MÙA VU LAN BÁO HIẾU NÓI THÊM VỀ ÂN ĐỨC CỦA MẸ DÀNH CHO CON
Khi con oa oa cất tiếng khóc chào đời là lúc mẹ nở
nụ cười hạnh phúc và mãn nguyện, để rồi sau đó lịm đi sau cơn vượt cạn. Kể từ
đó, ánh mắt và trái tim mẹ luôn dõi theo từng bước đi của con trên đường đời…
Dẫu con tóc điểm bạc, thì trong lòng mẹ, con vẫn
chỉ là một đứa trẻ cần được yêu thương và bảo vệ. Ân đức của mẹ đối với chúng
ta nặng hơn non cao, rộng hơn biển cả. Người thân thiết nhất trên thế gian
chính là mẹ.
Mẹ có thể sẵn lòng cho đi tất cả những gì mình có
một cách vô điều kiện, chỉ cần biết con mẹ được bình an và hạnh phúc. Ân đức
sâu nặng ấy thể hiện trong những điều dưới đây:
1. Ân tình
bảo vệ thai nhi
“10 tháng
mang thai mẹ gặp nạn, đứng ngồi không yên, ngủ chẳng an”
Từ khi con chỉ là giọt máu đào hấp thụ tinh cha
huyết mẹ trong bụng mẹ đến khi dần hoàn thiện hình hài, thân thể mẹ mỗi ngày một
nặng thêm. Bước chân mẹ không còn nhẹ nhàng, thanh thoát như trước. Sức nặng đã
dồn lên đôi chân và chiếc sống lưng, oằn xuống phía trước, che mất cả tầm nhìn
của mẹ.
Cũng từ đó mẹ thường đứng ngồi không yên, nay đau
chỗ này, mai nhức chỗ kia. Mẹ cũng chẳng thiết ăn uống, miệng khi đắng ngắt lúc
lại nhạt thếch. Tự nhiên mũi mẹ cũng trở nên mẫn cảm với đủ loại mùi vị và có cảm
giác lợm giọng trong cổ. Một đêm không biết bao nhiêu lần mẹ thức giấc trở mình.
Nhưng mẹ vẫn chăm sóc hết lòng cho con yêu của mẹ.
Để thai nhi bé bỏng trong bụng có thể trưởng thành mẹ có thể nhẫn nhịn không ăn
những món mình thích. Nhưng những món mẹ không thích thì chỉ cần tốt cho thai
nhi mẹ cũng gắng gượng nuốt cho đầy bụng.
Mẹ dùng tinh hoa huyết dịch của mình để nuôi dưỡng
một sinh mệnh bé nhỏ. Khi hài nhi lớn lên trong bụng mẹ từng ngày, thì chỉ cần
con cựa quậy giơ tay, giơ chân, cũng đều sẽ mang đến sự thống khổ cho mẹ. Nhưng
chẳng bao giờ mẹ để tâm đến những điều đó. Dường như sự có mặt của con trên đời
này đã mang đến niềm hạnh phúc vô bờ cho mẹ.
Mẹ vẫn dùng đôi tay ấm áp xoa cho con yên giấc. Những
khi con nghịch ngợm vươn vai, giơ chân đạp vào bụng mẹ nhô cả hình bàn chân bé
xinh, mẹ lại phì cười, mắng yêu con vài tiếng. Mẹ hòa lẫn trong niềm thấp thỏm
lo âu và mong ngóng từng ngày được thấy thiên thần nhỏ của mẹ sớm oa oa cất tiếng
khóc chào đời.
Mẹ hòa lẫn trong niềm thấp thỏm lo âu và mong
ngóng từng ngày được thấy thiên thần nhỏ của mẹ sớm oa oa cất tiếng khóc chào đời.
Ảnh: Freepick.
2. Ân đức
chịu khổ khi sắp sinh
“10 tháng mang thai, một sớm lâm bồn”. Trải qua 10
tháng mang thai, cuối cùng để con có thể chính thức chào đời, mẹ còn phải trải
qua một cơn đau dữ dội nữa. Mẹ quằn quại với những cơn đau, khi âm ỉ như kiến cắn,
lúc lại dữ dội như tách thịt xẻ da. Những khi tưởng chừng không thể chịu đựng nổi
mẹ chỉ biết nắm chặt bàn tay, cắn vào môi mình hay vịn vào cha trong làn nước mắt
giàn giụa.
