TINH HOA GIÁO DỤC 4 (TIẾP THEO VÀ HẾT)
THẤU HIỂU CẢM XÚC - BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC
IV. ĐỂ TRẺ TỰ ĐỐI MẶT VỚI CẢM XÚC CỦA MÌNH
Khi đứa trẻ đối mặt với cảm xúc tồi tệ nào đó, không nên vỗ về theo
cách truyền thống như.
Nín đi con, để mẹ cho mượn điện thoại.
Đừng buồn nữa, bố dẫn đi mua bánh cho con nhé.
Bố mẹ ở đây, đừng sợ nữa, mọi chuyện sẽ ổn.
………….
Vì bằng cách này sự khỏa lấp bên ngoài sẽ bù đắp cho sự trống vắng bên
trong, bạn có thể giúp con nhanh chóng chặn đứng được những giọt nước mắt,
nhưng về lâu dài trẻ lớn lên chúng sẽ bị lệ thuộc cảm xúc vào sự tìm kiếm an ủi
từ bên ngoài. Thay vào đó hãy để cho trẻ tự đối mặt với cảm xúc của chính mình
và vượt qua nó mà đừng tự ý can thiệp như khi trẻ ngã đau thì khóc; không được
đi chơi thì buồn; giận vì bị đoạt lấy đồ chơi; tủi thân khi bị bạn không cho
chơi cùng. Ở độ tuổi như thế này chúng tự mình đối mặt với những thử thách và cảm
xúc đó là hợp lý, vừa sức với trẻ. Khi sự đối mặt cảm xúc của con trôi qua, lúc
đó nếu muốn thể hiện tình yêu, sự quan tâm hãy lại gần con trẻ, nói chuyện về
những cảm xúc vừa rồi, những gì đã trải qua và khích lệ con tìm ra phản ứng tốt
hơn cho những lần sau cũng chưa muộn.
Nhưng đó mới chỉ là chiều kích thích thụ động, một cách chủ đích và chủ
động. Hằng tuần có thể một đến hai lần, tạo ra một nhịp điệu lặp đi lặp lại
hàng tháng trong suốt cả năm cho trẻ. Hãy hướng dẫn cho trẻ ngồi thiền (thiền
tĩnh) hoặc để cho trẻ chơi một mình trong phòng, trong nhà hay ngoài thiên
nhiên (thiền động). Và tuyệt nhiên những lúc như thế này bạn không được cho trẻ
thêm đồ ăn, điện thoại, máy tính, mà trẻ chỉ cần một mình. Để trẻ được đắm chìm
trong sự vắng lặng nội tâm, gạt bỏ đi mọi sự ồn ào, nhiễu loạn đến từ bên ngoài
và để tìm lại, duy trì thói quen nội tâm hóa cũng là con đường đưa tới một đời
sống đích thực đã bị lãng quên từ lâu. Không có một mốc thời gian cụ thể hay
chính xác tuyệt đối nào cả, mỗi người tự quan sát con mình theo độ tuổi, tính
cách, khả năng và cùng với năng lực của bản thân để đưa ra mức tham chiếu phù hợp
nhất.
Vì sau này không phải lúc nào cũng có ai đó bên cạnh dù người đó có
thân thiết, gắn bó và yêu thương bạn thế nào đi nữa. Có nhiều lúc sẽ rất đơn độc
trên chặng đường của mình, đó là điều sẽ xảy ra trong cuộc đời mỗi người. Nếu
được đánh thức năng lực tự cân bằng và tự chủ được bản thân ngay từ nhỏ, lớn
lên đứa trẻ sẽ có khả năng độc lập, không bị phụ thuộc cảm xúc vào người khác,
hạn chế được sự rối loạn khi con người ngày nay có khuynh hướng nghiêng về cái
bên ngoài, cái hữu hình. Đồng thời, điều này sẽ tạo tiền đề khám phá những bí ẩn
lớn hơn, mà chỉ có thể được tìm thấy khi con người ta quay vào bên trong và kết
nối với chính linh hồn của mình.
Tóm lại, lúc buồn tủi, cô đơn, một mình, là khoảng thời gian tuyệt vời
để trẻ tự tạo ra bước đột phá cho bản thân, cơ hội cho trẻ trưởng thành, để tự
nhìn nhận lại, quay về nương tựa và làm bạn với chính mình. Đến lúc đó trẻ sẽ
chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn, từ đó trở nên độc lập, tiến về phía tự do.
Lưu ý là trong một số hoàn cảnh đặc biệt, hoặc tình huống bất ngờ xảy
ra có thể làm cho tâm lý trẻ mất kiểm soát như khi chúng chứng kiến tai nạn,
nhìn thấy cảnh tượng đáng sợ, mất người thân, hay rơi vào một môi trường hoàn
toàn xa lạ, có một trải nghiệm tồi tệ. Lúc này rất có thể trẻ sẽ mất kiểm soát,
tâm lý bị đả kích mạnh và dễ để lại những ám ảnh tiêu cực về sau. Những lúc
này, đừng bao giờ để trẻ một mình, mà hãy bên cạnh, cùng trẻ vượt qua khoảng thời
gian khó khăn này.
Ngoài ra những gợi ý dưới đây sẽ trực tiếp đánh thức chỉ số EQ sẵn có
bên trong mỗi đứa trẻ một cách tự nhiên nhất.
Cho trẻ xem tivi mà không có âm thanh, đồng thời bạn cũng ngồi lại xem
cùng con, sau khi xem xong bạn lại đặt những câu hỏi liên quan đến cảm xúc như:
Tại sao ông ta lại nóng giận? Hậu quả việc làm đó là gì? Cô ấy làm như vậy có
nghĩa có hứng thú hay không? Nếu là con, trong trường hợp đó con sẽ phản ứng
như thế không? Việc này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng quan sát ngôn ngữ cơ thể
nhiều hơn, phán đoán ý đồ, biểu cảm, thông điệp trên đó là gì. Phụ nữ thường có
khả năng nhận biết ngôn ngữ cơ thể, sắc thái biểu cảm tốt hơn đàn ông, việc này
không tự nhiên mà có. Vì một phần lúc còn nhỏ bé gái thường thích chơi với búp
bê, còn bé trai thích chơi xe cộ, máy móc. Chính cách vui chơi lúc nhỏ đã làm
các bé gái có khả năng quan sát biểu cảm, khuôn mặt một cách vô thức ngay từ nhỏ.
Cho trẻ diễn kịch, đặt ra tình huống giả định để các em đóng các vai
diễn khác nhau. Hôm nay vào vai người tốt, ngày kia vào vai người xấu, tuần sau
diễn một người cô đơn, tháng sau đóng vai người nghèo rồi người giàu,… sẽ giúp
chúng trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc và làm chủ được nội tâm tốt hơn.
Bất kỳ đứa trẻ nào khi bước vào tuổi dậy thì, một trong những hành
trang không thể thiếu cần trang bị cho trẻ là nền tảng EQ tốt. Chúng là những
người không bị lệ thuộc cảm xúc của mình vào bất kỳ ai, hay sự vật sự việc nào
cả. Chúng tự do và có khả năng tự chủ được cảm xúc của chính mình.
Trần Huy Toàn