MỘT GÓC NHÌN VỀ "GIÁO DỤC CHẬM RÃI"
Liệu điểm số cao và thông thạo
nhiều kỹ năng có phải là điều quan trọng nhất trong giáo dục? Trên thực tế, vấn
đề cốt lõi của giáo dục không nằm ở kỹ năng đào tạo, khả năng của học sinh, cải
cách hay công nghệ; mà là ở việc vun đắp đạo đức và tâm hồn người học.
Chuyến đi dạo cùng ốc sên
Ông trời giao cho tôi một nhiệm vụ
là phải dắt một con ốc sên đi dạo. Tôi không thể đi nhanh vì con ốc sên ấy bò
quá chậm.
Tôi thúc giục nó, trách móc nó. Ốc
sên nhìn tôi với vẻ tiếc nuối, như muốn nói: “Tôi đã cố gắng hết sức rồi!”
Tôi kéo nó, đẩy nó, thậm chí đá
nó. Con ốc bị thương, nó toát mồ hôi hột, thở hổn hển cố bò về phía trước...
Tôi ngước mặt lên trời xanh hỏi
Ông trời: “Tại sao Ngài lại giao con nhiệm vụ dắt con ốc sên này đi dạo vậy chứ?”
Bầu trời yên lặng.
Thôi. Tôi buông tay. Ông trời còn
không quan tâm, thì tôi cũng chẳng cần quan tâm làm gì!
Con ốc sên tự bò về phía trước,
còn tôi thì hờn dỗi đằng sau.
Ồ! Khi đi chậm lại, tôi ngửi thấy
hương hoa, hóa ra có cả một khu vườn ở đây. Tôi cảm nhận được làn gió, hóa ra
làn gió trong đêm thật nhẹ nhàng.
Đợi chút đã!
Tôi nghe tiếng chim, tôi nghe tiếng
côn trùng, tôi nhìn thấy bầu trời đầy sao, thật đẹp!
Tại sao tôi không trải nghiệm được
điều thi vị này trước đây nhỉ?
Tôi chợt nhận ra, lẽ nào tôi nhầm.
Chính Ông trời đã nhờ một con ốc
sên dẫn tôi đi dạo!
****
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, trong
giáo dục con trẻ, chúng ta cũng đang hành xử như nhân vật trong câu chuyện trên
với “con ốc sên” chính là con cái, là học sinh của chúng ta không?
Giáo dục đang đi quá nhanh. Xin
hãy đợi những tâm hồn lạc lối.
Cicero, triết gia Hy Lạp cổ đại,
từng nói rằng: “Mục đích của giáo dục là đưa học sinh thoát khỏi sự nô lệ của
thực tế, chứ không phải để thích nghi với thực tế”.
Cốt lõi của học tập là vì chính bản
thân học sinh, không phải của người khác, không phải của cha mẹ, mà là để làm
phong phú thêm việc học và cuộc sống của chính các em. Đây mới là nền giáo dục
thực sự!
Chúng ta thường nghĩ rằng, một đứa
trẻ xuất sắc là một đứa trẻ có thể giỏi nhiều môn năng khiếu (như piano, khiêu
vũ, vẽ tranh…) và có kết quả học tập tốt. Khi lớn lên, đứa trẻ ấy phải thuộc
top đầu trong các kỳ thi, đỗ vào các trường đại học danh tiếng ở cả trong và
ngoài nước.
Quả thật, có rất nhiều những đứa
trẻ như thế. Con đường lớn lên của chúng đã được định sẵn để trở thành tiến sĩ
hoặc chủ doanh nghiệp.
Nhiều bậc cha mẹ rất tự hào và cảm
thấy con mình rất xuất sắc khi chúng có thể trở thành quản lý, nhà lãnh đạo hay
giám đốc khi chưa đến tuổi 45. Bất cứ khi nào gặp mặt bạn bè, họ đều “khoe” về
con mình và nói rằng chúng rất có triển vọng.
