TÌM HIỂU THUẬT NGỮ "VĂN HOÁ", "VĂN MINH", "VĂN HIẾN", "VĂN VẬT"
1. Lâu nay, không ít người vẫn sử
dụng “văn minh” (civilization, civilisation) như một từ đồng nghĩa với “văn
hóa”. Thực ra, như viện sĩ D.Likhachov có nhận xét, “đây là những khái niệm gần
gũi, có liên quan mật thiết với nhau, song không đồng nhất. Văn hóa giàu tính
nhân bản, nó hướng tới những giá trị muôn thưở; trong khi đó thì văn minh hướng
tới sự hợp lý, sắp đặt cuộc sống sao cho tiện lợi”. Nói đến văn minh, người ta
chủ yếu nghĩ đến các tiện nghi vật chất. Như vậy, văn hóa và văn minh khác nhau
trước hết là ở tính giá trị: trong khi văn hóa là một khái niệm bao trùm, nó chứa
cả các giá trị vật chất lẫn tinh thần, thì văn minh thiên về các giá trị vật chất
mà thôi.
Văn hóa và văn minh còn khác nhau
ở tính lịch sử: trong khi văn hóa luôn luôn có bề dày của quá khứ (tính lịch sử)
thì văn minh chỉ là một lát cắt đồng đại, nó chỉ cho biết trình độ phát triển của
văn hóa; từ “văn minh” có thể được định nghĩa khác nhau trong các từ điển khác
nhau, song chúng thường có chung một nét nghĩa là nói đến “trình độ phát triển”.
Văn minh luôn là đặc trưng của một thời đại: nếu như vào thế kỷ XIX, chiếc đầu
máy hơi nước đã từng là biểu tượng của văn minh thì sang thế kỷ XX, nó trở
thành biểu tượng của sự lạc hậu, nhường chỗ cho tên lửa vũ trụ và máy vi tính.
Một dân tộc có trình độ văn minh cao vẫn có thể có một nền văn hóa rất nghèo
nàn, và ngược lại, một dân tộc lạc hậu vẫn có thể có một nền văn hóa phong phú.
Sự khác biệt của văn hóa và văn
minh về giá trị tinh thần và tính lịch sử dẫn đến sự khác biệt về phạm vi: văn
hóa mang tính dân tộc, bởi lẽ nó có giá trị tinh thần và tính lịch sử, mà cái
tinh thần và cái lịch sử là của riêng, không dễ gì mua bán hoặc trao đổi được;
còn văn minh thì có tính quốc tế, nó đặc trưng cho một khu vực rộng lớn hoặc cả
nhân loại, bởi lẽ nó chứa giá trị vật chất, mà cái vật chất thì dễ phổ biến,
lây lan.
Và sự khác biệt thứ tư, về nguồn
gốc: văn hóa gắn bó nhiều hơn với phương Đông nông nghiệp, còn văn minh gắn bó
nhiều hơn với phương Tây đô thị. Các nền văn hóa cổ đại hình thành từ trên hai
nghìn năm trước công nguyên như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Hoa… đều là sản
phẩm của phương Đông. Nền văn hóa phương Tây sớm nhất là nền văn hóa Hy Lạp thì
cũng sau các nền văn hóa phương Đông cổ đại tới hàng nghìn năm (thế kỷ XI – III
TCN) và được hình thành trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của các nền văn hóa
phương Đông gần nó nhất là Ai Cập và Lưỡng Hà – từ hệ thống thần thoại, lịch
pháp cho đến chữ viết – chỗ nào cũng thấy dấu ấn của ảnh hưởng phương Đông. Về
vị trí và đặc điểm kinh tế thì các nền văn hóa phương Đông đều hình thành ở lưu
vực các con sông lớn là những nơi sản xuất nông nghiệp. Trong các ngôn ngữ
phương Tây, từ “văn hóa” bắt nguồn từ chữ cultus tiếng La – tinh có nghĩa “trồng
trọt”. Từ trồng trọt phát triển ra nghĩa chăm sóc (cây cối), từ “chăm sóc (cây
cối)” dẫn đến chăm sóc (con người) = giáo dục. Trong khi đó thì từ “văn minh”
trong các ngôn ngữ phương Tây đều bắt nguồn từ chữ civitas tiếng La – tinh có
nghĩa là “thành phố”. Nghĩa gốc này kéo theo mình hàng loạt từ và nghĩa phái
sinh trong các ngôn ngữ châu Âu: thị dân, công dân (civilis)…, từ đó đến
civilisation là “làm cho trở thành đô thị”, đầy đủ tiện nghi như đô thị (= văn
minh).
Như vậy, văn minh (văn = vẻ đẹp,
minh = sáng)là khái niệm mang tính quốc tế, có nguồn gốc từ phương Tây đô thị
và chỉ trình độ phát triển nhất định của văn hóa chủ yếu về phương diện vật chất.
2. Ở Việt Nam còn có các khái niệm
“văn hiến” và “văn vật”. Từ điển thường định nghĩa văn hiến là “truyền thống
văn hóa lâu đời”, còn văn vật là “truyền thống văn hóa biểu hiện ở nhiều nhân
tài và nhiều di tích lịch sử”, “công trình, hiện vật có giá trị nghệ thuật và lịch
sử”. So sánh các định nghĩa này, ta thấy “văn hiến” và “văn vật” thực ra chỉ là
những khái niệm bộ phận của văn hóa, chúng chỉ khác văn hóa ở độ bao quát các
giá trị: văn hiến là văn hóa thiên về “truyền thống lâu đời”, mà truyền thống
lâu đời còn lưu giữ được không bị chiến tranh và thời gian hủy hoại chính là
các giá trị tinh thần , còn văn vật là văn hóa thiên về các giá trị vật chất (nhân
tài, di tích, công trình, hiện vật). Chính vì vậy mà ông cha ta thường nói đất
nước 4000 năm văn hiến (chứ không nói …văn vật, vì trải qua 4000 năm, phần lớn
các giá trị vật chất đã bị tàn phá), nhưng lại nói Hà Nội – Thăng Long ngàn năm
văn vật (vì trong 1000 năm trở lại đây, từ khi Lý Công Uẩn định đô ở Thăng
Long, các giá trị vật chất còn lưu giữ được nhiều).
Phương Tây không có hai khái niệm
“văn hiến” và “văn vật”, cho nên hai khái niệm này không thể dịch ra các ngôn
ngữ phương Tây được. Văn vật và văn minh tuy cùng thiên về giá trị vật chất,
nhưng lại rất khác xa nhau.
(PGS. Viện sĩ Trần Ngọc Thêm - Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)