HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

XIN HÃY CẨN TRỌNG KHI PHÁT NGÔN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 

Một ví dụ mới đây cho thấy việc thóa mạ, chửi bới đã trở nên quá phổ biến ở Việt Nam, đó là một người mẫu nổi tiếng của showbiz Việt - đã bị lên án trực tiếp trên sóng VTV” - vì hành vi phản cảm trên mạng xã hội. Người này đã lên mạng chửi rủa với những lời lẽ không thể tục tĩu hơn, chỉ vì… tức tối nhân viên của mình.

Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ trong những năm vừa qua mang đến nhiều giá trị và tiện lợi trong cuộc sống. Những nền tảng này đang dần trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”, giúp kéo gần hơn khoảng cách về địa lý, về không gian, trở thành phương tiện không thể thiếu trong cả công việc lẫn cuộc sống thường ngày.

Không một ai có thể phủ nhận rằng, mạng xã hội (MXH) đã có một “sức mạnh không giới hạn” và tồn tại như “một thế giới song song”. Tuy nhiên, mặt trái của nó đang thể hiện ra ngày càng rõ nét. Không gian mạng là một không gian vô cùng rộng lớn, không biên giới và gần như không có rào cản.

Tính lan toả và thu hút của MXH đang khiến rất nhiều người bỏ “thời gian sống thực” của mình cho 1 xã hội ảo qua các trào lưu, giải trí, thể hiện cá tính và cái tôi.

Thậm chí, khi có mâu thuẫn người ta đã không còn muốn ngồi lại cùng nhau để giải thích, sẻ chia, mà “mượn” MXH như một nơi để thỏa thích thóa mạ chửi bới, làm nhục và bôi nhọ người khác, chà đạp một cách công khai để nhiều người khác cùng xem, cùng nghe.

Điều này khiến một bộ phận người dùng MXH phát sinh tâm lý “biến dị” - với mong muốn nhiều người khác đứng về phe mình, bảo vệ mình - từ đó tạo ra “tâm lý đám đông” cùng “ùa vào” lăng mạ  kẻ yếu thế nào đó trong xã hội thực.

Có thể nói, MXH đang hình thành 1 kiểu văn hoá biến dị và méo mó đến khủng khiếp.

Nạn nhân của ‘bạo lực mạng xã hội’

Khảo sát của chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội thời gian qua cho thấy, gần 80% người dùng mạng tại Việt Nam cho biết từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Các biểu hiện cơ bản là: kỳ thị dân tộc, giới tính, tôn giáo, khuyết tật cơ thể; vu khống bịa đặt thông tin, và đặc biệt nói xấu phỉ báng là hình thức phổ biến nhất với tỷ lệ 61,68%.

Nạn nhân của nạn bắt nạt trên mạng dễ thấy nhất là cha mẹ cố ca sĩ Vân Quang Long. Họ vừa phải ôm nỗi đau mất con, vừa bị tấn công trên mạng xã hội nửa năm qua với đủ thứ chuyện thêu dệt. "Không một ngày nào được sống bình yên với những lời xúc phạm, lời vu khống, lời hạ nhục", bà Nhâm Thị Tư - mẹ ca sĩ Vân Quang Long nói.

“Bắt nạt”, “bóc phốt” trên mạng không chỉ xảy ra với những người nổi tiếng, có lượng người theo dõi đông đảo mà có thể xảy ra với bất cứ ai.

Chị Hoàng Dung ở Hà nội là một nạn nhân của việc bị bôi nhọ trên facebook. Là chủ một doanh nghiệp nên khi thông tin xấu lan truyền, không chỉ bản thân chị mệt mỏi mà việc kinh doanh bị thiệt hại nghiêm trọng. Đáng nói là khi tìm ra thủ phạm tung tin bôi nhọ thì đây là người chưa từng quen biết với chị.

“Bạn này nói rằng, đơn giản em thấy mọi người nói về chị em cũng hùa vào theo. Có nghĩa là bạn ấy viết, lăng mạ người khác mà bản thân cho đó chỉ là thú vui tiêu khiển mà thôi. Bạn đó không biết rằng, điều đó ảnh hưởng thế nào đến tâm lý, đời sống, công việc kinh doanh của người khác”, chị Dung cho biết.

