HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 5 (TIẾP THEO VÀ HẾT)

PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ KHÓC, MÈ NHEO HIỆU QUẢ

III. ĐẶC ĐIỂM CỦA BỐ MẸ ĐỨA TRẺ XỬ LÝ KHÓC, MÈ NHEO SAI CÁCH

Nhưng ở đây có một kiểu phản ứng khác, cũng như trường hợp ở trên khi trẻ đòi mua búp bê, ban đầu người mẹ nói không đáp ứng và đứa trẻ sẽ khóc, mè nheo. Khiến người mẹ thiên về tình yêu tử cung sợ, sợ con bị tổn thương - con đau một mẹ đau mười. Người mẹ nhanh chóng chạnh lòng, xót xa rồi lại đáp ứng yêu cầu của con mặt dù trước đó đã nói “không” mà không biết rằng tất cả những gì mình đang nhìn thấy, cảm nhận chỉ là chiến thuật của đứa trẻ.

Chiến thuật của đứa trẻ thành công, chúng quá đỗi thông minh, nhạy cảm và chúng hiểu mình đã thắng. Trẻ hiểu rằng tiếng khóc và sự mè nheo của mình có sức mạnh. Sức mạnh phụ thuộc vào mức độ cường điệu hóa tiếng khóc, dậm chân, ăn vạ, mè nheo của mình tạo ra, qua một vài lần như vậy trẻ sẽ rút ra được quy luật cho bản thân: “Đòi - bị từ chối - khóc, mè nheo (dữ dội) - được đáp ứng”. Vậy là đáng lẽ ra ngôn ngữ khóc, mè nheo cần được phát triển lên một ngôn ngữ mới cao hơn, hoàn thiện hơn lại di căn thành một phiên bản khác.

Trẻ con học và hiểu tâm lý của người lớn rất nhanh. Nếu như Napoléon nói: “Tương lai của con là công trình của mẹ”, nhưng người mẹ chỉ đơn thuần nuôi con bằng tình yêu thương tử cung, bị cảm xúc chi phối, những đứa con trong vòng tay của họ lớn lên thường dễ trở thành một công trình lỗi. Nên ông bà ta ngày xưa có câu “Con hư tại mẹ”, đó là bởi vì người bố thường đi làm xa nhà, trẻ em lớn lên thường bên cạnh mẹ, chịu sự ảnh hưởng phần nhiều từ mẹ (tùy vào mỗi nhà nhưng thường là người mẹ sẽ nuôi dạy trẻ nhiều hơn). Người mẹ đứt ruột đẻ đau, vì vậy một cách tự nhiên họ có sự gắn kết thiêng liêng với con, cho nên thường có một tình thương yêu thiên kiến, bị bản năng cảm xúc chi phối nhiều. Lúc đó là sự cố chấp, quyến luyến, ràng buộc máu mủ thái quá không làm cho người mẹ tỉnh táo để nuôi dưỡng con đúng đắn nên mới nói con hư tại mẹ.

Chẳng hạn, cảm xúc tự nhiên của bất kỳ người mẹ nào cũng mong muốn con mình được sống an lành, sung sướng và thuận lợi. Nên nhiều người sẵn sàng hy sinh vì con mà làm tất cả, làm hết thảy mọi việc cho con, bao bọc con quá mức. Những đứa trẻ như thế lớn lên không biết vận động chân tay, lười nhác lao động, thiếu bản lĩnh, phụ thuộc vào sự chăm sóc, che chở của người khác. Như vậy không phải làm hư con là gì?

Cũng tình huống ở trên, nếu người mẹ biết cách nuôi dạy con, họ sẽ hiểu rằng thương con thì thương, nhưng cần để cho con lao động. Nên nhiều người đã nuốt nước mắt dạy con, cho trẻ làm cái này cái kia.

Mẹ của Lư Tô Vỹ là một trường hợp điển hình. Từ nhỏ Vỹ đã bị bệnh viêm não nhật bản khiến trí năng không tốt, bác sĩ lại bảo cậu sống không thọ, có thể chết bất cứ lúc nào. Vì vậy mà mọi người có thể hiểu mẹ cậu sẽ quan tâm, chăm sóc và thương yêu bao bọc Vỹ biết chừng nào. Ấy vậy mà khi biết được con chọn nghề làm thêm là trộn xi măng, một công việc hết sức vất vả và nặng nhọc. Trong khi đó Vỹ chỉ có 46 kg, thậm chí Vỹ cũng không tự tin để làm công việc này, nhưng mẹ Vỹ cũng không hề ngăn cản. Đến ngày thứ hai Vỹ đi làm, lúc đó dù nhận thấy Vỹ không tỉnh táo nổi, nhưng cũng được mẹ đánh thức dậy đi làm.