Những lần vượt cạn như vậy, thậm chí có những người
mẹ còn phải bỏ lại tính mệnh của mình, để đổi lấy cuộc đời mới của một sinh
linh nhỏ bé. Dẫu biết vậy, mẹ vẫn dám mạo hiểm để có con trên đời. Khi sinh con
ra, mẹ chỉ mải ngắm nhìn con. Chỉ khi thấy con ngũ quan đầy đủ, tứ chi lành lặn,
mẹ mới có thể thở phào nhẹ nhõm và khép nhẹ đôi mi nghỉ ngơi trong chốc lát.
Vào giây phút được nhìn thấy con, niềm hạnh phúc
trong mẹ trào dâng như thác đổ. Bao nhiêu vất vả mang nặng đẻ đau đều tan biến
vào trong hư không như chưa từng xảy ra với mẹ. Dẫu đổi hết thảy báu vật trên
thế gian mẹ cũng chẳng ưng. Bởi lẽ đối với mẹ, con là báu vật tuyệt vời nhất!
Tục ngữ có câu: “Sinh nhật con, ngày mẹ khổ”. Cho
nên trước kia, một số nơi không muốn chúc mừng sinh nhật của mình. Chỉ sau khi
hơn 60 tuổi mới họ mới bắt đầu “mừng thọ”. Họ làm vậy để ghi nhớ nỗi khổ sinh
con của mẹ.
3. Ân đức
nuôi dưỡng cho con bú mớm
Sự có mặt của con trên đời làm xáo trộn toàn bộ cuộc
sống của mẹ. Mẹ biết vậy nhưng vẫn chẳng thề kiềm lòng thích thú khi nhìn ngắm
những bộ đồ sơ sinh đáng yêu nhỏ xíu. Này chiếc yếm nhỏ, này đôi tất xinh, này
túi tã mịn, này bình sữa thơm. Mẹ chuẩn bị chu toàn từng vật dụng nhỏ bé nhất để
đón con chào đời.
Sau khi con ra đời mẹ phải nuôi dưỡng vô cùng vất
vả. Mẹ dốc lòng chăm sóc cho con, dẫu vất vả nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười của
con, thì tất cả mệt mỏi đều tan biến, chỉ còn lại niềm hạnh phúc lấp lánh, đong
đầy.
Khi con đói lòng đã có dòng sữa ngọt của mẹ. Khi
con lạnh mẹ đã chuẩn bị sẵn quần áo dày mềm mại, chăn ấm đệm êm. Mẹ còn dùng
hơi ấm cơ thể mình để ủ ấm cho con. Cả ngày mẹ xoay chong chóng bên con không
ngừng nghỉ, để con yêu của mẹ luôn được ấm bụng, ngủ ngon và sạch sẽ, thơm tho.
Những hôm con mệt mỏi trong người, khi đầu âm ấm hơi sốt, hay khi mọc răng, lúc
đi ngoài, đối với mẹ đều là chuyện đại sự hàng đầu.
Con yêu nằm đó chẳng biết nói năng, lòng mẹ lại
càng như lửa đốt. Mẹ đôn đáo hỏi han, chạy vạy thuốc thang khắp nơi. Những hôm
con ốm mẹ không ngủ nghỉ, đêm ngày chăm sóc cho con. Chỉ khi con ăn ngon, ngủ
yên và mỉm cười với mẹ, mẹ mới có thể yên lòng chợp mắt nghỉ ngơi.
Con còn nhỏ chẳng thể tự chăm sóc vệ sinh cho
mình. Phân và nước tiểu luôn bốc ra những mùi khó chịu, nhưng mẹ lại không hề để
ý. Mẹ vẫn thường dùng đôi bàn tay mềm mại của mình lau sạch cho con. Các cụ
ngày xưa thường có câu “Tay dọn phân, tay dọn nước tiểu nuôi con khôn lớn”. Quả
thực đúng là như vậy.
