TINH HOA GIÁO DỤC 2 (TIẾP THEO)
CỐI LÕI
CỦA GIÁO DỤC, LÀ ĐÁNH THỨC TÌNH YÊU THƯƠNG
2. Mở rộng tình yêu thương trong trái tim mình
Chúng ta hãy cùng nghiền ngẫm lại thông điệp trong cuốn sách “Ngày xưa
có một con bò” của tác giả Tiến sĩ Camilo Cruz.
Chuyện kể về một người thầy giáo khôn ngoan và giàu kinh nghiệm truyền
đạt lại cho học trò của mình bí quyết về một cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng.
Ông quyết định cùng học trò tìm đến căn lều nghèo nhất trong vùng và xin trọ lại.
Gia đình nghèo này có tám người, nhưng thật đáng ngạc nhiên là trong hoàn cảnh ấy
họ lại có một thứ tài sản bất thường đó chính là một con bò. Gia đình của họ sống
nhờ vào việc chăm bò và bán sữa hàng ngày. Cuộc sống cứ như vậy xoay quanh con
bò. Con bò giữ một vai trò quan trọng trong gia đình, mặc dù chút sữa bò ít ỏi
do nó cung cấp chỉ đủ để họ sống qua ngày. Tuy nhiên, con bò có vẻ phục vụ mục
đích lớn hơn. Nó là thứ duy nhất giúp họ khỏi rơi vào đường cùng. Ở một nơi mà
mọi thứ khan hiếm, việc sở hữu một tài sản như vậy đã mang lại cho họ sự ngưỡng
mộ, nếu như không muốn nói là sự ghen tị từ những người hàng xóm. Sáng hôm sau,
hai thầy trò khởi hành sớm, nhưng trước khi rời khỏi, họ thả con bò của gia
đình nghèo đó đi mất. Một năm sau, hai thầy trò quyết định tìm lại ngôi nhà năm
xưa mà họ xin trọ để xem tình hình cuộc sống hiện tại của gia đình đó. Bất ngờ
xảy ra, căn lều ngày xưa được thay bằng ngôi nhà mới xây khang trang, cuộc sống
sung túc hơn rất nhiều. Con bò chính là sợi xích trói họ trong nghèo khổ.
Mất đi con bò không hề là dấu chấm hết dành cho họ, mà nó mở ra một cuộc
sống mới với nhiều cơ hội tốt hơn. Con bò mà họ yêu quý như báu vật chính là sợi
dây xích trói buộc cuộc đời họ với đói nghèo, cực khổ đã đinh ninh rằng con bò
giúp họ thoát khỏi suy sụp. Nhưng phải đợi đến khi mất đi sự an toàn giả tạo đó
thì họ mới bị buộc nhìn sang một hướng mới. Nói cách khác, con bò, con vật mà
hàng xóm của họ coi như là ơn phước, đã cho họ cái cảm giác mình không phải
đang sống trong sự bần cùng, nhưng thực ra cuộc sống của họ lại rất thảm hại.
Chúng ta ai cũng có những con bò trong đời mình. Mang trên mình gánh nặng
của những niềm tin sai lầm, lời biện bạch, nỗi sợ và những định kiến. Bi đát
thay, tất cả những hạn chế đó đặt ra cho mình, đã trói buộc chúng ta vào một cuộc
sống tầm thường. Không chỉ có vậy, nhiều người ngoan cố giữ lại lý do họ không
thể sống trong cuộc đời mà họ luôn mơ ước. Họ tạo nên những lời bào chữa hầu
như rất đáng tin để biện hộ cho chính mình với người khác. Tiếp tục sống trong
những xáo động nội tâm khi họ nhận ra rằng, những lý lẽ đó có thể đánh lừa được
người khác chứ không lừa được bản thân mình.
Bò thì có rất nhiều loại, mỗi người đều mang trên mình một hoặc nhiều
loại bò khác nhau, nhưng có một loại bò mà rất nhiều người ngày nay đang giữ, sống
chết bám lấy nó, coi đó như một vị cứu tinh mang tên tình yêu thương hẹp hòi, vị
kỷ. Đúng vậy, sự thật tình yêu thương mà nhân loại ngày nay biết đến, hiện hữu
hằng ngày, coi như bình thường, thực ra nó lại không đẹp đến vậy “một loại bò
khác” mà nhiều người đang ra sức bám giữ lấy. Chúng ta sẽ từ bỏ con bò này như
thế nào đây để hướng đến sự giàu có trong tâm hồn, đến một tình yêu thương mà
chúng ta xứng đáng được nhận lấy, đáng được hưởng và sống trong thế gian này.
