HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

CÓ NÊN NGHE SÁCH NÓI (AUDIOBOOK) KHÔNG?

Thông thường khi nghe nói tới “đọc sách” ta thường nghĩ tới hành động dùng mắt để đọc các cuốn sách hay văn bản được thể hiện bằng chữ viết. Đa số người đọc sẽ đọc thầm bằng mắt có chăng chỉ người lớn đọc cho trẻ em hoặc là những người mới học chữ mới đọc to thành tiếng. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và sự phổ cập internet đọc sách trong nhiều trường hợp còn có nghĩa là “nghe sách”. Những năm gần đây, sách đã được sản xuất dưới dạng âm thanh (audiobook) để phục vụ rộng rãi bạn đọc. Chỉ cần có “tệp” (file) âm thanh lưu giữ trong các thiết bị như điện thoại, Ipad, máy tính… bạn có thể nghe sách nói ở bất cứ đâu. Nếu các thiết bị đó có kết nối mạng bạn có thể nghe trực tiếp từ các trang web.

Tuy nhiên không phải chờ đến khi có mạng internet, trước đó khi radio ra đời các thính giả đã được thưởng thức sách qua giọng đọc của các phát thanh viên. Khi còn đi học phổ thông tôi cũng thường hay nghe Đài tiếng nói Việt Nam đặc biệt là hai chương trình “Văn nghệ thiếu nhi” và “Đọc truyện đêm khuya”. Có thể hiểu theo một định nghĩa lỏng lẻo rằng các chương trình đọc văn, thơ đó cũng là sách nói. Tôi đã nghe các tác phẩm như  Sông Côn mùa lũ”, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Tuổi thơ dữ dội, Tuổi thơ im lặng… được phát sóng trên các chương trình đó. Nghe một cách say mê.  Bỏ lỡ một buổi nào thì sẽ cảm thấy tiếc đứt ruột. Lúc đó ở quê, internet chưa có, sách vở khó kiếm, thư viện nhà tôi tuy nhiều sách nhưng không phải lúc nào cũng được cập nhật thêm sách mới.

Như vậy, văn hóa đọc hiểu ở nghĩa rộng cũng bao hàm cả việc sản xuất, truyền bá, lưu trữ và tiếp nhận sách nói. Sách nói có điểm bất lợi là bị phụ thuộc vào nền tảng kĩ thuật đi kèm và chưa phong phú. Không phải cuốn sách nào được in ra cũng có phiên bản sách nói. Sách nói cũng gặp khó khi diễn đạt các nội dung có sơ đồ, hình vẽ hay các thông tin thể hiện bằng kí hiệu, bố cục sắp xếp văn bản, hình minh họa. Trong trường hợp này sách giấy hay sách điện tử (ebook) sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, sách nói cũng có những mặt mạnh riêng của mình.

Thứ nhất, nội dung của sách được thể hiện bằng tiếng nói. Tiếng nói là một tài sản vô giá của con người. Tiếng nói như hiện tại là sản phẩm của lịch sử hàng triệu năm tiến hóa. Nó chứa đựng tình yêu, khát vọng, nỗi buồn, sự khắc khoải của nhân loại suốt cả mấy triệu năm từ khi xuất hiện trên trái đất này. Bởi thế, nó có sức mạnh vô cùng lớn lao. Thông qua tiếng nói con người thể hiện, truyền đạt được không chỉ thông tin mà còn cả cảm xúc, tình cảm của mình. Chính vì vậy mà tiếng nói có sức lay động lớn lao, tác động trực tiếp tới cảm xúc, tư duy của người nghe. Nghe một lời nói người ta có thể cảm động chảy nước mắt, trái tim phập phồng háo hức hoặc phấn khích ở trong lòng. Tiếng nói phát ra từ sách nói cho dù là tiếng nói được thu âm lại vẫn chứa đựng ít nhiều sức mạnh ấy.

Thứ hai, sách nói giúp cho người nghe có thể thưởng thức sách trong khi vẫn có thể làm việc hoặc ngay cả trong tình huống không thể đọc được sách giấy. Vì dùng tai để nghe cho nên các bạn có thể thưởng thức sách nói khi đang lái xe, khi nằm trên giường thư giãn, nghỉ ngơi. Bạn cũng có thể vừa nấu cơm, nhặt rau, lau nhà vừa nghe sách nói. Khi di chuyển trong phương tiện công cộng hay ngồi đợi ở nơi công cộng nào đó đông đúc bạn vẫn có thể nghe sách bằng tai nghe cắm vào thiết bị mà không làm phiền đến ai. Cách làm đó giúp các bạn giết thời gian một cách hữu ích và làm cho bản thân không cảm thấy buồn chán. Đây là lợi thế rất lớn của sách nói khi so với sách giấy và sách điện tử vốn được đọc bằng mắt. Bằng cách tận dụng thời gian trong các tình huống trên để “nghe sách” bạn có thể “đọc” được rất nhiều sách đặc biệt là các sách không cần thiết phải có hình minh họa hay sơ đồ, hình vẽ như sách thuộc về các thể loại tiểu thuyết, tản văn, thơ, tiểu luận…

Thứ ba, sách nói có giá rẻ hơn sách giấy. Trong tương lai khi sách nói trở nên phong phú hơn, các bạn yêu thích sách nói sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Tóm lại, sách nói và sách giấy, sách điện tử đều có những lợi thế riêng của mình, các bạn cần sử dụng chúng linh hoạt phù hợp với các hoàn cảnh, tình huống cụ thể để có thể có được hiệu quả cao nhất. Bản thân tôi thì đọc sách giấy là chủ yếu, sau đó tới sách điện tử và cuối cùng thi thoảng tôi vẫn nghe sách nói khi cần thư giãn hoặc di chuyển trên xe. Mỗi loại sách đem lại cho tôi những trải nghiệm khác nhau và trải nghiệm nào cũng hữu ích.

Theo TS Nguyễn Quốc Vương

Được tạo bởi Blogger.