
và rồi nhanh chóng bay mất tăm. Bởi vì cái vỏ đó chỉ là suy nghĩ bề mặt mà
thôi. Niềm tin cốt lõi bên trong (tiềm thức) bạn chưa hề được thay đổi. Điều
này sẽ khiến bạn thu hút tất cả những điều phù hợp với niềm tin đó. Để sau đó bạn
được thể hiện sự tức giận. Bạn có tự hỏi tại sao cuộc sống luôn có những điều cứ
lặp đi lặp lại đến với bạn khiến bạn đau khổ dằn vặt trong lòng? Cùng một bài học,
chưa học qua thì học lại thôi. Cách trung đạo mà đức Phật đã để lại cho chúng
ta đó là quan sát (trạng thái thiền). Chúng ta chỉ cần quan sát cơn giận và thả
lỏng để cho cơn giận được trôi đi tự nhiên. Quan sát nghĩa là không suy nghĩ mà
chỉ nhận biết, cho nên cơn giận không được cấp thêm năng lượng sẽ tự tiêu tan.
Đây chính là cách chữa lành của thiền.
Như vậy nói rõ hơn là chúng ta là
những gì mà chúng ta tin tưởng. Vậy thì làm thế nào để một suy nghĩ bề mặt trở
thành một niềm tin cốt lõi? Để rồi theo luật hấp dẫn của vũ trụ, nó sẽ thu hút
những điều tốt đẹp đến với chúng ta?
Tôi muốn giàu có, hạnh phúc trở
thành niềm tin cốt lõi để tôi được đúng như vậy! Đơn giản thôi, bỏ muốn đi thì
sẽ được. Thay vì tôi muốn giàu có, hạnh phúc thì hãy là "Tôi giàu có"
"Tôi hạnh phúc". Sự muốn thể hiện niềm tin sâu trong lòng bạn rằng bạn
thiếu thốn. Bỏ muốn đi thì bạn trở thành đủ đầy. Nghe có vẻ đi ngược lại thường
thức của bạn đúng không? Không muốn thì làm sao có động lực để làm việc? Như thế
thì làm sao trở nên giàu có hay hạnh phúc?
Câu trả lời của tôi dành cho bạn
đó là sự đam mê. Đam mê là mong muốn thể hiện tình yêu đối với điều gì đó. Khi
tôi làm trong sự đam mê tôi sẽ chẳng cần cố gắng để làm. Khi tôi sống trong đam
mê thì tôi không cần cố gắng để sống. Mặc dù bên ngoài bạn thấy tôi rất cố gắng
nhưng tôi không cảm thấy mình cố gắng. Tôi chỉ là đang hăng say.
Khi nào bạn cảm thấy mình đang cố
gắng nghĩa là bạn cần phải nhận ra có gì đó không đúng: tôi chắc chắn là bạn
đang bơi ngược dòng.
Việc bạn thể hiện tình yêu đối với
việc gì đó không có sự truy cầu vào kết quả. Bạn chỉ đơn giản là thể hiện tình
yêu của mình. Bạn thể hiện chính mình. Bạn đang là. Đây là dạng tình yêu vô điều
kiện. Bạn không có nhu cầu cần đền đáp bởi vì bạn đang đủ đầy. Khi có sự đòi hỏi
là bạn còn nói lên rằng bạn thiếu thốn. Rồi bạn thể hiện sự thiếu thốn đó thành
cuộc sống của bạn, chứ vũ trụ không có làm gì bạn à nha. Đừng đỗ lỗi cho vũ trụ.
Những định kiến xã hội được rao
giảng từ khi chúng ta chỉ là những đứa trẻ. Tâm trí ta lúc ấy chỉ như tờ giấy
trắng. Ban đầu những định kiến ấy chỉ là suy nghĩ bề mặt của đứa trẻ. Qua thời
gian, sự lặp lại nhiều lần, từ nhiều người, đã khiến nó trở thành niềm tin cốt
lõi nằm sâu trong tiềm thức chúng ta. Và hầu hết các niềm tin đó là sai lầm bởi
vì hầu hết chúng được tạo nên bởi nhận thức tách biệt (mình viết về điều này
trong bài trước: bài "Nổi sợ"). Một nhận thức sai lầm từ ban đầu. Dẫn
đến những niềm tin sai lầm là điều tất yếu.
Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là gỡ
bỏ những niềm tin sai lầm ấy đi thành một tờ giấy trắng trước khi viết lại lên
đó những điều khác, nếu không muốn tờ giấy trở nên rối rắm chồng chéo lên nhau
(tạo thêm lớp vỏ bọc như đã nói ở trên). Rồi ngay khi thực hiện gỡ bỏ, ta bỗng
nhận ra hoá ra mọi thứ đã có sẵn đủ đầy ở bên trong.
- ST -