BIẾT ƠN
Cuộc sống là một vòng tuần hoàn
luân chuyển không ngừng với những quy luật tự nhiên. Quy luật ấy đôi khi là những
định nghĩa trái ngược nhau về lẽ sống nhưng cũng liên quan mật thiết với nhau.
Đó là ranh giới giữa cho và nhận. Trong cuộc sống nếu ta nhận được sự giúp đỡ từ
người khác thì chắc hẳn cũng sẽ dành cho người đó sự tri ân, trân trọng. Nhưng
có khi nào ta biết đến những con người đã hi sinh thầm lặng cho cuộc sống? Họ
cũng mang đến cho chúng ta những thành quả lớn lao vậy, nhưng nó đâu phải là thứ
gì xa xôi mà là những điều bình dị ta tưởng chừng như nhỏ bé. Bởi vậy, mỗi
chúng ta hãy cho đi lòng biết ơn đối với những con người đã đóng góp và cống hiến
trong thầm lặng.
Biết ơn là một hành động thiện
lành trong cuộc sống. Biết ơn được hiểu như là lời cảm ơn phát xuất từ lòng
chân và là lòng cảm tạ với tất cả những gì ta nhận được từ người khác.
Biết ơn giúp chúng ta vững bước
hơn trong cuộc sống
Trong những tình huống khó khăn
nhất, tâm chúng ta chùng xuống và các tâm lý tiêu cực thi nhau xuất hiện trên bề
mặt ý thức. Làm như vậy ta chỉ làm cho nỗi đau tăng thêm lên một cách không cần
thiết mà thôi. Trong những tình huống đó, nếu chúng ta bình tâm nhìn lại để kịp
nhận ra rằng những gì bản thân ta đang có là món quà vô giá để rồi ta khởi tâm
cảm ơn tất cả. Sự mất mát để lại niềm đau nhưng đáng giá hơn là bài học vô thường
sinh động mà cuộc đời ban tặng. Chúng ta hãy biết ơn điều này và với tâm lý biết
ơn như vậy, đau thương mất mát chắc chắn được chữa lành. Người biểu hiện lòng
biết ơn đối với người khác cũng có nghĩa rằng mình đang dành cho người ấy một sự
ghi nhận và hỗ trợ tinh thần, ngầm đồng ý rằng việc người ấy làm cho ta là có ý
nghĩa. Điều này tạo cho người ấy niềm tin rằng việc mình làm là đúng từ đó khởi
tâm hoan hỷ, tinh thần phấn chấn hơn và sống bình an hơn. Nếu mỗi người thực
hành biết ơn thường xuyên, chúng ta sẽ nhận ra những thay đổi, mới mẻ trong ta
và trong cuộc sống. Đồng thời, chúng ta cũng cảm nhận được sự đóng góp của người
khác vào sự thành công của bản thân mình dễ dàng hơn. Mỗi một bước tiến trên lộ
trình tâm linh là mỗi cơ hội để chúng ta thể hiện tâm biết ơn của mình. Chính
biết ơn là động cơ cũng như là nền tảng cho mỗi bước tiến trên con đường hướng
thiện của bản thân chúng ta. Với sự biến đổi không ngừng của môi trường và cuộc
sống, chúng ta cần điều chỉnh bản thân luôn luôn. Cứ mỗi lần thích nghi được với
môi trường hay hoàn cảnh mới, chúng ta có cơ hội để cảm ơn tất cả để ta có thể
vươn đến một nấc thang cao hơn, một trạng thái hài lòng mới được thiết lập
trong quá trình tu tập.
