LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ TẬP TRUNG KHI ĐỌC SÁCH?
Tập trung là một yếu tố quan trọng
để có được hiệu quả và thành công. Điều này hiển nhiên được chúng ta công nhận
trong đời sống. Nếu điểm lại những gì chúng ta đã đạt được tất yếu ở đó có sự tập
trung. Kinh nghiệm dạy học của tôi cho thấy có nhiều học sinh rất thông minh,
có tố chất tốt nhưng học kém vì thiếu sự tập trung.
Tập trung hiểu một cách đơn giản
và việc dồn tối đa năng lượng, nỗ lực của bản thân vào giải quyết một vấn đề, một
chủ điểm, làm một công việc nào đó trong một khoảng thời gian nhất định để đạt
cho được mục tiêu. Khi hiểu như vậy trái ngược với sự tập trung sẽ là sự phân
tâm, mất chú ý. Năng lực tập trung hiểu theo nghĩa là khả năng duy trì và sử dụng
sự tập trung này vào giải quyết một vấn đề, một chủ điểm, một công việc thường
được coi là một trong những năng lực quan trọng nhất trong học tập và lao động.
Cuộc sống hiện đại với nhịp điệu
nhanh, sự phổ cập của internet và các thiết bị kĩ thuật số có thể kết nối mạng
bất cứ lúc nào, ở đâu đã làm cho con người dễ đánh mất sự tập trung. Nếu là
giáo viên và quan sát kĩ học sinh ta sẽ thấy, năng lực tập trung đang là vấn đề
lớn của trẻ em trong xã hội hiện đại và là một thách thức lớn đối với cả giáo
viên và học sinh.
Muốn có được sự tập trung, cá
nhân phải được trải nghiệm đời sống, học tập, lao động trong môi trường phù hợp
và phải được rèn luyện có hướng dẫn. Sự nỗ lực tập trung phải được tưởng thưởng
bằng khoái cảm ở bên trong, được khuyến khích và đem lại trải nghiệm tựu thành.
Từng tích lũy thành công nho nhỏ sẽ giúp cá nhân rèn luyện được sự tập trung.
Đọc sách là một việc rất tốn năng
lượng và cần đến sự nỗ lực. Bộ não khi đọc sẽ hoạt động tối đa. Chính vì vậy mà
sự tập trung là tiền đề quan trọng để đọc sách hiệu quả. Để tăng cường sự tập
trung, các bạn cần chú ý đến một số vấn đề sau.
Thứ nhất là không gian đọc. Nên đọc
sách ở nơi sạch sẽ, yên tĩnh và đủ ánh sáng. Không gian như vậy giúp cho cơ thể
thư giãn và đầu óc tập trung hơn. Đọc sách trong không gian yên tĩnh giúp người
đọc thoát khỏi các tín hiệu nhiễu, các tiếng ồn làm giảm sự chú ý. Không phải
ngẫu nhiên mà trong nội quy của tất cả các thư viện trên thế giới đều có mục
“giữ trật tự” hay “im lặng”, “không làm phiền người khác”.
Nhiều thư viện công cộng ở nước
ngoài được đặt trong một chỉnh thể công viên có thiên nhiên vây quanh tạo cho bạn
đọc cảm giác thư thái, yên tĩnh. Khi đọc sách, đặc biệt là ở nhà, các bạn cần tạm
thời rời xa các thiết bị có thể gây nhiễu, phân tán sự tập trung của bạn như điện
thoại, ipad…Nếu có thể bạn hãy ngắt internet khi đọc sách để hoàn toàn chú tâm
vào việc đọc và tận hưởng nó. Trong gia đình nếu có phòng đọc riêng như “thư
phòng” hay “thư viện” để đọc thì càng tốt. Sự bài trí ở trong căn phòng đó bằng
sách, tranh hay những văn phòng phẩm, vật trang trí có liên quan đến sách và việc
đọc sẽ gợi cảm hứng và giúp cho ta tập trung hơn. Môi trường xung quanh có ảnh
hưởng khá lớn đến sự tập trung. Đó là lý do tại sao nhiều nhà văn không viết ở
nhà mà thường đến văn phòng hay khu nghỉ dưỡng biệt lập nào đó để viết. Nhà văn
nổi tiếng và giàu có người Nhật chuyên viết truyện trinh thám Mori Hiroshi thường
đến văn phòng cách nhà vài km để viết. Ở đó ông có hẳn nhân viên phục vụ giúp
ông những việc vặt và theo ông quan trọng hơn là có họ làm việc cùng ông sẽ tập
trung hơn. Kết quả là 38 tuổi ông mới cầm bút viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên
nhưng trong cuộc đời mình ông đã viết được 280 cuốn sách trong đó hầu hết là tiểu
thuyết và nhiều cuốn trở thành sách bán chạy nhất (best-sellers) và sách bạn chạy
lâu dài (long-bestsellers). Nếu là trẻ em thì càng cần không gian yên tĩnh để tập
trung vào việc học và đọc. Theo quan sát của tôi, rất nhiều gia đình mở tivi để
người lớn xem trong lúc trẻ em học bài hay đọc sách. Điều đó tôi nghĩ không phải
là một việc hay. Nếu như trong lúc trẻ học hay đọc sách mà cha mẹ cũng làm việc
gì đó tương tự như đọc sách thì sẽ tốt hơn. Bố tôi khi xưa, mỗi khi châm cho 4
đứa con mỗi đứa một ngọn đèn dầu để con học bài, ông cũng tự châm cho mình một
cây để ngồi vào bàn đọc sách hay viết gì đó. Hành động của ông đã giúp chúng tôi
có sự tập trung lớn hơn và cá nhân tôi đã chịu ảnh hưởng lớn từ hành động đó.
