HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

"NÓI NÊN CHẬM, TÂM NÊN THIỆN" - GIA QUY CỦA GIA TỘC ĐỆ NHẤT TRUNG HOA

 

Chỉ dựa vào “gia quy thần bí” với vẻn vẹn 6 chữ, gia tộc này đã trở thành gia tộc hiển hách nhất lịch sử và được xưng là “Trung Hoa đệ nhất vọng tộc”.

Vương Cát (? - 48 TCN), tự Tử Dương, người Cao Ngu, Lang Gia thời Tây Hán (nay là Tức Mặc, Sơn Đông), về sau gia đình ông chuyển đến thôn Nam Nhân làng Đô, huyện Lâm Nghi (nay là Lâm Nghi, Sơn Đông). Ông tuổi trẻ hiếu học, được chọn làm Hiếu liêm, bổ nhiệm chức Hữu thừa huyện Nhược Lư, không lâu sau được thăng làm Huyện lệnh Vân Dương.

Vào thời Hán Chiêu Đế, Vương Cát từ Huyện lệnh Vân Dương được tiến cử thăng làm Trung úy dưới quyền Xương Ấp Vương. Xương Ấp Vương Lưu Hạ vốn là cháu đích tôn của Hán Vũ Đế, nhưng phụ thân qua đời sớm, ông mới bốn, năm tuổi đã kế thừa vị trí Xương Ấp Vương của phụ thân, khi đó các thủ hạ tụ tập thành một nhóm xảo ngôn xu nịnh, tiểu nhân nịnh nọt. Xương Ấp Vương còn nhỏ tuổi, căn bản không chống lại được sự cám dỗ, cả ngày chỉ biết hưởng lạc chơi đùa. Vì thế Vương Cát cũng cảm thấy rầu rĩ không vui, khó mà đoán trước được lần này lên chức là cát hay là hung.

Khi Vương Cát đi nhậm chức, lúc nghỉ ngơi lại một quán rượu ven đường, gặp được một vị trưởng giả đã chỉ dẫn cho ông. Vị trưởng giả dặn dò Vương Cát ba chữ "Ngôn nghi mạn" (nói nên chậm). Vương Cát nghe xong dường như đã ngộ ra điều gì đó, vậy nên nhớ kỹ ở trong lòng. Khi Vương Cát định bái tạ cảm ơn vị trưởng giả, thì phát hiện không thấy bóng dáng trưởng giả đâu nữa.

Khi Vương Cát nhậm chức tại Xương Ấp, làm mọi việc đều cẩn thận suy nghĩ trước sau, nhớ kỹ lời giáo huấn kia của vị trưởng giả. Tuy nhiên, nhìn thấy Xương Ấp Vương Lưu Hạ tuổi còn trẻ mà trầm mê trong tửu sắc, lại vui thích săn bắn, hành vi không có tiết chế. Bởi vậy, Vương Cát không màng đến an nguy của bản thân, dâng sớ cực lực can gián, nhưng những lời can gián của ông đều không được tiếp nhận.

Xương Ấp Vương Lưu Hạ biết Vương Cát thật lòng muốn tốt cho mình, nên cũng muốn lấy lễ đối đãi với Vương Cát. Có một lần ông ta hạ lệnh: "Quả nhân làm việc không tránh khỏi có chỗ không chu toàn, Trung úy Vương Cát rất trung thành, nhiều lần phụ tá ta sửa đổi. Phái người ban cho Trung úy năm trăm cân thịt bò, năm thạch rượu, năm bó thịt khô".

Sau đó, Lưu Hạ lại phóng túng như cũ, còn Vương Cát vẫn kiên trì nói thẳng khuyên nhủ. Vương Cát mặc dù không thống trị dân sự, nhưng trong nước không có người nào không tôn kính ông.