Sau này mẹ Vỹ mới nói rằng: “Khi đó mẹ phải nuốt nước mắt vào bên trong, chỉ muốn thay Vỹ đi làm”. Và nhờ có những ngày tháng cơ cực, được rèn luyện ít nhiều bởi công việc nặng nhọc này, mà ít lâu sau khi vào nhập ngũ trong quân đội, Vỹ đã có khả năng thích ứng tốt hơn, nhanh hơn. Mẹ của Vỹ là một trong số nhiều người phụ nữ tiêu biểu yêu con hết mực bằng tình yêu tử cung, nhưng biết dùng sự hiểu biết để thăng hoa, phát triển lên một mức độ cao hơn tình yêu thương bản năng thông thường. Chỉ có như vậy tình yêu thương của người mẹ dành cho con mới không thành mù quáng.

Hay có câu chuyện như sau, trong một đêm khuya người vợ mới đánh thức chồng, anh thức dậy, mắt nhắm mắt mở cúi xuống tìm đôi dép. Người vợ mới hối thúc chồng, bây giờ mà tìm dép gì nữa, anh chạy nhanh một chút lấy cho em cái kẹp nhiệt độ, ông chồng mới từ tốn bước đi vài bước rồi quay lại nhìn hai mẹ con và cười một cái nữa. Sáng hôm sau khi trở về từ bệnh viện người vợ mới hỏi người chồng rằng: “Em không biết anh có trái tim không nữa?”

Người chồng cười và nói: “Hiển nhiên là anh có trái tim, em hỏi gì mà kì vậy.”

Người vợ tức giận nói như muốn thét lên: “Từ tối hôm qua tới giờ em rất là bức xúc, lúc em gọi anh dậy để lấy cái kẹp nhiệt độ vì con sốt rất cao, anh lại tìm dép. Xong lại lững thững đi, rồi còn quay lại cười. Em không hiểu anh có trái tim không? Anh có thực sự thương em và con không?”

Lúc này người chồng mới nói với một giọng trang nghiêm: “Em biết không! Khi anh vừa thức dậy thì thấy con hoảng sợ, cũng chính là lúc mà em hối anh chạy nhanh đó. Vì em rất nôn nóng, làm con thêm hoảng sợ, lo lắng hơn. Anh mà chạy nhanh một chút để lấy kẹp nhiệt độ cũng chỉ có thể tiết kiệm được một đến hai phút. Nhưng anh lại đi chậm như vậy, nhìn con cười là muốn nói: “Không sao đâu con, mọi chuyện rồi cũng sẽ trôi qua.”

Lại một câu chuyện khác, mong rằng mọi người sẽ rút ra được kinh nghiệm và bài học cho riêng mình, thông qua trải nghiệm của người khác.

Khoai ba tuổi rưỡi, là một trong số đứa trẻ tiêu biểu trong thời đại mới. Cậu bé thông minh, cá tính, sáng tạo và cực kì nhiều năng lượng.

Một hôm tôi dẫn Khoai đi xem bóng đá, nhưng cậu bé lại không chịu ở yên một chỗ, hay chạy nhảy lung tung, gây nguy hiểm cho bản thân và người đá bóng, nên Hoàng Yến - mẹ Khoai nhắc nhở: “Con không được chạy vào sân”. Nhưng cậu bé không nghe, thỉnh thoảng lại chạy đi, người mẹ lại nhắc, diễn giải rất nhiều nhưng đại ý vẫn chỉ là: “Con có nghe lời mẹ không, không được chạy vào đấy. Nếu con còn làm như vậy nữa mẹ sẽ phạt con.”

Cậu bé vẫn không nghe, cứ cách khoảng vài phút lại làm theo ý mình, còn người mẹ cứ nhắc đi nhắc lại câu nói ấy đến cả chục lần vẫn không giải quyết được gì. Đôi lúc mẹ Khoai cáu, quát rồi hành động quyết liệt hơn và ôm con ra khỏi sân. Tuy nhiên cậu bé lại nằm lăn ra đất khóc, gào lên những âm thanh nghe thật chói tai. Mẹ cậu nói, giải thích nhiều nhưng vẫn không hiệu quả. Bởi cách xử lý của mẹ Khoai không dứt khoát, bị cảm xúc chi phối, không thống nhất giữa lời nói và hành động. Khoai nắm bắt được tâm lý đó của mẹ rất nhanh. Nên phản ứng quyết liệt, khóc, mè nheo dữ dội hơn, khiến người mẹ nao núng lại càng thêm bối rối, rồi người mẹ trẻ lại thôi, để Khoai chạy nhảy lung tung.

