HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

BÀN VỀ SINH TRẮC VÂN TAY DƯỚI GÓC NHÌN CỦA CHUYÊN GIA

Các chuyên gia tâm lý và tội phạm nhìn nhận: “Sinh trắc vân tay thực chất là trò xem bói bịp bằng công nghệ và việc những bậc phụ huynh tin tưởng vào dịch vụ này dễ rước họa cho trẻ nhỏ, làm lộ thông tin cá nhân…”.

Để làm rõ hơn câu chuyện về dịch vụ “xem bói” công nghệ kiểu mới này mang lại “lợi - hại” thế nào cho phụ huynh và trẻ nhỏ chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng các chuyên gia tâm lý và tội phạm học với góc độ liên quan.

Biến tướng của trò xem bói “bịp bợm”

Trao đổi với chúng tôi nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (nguyên giảng viên khoa tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) khẳng định, việc sinh trắc vân tay từ lâu đã được ông nhận định là trò “xem bói bịp bợm”, nó không khác gì việc những thầy bói xem bàn tay đoán vận mệnh.

“Đó là chuyện mê tín, nó cũng như việc thầy bói xem tay thôi… không có cơ sở để kiểm nghiệm. Lợi dụng lòng tin của phụ huynh, sự thương con cái bởi phụ huynh nào cũng muốn giành tất cả những điều tốt nhất cho con cái họ… đây cũng như là việc mê tín thôi”, ông Chất phân tích.

Ông Chất lo ngại, việc sinh trắc vân tay cho trẻ nhỏ mà đem lại kết quả tốt, kết quả tích cực thì không sao nhưng nỡ may cho kết quả trái ngược, tiêu cực thì sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý phụ huynh, dẫn tới việc giáo dục sai cho trẻ.

“Thường thì họ chỉ đưa ra nhìn nhận chung chung và sẽ không đưa ra những kết quả tiêu cực. Tuy nhiên, việc sinh trắc này của các bậc phụ huynh để làm gì? Phải chăng nếu con mình không có tài năng thì sẽ mặc kệ? Hay nếu tốt rồi thì thôi…”.

Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, tiềm năng của trẻ thầy cô giáo và phụ huynh là người nắm rõ nhất và tiềm năng chỉ có thể phát triển trong môi trường giáo dục tốt, được hình thành từ thực tế.

“Chính tôi là người đã từng đề nghị các trường học nếu bỏ chấm điểm thì phải đánh giá tiềm năng của trẻ sau mỗi năm học để có biện pháp giảng dạy phù hợp. Tuy nhiên, tiềm năng này phải là từ thực tế thông qua quá trình học hành, sinh hoạt của trẻ chứ không thể dựa trên vân tay”, chuyên gia Nguyễn An Chất nhấn mạnh.

Ông Chất cho rằng, bất kỳ ai cũng có tiềm năng, nhất là trẻ em. Điều tốt nhất để trẻ phát triển tiềm năng đó là tạo điều kiện môi trường giáo dục tốt nhất, chứ không phải bỏ ra một số tiền lớn rồi xem con mình có gì rồi mới phát triển.

“Ví dụ: Chuyện một học sinh nhỏ tuổi, ở lớp cô giáo ra đề tài vẽ quả cam. Khi tất cả các bạn vẽ quả cam màu vàng hình tròn thì học sinh đó vẽ một hình vuông tô màu đen. Tuy nhiên, thay vì chấm điểm cô giáo đã gặp gỡ học sinh nhỏ đó để hỏi. Sau đó trò chuyện thì được biết học sinh vẽ quả cam mơ ước tương lai em sẽ trồng được…. Đó là cách giáo dục rất tốt”, ông Chất nhấn mạnh. 

Từ những phân tích nói trên, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất đề nghị cơ quan chức năng cần kiểm tra lại hoạt động của các cơ sở sinh trắc vân tay như trên mạng quảng cáo.

Dễ rước họa vào thân

Nhìn nhận về việc này, Trung tá, Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học cho rằng: Sinh trắc vân tay thực chất không khác nhiều so với chuyện “xem bói, xem tướng” qua phần mềm trên mạng đang nở rộ.

Theo vị chuyên gia Tội phạm học, việc sinh trắc vân tay nói riêng hay xem bói qua mạng nói chung tiềm ẩn nguy cơ “rước họa” vào thân rất lớn khi mà qua những việc nói trên thông tin cá nhân, tài khoản xã hội, vân tay sẽ bị “lộ, lọt” chiếm đoạt…tạo ra nhiều hệ lụy. Như sử dụng vào việc phạm tội, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng…vv.

Ví dụ: Các công ty lấy dấu vân tay, thông tin cá nhân ở trẻ em để làm dịch vụ, vậy ai đảm bảo những dữ liệu của trẻ sẽ không bị buôn bán về sau này? Dấu vân tay sẽ theo suốt cuộc đời con người, sau vài năm những dấu vân tay của các em bị lấy nhiều năm trước đó có nguy cơ bị bán cho những tổ chức trong và ngoài nước dùng vào mục đích khác, ai sẽ đảm bảo việc này không xảy ra?

Trao đổi với PV, GS.TS Lê Đình Lương - Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam khẳng định các phụ huynh không nên tin tưởng vài việc sinh trắc vân tay bởi chưa có bất kỳ một cơ sở khoa học nào chứng minh đoán vân tay có thể biết được tính cách và tài năng của trẻ nhỏ.

Theo ông Lương, những dữ liệu mà ông được biết, các dịch vụ hiện nay người ta đang làm là sinh trắc học, tức là dùng máy đo đạc những kích thước. Từ đó, họ phân ra những chi tiết trên tay qua các phần mềm khác nhau. Phần mềm này lại từ nước ngoài nên một số phụ huynh cho rằng, bản kết quả phân tích vân tay khá chung chung.

GS Lương khẳng định: “Dữ liệu là sinh trắc học, nghĩa là dùng máy đo đạc những kích thước, phân ra những chi tiết trên tay và sử dụng các phần mềm khác nhau do người nước ngoài cung cấp. Do vậy, những dữ liệu sinh trắc học không đủ tin cậy cho các phần mềm máy tính hoạt động. Đầu vào phải là những dữ liệu thuộc ADN, gen, tế bào, nhiễm sắc thể mới có cơ sở thuyết phục”.

Ông Lương chia sẻ thêm: “Đồng ý thế giới đã tìm ra khoa học về vân tay từ cách đây rất lâu và cho ra một số xu hướng. Tuy nhiên, tỉ lệ đúng của việc phân tích này chỉ khoảng 25%. Vì thế, tôi nghĩ chỉ nên xem nó như một kết quả để tham khảo. Còn nói về phát hiện năng lực và trí tuệ, hiện nay, kể cả việc phân tích ADN cũng chưa thể chẩn đoán được năng lực trí tuệ.

Thứ cần nhất mà các phụ huynh, ngành giáo dục cần làm là khơi lên khát vọng của con em mình, bên cạnh đó cần cải cách  giáo dục, cung cấp cho thế hệ trẻ phương pháp tư duy logic và hệ thống (phương pháp dạy học)”, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam nhấn mạnh.

-ST-

 

Được tạo bởi Blogger.