SUY NGHĨ VỀ MÂM CƠM DỌN SẴN!
Cứ xong 1 mùa thi Đường lên đỉnh Olympia, trên mạng đăng đầy những câu kinh điển của đám đông như "Chúc mừng Úc có thêm 1 nhân tài", hàm ý chê bai các bạn đã không về nước (thực tế là chỉ có 1 bạn trở về trong số các bạn đã tốt nghiệp), đồng thời sẵn dịp chê nước mình luôn (tư duy tiêu cực thì hay chê, đại loại đừng về, về không có việc làm đâu, về chạy Grab đấy, con ông A bà B lấy hết việc làm rồi...).
Thế mạnh của đám đông là rất giỏi môn văn "hiện thực phê phán", người
này giỏi nhận xét về người kia nhưng không mấy ai tự phê mình. Sáng nay, trong
khuôn viên 1 ĐH nọ ở Úc, một nghiên cứu sinh người VN có dịp cà phê với một
giáo sư khả kính. Chàng học viên kể câu chuyện về các bạn Olympia và chỉ trích
(như thói quen). Song ông giáo sư nói, thứ nhất thì tôi không đồng ý đó là nhân
tài, chỉ là 1 học sinh vô địch 1 game show về khoa giáo trên truyền hình, chứ
chưa có thành tựu gì cả, sao gọi nhân tài được. Thứ hai là cho tôi hỏi,
"cái học bổng đó có ràng buộc về nước không", cậu nói
"không". Giáo sư giải thích là "nếu học bổng ràng buộc trở về,
mà mình không trở về thì sai về mặt luật pháp, trái với lương tâm. Vì đó là từ
tiền thuế của nhân dân, họ gửi đi đào tạo để quay về phục vụ. Học bác sĩ dạng cử
tuyển, các ĐH gửi giảng viên đi đào tạo, đề án các tiến sĩ cho tỉnh A tỉnh
B...là theo dạng này, học xong phải về, không về thì đồng nghiệp ở nước ngoài
cũng không xem ra gì, vì người vi phạm các lời hứa, vi phạm cam kết thì không
đáng tin. Còn lại học bổng tự xin, các doanh nghiệp tài trợ không ràng buộc,
hay tự bỏ tiền đi học tự túc, học xong thì muốn làm ở đâu tuỳ họ". Nhưng
chàng học viên nọ vẫn không chịu, vẫn tiếp tục "hiện thực phê phán".
Ông giáo sư hỏi, thế quê cậu ở tỉnh nào, năm bao nhiêu tuổi thì cậu lên Hà Nội
học. Cậu ấy nói là mình ở một tỉnh cách Hà Nội 200 km, xong ĐH ở Hà Nội thì ở lại,
đi làm, lấy vợ sinh con, mua nhà. Ông giáo sư hỏi sao không về lại quê nhà, cậu
chê "đó là 1 tỉnh nghèo, mọi thứ đều không bằng Hà Nội cả, cơ hội việc làm
ít, mình ở Hà Nội sẽ tốt cho mình và con cái mình hơn, có thể học được trường tốt,
nhà đất có giá hơn. Nhiều người cũng vậy, yêu thì yêu quê nhưng vẫn chọn Hà Nội
để sinh sống, để dễ xin việc, dễ kiếm tiền".Ông giáo sư nói, Việt Nam so với
Úc thì cũng giống như quê con so với Hà Nội. Phát triển sau, chậm hơn....nên con
nhìn thấy ngay cơ hội ở xứ người, nhất là cơ hội lấy vào. Giữa một mâm cơm dọn
sẵn và 1 tủ lạnh chứa thức ăn chưa nấu, người tầm thường sẽ chọn mâm cơm có sẵn,
ăn sẵn thì phải theo gu của người ta. Còn người giỏi sẽ chọn tủ lạnh rồi nấu
theo ý mình. Người đại trí thì không chọn cả 2, họ sẽ tự ra vườn để tìm kiếm
hay thu hoạch con cá cọng rau họ đã từng chăm bón. Con cũng vậy, cớ sao lại
trách các bạn khác? Cậu học viên nói mình khác. Ông giáo sư hỏi vậy khác chỗ
nào, nếu con 18 tuổi mà không lên Hà Nội, con sang Úc thì bây giờ con ở lại hay
về. Cậu quả quyết là về. Ông giáo sư hỏi vậy sao con học xong ở Hà Nội mà không
về quê, cậu lại đưa ra 1 đống lý do, và khẳng định "khi nào chết sẽ về
chôn ở quê nhà, có tiền thì làm mả thật to, diện tích đất an viên thật lớn, rạng
danh dòng họ". Ông giáo sư lắc đầu, nói đất là cho người sống chứ người chết
là hết, đốt chứ chôn chi cho chật đất, có chôn thì cùng 1-2m2 mà thôi, sao lại
lãng phí tài nguyên. Chàng học viên không chịu, nói "sống phải lấy được
nhà to, biệt thự hoặc dinh thự, có sân vườn, ô tô phải xịn, dồn sức cho con cái
học hành và có cơ hội nào là chụp ngay cho con cái mình, cho gia đình mình, phải
thực tế (ai nói thực dụng cũng được). Còn khi chết thì mồ vài tầng, sẽ được bao
nhiêu người nể phục, một đời như vậy là sung sướng, thành đạt". Cậu tiết lộ
giáo dục ở VN tệ quá, bên Úc thì quá hay nên đang tính đường đưa vợ con sang Úc
trước, còn mình trở về Hà Nội dạy vài năm theo hợp đồng đào tạo, xong thì cũng
qua lại nước Úc thôi vì con cái cần cha mẹ ở cùng để dạy dỗ. Rồi đẻ thêm vài đứa
nữa để có quốc tịch Úc, mình cũng sướng (về già có đứa nuôi) mà nó cũng sướng.
