HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẬN RỘN MÀ VẪN CÓ THỂ ĐỌC SÁCH

Một trong những lý do mà ta thường được nghe nhất từ những người không đọc sách hoặc đọc rất ít là “bận quá”. Nếu không tin bạn hãy hỏi những người đồng nghiệp ở cùng cơ quan, các giáo viên đang dạy con bạn, các thành viên trong gia đình bạn xem sao. Thậm chí có thể chính bạn cũng đã từng nói hoặc nghĩ như vậy.

Quả thật, mỗi người mỗi ngày chỉ có 24 tiếng. Trong 24 tiếng đó ngoài thời gian ngủ, nghỉ tối thiểu 8 tiếng ra và 8 tiếng lao động, ta còn lại 8 tiếng dành cho vô vàn các hoạt động khác như chơi thể thao, thăm hỏi người thân, làm nghề phụ kiếm thêm thu nhập… Cuộc sống hiện đại với vòng quay chóng mặt đã cuốn tất cả mọi người, nhất là những người ở thành phố vào một nhịp điệu ngày càng nhanh. Mọi thứ đều được “lập trình”, “lập kế hoạch” theo thời gian định sẵn. Khi đến Nhật Bản du học năm 2006 và sống trong kí túc xá cùng sinh viên Nhật Bản tôi đã rất sốc khi thấy các sinh viên Nhật trước khi hò hẹn nhau để đi chơi hoặc tán tỉnh lại mở sổ tay ra chăm chú đọc xem thời gian rỗi để có thể ra ngoài cùng nhau là lúc nào. Trong cuốn sổ đó dày đặc các mốc thời gian được định ra cụ thể cho mỗi việc: đi học, làm thêm, chơi thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ… Trong Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản  của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (Nguyễn Quốc Vương dịch, Tủ sách Người mẹ tốt, 2016) có dẫn một kết quả nghiên cứu của Trung tâm giáo dục Phụ nữ Quốc gia tiến hành năm 2004-2005 có tên “Điều tra so sánh quốc tế về giáo dục gia đình” cho thấy một sự thật đáng suy ngẫm. Theo kết quả của cuộc điều tra này tính trung bình người Hàn Quốc đứng đầu thế giới về việc ít ăn tối cùng gia đình (4.1 lần/tuần). Người Nhật Bản đứng thứ hai thế giới với 4.4 lần/tuần trong khi ở Thái Lan-một nước kém phát triển hơn là 6.3 lần/tuần.

Cuộc sống hiện đại với nền kinh tế công nghiệp hóa cao độ chạy theo năng suất và hiệu quả đã đẩy rất nhiều người vào cuộc chạy đua với thời gian. Sau giờ làm việc chính thức của công ty, họ còn phải tham gia tiệc tùng với đồng nghiệp, cấp trên, đối tác. Khi sống ở Nhật, tôi thấy chuyện đàn ông Nhật đi làm về lúc 9-10 giờ đêm không hề là chuyện hiếm.

Ở Việt Nam thì sao? Những năm gần đây khi công nghiệp hóa được đẩy mạnh, các khu công nghiệp mọc lên, cuộc sống ở ngay các làng quê cũng thay đổi nhịp điệu. Nó trở nên nhanh hơn, gấp gáp hơn. Thanh niên đã dần thoát ly khỏi sản xuất nông nghiệp để vào làm trong các nhà máy theo ca. Đêm đến vẫn có xe ô tô cỡ lớn chạy vào làng đón công nhân đi làm. Những người sống ở nông thôn vốn tiến hành sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ với thời gian tương đối thoải mái giờ đây đã làm quen với thời khóa biểu của sản xuất công nghiệp với yêu cầu chính xác tuyệt đối về giờ giấc. Tất cả đều trở nên bận rộn. Ở các đô thị, nhịp sống còn hối hả hơn nhiều.

Con người hiện đại chúng ta trở nên bận rộn hơn, nhịp điệu đời sống nhanh hơn là một thực tế. Tuy nhiên, nếu lấy lý do “bận” để rồi dễ dàng “chính đáng hóa” việc không đọc sách của mình thì đó sẽ là một sự ngụy biện hoặc là thiếu trách nhiệm với đời sống của bản thân.

Tại sao?

Trên thế giới này có ai bận rộn hơn những chính khách như Barack Obama, nguyên tổng thống Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, hay những doanh nhân nắm trong tay khối tài sản khổng lồ với những công ty đa quốc gia lớn, quản lý hàng vạn nhân sự như Bill Gates (doanh nhân, đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, nhà từ thiện), Matsushita Konosuke ( sáng lập tập đoàn Matsushita-Panasonic, sáng lập Trường tư thục kinh tế chính trị Matsushita, viện nghiên cứu PHP)…Tuy nhiên những người này lại là những người ham mê đọc sách, đọc sách thường xuyên. Không chỉ vậy, qua nhiều kênh khác nhau họ đều cổ vũ việc đọc và giới thiệu đến mọi người những cuốn sách họ yêu thích và nghĩ rằng mọi người nên đọc.