Vì vậy, yêu bản thân được rồi thì cần học cách từ bỏ “con bò” và phát triển
tình yêu thương hẹp hòi, vị kỷ sang một tình yêu thương bao la rộng lớn.
Khi bạn đã học yêu chính mình thì năng lượng yêu thương luôn tuôn chảy
trong huyết mạch, trong từng tế bào và giờ bạn học bài học cho đi tình yêu
thương. Khi bạn có tình yêu thì bạn có thể chia sẻ tình yêu, khi cho đi cái gì
thì bạn nhận lại cái đó. Thử ngẫm nghĩ mà xem, khi bạn yêu động vật, chăm sóc
nó, dành sự quan tâm, yêu thương, vuốt ve, trò chuyện với nó, nó sẽ yêu bạn như
bạn yêu nó, đó chính là cho đi và nhận lại. Bạn có nhớ cái cảm xúc khi bạn đang
yêu không? Bạn nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng từng cành cây, ngọn cỏ,
bông hoa, cái lá, bút chì, cục tẩy,… bất cứ nơi nào bạn nhìn vào cũng là một
màu hồng rực rỡ, các tế bào của bạn run rẩy vì năng lượng của yêu thương. Bạn
nhớ chứ? Khi bạn có năng lượng của tình yêu thì hãy học cách cho đi và sẽ nhận
về tình yêu, mà tình yêu thương thì bao nhiêu cũng thiếu, có nhiều đến thế nào
cũng chẳng thừa. Cho đi rồi nhận lại, nhận lại rồi tiếp tục cho đi. Bạn là suối
là nguồn, là người trung chuyển của tình yêu thương. Cứ như thế bạn mở rộng nó
đến vô cùng, vô tận, đến khi bạn trở thành hiện thân của tình yêu thương.
Để mở rộng trái tim biết yêu thương (thả con bò đi) đối với người bình
thường như chúng ta không có cách nào khác là thực hành, thực hành và hành động
mỗi khi có thể trong cuộc sống hằng ngày. Sẽ đưa bạn trải nghiệm qua bốn cấp độ
trưởng thành khác nhau, từ dễ đến khó, từ nhỏ tới lớn.
Trước tiên, hãy bắt đầu từ nơi mình ở, những người xung quanh. Học
cách yêu thương ông bà, bố mẹ kết nối lại với những người thân trong gia đình,
yêu vợ, thương con vô điều kiện. Học cách yêu hàng xóm, láng giềng, bạn bè gần
xa. Học cách yêu ngôi nhà của bạn, yêu những đồ vật trong đó, yêu con đường đến
nơi làm việc, quê hương, văn hóa, bản sắc dân tộc.
Đến ngay cả những người thân trong gia đình mình, người sinh thành
mình, trao mình cơ thể này mà mình chưa kết nối được với họ, chưa động lòng trắc
ẩn với họ, chưa tha thứ được, chưa cởi mở được thì bạn có thể yêu được ai đây,
liệu những việc làm ngoài kia của bạn có thực sự mang lại giá trị cho người
khác và bản thân bạn.
Khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều lòng trắc ẩn hơn, bạn mở rộng trái tim yêu
thương thêm nữa đến những người bạn ít yêu thương, người bạn không thân thiết
cho lắm. Học cách yêu, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đáng thương sa cơ, lỡ vận,
những đứa trẻ không nơi nương tựa, người vô gia cư, thậm chí cả những người tù,
những người còn khó, còn khổ, thiếu thốn “lá lành đùm lá rách.”
Cao hơn nữa, hãy mở rộng tình yêu thương, lòng trắc ẩn hướng đến tất cả
mọi người, từ người lạ, người bạn không thích, thậm chí đến những người gây khó
chịu, tổn thương, làm bạn đau khổ, người đã ganh ghét, thù hận bạn. Để tiến xa
trên hành trình trưởng thành và mở rộng trái tim, đây thực sự là thử thách đầy
cam go và là một bài học lớn cho mỗi người.
Bạn biết không, nhờ người mang đến cho bạn những nghịch cảnh như vậy,
mà các nguồn năng lượng tiêu cực bị lắng sâu bên dưới sẽ được khuấy lên. Từ đó,
bạn mới có thể nhận biết những năng lượng gây ra khổ đau cho bản thân và tìm
cách chuyển hóa, để trong người chỉ còn lại là năng lượng tích cực, là tình yêu
và ánh sáng. Họ đang giúp bạn chuyển hóa nghiệp lực, tiêu cực trong bạn qua nhiều
kiếp sống. Như vậy, tại sao bạn không biết ơn người đã giúp đỡ mình?