Vào năm Nguyên Bình thứ nhất (năm 74 TCN), Hán Chiêu Đế băng hà, Xương Ấp Vương Lưu Hạ được lập làm Hoàng đế. Vương Cát lại lần nữa dâng sớ khuyên nhủ Lưu Hạ cần kính trọng các đại thần, cần mẫn trong việc quốc gia đại sự. Do nhiều nguyên nhân, Lưu Hạ tại vị chỉ vẻn vẹn 27 ngày liền bị phế truất, phần lớn các quan lại lúc ông ta làm Xương Ấp Vương chịu liên lụy cũng bị xử tử hoặc hạ ngục. Còn Vương Cát bởi vì nhiều lần dâng sớ khuyên ngăn, nên may mắn được miễn tử.

Vào thời Hán Tuyên Đế, Vương Cát được bổ nhiệm làm bác sĩ, gián đại phu. Ông thấy lúc ấy hoàng thất lãng phí xa xỉ, dùng người toàn là người thân thích... bèn dâng sớ khuyên Tuyên Đế tuyển chọn hiền tài, huỷ bỏ chế độ ấm tập, đề xướng tiết kiệm, chất phác, quý tiếc tài lực, chỉnh đốn việc quản lý quan lại, thuần hậu dân phong, làm cho quốc gia thịnh vượng phát đạt.

Có một lần, Vương Cát xin nghỉ về thăm quê hương, đi ngang qua Xương Ấp. Trên đường đi, đột nhiên có một vị trưởng giả tự xưng là cố nhân ngăn lại, yêu cầu gặp Vương Cát. Vương Cát cho dừng kiệu, nhận ra người kia chính là vị trưởng giả hơn mười năm trước đã tặng cho mình ba chữ "Ngôn nghi mạn". Vương Cát đã nhận được lợi ích rất lớn từ ba chữ "Ngôn nghi mạn" này, bèn xuống kiệu bái tạ vị trưởng giả. 

Trưởng giả cười to nói: "Mau mau đứng lên, lần trước ta đưa ngươi ba chữ 'Ngôn nghi mạn'. Lần này ta lại cho ngươi ba chữ, bảo đảm ngươi kiếp này bình an vô sự, con cháu thịnh vượng".

Vương Cát nghe xong, liền vội hỏi trưởng giả là ba chữ gì, mình nhất định sẽ làm được.

Trưởng giả vuốt râu, chậm rãi nói từng chữ: "Tâm nghi thiện!" (Tâm nên thiện)

Vương Cát được nghe ba chữ này, không khỏi giật mình toát mồ hôi lạnh ướt sũng cả người. Bởi vì bản thân mình có địa vị tương đối hiển hách, có khi cũng đả kích vạch tội những người không cùng chính kiến với mình, chưa làm được thiện. Sau khi Vương Cát lấy lại tinh thần, vừa định khấu tạ ơn giáo huấn, đảo mắt nhìn lên, đã không thấy vị trưởng giả đâu nữa.

Từ đó về sau, Vương Cát kiên trì "nói nên chậm, tâm nên thiện", khắc cốt ghi tâm, vượt qua các niệm ác trong lòng, bảo trì thiện niệm, làm quan trung chính liêm khiết, nhân từ khoan hậu, trở thành bậc danh thần một thời.

"Nói nên chậm, tâm nên thiện" đã trở thành gia huấn cách ngôn của Vương Cát, được coi như bảo vật gia truyền đời đời truyền lại. Theo sách sử ghi chép, Vương Cát trở thành thủy tổ của gia tộc họ Vương ở Lang Gia. Suốt 1700 năm kéo dài từ Đông Hán đến Minh Thanh, gia tộc này đã bồi dưỡng được 36 Hoàng hậu, 36 Phò mã và 35 Tể tướng (điều này được ghi chép lại trong “Nhị thập tứ sử”), nhiều người đảm nhiệm các chức vị quan trọng trong triều đình.

Bởi vì từng thế hệ gia tộc họ Vương ở Lang Gia đều tuân theo sáu chữ "Nói nên chậm, tâm nên thiện" mà trở thành gia tộc hiển hách nhất trong lịch sử Trung Quốc, được xưng là Trung Hoa đệ nhất danh gia vọng tộc.

(Tham khảo tư liệu: "Đông Hán" của Ban Cố: "Hán thư - Vương Cát truyện")

Trung Nguyên

Được tạo bởi Blogger.