HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 7

GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ TRONG BỮA ĂN VÀ BÀI HỌC LÀM NGƯỜI

Người xưa thường nói “Trời đánh tránh bữa ăn”, bắt nguồn từ câu Lôi Công không đánh người đang ăn cơm. Nguồn gốc câu chuyện này nói rằng Lôi Công vốn dĩ là một vị Thần, chuyên cai quản việc tạo ra sấm sét cùng với thê tử là Điệu Mẫu. Dần dần, trách nhiệm được nâng cao hơn, dân chúng giao cho họ nhiệm vụ đặc biệt có ý nghĩa, đó là trừng trị cái ác, tuyên dương điều thiện. Sấm sét lúc này có ý nghĩa thay trời hành đạo, trừng trị những kẻ ác.

Người xưa kể lại, trong một gia đình có ba người, gồm bố mẹ đi làm ruộng và đứa con gái nhỏ ở nhà chuyên lo việc bếp núc. Như thường lệ, khi hai vợ chồng này đi làm, cô con gái ở nhà nấu cơm. Vì thương bố mẹ làm lụng vất vả, cô nhường cơm trắng cho họ ăn, còn mình chỉ gạn nước cơm uống. Một lần nọ, cô vừa mới uống xong thì ngoài kia bầu trời xuất hiện tia chớp, lôi cô bé ra quỳ ở ngoài sân. Vì hiểu lầm cô gái không có lương tâm nên Lôi Công quyết định xử phạt. Bố mẹ đi làm về thấy cảnh tượng cô gái quỳ dưới đất, chưa kịp hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao thì bỗng đâu từ trên trời rơi xuống tờ giấy ghi rằng đứa con này không có lương tâm, đã lén uống nước cơm. Vì vậy mà trời truyền thư xuống bảo đợi đến trưa sẽ xử phạt. Sau khi nghe con gái kể lại sự tình, cha mẹ liền hiểu tấm lòng hiếu thảo của con gái. Nhưng vì thiên mệnh không thể làm trái nên chỉ có thể buồn bã chờ đợi. Ba người họ cùng nhau ăn bữa ăn cuối cùng. Trời đất bỗng nhiên tối sầm lại, ngỡ rằng thời khắc định mệnh đã đến, một tờ giấy bay đến chỗ cả nhà đang ngồi khiến mọi người bất ngờ. Trên đó ghi rằng: “Bởi vì thời gian ăn trùng với thời gian xử phạt, nay đã qua giờ xử phạt. Lôi Công không đánh người đang ăn cơm, vì vậy cô gái trẻ được tha mạng.”

Câu “Trời đánh tránh bữa ăn”, có nghĩa đen hàm ý nói việc đáng trách phạt đến mức nào đi nữa thì cũng chờ người ta ăn xong bữa rồi hãy phạt. Vì có nhiều người khi đang ngồi ăn, lại lôi những chuyện mâu thuẫn hoặc trách cứ gây khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc cho người đang ăn. Thử hỏi ai mà ăn được khi bị chửi mắng, trách cứ chứ.

Nhưng nghĩa bóng cũng là thông điệp chính của câu chuyện này, rõ ràng là “suýt bị Lôi Công đánh”, vì cách cư xử bất kính trong việc ăn uống. Ông trời có mắt, biết sự việc là do hiểu lầm, nên Lôi Công đã tìm cách sửa sai, nếu không thì đã đánh thật.

Hiểu đúng câu nói này vào việc nuôi dạy con nhỏ có nghĩa là thay vì tâm lý ngột ngạt, lời qua tiếng lại, trách móc trong bữa ăn trong khi đó lại dung túng những hành vi ứng xử chưa tốt. Ngược lại, nên tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ, răn đe kẻ nào có hành vi cư xử không đúng mực và dạy cho trẻ về đạo đức, văn hóa.

Người xưa dạy “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, lại có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Từ rất lâu đã có quan điểm ăn uống không đơn thuần là chuyện chạm thìa, chạm đũa, mà trở thành một nét văn hóa, phẩm chất làm người. Vì thế việc học cách ứng xử trên bàn ăn như là một kỹ năng, bộ môn cần hướng dẫn cho trẻ nhỏ mà bạn đóng vai trò là người thầy, người làm gương.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.