Nhưng cũng có những “người con xuất
chúng” lại đánh mất chính mình khi trưởng thành, thậm chí trở thành một quan chức
tham nhũng "kiểu học giả" hoặc thậm chí có những kẻ đã vào tù. Kết quả
là cha mẹ họ rất buồn và tự hỏi: "Làm sao một đứa trẻ xuất sắc như con lại
trở nên như thế?”
Liệu đây có phải là loại kết quả
của việc giáo dục mà chúng ta mong muốn?
Liệu điểm số cao và thông thạo
nhiều kỹ năng có là điều quan trọng nhất trong giáo dục?
Trên thực tế, vấn đề cốt lõi của
giáo dục không nằm ở kỹ năng đào tạo, khả năng của học sinh, ở cải cách hay
công nghệ - điều mà nền giáo dục đang thiếu chính là vun đắp đạo đức và tâm hồn
người học!
Nền giáo dục của chúng ta đã đi
quá nhanh về trình độ kỹ thuật, khiến “trình độ tâm hồn” không thể bắt kịp.
Giáo dục là nghệ thuật của sự ‘chậm
rãi’
Một trong những học trò của tôi
đã từng đưa đứa con đang học lớp 5 của mình đến nhà tôi và hỏi: "Thưa cô,
con của em nó không thích ăn và gầy yếu, em phải làm thế nào ạ?"
Tôi hỏi: "Con của em bao
nhiêu tuổi rồi?"
"Dạ 10 tuổi"
Tôi nói: “Cháu bé mới 10 tuổi thì
lo gì”.
“Nhưng cô bé học không giỏi, cũng
không ăn nhiều và thấp hơn các bạn cùng trang lứa một cái đầu”.
Tôi nói: "Hãy đừng so sánh
con với một khuôn mẫu nào cả. Quan tâm thái quá đến thành tích học tập hay cân
nặng của trẻ lúc này là không cần thiết. Nuôi con là cả một quá trình đòi hỏi sự
kiên nhẫn. Cũng giống như trồng cà rốt, chúng ta không thể mong cây cà rốt phát
triển tốt nếu cứ lâu lâu lại nhổ nó lên để xem củ cà rốt đã to đến đâu rồi”.
Vài năm sau, người học trò ấy dẫn
theo một cô gái rạng rỡ, xinh xắn đến - chính là cô bé gầy nhom năm nào - và
vui mừng thông báo với tôi rằng cô bé đã đậu đại học.
Tôi nói: "Em thấy không. Có
phải mình đã từng quá vội vàng không? Giờ đây, đứa bé vừa thông minh, xinh đẹp,
lại đậu vào một trường đại học danh tiếng như vậy”.
Người học trò đồng ý. "Thật
sự lúc đó em đã quá lo lắng. Nhưng giờ đây, em cảm thấy rất tự hào”.
Từ câu chuyện này, tôi nhận ra
sâu sắc rằng: giáo dục là nghệ thuật của “sự chậm rãi”.
Trong giáo dục cần điều gì?
Giáo dục cũng giống như trồng hoa
vậy. Ta phải vừa chăm sóc, vừa quan sát và chờ đợi hoa nở.
Trẻ con cũng thế. Chúng cũng cần
phát triển từ từ và không bị stress bởi quá nhiều lo lắng và áp lực. Nếu ông trời
cho chúng ta tồn tại trên cõi đời này, thì ắt hẳn sẽ cho chúng ta giá trị của sự
tồn tại ấy.
Phù hợp là tốt nhất
Không có một hướng đi cố định nào
cho con đường và phương pháp trở thành tài năng đối với tất cả học sinh. Mỗi đứa
trẻ đều có một khả năng vô hạn.
