HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

BÀN VỀ HẠNH PHÚC!

 

"...Sinh ra trong cuộc đời không phải để hạnh phúc, chính vì hạnh phúc mà biết bao người phải chuốc lấy khổ đau. Nhưng ngược lại, ai chịu đựng được đau khổ với thái độ sáng suốt, nhẫn nại, bình thản, an nhiên thì người ấy mới thực sự có được hạnh phúc.

Hạnh phúc chỉ có trong tâm hồn mỗi người, không bao giờ có trong cuộc đời. Đừng đồng hoá hạnh phúc với sự thỏa mãn, vì thỏa mãn và bất mãn thường hoán đổi nhau như hai mặt của một đồng xu. Muốn thỏa mãn đương nhiên phải đối đầu với bất mãn! Cũng không phải sinh ra để trả nghiệp mà chính nhờ nhân quả nghiệp báo mỗi người mới học ra được bài học mình đã chọn qua nhận thức và hành vi của chính mình khi tạo mối quan hệ với cuộc sống này. Nghiệp báo chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết nhận nó làm bài học giác ngộ..."...Không phải cố gắng vượt qua những bài học đau khổ để loại trừ khổ đau, vì như vậy sẽ căng thẳng. Thực ra đau khổ giúp con thấy rõ bản chất thật của nó và thấy ra nó xuất phát từ đâu. Khi con thấu suốt đau khổ thật sự là gì thì đau có thể vẫn còn nhưng sẽ không còn khổ nữa. Khổ chỉ là thái độ tâm lý của bản ngã thôi. Thấy ra sự thật này là giác ngộ, lúc đó mới gọi là vượt qua hay giải thoát...

"...Sau bao nhiêu đam mê và đau khổ trong cuộc sống, có thể đó là một giai đoạn cần thiết để lấy lại quân bình giữa những thăng trầm dâu bể. Rồi khi thật sự thấy ra ý nghĩa cuộc sống con sẽ cảm thấy hứng thú trong hành trình khám phá bản chất thật của mình, người và vạn pháp. Lúc đó trí tuệ và từ bi sẽ thể hiện trong đời sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha đầy yêu thương và sáng tạo. Con đừng lo, cứ tiếp tục thận trọng chú tâm quan sát...rồi con sẽ thấy ra tất cả...

"...Đừng tìm cách diệt khổ đau, chỉ thấy nhân duyên sinh ra nó là được rồi, bởi khi thấy đúng nhân duyên sinh khổ thì nhân duyên tự sinh tự diệt và chính khổ đau góp phần rất lớn cho sự diệt tận các nhân phiền não tham sân si ấy. Đó là lý do tại sao đức Phật dạy chỉ cần tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác với thân thọ tâm pháp thôi là đủ...

"...Công việc ít hay nhiều, cần suy nghĩ hay không, không phải là vấn đề, vấn đề là có trọn vẹn với công việc một cách sáng suốt trầm tĩnh hay không mà thôi. Nếu con bị phân tâm thì dù việc ít cũng không hiệu quả, ngược lại nếu con trọn vẹn tỉnh táo trong công việc thì dù việc nhiều vẫn thoải mái mà thành công. Vậy thái độ nội tâm hoặc phong thái làm việc của con như thế nào mới là vấn đề trọng yếu. Biết thận trọng, chú tâm, quan sát chính mình để tâm không bị phân tán mà thường trọn vẹn tỉnh thức với công việc, thân không bị căng thẳng, mệt mỏi mà thường thư giãn thoải mái tự nhiên, như vậy làm sao con bị tham chấp hay vướng mắc trong công việc được. Khi tâm đi đúng trật tự vận hành của sự việc thì không bao giờ bị phân tán hoặc dính mắc. Tham chấp công việc vì con cố gắng xử lý mà không biết cách trọn vẹn với nó. Thiếu tập chú vào công việc vì: một là do việc làm đó không hấp dẫn đối với con, nên con làm một cách gượng ép, hai là do con chưa tìm thấy ý nghĩa thực sự nào của công việc ấy nên không hứng thú khi làm, ba là do con làm biếng hoặc sức khoẻ  không đủ nên làm một cách mệt mỏi, bốn là do tâm con thiếu an lạc nên bị trạo cử (suy nghỉ lăng xăng, vớ vẩn).

"...Sáng suốt chú tâm vào việc học chính là thiền. Thiền là làm việc với một tâm trọn vẹn trong sáng, không bị phân tâm bởi những chuyện khác. Có thể trước khi học nên thư giãn, buông xả, thoải mái tự nhiên ít phút, rồi mới học để không bị căng thẳng và sau khi học cũng thư giãn buông xả một lát. Như vậy vẫn thiền được trong khi học...

"...Thiền chủ yếu là thư giãn, buông xả để tâm rỗng lặng trong sáng thấy được mọi hiện tượng đến đi nơi thân, thọ, tâm, pháp thôi, còn trải nghiệm gì không quan trọng, chúng chỉ là khách vãng lai, không nên nắm giữ hoặc chạy theo chúng. Chỉ cần ngay tại đây và bây giờ thấy mình đang như thế nào thì chính là con đang hành thiền. Thân con đang như thế nào, con đang có cảm giác hoặc cảm xúc gì, tâm con đang hoạt động ra làm sao v.v... con đều thấy rõ một cách tự nhiên, rồi con sẽ thấy con đang sống trong sự vận hành của pháp hay con đang hành động theo ý đồ của bản ngã. Thí dụ con thấy tâm sân như nó đang là hay con muốn hành thiền vì bị cái ngã sân xúi dục hòng đối kháng lại tâm sân ấy? Hành động của tánh biết là thiền, hành động của bản ngã dù cố thiền vẫn chỉ là vọng động...

"...Không cần phải đặt một mức độ nào nhất định cho việc thận trọng chú tâm quan sát, những yếu tố này là tính chất sẵn có trong tâm mỗi người nên chỉ cần có hướng tâm đúng thì chúng tự ứng ra tuỳ trường hợp. Nếu trong quan sát còn tư tưởng khởi lên thì biết có tư tưởng khởi lên, nếu không thì biết là tâm đang lặng lẽ quan sát. Đừng cố gắng quá, cứ quan sát tự nhiên thì thấy biết càng chính xác hơn."...Khi ngồi thiền con nên thư giãn, buông xả để cho thân tâm thoải mái, nhẹ nhàng, trong sáng và tuyệt đối không cố gắng "hành" gì cả. Chính lúc đó tâm con mới rỗng lặng trong sáng, hồn nhiên, không chủ quan để phản ánh trung thực mọi sự đến đi. Khi tâm buông xả mọi cố gắng nắm bắt thì nó liền trở về trọn vẹn với toàn thân đang là (thân tâm nhất như), đó là chánh niệm (chứ không phải là ghi nhận gì cả), và vì vậy nó biết thân đang là một cách trung thực. Không ghi nhận hơi thở hay cảm giác đau mà chỉ biết toàn thân đang là thì thở hay đau đều chỉ là những hiện tượng đến đi trên thân, con chỉ thấy chúng sinh diệt vô thường mà thôi. Nhớ là không cố gắng ghi nhận, định tâm hay trông chờ cái này diệt đi để quan sát cái khác, chỉ thấy thôi thì tâm mới nhận ra bản chất sinh diệt trên thân, thọ, tâm hay pháp ngay đây và bây giờ.

-ST-

Được tạo bởi Blogger.