CÁCH HIỂU LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
Hỏi:
Thưa thầy trong Kinh Pháp Cú phẩm
Ngu, Đức Phật có dạy:
“Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu.”
Nếu vậy chỉ tìm bạn giỏi để chơi
mà bỏ mặc những người kém hơn mình xung quanh thì có đúng không thưa thầy?
Đáp:
- Trước hết cần khắc cốt ghi tâm
rằng không phải lời dạy nào của Phật cũng đúng cho mọi trường hợp, vì Đức Phật
chỉ đối cơ mà dạy cho trường hợp đặc thù nhất định nào đó thôi. Nếu hiểu lầm lời
Phật mà áp dụng lung tung thì chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì
oan cho Phật lắm. Thí dụ hôm kia thầy ăn món canh rồi nói với người nấu bếp là
“canh này chua quá” thì chỉ đúng với thời điểm đó, canh đó, người nấu đó thôi.
Bây giờ nếu cứ gặp canh nào cũng bắt chước thầy nói “canh này chua quá” thì còn
đúng nữa không. Rồi ai hỏi canh này ngọt sao lại nói chua thì bảo “Thầy nói vậy
mà” như thế có oan cho thầy không?
Đức Phật luôn dạy đúng với thời-vị-tính
mỗi tình huống đặc thù của người đang đối diện thôi, không phải áp dụng cho ai
cũng được. Cho nên, mỗi bài kệ Pháp Cú đều có một câu chuyện đi kèm để cho người
sau thấy rằng bài kệ đó được nói trong bối cảnh đó thôi. Như lời Đức Phật dạy
“không phải của ta” cho nàng Paṭācārā chỉ thích hợp với hoàn cảnh khổ đau mất
mát mọi người thân của nàng nên nàng mới tỉnh ngộ, nếu đem nói với một ông vua
đang lúc thanh bình thịnh trị thì mang họa!
Câu Pháp cú số 61 ám chỉ trường hợp
trưởng lão Mahā Kassapa sống với một người đệ tử ngu ngốc, sân hận, đã làm sai
không nghe lời dạy bảo lại còn nổi giận đốt luôn tịnh thất của trưởng lão, nên
Đức Phật mới dạy Kassapa rằng thà sống một mình còn hơn sống với kẻ ngu, chứ
không có ý nói bỏ mặc người kém hơn mình, nếu bỏ mặc người kém hơn mình sao Đức
Phật lại mất công đi hoằng hóa độ sinh.
Thầy Viên Minh