Khi nhận ra rằng mình đang được bao bọc trong tình yêu thương khổng lồ
từ các sinh mệnh anh chị em trong vũ trụ. Hiểu rằng tất cả những người tạo ra
nghịch cảnh, khổ đau cho bạn đều là người thân yêu của mình. Cũng chỉ vì yêu
thương bạn mà họ đã đến đây đóng vai một người ác, người xấu xa tệ hại, một vai
diễn khó khăn để bạn học được bài học của chính mình, để tiến hóa và trưởng
thành. Khi học được bài học này, lúc đó bạn sẽ khởi được tâm yêu thương với vạn
vật, vạn sự.
Mức độ cao nhất mà tôi gọi đó là đẳng cấp Thần thánh, bạn tiếp tục cho
đến khi tâm hồn mở rộng và ôm trọn cả thế giới. Học cách yêu vạn vật xung
quanh, yêu thương bảo vệ thiên nhiên, môi trường, cây cối, thậm chí là rác thải.
Đến cả con ruồi bên cạnh mâm cơm, con muỗi bên cạnh lúc bạn ngủ, đến ngay cả
con vi trùng, vi khuẩn gây bệnh trong người bạn, yêu cả Satan lẫn Phật, sự sống
lẫn cái chết.
Tóm lại, nhìn thấy cái gì yêu cái nấy, bất kể nó xấu, nó đẹp, nó hay
nó dở ra sao hoặc dù cho nó ác với bạn như thế nào, hãy cứ yêu nó. Tình yêu có
thể chữa lành mọi thứ, là phép tiên nhiệm màu, bí quyết để có sự sống trường tồn,
bất tử và đó cũng là ý nghĩa thiêng liêng của sự sống. Hãy luôn yêu thương vô
điều kiện với vạn vật chúng sinh và vạn vật chúng sinh sẽ yêu thương lại bạn.
Muốn thực sự có kết quả thì bạn nên lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm khẳng
định niềm tin mới vào trong tiềm thức, và đây là những gì tôi hay tự nói với bản
thân, để ám thị chính mình trong suốt thời gian dài: “Tôi yêu tất cả con người
trên thế gian này, đến các loài vật, côn trùng, cây cỏ và hoa lá”. Hoặc bạn ghi
hẳn niềm mong muốn, sự khẳng định của bản thân về niềm tin mới ra một mẩu giấy
liên tục trong suốt ba mươi ngày. Đó là thời gian đủ để vũ trụ ghi nhận, cộng
hưởng với bạn theo luật hấp dẫn, như thế bạn mới có thể cảm nhận được sự thay đổi.
Không ai ngăn cản bạn mở rộng tấm lòng, quan tâm, chăm sóc đến người
khác, như sự quan tâm chăm sóc người trong gia đình. Nếu bạn niềm nở và tử tế với
anh chị em mình như thế nào thì bạn cũng có thể làm điều đó với bất kỳ ai, nếu
có đủ dũng khí vượt lên chính mình. Sẽ không ai làm gì, sẽ chẳng ai ngăn cấm bạn
xót xa, rơi lệ trước những hoàn cảnh khó khăn của những đứa trẻ cơ nhỡ khác,
quan tâm chúng giúp chúng ăn học, yêu thương chúng như với chính con của mình.
Làm được như vậy tình yêu thương vị kỷ sẽ biến thành tình yêu thương rộng lớn,
trái tim hẹp hòi sẽ biến thành trái tim quảng đại bao la, sẽ phá vỡ mọi rào cản,
phân biệt, chia rẽ. Khi bạn đã học được bài học mở rộng tình yêu thương đến
muôn người, muôn loài, đến từng vi tế bào trong cơ thể, là thời điểm bạn đánh
thức được giá trị bên trong mình, sống đúng với bản chất mình, có một cuộc sống
trọn vẹn và xứng đáng.