Nhân lên giá trị làm người
Lòng biết ơn cũng phải được dạy dỗ
và vun đắp. Con trẻ sẽ không thể biết ơn, nếu cha mẹ không dạy và không là tấm
gương cho con về điều đó. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tính thiện, chúng lớn lên
thành người tốt hay xấu đều tùy thuộc vào sự nuôi dưỡng, dạy dỗ của gia đình, sự
giáo dục của thầy cô và môi trường xã hội. Chúng ta không khỏi đau lòng
khi có những đứa trẻ không được dạy dỗ
lòng biết ơn đã trở thành những kẻ bạc bẽo, vô nhân tính chửi mắng cha mẹ, đâm
chết người thân, đánh thầy, giết bạn… Dù đó là những hành vi của một bộ phận
nhưng cũng là bài học cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta. Đức Phật dạy được sinh làm
người là một phước báu lớn. Bởi vì trong muôn loài thì con người có nhiều tình
thương yêu và hiểu biết hơn các loài khác. Được dạy dỗ lòng biết ơn là chúng ta
đã biết hướng thiện, biết làm người. Biết ơn là nét đẹp truyền thống của người
Việt Nam trong cuộc sống hay trong ứng xử hàng ngày chúng ta hãy chăm cho hoa hồng
tỏa hương thơm ngát, để cỏ dại không thể lan nhanh mỗi ngày. Để lòng biết ơn là
phước quý của con người thì cha mẹ hãy dạy dỗ lòng biết ơn đối với con của mình
và hãy dạy chúng biết ghi nhận những gì người khác dành cho mình. Cảm ơn, ghi
nhận để rồi bản thân mình biết làm việc thiện, biết yêu thương, chia sẻ. Lòng
biết ơn không chỉ biết nhận, biết cho và không đơn thuần là vay, là trả mà nó
chính là biết nhân lên những giá trị quý báu của con người.
Biết ơn giúp chúng ta đối xử tốt
với mọi người
Trong Phật giáo, biết ơn là khái
niệm dùng để chỉ cảm giác mang ơn và có ý muốn đền ơn khi chúng ta thọ nhận một
hành vi tốt từ một người nào đó. Hình thức đền ơn căn bản và quan trọng nhất
liên hệ đến việc chu toàn bổn phận của người con đối với cha mẹ và trái lại, bất
hiếu với cha mẹ là một trong những tội ác lớn nhất của con người. Do đó, người
biết ơn là người thực hiện hành vi đền ơn với tất cả như một người con làm tròn
bổn phận đối với cha mẹ hay ít ra là xem tất cả như người thân của mình. Cách đền
ơn toàn tâm toàn ý như vậy đáng được thực hành và nhân rộng trong cộng đồng xã
hội. Mỗi người đều nên khởi tâm biết ơn người khác như một bổn phận báo đền
công ơn thọ nhận trong cuộc sống. Do đó trong các mối quan hệ xã hội thì quá
trình cho nhận được thiết lập và thường xuyên diễn ra thì sự thương yêu, tôn trọng
và sẵn lòng làm tất cả những gì tốt đẹp cho người khác là việc làm tất nhiên của
những con người biết suy nghĩ và quán chiếu. Cuộc sống là một mạng lưới mà mỗi
người là một mắt xích. Do vậy chúng ta thọ ơn không chỉ với những người thân
hay những người mình trực tiếp có được lợi ích về vật chất hay phi vật chất.
Trong hàng ngàn các mối quan hệ chằng chịt và phức tạp, trực tiếp cũng như gián
tiếp thì chúng ta thọ ơn ngay cả những người xa xôi mà chúng ta chưa hề quen biết.
Chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc
khi nói lời cảm ơn ai đó
Một sự thật rằng chúng ta sẽ cảm
thấy hạnh phúc khi nói lời cảm ơn ai đó hoặc đón nhận lời cảm ơn từ người khác.