Thứ hai là thời gian đọc sách. Muốn
việc đọc trở nên tập trung thì thời gian đọc sách cũng phải thích hợp. Nó không
nên ngắn quá mà cũng không nên dài quá. Nếu quá ngắn, cơ thể chưa kịp làm quen
và bắt nhịp. Nếu dài quá, cơ thể sẽ uể oải và tinh thần sẽ mỏi mệt khó tập
trung. Nên đọc ít nhất 30 phút mỗi lần và sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng thì
nên rời chỗ ngồi để làm động tác thư giãn như vươn vai, tập thể dục đơn giản hoặc
đi lại ở cự ly ngắn. Thời điểm đọc sách cũng quan trọng. Cho dù nên tận dụng mọi
khoảng thời gian trống để đọc (đại đa số những người có thói quen đọc sách, ham
đọc sách đều làm như vậy) thì cũng rất nên tránh các thời điểm dễ mất tập trung
như khi buồn ngủ, khi cần thư giãn hoàn toàn. Đối với người mới tập đọc sách để
hình thành thói quen không nên đọc sách vào thời điểm trước khi đi ngủ vì họ sẽ…ngủ
trước khi đọc được thứ gì đó. Nên luyện đọc với sự tập trung cao trong tư thế
nghiêm túc và ở trạng thái tinh thần, thể chất tốt nhất.
Thứ ba là tư thế đọc. Có nhiều tư
thế khi đọc sách như đứng, ngồi, nằm. Trong ba tư thế này thì tư thế ngồi đọc
là tư thế phổ biến và tập trung nhất. Nằm đọc dễ gây buồn ngủ và đứng gây mỏi.
Nếu muốn rèn luyện sự tập trung khi đọc sách bạn nên ngồi với tư thế lưng thẳng
ở bàn như khi ngồi học hay làm việc. Tư thế ngồi thoải mái, đúng cách sẽ giúp bạn
tập trung hơn. Nhiều bạn cứ đọc sách là buồn ngủ vì các bạn đã chọn tư thế
không phù hợp khi đang ở trong giai đoạn rèn luyện sự tập trung và làm cho bộ
não, đôi mắt quen với việc đọc sách.
Thứ tư là tiến hành các thao tác
có tính chất kĩ thuật khi đọc sách để giúp cho việc đọc sách tập trung hơn. Ví
dụ trước khi đọc bạn cần xác định một chủ điểm, chủ đề hay một chi tiết, nội
dung nào đó bạn muốn giải đáp, tìm kiếm khi đọc sách. Việc đọc “có mục đích”
như vậy sẽ giúp cho bạn đọc tập trung hơn. Chính vì vậy, việc đọc theo chủ đề
hay đọc để giải đáp một câu hỏi nào đó đang đặt ra trong đầu bạn sẽ giúp bạn tập
trung được lâu hơn. Bạn có thể luyện tập năng lực tập trung của mình bằng cách
đặt ra trong đầu mình một thắc mắc nào đó, ví dụ như một vấn đề bạn quan sát thấy
trong thực tiễn nhưng chưa lý giải được và sau đó đi đọc các sách liên quan để
giải đáp. Khi đọc với tâm thế đó, bạn sẽ duy trì được sự tập trung lâu hơn và
không cảm thấy mông lung khi đọc. Trong khi đọc để tập trung tốt hơn, bạn nên vừa
đọc vừa tiến hành các thao tác khác như ghi chép lại những điều mình thu nhận
được, chép lại các đoạn trích thú vị, tóm tắt nội dung quan trọng…Việc viết đòi
hỏi sự tập trung rất cao vì vậy đọc-viết sẽ tương trợ lẫn nhau giúp bạn không
buồn ngủ và cảm thấy việc đọc là đơn điệu. Đặc biệt khi đọc sách các bạn phải
luôn suy ngẫm, tưởng tượng, liên tưởng và phê phán. Những thao tác tư duy thầm
lặng trong đầu này sẽ làm cho bộ não các bạn trở nên sống động, hoạt bát và từ
đó duy trì được sự tập trung.
Cuối cùng, một số yếu tố phụ trợ
khác cũng có thể giúp cho bạn đọc sách tập trung hơn chẳng hạn như là trang trí
nơi đọc sách, đọc trong không gian có mùi hương dễ chịu. Một số bạn thậm chí
còn tập trung hơn khi vừa đọc vừa nghe một bản nhạc yêu thích, nhẹ nhàng, sâu lắng
nào đó. Nói chung, đọc sách là trải nghiệm cá nhân vì vậy các bạn nên thử nghiệm
nhiều không gian, nhiều cách khác nhau để tìm ra cách thức phù hợp nhất giúp
duy trì và rèn luyện năng lực tập trung. Năng lực tập trung là chìa khóa vạn
năng giúp con người sống tốt và làm việc tốt. Giống như cây đinh nhỏ có thể
xuyên qua rất nhiều vật cứng khác vì nó tập trung được lực tác động vào một điểm,
khi bạn tập trung bạn sẽ trở nên mạnh mẽ đến không ngờ. Đọc sách không chỉ cần
đến sự tập trung mà chính đọc sách cũng giúp cho bạn rèn luyện được năng lực tập
trung để dùng trong cuộc sống.
TS Nguyễn Quốc Vương