HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

SỨC MẠNH CỦA SỰ THA THỨ!

             Khi người khác ngược đãi bạn, bạn sẽ bỏ qua hay tìm cách trả đũa? Chúng ra sẽ dễ dàng đưa ra câu trả lời là bỏ qua, nếu đó là mâu thuẫn nhỏ; còn đối với những điều “cắt sâu”, “đục khoét” vào nỗi đau trái tim bạn, thì câu trả lời sẽ như thế nào?

Nhưng cho dù bất cứ điều gì xảy ra, xin hãy nhớ rằng: Luôn có một phương thuốc chữa lành cho mọi nỗi đau…

‘Tất cả đã qua rồi. Lấy oán báo oán, hận thù chỉ tăng thêm’

Nữ tổng thống của nước Liberia là bà Ellen Johnson Sirleaf đã phải sống lưu vong ba lần ở Guinea, trước khi được bầu làm tổng thống. Mỗi khi cận kề cái chết, bà lại nghĩ rằng một ngày nào đó bà chắc chắn sẽ vùng lên đánh bại những kẻ thù chính trị của mình, và sẽ bắt họ phải chịu đựng những đau khổ tương tự. Tuy nhiên một trải nghiệm đặc biệt đã thay đổi tư tưởng của bà.

Một ngày nọ, khi đang ở gần một ngôi làng, đột nhiên bà nghe thấy tiếng súng nổ. Weser, người vệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp đã lao ra cứu bà, nhưng viên đạn ác nghiệt đã cướp đi mạng sống của Weser.

Sau đó bà phát hiện ra kẻ bóp cò chính là hàng xóm của Weser, một thanh niên trẻ tuổi tên là Asa. Asa đã được thuê để ám sát bà.

Mười ba năm sau, bà Ellen Johnson Sirleaf một lần nữa đến thăm ngôi làng ấy và bắt gặp mẹ của Weser đang tặng lương thực cho mẹ của Asa. Bà hỏi tại sao và mẹ Weser trả lời rằng: “Asa đã bỏ trốn 13 năm trước và bặt vô âm tín. Mẹ của cậu ta vừa bị bệnh tật, vừa sống trong cảnh nghèo khổ và không còn gì để ăn…”.

Bà Sirleaf không nhịn được, bèn nhắc lại với bà cụ tốt bụng rằng: “Nhưng bọn họ là kẻ thù của chúng ta!”

Câu trả lời của người mẹ khiến bà một lần nữa phải kinh ngạc: “Tất cả đã qua rồi. Lấy oán báo oán, việc trả thù chỉ tăng thêm hận thù nhiều hơn”.

Những lời của bà cụ đã dạy cho bà Sirleaf một bài học sâu sắc. Đất nước Libya bị chiến tranh tàn phá cần sự tha thứ hơn là lòng thù hận!

Kể từ đó, bà Sirleaf đã tha thứ cho những kẻ thù cũ của mình và nhận được sự cảm thông và ủng hộ từ những người Libya. Bà trở thành nữ tổng thống đầu tiên đắc cử trong lịch sử châu Phi. Sức mạnh của sự tha thứ chỉ có thể xuất phát từ thiện tâm chân chính của con người.

Người cha tha thứ cho kẻ giết con trai mình

Trey Relford (24 tuổi) bị kết án 31 năm tù vì liên quan tới vụ án giết người vào ngày 19/4/2015. Nạn nhân là anh Salahuddin, đã bị giết chết và bị cướp tài sản trong lúc đang đi giao bánh pizza tại Lexington, Kentucky.

Trong suốt phiên tòa xử án kẻ sát nhân, người cha nạn nhân là bác sĩ Abdul-Munim Sombat Jitmoud đã tưởng nhớ đến con trai ông như một người hiền lành, rộng lượng. Ông cũng nghẹn ngào vì con trai mình chỉ còn phải giao một đơn hàng nữa là hết ca làm vào đêm xảy ra án mạng, điều này khiến cái chết của cậu càng đau lòng hơn.

Tuy nhiên, ông đã khiến cả tòa xử án bất ngờ khi quay sang kẻ giết con trai mình, nói rằng ông không trách cứ anh ta vì những gì đã xảy ra. “Tôi giận dữ trước quỷ dữ, kẻ đã xúi bẩy anh gây ra tội ác như vậy”, ông nói với Trey Relford.

Ông cũng cho biết rằng điều quan trọng nhất để tha thứ cho Relford là vì “tha thứ là món quà tuyệt vời nhất của lòng nhân đức trong đạo Hồi”.

Những lời nói của ông đã khiến thẩm phán và những người chứng kiến cảm động đến rơi nước mắt.

Mẹ của Relford đã đứng dậy, nhận phần trách nhiệm trong tội ác mà con trai bà gây ra, và xúc động trước sự tha thứ của cha nạn nhân. Bản thân Relford cũng nghẹn ngào lên tiếng: “Cháu xin lỗi vì chuyện xảy ra ngày hôm đó. Cám ơn vì đã tha lỗi cho cháu”.