Các bạn có thực sự bận rộn hơn họ không?

Tôi nghĩ phần lớn sẽ là “không”. Trên thực tế, việc đọc sách hay không đọc sách phụ thuộc vào nhận thức về vai trò của văn hóa đọc và thói quen, nghị lực của bản thân chứ không phụ thuộc lớn vào chuyện “bận” hay “không bận”. Một khi đã có nhận thức sâu sắc về vai trò của đọc sách, có thói quen đọc sách và quyết tâm duy trì việc đọc thì cho dù bận rộn đến mấy người ta cũng sẽ có được lịch sinh hoạt hợp lý và dành thời gian cho đọc sách.

Bất kì ai, khi ngồi xuống viết ra thời gian biểu của bản thân trong một tuần, một ngày với khung thờ gian và các hoạt động cụ thể cũng sẽ nhận ra nhiều điểm bất hợp lý gây lãng phí về thời gian. Bằng cách điều chỉnh lại cho hợp lý thời gian biểu sinh hoạt cụ thể của mỗi ngày trong tuần, các bạn có thể phân phối lại thời gian hợp lý để tìm ra khoảng thời gian thích hợp dành cho đọc sách. Cho dù bận đến mấy các bạn cũng có thể dành ra được 20-30 phút dành cho việc đọc. Chẳng hạn, bạn có thể dậy sớm hơn 30 phút và dành thời gian đó cho đọc sách mỗi sáng hoặc đọc 10-20 phút trước khi đi ngủ. Cho dù quãng thời gian đó ngắn nhưng nếu đọc liên tục, bền bỉ mỗi ngày thì khoảng thời gian dành cho đọc sách trong một tuần, một tháng, một năm cũng rất đáng kể. Trong việc đọc sách, việc bền bỉ, kiên trì, tập trung trong thời gian dài sẽ tốt hơn rất nhiều thái độ nôn nóng trong thời gian ngắn. Cách hay nhất để tận dụng thời gian đọc là hãy mang theo các cuốn sách cần đọc bên mình để có thể đọc ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào bạn có thời gian rỗi như khi chờ đợi đối tác, khi ngồi chờ tàu, xe, máy bay, khi di chuyển bằng các phương tiện giáo thông.

Đối với bản thân tôi, là một ông bố có ba con nhỏ, nhà lại không có người giúp việc hay ông bà ở cùng, công việc gia đình cũng bận rộn chưa kể một lúc tôi làm nhiều việc khác nhau như diễn thuyết, dạy học, dịch sách, viết sách, viết báo, hoạt động xã hội (khuyến đọc). Thời gian tôi ngồi ở bàn để đọc sách hầu như không có vì thời gian đó tôi dành chủ yếu để viết. Buổi tối thì dành cho các con hoặc giúp vợ làm các việc nội trợ trong nhà. Vì vậy tôi luôn có ý thức tận dụng tối đa thời gian ở bên ngoài và thời gian di chuyển trên đường để đọc sách. Tôi có thể đọc ở trên tàu, xe, máy bay. Đọc khi chờ đợi người khác. Đọc khi ở khách sạn ở những nơi đến diễn thuyết… Nhờ vậy, tôi vẫn có khoảng thời gian kha khá để đọc và mỗi năm tôi cũng được được vài chục cuốn đến cả trăm cuốn đủ thể loại từ ehon cho tới sách ngoại văn.

Một khi bạn đã hình thành được thói quen đọc sách, việc đọc đối với bạn sẽ giống như một thú vui khó bỏ, thậm chí với một số người trong đó có tôi, đọc sách thật sự trở thành một thứ gây nghiện. Bạn sẽ cảm thấy trống rỗng, buồn chán khi rỗi rãi mà không cầm trong tay quyển sách nào đó.

Hãy bắt đầu việc tận dụng thời gian bằng việc đặt vào trong ba lô, túi xách của mình một hai cuốn sách mình thích, mình cần đọc để khi có thời gian rảnh rỗi là đọc được ngay. Song song với việc này, nếu không thật sự cần thiết khi ra ngoài, khi rảnh rỗi ở nhà bạn hãy tắt 3G hoặc ngắt kết nối internet để khỏi phải phân tán vào Facebook, email và đọc các tin tức, xem các video vô thưởng vô phạt. Độ dài của thời gian đọc sách cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là mức độ tập trung và sự duy trì bền bỉ trong nhiều ngày. Mỗi ngày chỉ cần 30 phút tập trung hoàn toàn cho việc đọc sách đối với người bận rộn, những người bạn rộn vẫn có thể là một người đọc sách đích thực.

TS Nguyễn Quốc Vương

Được tạo bởi Blogger.