Thấy như vậy, tôi nói với chị: “Hôm nay chúng ta xem đến đây được rồi, giờ về thôi”. Hôm sau đi tiếp, tôi nói: “Lát nữa đến sân bóng, chị đứng sang một bên, đừng nhìn vào Khoai. Có chuyện gì xảy ra, em sẽ xử lý chị tuyệt đối không được can thiệp, chỉ đứng quan sát và học hỏi để rút ra kinh nghiệm.”

Đến sân bóng, vẫn như thói cũ cậu lao ngay vào sân, tôi cản lại, nhìn thẳng vào mắt và nói rất rõ ràng: “Con chơi ở ngoài này thì được. Không chạy vào trong, nếu con không nghe lời, bố sẽ mang con ra khỏi đây.”

Khoai gật đầu có vẻ hiểu chuyện, 30 giây sau lại lao vào sân như chưa hề có chuyện gì xảy ra (điều đó là hoàn toàn bình thường, tôi cũng biết cậu nhóc sẽ lao vào sân. Bởi vì không thể chỉ vì một lời nói mà đứa trẻ chịu nghe lời). Chỉ chờ có vậy, tôi chạy lại chỗ cậu bé, không nói gì thêm, ôm Khoai ra khỏi sân. Khoai lại khóc (điều đó bình thường và nằm trong dự đoán), lại gào lên, lăn ra đất - giống như một con cá bị bắt lên bờ, con cá vùng, nó vẫy thế nào cậu nhóc này làm y chang như vậy. Vì thế mang cậu ấy ra khỏi sân cũng là một chuyện khá khó khăn. Nhưng Khoai cũng không chịu yên, lại bất chấp lao vào trong, tôi cản lại và nhìn vào mắt cậu bé, bằng một giọng dứt khoát nhưng cũng đầy yêu thương tôi nói: “Nếu con muốn con cứ khóc, khóc đến khi nào nín bố mới nói chuyện với con. Còn giờ ở yên chỗ này”. Vậy là chưa đầy một phút khóc, mè nheo, Khoai bình tĩnh trở lại (Vì thấy tôi rất dứt khoát xử lý tình huống. Khoai biết rằng khóc, mè nheo không còn hiệu quả nữa, nên cậu nhóc nín ngay). Tôi nói tiếp: “Con sẽ được vào đó chơi, khi con hứa với bố là sẽ không chạy vào sân nữa” (tự do trong nguyên tắc).

Khoai gật đầu, tôi tiếp tục: “Con còn chạy vào sân khi chưa có sự đồng ý, bố sẽ không cho con xem nữa và mang con về nhà”. Vậy là Khoai chịu hợp tác.

Sau đó tôi tìm một quả bóng cho Khoai chơi và biết chắc chắn thế nào cậu nhóc này cũng đá vào sân, điều này sẽ gây phiền phức và nguy hiểm cho những người trong sân. Nên tôi nói: “Con không được đá bóng vào sân, nếu không bố sẽ lấy lại quả bóng.”

Khoai gật đầu có vẻ hiểu chuyện, 30 giây sau nhóc này đá bóng vào sân. Tôi chạy ra nhặt quả bóng, giữ lại một lúc để cho Khoai biết rằng tôi nói là sẽ làm, rồi nhìn thẳng đôi mắt cậu bé nói: “Bố nhắc lại một lần nữa. Con có thể giữ quả bóng này chơi, nhưng nếu còn đá vào sân, bố sẽ thu lại quả bóng” (đó là thưởng phạt trong hành vi). Vậy là cậu bé hợp tác, khoảng 30 phút sau trận đấu kết thúc, ngay lập tức tôi gọi Khoai vào và cùng nhau chơi bóng rất vui vẻ.

