VẤN ĐÁP PHẬT HỌC: SỚM NGĂN NGỪA ĐIỀU ÁC
Đức vua hỏi:
- Trẫm có nghe rằng, người tu hành trong Phật giáo thường ngăn ngừa điều
ác, ngăn ngừa nguyên nhân sanh khổ, tại sao không đợi nó đến để dập tắt luôn?
- Không những ngăn ngừa điều ác, mà tất cả các thiện pháp cần phải nên
tu tập càng sớm càng tốt mới thu được nhiều lợi ích, nếu để muộn thì thật là
nguy hiểm, tâu đại vương!
- Tại sao thế?
- Ví dụ đại vương đợi đến khi khát nước cháy cổ mới sửa soạn sai người
đào giếng? Việc làm ấy có thích đáng không, có kịp có nước để uống không?
- Phải đào giếng từ trước.
- Phàm tu hành cũng vậy, nếu khi sự khổ đến mới lo tu thì muộn rồi. Lại
nữa, ví như đại vương đợi đến khi đói bụng mới sai người cày ruộng, gieo mạ...
thì đến lúc gặt lúa có còn cứu kịp cơn đói của đại vương chăng?
- Chẳng thể cứu kịp.
- Ví như đại vương bảo vệ hoàng thành này, nhưng đại vương lại suy
nghĩ: "Đợi khi giặc đến ta sẽ luyện tập quân sĩ, rèn đúc khí giới, huấn
luyện ngựa voi v.v...". Sự suy nghĩ ấy có đúng thời chăng?
- Thì hoàng cung này giặc sẽ chiếm mất.
- Cũng vậy, người tu hành phải biết lo toan từ trước, sớm làm điều
lành, sớm ngăn ngừa điều ác, đợi đến khi nước đến chân thì không kịp nữa. Nên Đức
Thế Tôn có dạy rằng: "Người có trí tuệ hằng tìm lợi ích an vui cho mình, đừng
như kẻ buôn thóc kia, lối đi bằng phẳng, dễ dàng thì không chịu đi; lại lựa chọn
con đường gập ghềnh, hiểm trở mà đánh xe đi, đến khi gãy trục, gãy vành, ngồi
khóc lóc, thở than! Kẻ ngu bỏ lành làm ác cũng y như thế, có hối cũng đã muộn
màng."
-ST-