MỘT GÓC NHÌN VỀ TỈNH THỨC
Chúng ta có thể nhìn thấy cái giá phải trả của sự phát triển hiện đại và nhận ra rằng có những thói quen đã dẫn chúng ta đi theo những con đường vô ích. Chánh niệm sẽ cho chúng ta sự can đảm để đứng lên và nói: “Này, đợi một chút, đây có thật sự là mục đích của tôi không?”
Thỉnh thoảng, bạn hãy thử tự hỏi mình: “Bây giờ tâm trí của tôi đang ở đâu?” Nếu
để ý, bạn sẽ thấy có nhiều lúc thân xác và tâm trí của mình thường không cùng ở
một nơi. Bạn có thể đang ngồi tại nhà nhưng tâm trí lại ở nơi làm việc. Hoặc
khi bạn đang ngồi tại bàn làm việc nhưng tâm trí thì lại lang thang khắp nơi.
Hay nhiều lúc bạn cầm điện thoại lên để làm gì đó nhưng lại quên mất rồi theo
thói quen lướt Facebook đến hàng giờ.
Bằng cách tự hỏi câu hỏi này thường xuyên, bạn sẽ
bắt đầu nhận ra tâm trí mình thường bị mất kết nối với hiện tại như thế nào.
Nhưng sau khi nhận ra thì chúng ta nên làm gì? Chúng ta có nên tự trách mình vì
đã lơ đãng, vì làm việc không hiệu quả hay vì để lỡ mất thời gian thư giãn ít ỏi
không?
Nhận thức là con dao hai lưỡi
Nhận thức vốn có sẵn trong gen của chúng ta. Một
lý thuyết cho rằng não bộ của con người, đặc biệt là thùy não lớn trước trán,
đã phát triển để giúp chúng ta đáp ứng được những đòi hỏi mới nảy sinh từ khi
con người bắt đầu sống cùng nhau. Điều này cần rất nhiều ý thức, sự quan tâm,
và sự nhạy cảm nhằm nuôi dưỡng một môi trường hài hòa. Chúng ta đã phát triển
những màng não bộ cho phép tâm tưởng của mình đi về quá khứ hoặc tương lai,
cũng như khám phá tâm trí của người khác. Đó là một phần trong sự tiến hóa của
chúng ta.
Tuy nhiên, những gì từng một thời hữu ích thì nay
cũng kèm theo những vấn đề khác khi thế giới bên ngoài đã phát triển với tốc độ
nhanh bất ngờ. Việc cố duy trì não hoạt động thật nhanh để bắt kịp tốc độ mọi
thứ xung quanh, kiểm soát và lo lắng quá mức cũng là những yếu tố tạo nên sự lo
âu. Những sự tiếc nuối, lo lắng về quá khứ và tương lai (vốn dĩ hư ảo) cũng có
thể chiếm trọn tâm trí, khiến chúng ta bỏ qua những khoảnh khắc quý giá của hiện
tại.
Tỉnh thức - trạng thái nhận biết sâu sắc ở
hiện tại
Theo tiến sĩ Tamara Russell - một chuyên gia tâm
lý, nhà khoa học thần kinh, tỉnh thức chính là trạng thái mà bạn có thể nhận biết
sâu sắc, toàn vẹn về khoảnh khắc hiện tại theo cách không phản ứng và không phán
xét.
Trên thực tế, mỗi người chúng ta đều có những lúc
đạt được trạng thái tỉnh thức. Ví dụ, khi phải đưa ra quyết định khó khăn, bạn
có bao giờ nghĩ đến cảm xúc của người khác trong đầu, thử cảm nhận từ góc độ của
họ để từ đó chọn cách đối xử và lời lẽ ít tổn thương hơn? Tương tự, bạn có bao
giờ “chú ý” đến khoảng hở khi bước chân lên xe buýt không? Nếu có tức là bạn
đang đặt sự chú ý lên hành động đang diễn ra trong thực tại. Hoặc dễ nhận thấy
nhất là khi bạn đang đi bộ và tâm trí bạn đang trên mây, một cú vấp chân có thể
khiến bạn lập tức chú ý đến thực tại và nhanh chóng lấy lại thăng bằng. Những
khoảnh khắc ngắn ngủi đó cho thấy chúng ta đều có khả năng tỉnh thức dưới dạng
cơ bản nhất của nó.