Sự hồi đáp bất ngờ dành cho Sở Trang Vương

Sở Trang Vương một hôm cho bày yến tiệc thết đãi các đại thần. Trong tiệc, gió lớn nổi lên bỗng thổi tắt hết đèn nến. Khi ấy, một viên quan lợi dụng đêm tối kéo áo chọc ghẹo cung nữ của nhà vua. Người cung nữ ấy giật đứt giải mũ của ông này rồi tâu lên Sở Trang Vương, muốn thắp đèn nến lên, tìm xem ai là người đã chọc ghẹo mình và xử tội.

Nhưng Sở Trang Vương cho rằng không thể chỉ vì một cung phi mà làm nhục các tướng lĩnh dưới trướng, chuyện say rượu thất lễ âu cũng là lẽ thường. Ông bèn gạt đi và tuyên bố: “Hôm nay các khanh uống rượu cùng ta mà không say đến đứt giải mũ thì chưa phải là thực bụng vui vậy!”.

Thế là các đại thần văn võ đều giật đứt giải mũ của mình. Nhờ đó mà người trêu ghẹo cung nữ kia không bị bại lộ.

Hai năm sau, nước Sở có chiến sự lớn với nước Tấn. Qua năm trận kịch chiến, quân Sở có một võ tướng liều mình, tả xung hữu đột, không màng sống chết, luôn đi tiên phong. Quân Sở nhờ vậy giành thắng lợi.

Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn cho gọi đến hỏi.

Người ấy bèn thưa: “Thần chịu nghĩa xưa, đội ơn dày của bệ hạ đã tha cho tội khi quân. Vốn mong muốn liều chết để báo đền ân đức bệ hạ, đến nay thần mới có dịp. Thần là Tưởng Hùng, là người năm xưa trêu ghẹo cung nữ của bệ hạ trong tiệc rượu”.

Vậy mới thấy rằng tha thứ không phải là ban phát ân huệ cho kẻ khác, đó chính là món quà của lòng tốt, và một ngày nào đó, nó sẽ quay trở lại với chính bản thân chúng ta.

Luôn có một sự chữa lành cho mọi nỗi đau

Tha thứ không khó, cái khó chính là chúng ta có dám buông bỏ tâm hận thù, oán giận hay không.

Mẹ Teresa từng nói: “Như một quy luật, khi chúng ta đau khổ, chúng ta quá tập trung vào bản thân, chúng ta không có thời gian cho người khác”.

Diễn giả nổi tiếng Wayne Dyer từng kể một câu chuyện rất ý nghĩa về bộ lạc Babemba tại Nam Phi. Ở nơi đây, mọi người đối xử với những người phạm sai lầm theo một cách “kỳ lạ” rất đáng chú ý. Thay vì phán xét và trừng phạt, bộ lạc này đối xử với người phạm tội bằng tình yêu thương và sự đánh giá cao.

Nếu một thành viên của bộ lạc Babemba hành động vô trách nhiệm hoặc sai trái, người này sẽ được yêu cầu đến vị trí trung tâm của ngôi làng, và ở đó một mình. Tất cả các công việc khác trong bộ lạc sẽ được tạm dừng lại, toàn bộ người dân tập hợp thành một vòng tròn lớn xung quanh người vi phạm.

Sau đó, mỗi người trong bộ lạc, từng người một bất kể tuổi tác, sẽ nói chuyện với “bị cáo”, họ sẽ nhớ lại tất cả những điều tốt đẹp mà người ở trung tâm vòng tròn đã làm trong cuộc đời mình.

Mọi sự việc, mọi trải nghiệm tốt đẹp sẽ được gợi lại một cách chi tiết và chính xác. Tất cả các đặc điểm tích cực, từng hành động tốt, sự quan tâm, tử tế được đưa ra một cách cụ thể, cẩn thận. Không ai được phép bịa đặt, phóng đại hoặc tỏ ra thô lỗ về những thành tựu hay các khía cạnh tích cực của người này.

Nghi lễ thường kéo dài trong vài ngày và sẽ không kết thúc - cho đến khi mọi người đưa ra hết mọi bình luận tích cực có thể nói về người phạm lỗi. Cuối cùng, vòng tròn được phá vỡ và người đó được chào đón vào bộ lạc bằng một buổi lễ vui vẻ.

Đó thật sự là một hình ảnh tuyệt đẹp của sự tha thứ, cảm thông, của tình yêu, và lòng trắc ẩn. Bạn có thể tưởng tượng điều gì đó giống như thế sẽ xảy ra trong xã hội hiện đại và văn minh của chúng ta không? Bạn có tin rằng chúng ta có khả năng như vậy không?

Nhà văn Elizabeth Gilbert đã nói: "Tôi ở đây. Tôi yêu bạn. Tôi không quan tâm nếu bạn cần khóc suốt đêm, tôi sẽ ở bên bạn. Tôi mạnh mẽ hơn Trầm cảm, tôi dũng cảm hơn Cô đơn và sẽ không có gì làm tôi kiệt sức”.

Nếu một ngày bạn muốn chỉ tay vào những người mắc lỗi, thì hãy nghĩ về sức mạnh của sự thứ tha. Cho dù không biết chắc được những mâu thuẫn đến từ đâu, tất cả những gì chúng ta cần biết là lòng tốt thu hút lòng tốt. Với một lời tử tế, một hành động tốt đẹp, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của chính mình và của những người khác, vì sự tha thứ, tình yêu thương chính là điều có năng lượng to lớn nhất.

Tâm An

Được tạo bởi Blogger.