Chúng ta sẽ phấn chấn khi có ai đó nói rằng, chính mình làm cho họ thay đổi
theo hướng tích cực và họ biết ơn về điều này. Bản thân mỗi người cũng xúc động
không kém khi mình đang gặp việc rắc rối thì có người tự nguyện tạm gác lại việc
của họ để lăn xả vào cuộc giúp mình mà không tính toán so đo. Cảm giác phấn chấn
ấy có mặt vì chúng ta thấy việc mình làm đem lại lợi ích thiết thực cho người
khác. Cảm giác xúc động ấy là biểu hiện lòng biết ơn của chúng ta dành cho người
trải lòng chia sẻ trong lúc mình cần nhất. Trong cả hai trường hợp thì biết ơn và được biết ơn đều đem đến cho chúng
ta niềm vui, tâm lý an ổn và có cảm xúc cân bằng hơn. Khi chúng ta nhận được lợi
ích từ công sức và thiện chí của người khác dành cho mình tâm niệm biết ơn có mặt
và khi ấy chính ta trở nên tử tế hơn vì hiểu rằng không lúc này thì lúc khác,
không cách này thì cách khác chúng ta đã, đang hoặc sẽ mang ơn mọi người. Ý niệm
này giúp chúng ta sống tử tế hơn với tất cả mọi người.
Biết ơn giúp chúng ta tận tụy hơn
trong công việc
Tấm gương sinh động nhất về sự tận
tụy trong công việc là Đức Phật. Sau khi thành đạo việc đầu tiên của Đức Phật
là thể hiện lòng biết ơn đối với cây bồ đề đã che mưa chắn nắng cho Ngài trong
suốt thời gian Ngài tu tập cho đến khi chứng nghiệm đạo quả giác ngộ. Nhiều sử
liệu kể lại rằng sau khi hưởng pháp lạc giải thoát Ngài dành một tuần để đứng
trước cây bồ đề, nhìn về gốc cây với ánh mắt tri ân. Ngài thể hiện lòng biết ơn
giáo pháp mà Ngài vừa tìm được một cách thiết thực nhất là tìm phương pháp để
chuyển tải pháp giải thoát đến số đông dân chúng vốn nhiều tầng lớp với đủ các
trình độ khác nhau. Khi đã tận tâm tận lực tìm được phương pháp truyền đạt hiệu
quả thì Ngài bắt đầu cuộc hành trình hoằng truyền giáo pháp, một hành trình đền
ơn không có điểm dừng, biết ơn và dốc lòng tận tụy sống một cuộc đời đem lại lợi
ích cho mọi người để đền ơn là đặc tính tự nhiên của bậc trí. Người trí thực
hành lòng biết ơn và đền ơn trong tinh thần phục vụ như một bản năng, một bổn
phận. Với trí tuệ siêu phàm và tâm từ rộng lớn người trí rõ biết và cảm nhận được
những lợi ích có được từ con người và cuộc sống xung quanh. Nếu không cảm nhận
được điều này từ bản chất việc phát khởi tâm biết ơn là một điều không phải dễ
dàng và càng khó hơn là thể hiện tâm biết ơn đó bằng sự tận tụy và hết lòng
trong công việc.
Biết ơn giúp chúng ta thực hành
pháp bố thí tốt hơn
Chính vì muốn nuôi dưỡng tâm niệm
biết ơn các thành phần xã hội trong cộng đồng để tiến bộ và từng bước hoàn thiện
nhân cách của mình, Đức Phật dạy các đệ tử của Ngài cần phải bố thí như là biểu
hiện của lòng biết ơn. Mình biết nhận từ người khác và có được lợi ích từ sự thọ
lãnh này thì cần phải khởi tâm ban tặng như một quy luật của cuộc sống. Người
xuất gia bố thí pháp, người cư sĩ tại gia cúng dường tài vật là việc làm nhằm tạo
cho đôi bên ý thức được cuộc sống do duyên nhau mà tồn tại trong quan hệ cho nhận
trực tiếp giữa người xuất gia và tại gia, qua đó thể hiện và nuôi dưỡng tâm niệm
biết ơn. Mỗi người nương vào pháp bố thí này như một bài thực hành căn bản để
khởi niệm biết ơn dễ dàng hơn đến với những người không tham gia vào vòng cho
nhận trực tiếp. Từ ý niệm biết ơn trong quan hệ cho nhận thì mỗi người chúng ta
tự nhắc nhở mình phải biết cho đi để xứng đáng với những gì mình đang nhận lại
từ cuộc đời này. Với tâm niệm biết ơn như vậy chúng ta nên có trách nhiệm với
nhau hơn, mở rộng khối óc và đôi tay, sẵn sàng thực hành bố thí trong tinh thần
món vay món trả phải đồng.