Không phản ứng và không phán xét không có nghĩa là
bạn sẽ trơ lì trước mọi việc. Trạng thái tỉnh thức giúp hướng tâm trí chúng ta
đến những gì là quan trọng với chúng ta ngay lúc này, trong khoảnh khắc này của
cuộc sống. Nó giữ chúng ta đi đúng hướng, ít bị quấy nhiễu mỗi khi chúng ta bị
kéo chệch hướng. Ít phản ứng hơn cũng có nghĩa là những gì đã xảy ra sẽ không bị
nhào nặn thêm bởi những phản ứng nông nổi và khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Vậy làm sao để duy trì trạng thái tỉnh thức
trong mỗi công việc mà bạn làm?
Khi đã trở nên ý thức hơn về khả năng duy trì trạng
thái tỉnh thức và quyết định phát triển nó sâu hơn nữa, ta gọi đó là chánh niệm.
Chánh niệm thực chất là đường về tỉnh thức của mỗi người và việc thực hành
chánh niệm chính là phương pháp căn bản nhất để đời sống của chúng ta trở nên tỉnh
thức.
“Hãy trở lại
với giây phút hiện tại, và cảm nhận cuộc sống thật sâu sắc. Đó là chánh niệm”
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
4 trạng thái của não bộ trong “khoảnh khắc
chánh niệm”
Khi nhắc đến rèn luyện chánh niệm, ta thường nghĩ
tới hình ảnh một người ngồi thiền trong tư thế bắt chéo chân, giữa khung cảnh
thiên nhiên tĩnh lặng và trong lành. Thực chất, khoảnh khắc chánh niệm không phải
lúc nào cũng yên bình và tĩnh lặng. Trong khi đó, chúng ta vẫn sống với công việc
bộn bề, với vô số những ồn ào, tấp nập nơi đô thị.
Theo Russell, có bốn trạng thái não bộ mô tả đặc
điểm một “khoảnh khắc chánh niệm” trọn vẹn có mặt ở hiện tại. Các trạng thái
này xảy ra theo thứ tự, lặp đi lặp lại, trong một tiến trình có chu kỳ liên tục
bao gồm:
Chú ý đến
khoảnh khắc hiện tại
Trở nên mất
tập trung (lạc vào tương lai hoặc quá khứ)
Nhận thấy
tâm trí của mình vừa đi lang thang
Tập trung sự
chú ý trở lại vào khoảnh khắc hiện tại
Nhận biết bốn giai đoạn này sẽ khiến bạn không còn
lầm tưởng rằng việc thực hành chánh niệm tức là có được cảm giác định tĩnh, tập
trung và thoải mái thường xuyên. Sự thật là trạng thái tâm trí suy nghĩ mông
lung hoàn toàn là một phần của quá trình này. Não của bạn sẽ bị mất tập trung,
nhưng việc nhận ra và xử lý nó là một phần quan trọng của chánh niệm - chính những
gì bạn làm sau đó mới là quan trọng.
Có thể bạn đã từng thử các bài tập rèn luyện chánh
niệm nhưng thất bại, từng ngồi thiền nhưng tâm trí không ngừng phân tâm. Hiểu về
bản chất và quy luật của khoảnh khắc chánh chánh niệm sẽ cho bạn một cái nhìn tổng
quan và thấu suốt hơn, mà theo cách nói của Russell chính là biết tự cảm thông
với chính mình.
“Bạn không nhất thiết phải tử tế với chính mình trong
cuộc sống, nhưng điều đó giúp ích cho bạn đấy! Nếu thật sự kiểm tra và thử nghiệm,
bạn sẽ khám phá ra rằng mình học hỏi nhanh hơn nếu nhẹ nhàng với chính bản thân
khi phạm sai lầm.” - Tiến sĩ Tamara Russell
Hiện nay có rất nhiều cách để giúp bạn thực hành
chánh niệm, bao gồm cả các ứng dụng điện thoại, các kênh hướng dẫn về thiền…
tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là hiểu được trạng thái tỉnh thức và quá
trình thực hành chánh niệm. “Đường về tỉnh thức” của Russell chính là nỗ lực
đem lại những kiến thức này cho người đọc, đồng thời cung cấp các hướng dẫn cụ
thể về các bài tập thực hành chánh niệm. Với những công cụ được cung cấp trong
quyển sách này, bạn đã có đủ trang bị để khởi động cuộc hành trình của mình đến
với đời sống tỉnh thức.
Có thể nói chánh niệm không làm cho những điều xấu
xa và buồn phiền biến mất một cách kỳ diệu. Nhưng nếu chúng ta có thể duy trì
chánh niệm và thái độ cầu thị, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy sự thoải mái và
những giải pháp sáng tạo hơn, ngay cả khi đang phải đối mặt với những yếu tố
gây căng thẳng hằng ngày hoặc những thách thức to lớn của cuộc sống.
Theo
trạm đọc