Sau khi sinh con ra, mẹ sẽ chẳng bao giờ có thể
yên lòng kê cao gối, ngủ tròn giấc. Ngày con ra đời mẹ biết rằng tháng ngày
trong cuộc đời mẹ sẽ luôn gắn liền với từng bước trưởng thành, khôn lớn của
con. Thậm chí mẹ chỉ còn lại rất ít thời gian cho bản thân mình.
Còn đâu những khi quần lượt áo là, trầm ngâm tô tô
vẽ vẽ, ngắm mình trong gương? Còn đâu những buổi rong chơi cùng bè bạn? Mẹ cũng
hoàn toàn mất đi không gian tự do của mình. Nhưng đối với mẹ, điều đó không
quan trọng. Bởi khuôn mặt của con, hình hài bé nhỏ của con đã chiếm trọn tâm
trí và trái tim của mẹ.
4. Ân đức
dưỡng dục thành người
Mẹ là người thầy đầu tiên của con trên thế gian
này. Mẹ dắt con chập chững bước đi từng bước. Khi con khóc òa, mẹ lại dang tay
đón con vào lòng và khích lệ con dũng cảm bước tiếp. Mẹ dạy con bi bô tập nói,
dạy con cách đi đứng, cách ăn mặc, cách nói năng. Con cứ lớn dần lên một chút,
mẹ lại dạy cho con thêm một chút đạo lý đối nhân xử thế.
Để dưỡng dục con cái trưởng thành nên người, dẫu
mình phải chịu đói chịu rét, bôn ba vất vả, mẹ cũng cam lòng. Trước khi con có
thể tự tung bay bằng đôi cánh của chính mình, mẹ luôn làm tất cả vì con. Mẹ
không ngại khó ngại khổ. Chỉ cần có thể chuẩn bị tốt những thứ cần thiết cho từng
giai đoạn trưởng thành trong chặng đường đời đầu tiên của con, mẹ sẽ gắng hết sức
mình.
Mẹ có thể thức khuya dậy sớm đi chợ, buôn thúng
bán mẹt nuôi con. Mẹ có thể sợ hãi nơi đông người, nhưng vì tương lai của con,
dẫu run rẩy mẹ vẫn dũng cảm cùng cha tìm kế mưu sinh. Điều mẹ mong muốn là con
được ăn học bằng bạn bằng bè, khi hòa nhập vào xã hội được người người yêu mến.
Mẹ của Đào Khản, một danh tướng thời Đông Tấn, vì
muốn tiếp đãi bạn của con trai, đã cắt tóc của mình bán đi đổi lấy gạo. Bà còn
tháo vài cây cột nhà, chẻ ra làm củi đun. Chiếc chiếu ngồi của mình bà cũng cắt
đi một nửa làm cỏ cho ngựa no lòng. Từ đó mới lưu lại giai thoại “Cắt tóc đãi
khách”.
Vậy nên hạnh phúc, niềm vui đời này của con đều được
đánh đổi bằng sự phó xuất hết mình và vô tư của mẹ. Ân đức của mẹ quả thực như
bầu trời mênh mông, ngút ngàn, như đại dương bao la chẳng thấy bến bờ.
5. Ân đức dạy
bảo khuyên răn của mẹ
Sau khi con trưởng thành, mẹ vẫn như cây tầm vông
mắt mọc quanh thân. Mẹ luôn dõi theo từng hành vi, cử chỉ của con. Hễ phát hiện
con có những lời nói hay việc làm sai trái mẹ sẽ kịp thời chỉ bảo, răn đe. Dẫu
con gái đã gả đi là con người ta, nhưng “con dại thì cái mang”. Dẫu con cũng
sinh con và trở thành một người mẹ. Nhưng trong mắt mẹ con vẫn là nàng công
chúa bé bỏng ngày nào.
