HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

NỘI LỰC

Lần đầu tiên sau rất nhiều năm được nghe lại hai từ này, tôi loáng thoáng nhớ lại tuổi thơ của mình với những bộ truyện kiếm hiệp, hay là game Võ Lâm Truyền Kỳ. Ngày ấy mình hình dung một gã giang hồ có thực sự là đại cao thủ hay không, chẳng phải do luyện tập bao nhiều loại võ công, mà bởi hắn tu luyện nội công thâm hậu tới mức nào.

Thực ra trong xã hội này, việc một người có thể đạt thành tựu ra sao, cũng sẽ được xác định bởi nội lực mà người ấy hàm chứa lớn như thế nào. Chẳng thế mà thầy tôi vẫn hay dặn chúng tôi hãy tập trung vào phát triển nội lực, chứ chẳng phải những thứ vẽ vời bên ngoài.

Thế thì, nội lực của một người nó là cái gì?

Và nó sẽ hình thành từ đâu nhỉ?

Giống như một võ sĩ tu luyện nội công, nội lực của một người cũng xuất phát bởi việc nhận ra năng lực cốt lõi của mình và bắt đầu khai triển nó từ bên trong. Năng lực này khi được nhận diện sẽ dần dần được chúng ta đưa vào đời sống, vận dụng nó, hoàn thiện nó theo từng hoàn cảnh ta phải đối mặt, dần dần chuyển hoá thành phản xạ không điều kiện vô cùng tự nhiên.

Có thể lấy ví dụ như khi ta biết mình có khả năng phân tích khái quát, ta tập cho mình cách đứng bên ngoài những sự việc đang diễn ra, nhìn vào bức tranh tổng thể để nhận định lộ trình diễn biến một vấn đề, chỗ nào đúng chỗ nào sai, chỗ nào nên loại bỏ chỗ nào nên giữ lại,...

Việc nhận định và luyện tập này dần dà sẽ khiến ta tăng cường khả năng phân tích, và khi thành chính quả thì dù một sự việc lạ hoắc xảy ra, ta cũng sẽ rất nhanh chóng nắm bắt được kiểu dạng tình huống cũng như cách xử lý làm sao cho phù hợp. Và như thế thì sự quyết đoán trong tư tưởng và hành động của chúng ta cũng giúp cho hiệu quả hành động đạt được mức độ tối đa.

Nội lực sẽ được nhận diện và phát triển từ hai phía, bên trong và bên ngoài. Bên trong là khi tự bản thân nhìn nhận, nghiên cứu và tìm hiểu về chính mình, thông qua lá số Bát Tự hoặc việc tổng quan lại cả một quãng đường vừa đi qua, để xem đâu là khả năng mà mình thực hiện tốt nhất và vui vẻ nhất, để rồi đẩy nó lên. Bên ngoài là dựa vào những tác động của cuộc sống, của con người bên ngoài xã hội, tạo cho ta niềm tin vững chắc về việc mà ta đang làm nếu nó là điều đúng đắn, cũng có khi là cú tát đau đơn cảnh tỉnh ta để ta biết mình đang đi sai rồi, phải điều chỉnh lại thôi.

Rèn luyện nội lực sẽ dựa theo quy tắc tam bảo của Đạo Giáo, ấy là Tinh - Khí - Thần ( từ rèn luyện cơ thể vật lý - tới cơ thể năng lượng - cuối cùng là ý thức thiêng liêng ).

Đối với một cá nhân, nội lực sẽ được phát triển nếu cá nhân đó luôn chủ động và độc lập trong công việc và đời sống của mình, chủ động đưa ra quyết định, chủ động tập trung vào thế mạnh, chủ động khắc phục điểm yếu. Người thân, bạn bè cũng không nên can thiệp hay mong muốn điều khiển cuộc sống của cá nhân đó.

Đối với một tổ chức, doanh nghiệp, nội lực được phát huy khi tất cả mọi thành viên đều phù hợp giá trị cốt lõi của tổ chức, doanh nghiệp đó. Đồng thời thực hiện đúng và đủ những phần công việc mình cần làm, dựa trên giá trị cốt lõi đã ghi nhận, lúc đó nội lực của tổ chức đó sẽ hết sức vững vàng.

Ví dụ tổ chức C lấy tiêu chí hồn nhiên, trung thực, bình đẳng làm giá trị cốt lõi, vậy thì tất cả những thành viên của tổ chức này cần phải bình đẳng với nhau không phân cấp bậc, từ đó có thể hồn nhiên và trung thực với nhau mà vẫn thoải mái chẳng ai phải bận tâm đánh giá ai cả. Và do đó tạo nên một hệ sinh thái vững mạnh, cùng nhau đi lên.

Khi hiểu biết và điều khiển được nội lực của bản thân, ta sẽ như người kỵ binh đã khuất phục được chú ngựa bất kham, và bất cứ tình huống nào xảy đến ta cũng có thể bình tĩnh chủ động để xử lý.

Bởi nội lực vững vàng, là lúc ta hoàn toàn tin tưởng bản thân, không một chút nào nghi ngờ những quyết định của bản thân mình, hoặc đủ niềm tin để chịu trách nhiệm cho tất cả những hành vi mà mình thực hiện. Ta cũng không còn định kiến hay đánh giá người khác bởi góc nhìn đơn phương của mình, mà tôn trọng nó như một phép tham khảo, tuy nhiên cũng không hề bị nó lấn át hay phải phụ thuộc.

Lúc ấy thì dù cuộc đời có ập đến sóng gió nào đi chăng nữa, hay có những kẻ giả thần giả quỷ hù doạ ngáng đường chúng ta, ta cũng sẽ nhanh chóng định thần lại, đặt ra những câu hỏi để đưa mình về quỹ đạo suy nghĩ đúng đắn, rồi từ từ gỡ rối mớ bòng bong trước mặt.

Giữa thời đại mạt pháp này, khi mà chân giá trị bị che giấu đằng sau quá nhiều điều rối ren huyễn hoặc, nếu không nhận biết và tập trung phát triển nội lực của bản thân thì tâm trí lúc nào cũng sẽ ở trong trạng thái rối bời, để đời sống cuốn đi miệt mài mà chẳng biết mai này sẽ đi về đâu.

Phuoc Nguyen

 

Được tạo bởi Blogger.