Vì vậy, kết luận của tôi là:
Thứ nhất, không có phương pháp
giáo dục phổ cập tất cả mọi người. Giáo dục phù hợp với từng cá nhân là sự giáo
dục tốt nhất;
Thứ hai, không có định hướng cố định
cho con đường trở thành tài năng của mỗi học sinh.
Đừng nghĩ rằng lúc này con bạn
thích vẽ và chơi piano, thì con sẽ là một nghệ sĩ trong tương lai. Có thể công
việc sau này của con không liên quan gì đến điều này. Mỗi con người đều có khả
năng vô hạn.
Đừng nhìn vào thành tích của trẻ
và bắt đầu kết luận rằng trẻ sẽ không có triển vọng trong tương lai. Giáo dục
không nên như thế.
Ngày nay, vì nguồn giáo dục chất lượng
cao có hạn, trong khi nhiều bậc phụ huynh lại muốn chọn trường top để cho con
theo học, nên một số trường uy tín được phép sàng lọc, tuyển chọn học sinh mà họ
muốn đào tạo.
Xét về quy luật phát triển của sự
vật, điều này là hợp lý. Nhưng dưới góc độ giáo dục, việc chỉ lựa chọn học sinh
giỏi để dạy có vẻ không đúng là giáo dục thực thụ.
Giáo dục chân chính là từ bỏ tính
nóng vội và chủ nghĩa vị lợi để quay trở về với các quy luật giáo dục.
Không thể phủ nhận rằng, trong
nhiều trường hợp, người lớn coi giáo dục học sinh như một phương tiện để đạt được
mục đích của người lớn, thay vì sự cứu cánh cho tri thức và đạo đức.
Nhiều giáo viên nỗ lực đào tạo học
sinh có được thành tích tốt, điểm số cao trong thi cử để nhận được sự ghi nhận,
tiền thưởng và danh tiếng. Do đó, không thể tránh khỏi sự nóng vội vào kết quả.
Nhiều cha mẹ xem con cái như một
phương tiện để thỏa mãn những ước mơ chưa thành hay thể diện của mình. Họ bắt
ép con phải học hết cái này đến cái kia, phải dẫn đầu trong các cuộc thi và vào
được những trường danh tiếng.
Một khi người lớn bắt đầu lạm dụng
sự phát triển của con trẻ để thỏa mãn những mong muốn hoặc nhu cầu của bản thân
mình, thì giáo dục chắc chắn sẽ bị đi sai đường.
Hãy lấy một ví dụ về mối quan hệ
giữa giáo dục và quy luật phát triển thể chất:
Ngày nay, nhiều học sinh cấp 2 phải
thức đến 11-12 giờ đêm mới hoàn thành hết bài tập về nhà mỗi ngày, chưa nói đến
những năm cấp 3. Nhưng mô hình phát triển của những đứa trẻ 14, 15 tuổi này là
gì?
Những đứa trẻ ở độ tuổi này,
trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm - 3 giờ sáng, đặc biệt trong khoảng thời
gian từ 1 - 3 giờ sáng, tuyến yên tiết ra hai loại hormone rất quan trọng là:
hormone sinh dục và hormone tăng trưởng. Nó sẽ không tiết ra khi trời sáng và
khi cơ thể bị stress.
Vì vậy, nếu một đứa trẻ ngủ không
ngon và bị căng thẳng, sẽ không thể phát triển tốt được. Đây là quy luật phát
triển thể chất.
Nếu để ý đến quy luật phát triển
này thì khi giao bài tập về nhà, giáo viên sẽ cân nhắc lượng bài tập, để đảm bảo
sao cho học sinh có thể ngủ muộn nhất vào lúc 10:30 tối. Vì con người thường bước
vào trạng thái ngủ sâu khoảng 2 giờ sau khi chìm vào giấc ngủ.
Nhưng giờ đây chúng ta có tuân
theo các quy tắc này không?