Mẹ sẽ luôn dõi theo từng bước chân, từng lúc ấm lạnh
trong gia đình bé nhỏ của riêng con. Mẹ sẽ dùng trải nghiệm của cả cuộc đời
mình để khuyên con “chín bỏ làm mười”, tận tụy và bao dung hơn với những người
trong gia đình chồng. Mẹ chỉ muốn con giữ gìn được mái ấm của mình và sống hạnh
phúc, bình yên.
Hay khi vợ chồng con “cơm chẳng lành, canh chẳng
ngọt”, hờn dỗi, trách móc nhau. Dẫu con đã là người đàn ông trưởng thành, có thể
gánh vác trọng trách cả gia đình, nhưng đối với mẹ con vẫn là cậu bé cần được bảo
ban. Nguyện ước của mẹ là được thấy con bình yên bên gia đình bé nhỏ của mình.
Ngoài điển cố “cắt tóc đãi khách” nhắc đến phía
trên, mẹ của Đào Khản còn để lại câu chuyện “Một bình cá muối”, cũng được truyền
tụng khá rộng rãi. Lần nọ, một thuộc hạ tặng cho Đào Khản một bình cá muối. Đào
Khản hiếu thuận ngay lập tức nhớ tới người mẹ cả đời sống trong nghèo khó ở
quê. Ông bèn dặn dò người cùng quê mang về cho mẹ.
Không ngờ, mẹ ông không hề động đến mà trả cá lại
cho ông. Trong lá thư của mình, bà viết rằng: “Con làm quan mà lại dùng của
công tặng mẹ, điều này không chỉ khiến mẹ không được lợi lộc mà ngược lại còn
tăng thêm gánh nặng lo nghĩ cho mẹ”. Đào Khản đọc xong vô cùng xấu hổ, bèn vội
vàng trả lại cho người ta.
6. Ân đức
hoài niệm khi đi xa
Cha ông ngày xưa dạy rằng “Cha mẹ còn, đừng đi
xa”. Bởi lẽ con đến nơi đâu thì trái tim mong ngóng của mẹ cũng theo chân tới
đó. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, khó tránh khỏi việc con cái phải bôn ba làm ăn
nơi xứ người. Nhưng dẫu đi bao xa thì vẫn luôn có một sợi chỉ trong tay mẹ.
Tục ngữ có câu: “Con đi nghìn dặm, mẹ âu lo”. Chỉ
cần con cái rời khỏi vòng tay yêu thương của mẹ, cất bước đi xa, thì mẹ hàng
ngày đều lo lắng, nhớ nhung. Cho đến khi nhìn thấy con bình an trở về mẹ mới có
thể yên lòng, kê cao gối ngủ một giấc nồng.
Mạnh Giao, một nhà thơ đời Đường đã viết những lời
thơ như thế này trong bài “Du Tử Ngâm” (Khúc hát của người con đi xa):
Từ mẫu thủ trung tuyến
Du tử thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng
Ý khủng trì trì quy
Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy
Dịch nghĩa: Sợi chỉ trong tay mẹ, chiếc áo trên
người con. Sắp đi chỉ giăng giăng, chỉ e muộn trở về. Ai nói tấc lòng cỏ, báo
đáp nắng ba xuân.
Những vần thơ oằn xuống bởi nỗi nhớ nhung đong đầy
của mẹ và niềm cảm kích vô hạn của con.
7. Ân đức tận
tình săn sóc, chở che
“Khuyến hiếu ca” nói rằng: “Cha mẹ còn trên đời,
lãng tử không thấy lạnh” (Tôn tiền từ mẫu tại, lãng tử bất giác hàn). Ý rằng mẹ
là hơi ấm sưởi ấm trái tim con. Dẫu con đi bao xa, chỉ cần biết rằng ở nơi chân
trời kia vẫn còn bóng dáng mẹ đang ngóng trông, thì con vẫn không thấy mình cô
độc. Nhưng nếu chẳng may mẹ không còn trên thế gian nữa, thì dẫu đứng giữa biển
người, lòng con vẫn thấy bơ vơ.
Dante, một nhà thơ người Ý nói rằng: “Trên thế giới có một thứ âm thanh ngọt ngào
nhất, đó chính là tiếng gọi của mẹ”.