Cậu nói, khác với "tụi kia", con ra đi không phải vì mình, mà là
"vì con cái, for the sake of my children", sợ học ở Việt Nam không
phát triển được. Ông giáo sư nói, thì dân châu Á, ai cũng chẳng vì con. Nhưng mỗi
đứa con, mỗi sinh linh đều có số phận riêng cả. Có những cá nhân hết sức đặc biệt,
họ được thượng đế mặc khải, có ngọn đuốc rọi sáng trong đầu, tự học tự hiểu tự
thành công, còn lại thì cha mẹ thầy cô dạy cỡ nào cũng không hiểu, không khá được.
Bao nhiêu học sinh Úc chứ cũng chỉ có vài đứa giỏi tầm quốc tế, còn lại ra trường
cũng chật vật xin việc như thường. Hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng, lớn lên
cùng một nhà, cùng học chung lớp, chơi chung bạn, đọc chung sách....nhưng nhìn
1 sự việc, 2 đứa sẽ có 2 góc nhìn khác nhau. Cái này khoa học chưa giải thích
được. Được mặc khải là từ mà mọi đứa trẻ đều mơ ước (ở phương Đông gọi là được
khai trí, khai tâm, khai nhãn). Thường 1 đứa trẻ có đức tin sẽ được mặc khải,
vì tin ai cũng tốt cũng thánh thiện như nó, nên xã hội sẽ chê nó khù khờ. Đứa
hoài nghi thì thường khôn lanh hơn, nhưng "thánh nhân đãi kẻ khù khờ",
tự động có lộc trời trong khi đứa khôn lanh thì phải tranh giành trong thiên hạ
(may ra mới có). Học bổng toàn phần vào ĐH ở trường này mấy năm gần đây, không
thấy con cái nhà thành phố hoặc cha mẹ có điều kiện, mà chỉ là những người ở
nông thôn, ở tỉnh xa. Thủ khoa đầu vào ĐH những năm nay ở Việt Nam đều không có
mặt của các trường chuyên các thành phố lớn, mà đều từ những vùng nông thôn đâu
đó xa xôi. 4 đứa chung kết Olympia năm nay không có mặt Sài Gòn Hà Nội. Giờ đứa
giỏi là tự nó giỏi. Đứa may mắn là may mắn. Còn lại cha mẹ muốn nó giỏi hay may
mắn, chỉ là giấc mơ và tình thương của cha mẹ mà thôi. Thời đại internet, hiếm
nhân tài nào bị bỏ rơi vì thiếu thông tin như xưa. Ông thầy thấy cậu học viên,
dù trên 30 tuổi, nhưng vẫn nghĩ nhỏ, nghĩ đến chuyện LẤY VÀO (TAKING) chứ chưa
biết chuyện cho đi (GIVING), triết học không đủ sâu, nói không hiểu bản chất vấn
đề nên ông xin phép rút lui. Trước khi đi, ông chỉ nói là "Theo tao thì ai
học xong ở lại hay về tuỳ họ. Nếu họ nghĩ lớn, nghĩ cho nhiều người ở quê
nghèo, muốn để lại legacy thì về triển khai cái gì đó giúp người khác, thì đáng
được khen ngợi. Bậc đại trí thì phải giúp người khác. Và họ đủ tài để biến
không thành có, biến hoang vu thành sầm uất, biến đói nghèo thành chỗ phồn
vinh. Họ tự tìm nguyên liệu để nấu cơm chứ không chọn 1 tủ lạnh đã có nguyên liệu
nấu nướng, hay 1 mâm cơm dọn sẵn như người thường. Họ chọn con đường dấn thân
vào lĩnh vực họ theo đuổi, đức tin tuyệt đối vào lẽ sống, và kinh bang tế thế,
để lại di sản cho đời. Chỉ người có trí mới biết được "họ là ai",
"họ có đam mê và sứ mạng gì", "hy sinh để có được lẽ sống
đó" ví dụ như bác sĩ Yersin vậy. Các doanh nhân rời bỏ chốn phồn hoa để trở
về quê nhà, gây dựng doanh nghiệp lớn cho ngàn người làm cũng là bậc đại trí, đại
dũng trong thời đại mới. Họ có đủ trình triết học để giữ vững ngọn lửa niềm