Biết ơn giúp chúng ta hài lòng với
cuộc sống thực tại
Khi thấy mình là kẻ thọ ơn chúng
ta dễ dàng có cảm giác hoan hỷ chấp nhận và có tâm lý hài lòng với những gì
mình đang có hay vị trí mình đang làm. Cảm giác này hoàn toàn chủ quan và mang
tính tương đối. Cùng trong một điều kiện sống, người hài lòng thì cảm nhận được
hạnh phúc, an lạc nhưng người không hài lòng thì cảm nhận sự đau khổ và bất an.
Cùng trong một môi trường, không gian sống nhưng khi này chúng ta hài lòng, lúc
khác chúng ta lại không vừa ý. Với vật chất thế gian con người chỉ có được trạng
thái hài lòng tạm thời mà thôi. Tâm chao đảo mất cân bằng do tham đắm và bám
víu vào những gì chúng ta ưa thích, từ chối và đẩy ra những gì chúng ta không
ưa thích khiến chúng ta khó có được sự hài lòng lâu bền. Chỉ khi nào biết trân
quý những gì chúng ta đang có, đang sử dụng với ý niệm biết ơn thì chúng ta mới
dừng tâm đòi hỏi và tìm cầu để sống một cuộc đời trọn vẹn với thực tại. Thường
xuyên thực hành biết ơn sẽ giúp chúng ta có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ và an
lành. Người không hài lòng với những gì mình đang có thì không thể ý thức được
rằng mình đang thọ ơn người khác. Do vậy, thay vì khởi niệm biết ơn thì họ chỉ
có thể khởi tâm phàn nàn. Biết ơn đơn giản là có cảm giác mình là người thọ
lãnh và ghi nhận giá trị của những gì mình nhận được từ con người và cuộc sống.
Ý niệm biết ơn là mạch máu làm tươi nhuận con tim nuôi dưỡng khối óc và tưới tẩm
tâm hồn chúng ta. Có rất nhiều cơ hội để chúng ta có thể khởi tâm cảm ơn người
khác. Với cảm nhận đầy đủ về những gì mình đang có và những gì mình đang trải
qua đủ để chúng ta khởi niệm biết ơn. Thân thể, vóc hình chúng ta sở hữu trong
kiếp sống này đủ để nhắc chúng ta khởi niệm cảm ơn những gì cuộc đời ban tặng.
Từ trong ý niệm biết ơn chúng ta biết cách sử dụng những gì mình đang có để đem
lại lợi ích cho chính mình và cho người để có thể sống một cuộc đời đáng sống.
Đây là cách thể hiện tinh thần biết ơn và đền ơn một cách thiết thực nhất.