Trên đời này, người bảo vệ và yêu thương chúng ta
nhất, ngoài mẹ ra thì không có ai khác. Nếu chúng ta đau ốm hay gặp phải nguy
hiểm gì đó thì người không hề do dự sẵn lòng gánh chịu tất cả thay chúng ta, nhất
định là mẹ của chúng ta.
Khi con cái gặp cảnh trái ngang, mẹ luôn sẵn lòng
chịu khổ thay con. Có tình yêu thương vô bờ bến và ân đức sâu nặng nào có thể
sánh được với lòng mẹ? Tâm thái vị tha thần thánh, vô tư ấy chính là tình mẹ.
8. Ân đức về
một tình yêu bao la vô bờ bến
Trong bài “Khuyến hiếu ca” nói rằng: “Mẹ già 100
tuổi thường thương nhớ con trai tuổi 80”. Tấm lòng của mẹ đối với con cái sẽ
không thuận theo sự tăng dần của tuổi tác mà vơi cạn hay nhạt nhòa. Mẹ vĩnh viễn
hạnh phúc khi thấy nụ cười nở trên đôi môi con. Mẹ mãi mãi đau khổ khi nhìn nét
mặt đầy ưu lo và đượm buồn của con.
Mẹ vẫn luôn canh cánh bên lòng chuyện ăn mặc, ngủ
nghỉ của con. Mẹ lo trái gió trở trời con của mẹ đổ bệnh. Mẹ thắt lòng khi thấy
con gầy yếu, xác xơ. Vậy nên cũng có khi mẹ càm ràm vì những điều vụn vặt của
con, không phải vì mẹ ghét bỏ hay trách mắng gì con, chỉ là mẹ chẳng thể yên
lòng. Đôi khi mẹ chỉ có thể thở dài, đăm đăm nhìn theo bóng con khuất dần.
“Tóc bạc từng sợi chất dày món nợ của con. Vết
nhăn in hằn theo dấu vết thời gian”. Tình yêu của mẹ vĩnh viễn không khi nào đổi
thay, cứ trải dài vô cùng vô tận theo bước chân của con. Từ khi con oa oa cất
tiếng khóc chào đời đến khi đôi mi mẹ khép lại, mẹ mới có thể thôi lo lắng,
nhung nhớ tới con.
9. Ân đức bắt
nguồn từ thiên tính
Tục ngữ có câu: “Trái tim của mẹ và con nối liền với
nhau” (Mẫu tử liền tâm). Thời xưa có một người con hiếu thuận nổi tiếng tên là
Tăng Tử (hay còn gọi là Tăng Sâm). Một lần nọ ông lên núi đốn củi thì vừa hay
có bạn đến tìm. Thời xưa, khi bạn bè đến nhà tìm có thể họ đã phải đi cả một chặng
đường rất dài, 2 ngày, thậm chí 3 ngày.
Mẹ của Tăng Sâm là người vô cùng trung hậu. Nghĩ tới
việc bạn ông từ nơi xa xôi tìm đến như vậy thật chẳng dễ dàng gì. Ví như không
thể gặp được Tăng Sâm, bà cũng thấy ái ngại với bạn của ông.
Thế là bà bèn cắm một cái kim vào tay của mình.
Mũi kim này vừa cắm xuống thì Tăng Sâm dẫu đang ở trên ngọn núi xa xôi cũng
ngay lập tức cảm thấy trong tim nhói đau. Tăng Sâm mơ hồ cảm thấy rằng nhất định
mẹ mình đang xảy ra chuyện gì đó. Ông bèn ngừng đốn củi, vội vã bước thấp bước
cao trở về nhà.
Tình mẹ con là thiên tính trời ban. Ngay khi con
thành hình trong bụng mẹ thì sinh mệnh của con đã gắn liền với sợi dây rốn yêu
thương. Vậy nên sau khi chào đời, mặc dù sợi dây rốn ấy rụng đi mất, nhưng dấu
vết của nó vẫn luôn in hằn trên bụng mỗi người con.
Tình mẹ có thể cảm động cả trời xanh. Trên thế
gian này không có bất kỳ thứ tình yêu nào có thể sánh bằng.