tin. Họ mới xứng với 2 chữ NHÂN TÀI (NGƯỜI CÓ TÀI + CÓ NHÂN)
Còn người tiểu trí,
trung trí thì họ luôn hoài nghi, hoang mang, mông lung về tương lai và bất an
trong tâm trí. Víion - mission- passion thay đổi xoành xoạch. Vì đầu óc nhỏ nên
họ chỉ nghĩ bản thân và gia đình họ thôi, cũng nên thấu hiểu. Họ sẽ tìm cách ở
nơi có cơ hội sẵn, có tiện nghi sẵn, họ năng lực không cao nên tập trung vô việc
đi xin việc, vui mừng khi xin được việc tốt, lương cao, thu nhập khá. Người ta
nghĩ gì nhiều thì sẽ nói cái đó nhiều. Họ nói chuyện lương, chuyện thu nhập,
chuyện đất, chuyện nhà, chuyện bằng cấp, chuyện gái gú, chuyện con cái, chuyện
danh tiếng, thẻ xanh, quốc tịch, chuyện lấy vào....Thôi thì cũng tốt cho cá
nhân họ, cũng không có gì đáng lên án cả. Không khen nhưng cũng không nên chê.
Giống như khi mình quen được với người cá tính mạnh hay người có sự phóng
khoáng hào sảng bao dung vậy. Họ có mấy cái đức đó thì mình thích thú, khen ngợi,
còn không có thì cũng đâu có sao, trời sinh họ chỉ ở mức tầm tầm bậc trung vậy.
Ước mơ "1 vợ 2 con 3 lầu 4 bánh" cũng bình thường, khả năng và mơ ước
họ chỉ vậy. Mình chỉ chê khi họ mải mê lấy vào cho cá nhân họ và gây thiệt hại
cho người khác".
Được mặc khải rồi
thì mới hiểu. Cũng có người chọn cuốc đất trồng rau, đào ao thả cá...và cũng có
người ra chợ mua rau mua cá về nấu, có người ghé tiệm có cơm dọn sẵn để ăn,
cũng có người ngửa tay xin ăn theo lòng bố thí của thiên hạ. Cuộc đời là sự lựa
chọn.
P/S: Trường Y khoa
Harvard (HMS) cách đây 10 năm, chương trình tiến sĩ y khoa (The MD-PhD) có nhận
1 bác sĩ người Campuchia vào nghiên cứu. Anh thông minh xuất chúng, giỏi giang
hơn người, tự kiếm học bổng sang Mỹ học bằng các công trình nghiên cứu y khoa
đăng tạp chí quốc tế. Ngày tốt nghiệp chương trình The MD-PhD, anh chàng kéo 2
vali to đến ngày lễ tốt nghiệp, chia tay mọi người xong là anh kéo vali ra sân
bay Logan để về nước, về một bệnh viện cấp tỉnh nhỏ xíu ở quê nhà chứ không ở
thủ đô Phnom Pênh. Anh không quan tâm chức tước, tiền bạc hay cái gì khác ngoài
việc cứu người, theo sứ mạng cuộc đời anh. Mặc dù các giáo sư muốn giữ lại trường
để nghiên cứu tiếp, mặc dù cơ hội việc làm và thẻ xanh sẵn sàng chỉ cần anh gật
đầu 1 cái là được cấp ngay theo chương trình đối đãi đặc biệt với kỳ tài của
chính phủ Mỹ, nhưng anh đã từ chối. Anh kiệm lời, khi các thầy cô và đồng nghiệp
hỏi lý do anh trở về, anh chỉ nói là "Nước Mỹ có nhiều người giỏi. Quê
hương Campuchia có nhiều người cần tôi hơn". Một giáo sư đã bật khóc khi
nhìn thấy lá cờ có thêu ngôi đền Angkor Wat trên ngực áo anh. Vì họ biết, quê
hương và dân tộc luôn trong trái tim người TRÍ THỨC ấy (TRÍ THỨC được viết
hoa). Họ không cần vật chất cho cá nhân và gia đình họ. Ở đâu có sự cống hiến
và phụng sự, ở đâu có sự dấn thân và hy sinh, ở đó có sự vĩ đại. Khi về
Campuchia, anh làm chuyên môn ở bệnh viện và ban đêm, ngôi nhà của anh (cũng là
một phòng mạch) mở cửa sáng đèn cả đêm. Anh ngủ ở đó và có thể thức dậy bất cứ
lúc nào khi có bệnh nhân cần.
-ST-