Biết ơn giúp chúng ta bớt đi ý tưởng
chấp ngã, mở rộng tâm hồn
Một lợi ích nữa là khi chúng ta
biết khởi niệm biết ơn thì ý niệm chấp ngã của chúng ta vơi dần. Bằng cách thực
hành biết ơn ta ý thức rõ ràng rằng ta đơn giản chỉ là một phần không thể tách
rời của một bộ phận lớn hơn. Càng ý thức rõ ràng về mối quan hệ duyên sinh giữa
mình và thế giới lớn hơn bên ngoài, chúng ta càng trở nên khiêm tốn hơn thấy
mình bé nhỏ lại và phụ thuộc nhiều vào thế giới chúng ta đang sống. Bớt đi ý niệm
chấp ngã không có nghĩa là ta đánh mất mình mà là biểu hiện về sự trưởng thành
của nhận thức là sự trưởng thành về khả năng giữ tâm thăng bằng và an lạc nhờ
vào tâm niệm biết ơn. Biết ơn giúp cho chúng ta có niềm tin nhiều hơn trong các
mối quan hệ và giúp ta cảm nhận được những
gì mình thọ nhận từ người khác để dễ dàng khởi niệm đền ơn. Lưu tâm đến cái tốt,
cái đẹp thì những tâm niệm và hành động tốt đẹp dễ dàng phát sinh và chúng ta
có thể nhân rộng những điều thiện lành trong cuộc sống và rộng dần ra từ nơi
mình sinh sống. Với tâm rộng mở trong tinh thần biết ơn thì mỗi người dễ tha thứ
hơn, nhờ đó các vết đau tâm lý dễ chữa lành hơn. Tha thứ là chìa khóa để chữa
lành vết thương tâm lý và cảm xúc đồng thời tha thứ chỉ có thể làm được khi khởi
lên ý niệm biết ơn. Trong đau buồn mà vẫn thấy mình được chứ không mất, chúng
ta mới có thể khởi niệm biết ơn và dễ dàng tha thứ. Tha thứ có thể thuần túy diễn
ra từ trong ý niệm thông qua trị liệu, thiền định hay thực hành tâm từ bi và sẵn
lòng cảm thông đối với tất cả mọi người. Tha thứ cho chính mình hay người nào
đó là chất liệu nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành hơn và chữa lành vết thương
lòng nhanh hơn.
Lòng biết ơn không phải ai cũng
có thể làm được
Trong xã hội ngày nay lòng biết
ơn là truyền thống tốt đẹp từ đời xưa để lại. Mỗi người mỗi cá nhân cần phải nhận
thức được điều này để cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Lòng biết
ơn luôn mang một giá trị nhân văn sâu sắc như là tấm lòng giữa con người với
nhau. Lòng biết ơn không chỉ là nói suông nhưng
cần thể hiện bằng hành động thì nó mới thực sự ý nghĩa. Như vậy chúng ta
có thể thấy rõ lòng biết ơn luôn ở xung quanh cuộc sống của mình chỉ là ta
không tinh tế để nhận ra mà thôi. Ai cũng có một cội nguồn để nhớ về để nâng
niu và trân trọng. Nhưng lòng biết ơn không phải ai cũng có thể làm được. Có rất
nhiều người đã chà đạp lên thành quả của xã hội, không coi trọng những gì mình
đang có điều đó đồng nghĩa với việc không coi trọng thế hệ đi trước đã dựng xây
và cống hiến. Ý thức ấy sẽ khiến cho họ càng ngày càng không biết nâng niu và
trân trọng cuộc sống.
Biết ơn đem lại nhiều lợi ích từ
cơ thể khỏe mạnh đến tâm lý ổn định, tinh thần sảng khoái và làm tươi mát cuộc
sống nội tâm cũng như trong các quan hệ giao tiếp với người xung quanh. Nếu mỗi
người chúng ta thường xuyên thực hành việc khởi niệm biết ơn thì ta sẽ có cái
nhìn thực tế, rõ ràng và chính xác hơn trong cái nhìn duyên sinh về khả năng thực
tế của bản thân, về sự góp phần của con người và môi trường mình sống và những
sắc màu mình trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Qua lăng kính của biết ơn mọi
vật sáng hơn, rõ hơn và cuộc đời trở nên đẹp hơn. Hãy thực hiện biết ơn mọi lúc
mọi nơi và hạnh phúc theo đó nhân lên. Biết ơn giúp ta thấy được giá trị của
chính mình và mang lại niềm lạc quan trong đời sống hàng ngày.
Diệu Hoa