Trên thực tế, tình mẹ là một ân đức bắt nguồn từ
thiên tính trời ban, như đất mẹ luôn chở che và nuôi dưỡng vạn vật. Dẫu là hoa
thơm hay bùn đất hôi tanh, dẫu là cây đại thụ ngạo nghễ hay nhành cỏ xanh yếu ớt,
đất mẹ vẫn ôm vào lòng, dùng dưỡng chất của mình mà tưới tắm, mà chở che.
Mẹ thiên nhiên cũng luôn che chở cho vạn vật như
thế. Mỗi sớm mai thức giấc, chúng ta đều vội vã với những kế hoạch bận rộn của
một ngày mới. Có mấy ai dừng lại bước chân vội vã và tự hỏi mình: “Bầu không
khí trong lành chúng ta hít thở mỗi sớm mai từ đâu mà có?” hay “Ánh mặt trời
chiếu sáng và mang đến sự sống vì sao ngày nào cũng đều đặn tỏa sáng cho vạn vật?”
hay: “Nguồn nước và lương thực bắt nguồn từ đâu để ta không bị đói, không bị
khát?”. Những câu hỏi tuy đơn giản nhưng khó có thể đưa ra một lời giải chính
xác.
Cá không có nước, cá chẳng thể tồn tại. Chim không
có bầu trời, chim chẳng thể sống sót. Không có môi trường đầy đủ ô xi, ánh
sáng, nguồn nước, nguồn dưỡng chất, con người cũng chẳng thể duy trì sự sống.
Nhưng kỳ lạ là chúng ta đều quen cho rằng đó là lẽ tự nhiên. Kỳ thực đó là món
quà mà Mẹ tự nhiên ban tặng cho con người. Vậy nên tình mẹ cũng mang theo thiên
tính ấy của tạo hóa, của Mẹ tự nhiên.
10. Ân đức
sâu dày như đất mẹ bao la
Trong “Chu Dịch”, Khôn là mẹ, còn có nghĩa là đất.
Mẹ giống như mặt đất, dùng đức dày mà chở che, nâng đỡ vạn vật.
Thời xưa, một bà mẹ đi thăm con trai mình làm quan
trong kinh thành. Khi bà đến nơi cũng đúng lúc con trai hạ lệnh hành quyết một
phạm nhân. Bà bèn không chịu bước vào phủ của con trai.
Vị quan đến bái kiến mẫu thân, mẫu thân trách mắng
ông rằng: “Ta không nghe thấy con dựng lập uy đức của mình bằng lòng nhân ái để
cảm hóa muôn dân. Con lại muốn dùng hình phạt và việc giết người để gây dựng sự
uy nghiêm của mình. Như vậy có thể lâu dài được sao?”.
Cuối cùng mẫu thân ông nói: “Mẹ không ngờ rằng đến
khi bạc đầu mẹ lại phải nhìn thấy cảnh con trai mình bị pháp luật trừng trị!”.
Sau đó bà bỏ về quê cũ.
Một năm sau, con trai bà quả nhiên bị phế truất
quan tước và trừng trị trước pháp luật. Người thời đó đều ca ngợi bà mẹ hiền đức,
có tầm nhìn sâu rộng.
Vậy nên ông cha ta từ xưa mới răn dạy: “Trăm điều
thiện chữ Hiếu làm đầu”.
Cũng có câu rằng: “Chịu ơn một giọt báo ơn một
dòng”. Vậy nên chuyện con cái hiếu thuận với cha mẹ là chuyện quá đỗi hiển
nhiên của lẽ Trời. Ông Trời cũng nhìn vào lòng hiếu thuận của con cái mà ban
phúc đức, hưng vượng cho tương lai mỗi người về sau.
Chữ Hiếu là phụng dưỡng mẹ già, nói năng từ tốn,
săn sóc tận tình. Trước là hiếu với mẹ mình, rồi từ đó học cách bày tỏ sự tôn
kính và chở che với những người mẹ khác trong thiên hạ. Sau nữa là hiếu với
muôn người, gánh vác việc nước việc dân để nhà nhà ấm êm, người người hạnh
phúc.
Hiểu Mai