Tuy nhiên, dù đã nhận thức được vấn đề nhưng không phải ai cũng đủ can
đảm để dấn thân. Bởi vì từ rất lâu rồi, nó đã ăn vào trong vô thức mỗi người,
ai cũng đã từng thương người khác với một tình yêu thương vị kỷ, phân biệt, nay
lại hướng đến một tình yêu thương rộng lớn, đơn giản đó chỉ là sự cho đi, không
mảy may dù chỉ là một sự tính toán nhỏ nhất, sẽ vẫn là một bài thực hành vô
cùng khó khăn đối với bản ngã. Cho nên, nhiều người dù có cái tâm muốn thương,
cái ý chí muốn thương cũng không thương được. Cái chân, cái tay, con mắt, cái
miệng, cái tai, hay còn gọi là lục căn của người đó không tự động thương được,
nó còn tính toán thiệt hơn, đánh giá lợi ích, nó còn phân biệt. Như vậy, thì
không có cách nào khác cho lục căn tập cách thương yêu người khác, bằng những
hành động trong đời sống hằng ngày như đã nói ở trên. Điều đó thực sự rất gian
nan, chỉ có bạn mới thấu hiểu được, vì đó là quá trình diễn ra từ bên trong.
Khi bạn quay vào đấu tranh với nó từng ngày, từng phút giây, trong từng ý nghĩ,
bạn mới thực sự thấu hiểu chiến thắng con người bên trong mình khó khăn đến dường
nào. Bước vào con đường đấu tranh với chính mình, kết quả dù thắng hay thua thì
theo tôi nghĩ đó cũng là điều vĩ đại lắm rồi.
Nói thì dễ, làm mới khó. Khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành khác
xa nhau rất nhiều. Khi đọc, hiểu lý thuyết rất đơn giản, bạn chưa thực sự ở
trong đó, là người ngoài cuộc nói sao cũng được. Nhưng khi vào tình huống thực
tế, là người trong cuộc bạn sẽ bị tác động đến thể cảm xúc của mình những mong
cần, dính mắc, ràng buộc, chấp ta ngã mạn, thành kiến, bảo thủ, dục vọng,… sẽ nổi
lên, chi phối tâm hồn, hành vi, lời nói, hành động của bạn, nên đó là một quá
trình cam go, đấu tranh nội tâm vô cùng phức tạp không hề dễ dàng. Xin được kể
cho mọi người nghe về bài học của chính mình, năm hai mươi mốt tuổi tôi sống ở
Nhật Bản và đã đi học Kendo (Kiếm Đạo), tại một đạo trường nổi tiếng nằm ở
thành phố Nagoya.
Ngày đầu tiên học Kiếm cũng là bước đầu tiên trong quá trình khai phá,
đấu tranh với chính bản thân. Điều cảm nhận được khi ở Nhật nói chung và bước
vào đạo trường nói riêng là sự ít cởi mở của người Nhật, họ khá lạnh lùng, thiếu
sự giao thoa cảm xúc chân thành giữa con người với con người. Có thể nói tôi là
người ngoại quốc duy nhất, gần như tất cả mọi người không ai để ý đến tôi,
không nói chuyện, không chào hỏi, hay chỉ chào hỏi cho qua chuyện, chỉ đến tập
luyện xong rồi về. Lúc đó tôi nghĩ giữa con người với nhau sao lại như thế, sao
lại phải phân biệt, phải tỏ ra lạnh nhạt?
Không chấp nhận sự thật đó, cho nên tôi đã đưa ra một quyết định khó
khăn, mình sẽ làm một điều gì ở đây, mang đến một thông điệp thật ý nghĩa trước
khi rời khỏi đất nước này. Chí ít cũng đối với những người ở đạo trường. Để có
lý do hành động, tôi tự ban cho mình một sứ mệnh, một nhiệm vụ, mình sẽ như là
một thiên thần thực sự, ban rải và lan tỏa yêu thương, hơi ấm tình người đến tất
cả mọi người. Nhưng bằng cách nào? Kể từ hôm đó, lúc nào lên đạo trường tôi
cũng chào mọi người, mỉm cười với tất cả, nói chuyện hỏi thăm họ, dù là người lớn
hay trẻ em. Trẻ em Nhật, khi gặp người lớn hơn (người Nhật) chúng luôn cúi đầu
chào, khi gặp tôi chúng làm ngơ - tôi cũng là người lớn mà, rõ ràng chúng phân
biệt đối xử. Lúc đó bản ngã chưa được tinh luyện nên khi bị miệt thị, bị khinh
thường, lòng tự trọng, sĩ diện bị chà đạp, tôi đã cảm thấy tức giận, uất ức,
nghẹn ngào. Thỉnh thoảng lại tự chất vấn bản thân: “Tại sao mình lại phải như
thế này? Tại sao mình phải hạ mình như thế?”. Nhưng rồi tôi tự an ủi, thuyết phục
bản thân rằng mình đang mang một sứ mệnh vĩ đại, nên không dễ dàng chịu khuất
phục như vậy.