Sự khác nhau giữa hai cách xử lý ở trên là gì? Mẹ Khoai nói nhiều, đưa ra nhiều câu mệnh lệnh, nhưng lại không làm triệt để, còn tôi nói là làm. Đó là cách trẻ hiểu vấn đề thông qua hành động thực tiễn chứ không phải qua lời nói. Mẹ Khoai diễn giải dài dòng, phức tạp, trong khi trí não, nhận thức trẻ chưa phát triển làm trẻ cảm thấy khó hiểu. Tôi nói ngắn gọn và đơn giản, thái độ dứt khoát. Mẹ Khoai dùng hình thức thưởng phạt chưa hợp lý, mang cảm tính, mất tự chủ trong cảm xúc khi xử lý hành vi của con. Tôi áp dụng hình thức thưởng phạt trong hành vi, làm trẻ dễ dàng hiểu vấn đề. Mẹ Khoai khi xử lý việc khóc, mè nheo chỉ có yêu thương, sự mềm mỏng như vậy chưa đủ. Tôi không những có yêu thương, mềm mỏng mà còn có lý trí, uy nghiêm.

Người mẹ có vai trò thật vĩ đại với con trẻ. Bằng tình yêu thương vô hạn, chỉ cần cố gắng thay đổi tầm nhìn xa hơn một chút, họ có thể kiến tạo nên tương lai cho con. Ngược lại, họ vẫn vậy, vẫn nuôi dạy con như những gì mình đang có, họ có thể bóp chết cuộc đời con cũng bằng tình yêu thương đó.

Những câu chuyện trên cho thấy rằng người mẹ thường thiên về bản năng, bị cảm xúc chi phối, họ thường rất tình cảm, nhiều lúc mềm mỏng, nhu mì quá mức. Họ thiếu đi tầm nhìn nên dễ phạm phải sai lầm khi nuôi dạy con, chính điều này sẽ làm hư hại đứa trẻ. Do đó cần phải có sự hỗ trợ của người bố, mẹ nuôi con bằng tình yêu vô điều kiện nhưng đôi khi thiếu đi sự chính xác, bố dạy con bằng trí tuệ, mạnh mẽ, nguyên tắc, kỷ luật, nhưng lại khô khan thiếu đi sự mềm mỏng, cảm xúc của con tim.

Thiên kiến về một trong hai thái cực trên đều không tốt.

Người mẹ mang nặng đẻ đau, sự kiện con chào đời đối với người mẹ chẳng khác gì đứa trẻ là một phần thân thể tách ra của họ. Đứa con ra đời một khúc xương vô hình được hình thành để gắn kết giữa người mẹ và con, khúc xương này không giống bất kỳ khúc xương nào khác. Sự kết nối này, nếu chúng ta nghĩ về mặt khoa học thì nó giống như là hai hạt quang tử, đi theo nhau một cách vô hình.

Giữa người mẹ và đứa con cũng có sự liên kết như vậy. Tình yêu của người mẹ là sự nhịn nhục. Tình yêu của mẹ là sự dịu dàng và ấm áp. Tình yêu của mẹ cho chúng ta có động lực trong cuộc sống. Tình yêu của mẹ là sự hy sinh vô bờ bến. Tình yêu của mẹ thắp sáng ngay cả những nơi tối tăm nhất. Tình yêu của mẹ không có giới hạn.

Người mẹ nặng về cảm xúc nên thiên về yêu thương. Người bố thiên về trí tuệ, đảm nhận vai trò dạy dỗ con (nên mới có câu con dại tại cha). Khi kết hợp trái tim và trí tuệ, sẽ sinh ra tình yêu thương minh triết, một tình yêu của sự cân bằng và hòa hợp.

Vật cứng thì dễ bị bẻ gãy. Vật mềm dễ bị uốn cong. Chỉ trung dung mới là bất bại - nếu đứa trẻ chỉ được nuôi dạy bởi người mẹ thì sẽ dễ rơi vào tính ủy mị, yếu đuối, mềm mỏng thái quá mà thiếu đi sức mạnh, quyết đoán, trí tuệ, sự kiên cường. Ngược lại, trẻ chỉ được nuôi dưỡng bởi người bố sẽ trở nên khô khan, cứng nhắc, độc đoán, thiếu đi tình yêu, cảm xúc, sự nhạy cảm, khéo léo.

Đứa trẻ hạnh phúc là khi chúng sống ở gia đình được nuôi dưỡng trong tính nữ thiêng liêng của người mẹ và giáo dục bởi nam tính thánh linh của người bố. Người chồng và vợ cần chia sẻ công việc này cho nhau, chứ không nên giao phó riêng cho bên nào cả, vì điều đó làm mất cân bằng. Xã hội văn minh là lúc mà bố mẹ cùng chung sức trong việc nuôi dạy con.

Điều quan trọng cốt lõi để giáo dục thành công trước hết, bố mẹ phải cân bằng, tâm thức bản thân tốt đẹp. Bố mẹ tỉnh thức nuôi con bằng tình yêu thương vô điều kiện và dạy con trong minh triết.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.