HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

BÀN VỀ NGHỀ NGHIỆP

Nghề thì rõ rồi, nhưng sao khi nào cũng gọi là nghề nghiệp, cũng có thể tiếp cận dưới góc độ nhân quả ở kiếp này bạn làm nghề gì là do nghiệp của kiếp trước bạn đã gieo nên kiếp này sẽ nối tiếp cái quả của nghiệp đó nên hành nghề. Tất cả các nghề nghiệp tạo ra giá trị cho cuộc sống, lợi mình, lợi người đều là nghề cao quý. Hãy xem duyên nghiệp của mình hợp với nghề nào thì hãy hành nghề đó một cách lợi lạc nhất, thù thắng nhất.

Có người chọn ngành y tế chỉ vì từ kiếp trước anh đã từng hành nghề này và rất yên tâm thoải mái với cuộc sống nghề nghiệp của mình. Anh không mơ ước gì khác, không đứng núi này trông núi nọ. Kiếp này, từ thuở bé, anh đã có con đường đi rõ ràng là y khoa, không phải phân vân tính toán gì thêm nữa. Và anh vào nghề rất suôn sẻ thành công.

Có người thường mang vải vóc cúng dường bậc chân tu, bố thí vải cho người nghèo khổ. Nghiệp nhân đó đưa đến nghề mua bán vải trong kiếp này và bà trở nên giàu có.

Có người thích đắp đường, bắt cầu, đào giếng nơi công cộng để làm phước. Kiếp sau anh trở thành kỹ sư công chánh với nhà cửa rộng lớn, tiền bạc sung mãn.

Có người trở thành kẻ chăn ngựa cho một ông chủ, chỉ vì đời trước anh và bầy ngựa là kẻ mắc nợ ông chủ. Riêng anh may mắn giữ được thân người. Những kẻ khác đọa làm ngựa. Duyên xưa chưa hết anh vẫn lẩn quẩn bên bầy ngựa để chăm sóc chúng nó.

Có người đời trước làm ca sĩ, được lệnh trên là phải ca ngợi lính chiến, kêu gọi thanh niên tham gia quân đội. Đời sau anh phải đeo đẳng nghiệp quân sự suốt đời.

Có người làm nghề lái xe. Không chắc vì đời trước anh là người lái xe để sinh sống. Có khi đời trước anh là một kẻ giàu có và rất mê lái xe. Kiếp này nghèo, trở lại hành nghề lái xe để sinh sống theo đam mê lúc trước của mình.

Như đã nói, ý nghĩ là nhân và hành động là quả. Đôi khi đời trước một người làm nghề khác, nhưng tâm tư lại hướng về nghề này. Tâm ước mơ đó cũng làm xuất hiện kết quả đổi nghề mới ở kiếp sau. Ví dụ một bác sĩ thích đọc sách rồi mơ ước viết văn. Nhưng công việc bận rộn khiến cho ông không bao giờ thực hiện được điều đó trong kiếp này. Phải đợi đến kiếp sau ông mới bắt đầu lạc qua nghề văn chương mặc dù vẫn còn dính líu khá nhiều với nghề thuốc.

Có một số bác sĩ làm giàu nhờ người bệnh, nghĩa là sống sung sướng nhờ vào sự đau khổ của người khác bằng cách tính tiền thù lao quá nặng. Phước bị tổn, đời sau kẻ này vẫn còn ở trong ngành y tế, nhưng nghèo khó và bằng cấp nhỏ.

Có những người chuyên nghiên cứu về nghệ thuật nên ít có thì giờ làm phước. Đời sau họ sẽ trở thành những nghệ sĩ nhưng cầm chắc cái nghèo trong tay. Chỉ những người đã từng làm phước rộng rãi mới có thể thành đạt trong lĩnh vực nghệ thuật để trở nên nổi danh và giàu có.

Người xưa có câu “Đại phú do thiên, tiểu phú do cần”– Giàu lớn nhờ trời (may mắn) giàu nhỏ do siêng năng. Người thành công trong nghề nghiệp cũng vậy. Có những cơ hội làm ăn từ đâu đem tới ngoài dự định của họ. Thậm chí có khi họ mệt mỏi, bỏ công việc đi chơi cho khuây khỏa rồi cũng gặp mối lái làm ăn. Ngược lại có những người vắt tâm kiệt óc tìm đủ phương kế mà vẫn bị trật vuột thất bại. Cùng một nghề như nhau, nhưng kẻ thì phất to, người thì lụn bại. Tất cả đều do duyên nghiệp quá khứ.

Đức Phật khuyên hàng cư sĩ tại gia phải nuôi sống bằng một nghề chân chính (Chánh mạng). Ngành nghề trong xã hội rất đa dạng phong phú. Nhưng có những nghề càng làm càng có phước và có những nghề càng làm càng có tội. Ví dụ nghề giết thịt, nghề nấu rượu, nghề buôn ma túy, kinh doanh phim ảnh, sách báo đồi trụy, phá rừng... là những nghề làm cho người ta chồng thêm tội lỗi. Sống bằng những nghề đó thì đời sau luôn luôn gặp đau khổ, bất hạnh. Quả báo bệnh hoạn, chết yểu, điên loạn, đọa làm súc sinh chắc chắn phải xảy ra.

Có những nghề càng làm càng có phước như xây dựng đường xá, cầu cống, trường học, thủy điện, an ninh, giáo dục, bảo vệ môi trường, y tế, lương thực...

Nói chung những ngành nghề đem lại lợi ích cho xã hội, đều làm cho chủ nhân có phước, nếu họ biết phục vụ một cách tận tụy cao cả. Đôi khi một người ở trong một ngành nghề dễ tạo phước nhưng họ quá ích kỷ, chỉ nghĩ tới đồng lương, gây khó khăn cho mọi người. Họ cũng bị tổn phước trầm trọng.

Như vậy, có hai yếu tố thực hiện nghề nghiệp chân chính là: Chọn nghề dễ tạo phước và phục vụ tận tình. Hãy nghĩ đến lợi ích chung của xã hội và làm việc nhiệt tình hơn là chỉ nghĩ đến lợi nhuận cá nhân. Đương nhiên ai cũng cần phải được hưởng thành quả lao động của mình với số tiền kiếm được để sinh sống. Nhưng một người biết làm phước là người luôn luôn “đóng góp nhiều hơn hưởng thụ”. Hãy làm việc thế nào mà chúng ta cảm thấy sự đóng góp của mình đối với xã hội luôn luôn cao hơn quyền lợi thu về. Được như vậy chúng ta sẽ có phước lớn về sau. Còn những kẻ chỉ muốn hưởng thụ tối đa với công sức bỏ ra tối thiểu. Trước mắt họ có vẻ giàu sang nhưng tương lai họ sẽ là một người khốn khổ vì thiếu phước.

-ST-

Được tạo bởi Blogger.