Khó tiếp xúc nhất là tụi nhỏ, tôi chào chúng thậm chí chúng không chào
lại, cười với chúng, chúng cũng chẳng quan tâm, nói chuyện với chúng, chúng trả
lời cho qua chuyện, hết ngày này qua ngày khác, rồi sang tuần, đến tháng khác,
tôi làm suốt như vậy. Đến Trung Thu, Nôen, hay ngày lễ gì đều mua quà, nhớ sinh
nhật từng đứa, viết thư tặng quà cho chúng, quà ít nhưng tấm lòng nhiều vô kể.
Có cơ hội là tôi thể hiện sự quan tâm và luôn nhớ tên tất cả mọi người. Để gọi
tên thật to, thật rõ ràng tất cả mỗi khi bắt gặp bọn trẻ, dù rằng gần như không
ai đáp lại. Tóm lại, mọi cơ hội dù là nhỏ để có sự tương tác với chúng, tôi
không bao giờ bỏ qua, mặc dù thời gian đầu điều tôi nhận được không gì khác là
sự lạnh nhạt, coi thường, thậm chí chắc họ nghĩ tôi như thằng điên, kẻ dở hơi.
Nhưng thời gian trôi qua bức tường vô hình mà họ tạo ra với tôi cũng dần
dần mất đi. Họ bắt đầu kết nối với tôi, họ nói chuyện, chào hỏi, cởi mở hơn, cười
với tôi nhiều hơn. Kỷ niệm khó quên nhất có một nhóc khoảng chín tuổi, rất ít nói,
tôi chào nó, hỏi thăm, cười với nó suốt hơn ba tháng trời, ấy vậy mà nó chẳng
đoái hoài gì. Một hôm nọ, trong lúc đang mặc giáp phục nó chạy lại, quỳ xuống
cười với tôi và nói: “Chào anh Toàn”. Lúc đó thực sự mà nói tôi muốn nhảy cẫng
lên, ôm lấy nó và nói với nó một câu với biết bao cảm xúc uất ức, nghẹn ngào lẫn
hạnh phúc: “Mày hành anh, thử thách anh mày vậy là đủ rồi hả thằng quỷ”, và với
tất cả lòng trắc ẩn có được lúc đó tôi không làm như thế, chỉ dừng lại ở ý nghĩ
thôi. Và cũng tự cho mình cái quyền tha lỗi cho nó vì tổn thương mà thằng nhóc
đã vô ý gây ra cho tôi. Rồi tôi muốn khóc một trận, vỡ òa vì hạnh phúc, tôi
cũng khóc thật nhưng để nước mắt chảy vào trong.
Từ đó trở đi tôi cảm thấy mình như đã được chấp nhận, trở thành người
của đạo trường, một phần của nơi này. Ba năm sau khi chia tay với mọi người về
nước, tôi cũng đã cảm nhận được ít nhiều tình cảm mà họ đã dành cho mình. Tin
nhắn tôi nhận được từ một người bạn trong đạo trường viết: “Cậu là người được
chúng tôi yêu mến”. Trải qua một khoảng thời gian dài ấm ức, với mọi cung bậc cảm
xúc, đấu tranh nội tâm và cuối cùng cũng vượt qua được và hiểu ra một chân lý:
“Cho đi chính là nhận lại, cho cái gì thì nhận về cái đó”. Mặc dù tôi không
nghĩ đến việc mình sẽ nhận lại được gì, đơn giản bởi vì những gì tôi cho đi đó
là sự đầy ắp, nó tràn ngập trong trái tim tôi. Và rút ra được một bài học yêu
thương cho chính mình, là cách để đơn giản hóa nhất mọi chuyện phức tạp: “Yêu
thương là vứt bỏ cái bản ngã của chính mình, vứt bỏ cái vỏ bọc bên ngoài mà bấy
lâu nay mình vẫn giữ”. Giờ đây tôi như chim sổ lồng, như cá dưới nước, được
bung lụa thỏa thích bày tỏ yêu thương với người mình yêu mến và hành trình từ bỏ
“con bò”, mở rộng trái tim biết yêu thương của tôi cũng bắt đầu từ đấy.
Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu
thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều
trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui
về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ
mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Sách I Côrinhtô (13:4-7)
trong Kinh Thánh.
Nếu bạn có thể bao bọc mọi ý nghĩ trong tình yêu, và nếu bạn có thể
yêu thương mọi người thì cuộc sống của bạn sẽ thay đổi.
Trần Huy Toàn