Có vẻ như điều này đã bị bỏ qua từ
nhà trường đến phụ huynh. Ngược lại, vì thành tích, điểm số, kỹ năng, họ yêu cầu
học sinh phải chăm chỉ học tập và làm thêm nhiều bài tập.
Vì vậy, giáo dục cần trở về với
quy luật: từ từ, nhẹ nhàng, không nóng vội và phô trương. Có như vậy thì mới có
kết quả như ý muốn được. Khi đó, con cái chúng ta có thể rất giỏi, dù là về điểm
số hay tài năng, và tâm hồn chúng cũng có thể rất viên mãn. Đây nên là trạng
thái chính thường nhất của giáo dục.
Giáo dục phải dựa trên ba nguyên
tắc: vừa phải, đúng khả năng và phù hợp.
Giáo dục mà không có kiểm tra
(hay điểm số) thì sẽ là không đúng. Nhưng giáo dục chỉ dựa trên điểm số thì chắc
chắn là thiếu sót.
Như nhà triết học Aristotle từng
nói: “Giáo dục phải dựa trên ba nguyên tắc: vừa phải, khả thi và phù hợp”.
Vừa phải
Ngày nay, chúng ta đã làm việc
quá nhiều và liên tục thay đổi về trình độ kỹ thuật, đến nỗi giáo viên không biết
nên giảng dạy phương pháp nào.
Loại giáo dục này là quá mức cần
thiết, mà quên rằng cũng có những quy luật giáo dục, và bản thân giáo dục chính
những thứ nội tại, chính là tâm hồn người học.
Khả năng
Có nghĩa là chúng ta cần tôn trọng
khả năng khác nhau của mỗi trẻ và chúng có thể thay đổi theo thời gian. Những
thành tích trẻ có hiện tại, ngay cả tài năng và điểm số cũng không thể đại diện
cho những gì trẻ có thể hoặc sẽ làm trong tương lai.
Tuy nhiên, bây giờ trẻ cần có
thái độ học tập đúng, chăm chỉ làm giàu tri thức và trau dồi đạo đức bản thân.
Những khả năng được học hiện tại sẽ không bị mất đi mà sẽ hỗ trợ các khả năng
có được trong tương lai.
Phù hợp
Phương pháp giáo dục phải phù hợp
với quy luật và phù hợp với mỗi trẻ. Đừng thấy con nhà hàng xóm học đủ thứ, nào
là piano, cờ vua đến thư pháp, hội họa mà cũng bắt con mình học những thứ ấy.
Nếu bạn là bác sĩ, bạn cho rằng
con của một bác sĩ phải học nhiều hơn những đứa trẻ khác, thì đó là suy nghĩ
sai lầm. Nếu điều con học không phù hợp với con thì chúng cũng sẽ trở nên vô
nghĩa. Bạn cần tìm hiểu xem trong lòng con thật sự thích gì.
Tóm lại, đã đến lúc chúng ta cần
quay về với những lời dạy của Khổng Tử, Mạnh Tử và cả Montana rằng: “Giáo dục
không phải là để thích nghi với thế giới bên ngoài, mà là để làm phong phú tâm
hồn của mỗi người”.
Hiện nay, chúng ta đang giáo dục
theo hướng để thích nghi với thế giới bên ngoài. Nhiều học sinh học những thứ hỗn
độn nhất trong xã hội để thích nghi với xã hội. Giá trị chủ đạo của việc giảng
dạy ở trường học là “làm phong phú thêm cho tâm hồn trẻ” đã bị lãng quên.
Cốt lõi của việc học tập là vì
chính bản thân các em, không phải cho bất cứ một ai khác. Sau đó, các em sẽ
quay lại đóng góp cho xã hội, thông qua những gì chúng học được.
Khi ấy, thế hệ tương lai của đất
nước sẽ có tâm hồn phong phú, biết rõ mình là ai, mình muốn gì, vì sao mình phải
trở thành người tốt. Và xã hội sẽ có những công dân tốt, tài năng thực sự.
Hà Phương