Lăng mạ trở thành ‘thú vui tiêu khiển’

Có những người vô can bỗng một ngày thấy mình thành đối tượng “được” cư dân mạng truy tìm chỉ vì một bức ảnh, kèm theo những lời xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Thậm chí không ít trường hợp do áp lực bởi những lời nói xấu trên mạng xã hội, nạn nhân đã tự tử.

Lee Macmillan là blogger nổi tiếng với 74.000 lượt theo dõi trên Instagram. Cuối tháng 1/2020, cô chia tay bạn trai, thời điểm đó ngoài những lời an ủi, động viên, Lee trở thành đối tượng bị fan đổ lỗi, ném đá cho chuyện tình tan vỡ. Dần dần, “ngôi sao” này rơi vào trạng thái trầm cảm. Cuối tháng 3/2021, Lee uống thuốc ngủ, kết liễu cuộc sống của mình (Theo People đưa tin).

Mọi người vẫn chưa thôi ám ảnh về cái chết của nữ sinh lớp 11 ở Nghệ An vào tháng 3/2018. Sau khi clip ghi lại cảnh em cùng bạn trai hôn nhau được lan truyền khắp mạng xã hội. Nữ sinh này đã không vượt qua được những lời bình luận mang tính chất nhạy cảm, chế giễu và chỉ trích từ cộng đồng mạng, em đã tự kết liễu đời mình ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Vô số những trường hợp là nạn nhân của các cuộc tấn công trên mạng - đã phải chịu đựng những tổn thương tâm lý, thậm chí suốt đời phải sống trong mặc cảm, tự ti.

Còn đâu thuần phong mỹ tục?

Một ví dụ mới đây là cô người mẫu nổi tiếng của showbiz Việt đã bị lên án trên sóng VTV vì hành vi phản cảm trên mạng xã hội. Người này vì tức tối nhân viên của mình đã lên mạng chửi rủa với những lời lẽ không thể tục tĩu hơn.

Rất nhiều "hiện tượng mạng" nổi lên chỉ vì những lần livestream với những nội dung chửi bới. Những người này đều sở hữu kênh YouTube có hàng triệu người đăng ký. Các video có nội dung về cuộc sống của một đại ca giang hồ, với ngôn ngữ dung tục, hình ảnh cổ xúy bạo lực (đập phá xe cộ đắt tiền, đánh dằn mặt đối thủ…) luôn có hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu lượt người xem.

Một vấn nạn nữa được thể hiện trong bóng đá - môn thể thao đề cao tinh thần “Fair Play” thì một bộ phận cổ động viên người Việt đang làm xấu đi hình ảnh của chính mình trên các đấu trường quốc tế. Với thái độ cay cú, họ ồ ạt tràn vào các trang MXH của các trọng tài để bình luận, mạt sát thô tục, phân biệt chủng tộc. Đến nỗi, trọng tài Ali Sabah phải bày tỏ sự thất vọng và "cầu cứu" trên trang cá nhân.

Ông viết: "Tôi bị xúc phạm bởi những bình luận của người hâm mộ Việt Nam. Mặc dù tôi đã thổi phạt đúng luật nhưng họ vẫn chửi bới và xúc phạm tôi, thậm chí họ còn đòi giết tôi. Tôi cần cơ quan pháp luật giúp giải quyết việc này".

Nhiều người đang thực sự lo lắng cho thế hệ tương lai sau này, khi lớp trẻ đang ngày càng tiếp nhận một loại văn hoá sa sút và lệch lạc đến như vậy. Nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các em trong quá trình hình thành đạo đức và nhân cách sống?

Việt Nam vốn là một đất nước giàu truyền thống văn hoá, từ ngôn hành cử chỉ đến lời ăn tiếng nói. Cách ứng xử cơ bản giữa người với người đó đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người.

“Người thanh nói tiếng cũng thanh

Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”

Tiếng “dạ” tiếng “thưa” đã đi cùng mỗi người từ khi thơ bé tới lúc trưởng thành, thể hiện sự “kính trên nhường dưới”, “có trước có sau”... Đây là nét văn hoá truyền thống bao đời, nhưng ngày nay nét văn hoá này đang bị xói mòn theo năm tháng.

Làm sao để giữ gìn nét đẹp trong ngôn từ? Làm sao để ngăn chặn những cá nhân đang ngày ngày dùng “ngôn từ thù hận” trên mạng vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ, mà chưa biết đến khi nào mới có câu trả lời...

Đông Mai

Được tạo bởi Blogger.