HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 5 (TIẾP THEO)

PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ KHÓC, MÈ NHEO HIỆU QUẢ

II. PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ TRẺ KHÓC, MÈ NHEO CÓ CHỦ ĐÍCH

Thứ hai, trẻ khóc, mè nheo lặp đi lặp lại điều gì đó một cách thường xuyên, đó cũng là một trong những cách khám phá thế giới xung quanh, chạm đến tận cùng giới hạn của tình huống chỉ để xem chuyện gì xảy ra. Như thế trẻ sẽ mau chóng hiểu được một điều gì đó và tìm ra được quy luật cho riêng mình, hoặc đơn giản là do chúng chưa biết cách phản ứng đối với vấn đề sao cho đúng.

Lúc này, tùy vào khả năng, sự hiểu biết, hoàn cảnh, mà bạn có thể quan sát nhận thấy rằng tiếng khóc của trẻ khác nhau. Thay vì tiếng khóc nghẹn ngào, thất thanh, khóc trong hốt hoảng thì trẻ lại cố gắng gào khóc, khóc chủ đích, tiếng khóc lúc trầm lúc bổng rất có nhịp điệu. Thay vì ánh mắt cầu cứu, chúng lại có ánh mắt quan sát để dò xét phản ứng của bạn. Thường những lần như thế rất có thể là do trẻ đòi hỏi, mong muốn, hay đòi hỏi một thứ nào đó mà bạn không đáp ứng, không thỏa mãn được trẻ. Như đòi ăn bánh trước bữa cơm, vừa ăn vừa sử dụng điện thoại, đòi mẹ bế dù mẹ đang rất mệt, đòi mua đồ chơi dù rằng đồ chơi ở nhà vẫn nhiều, thế là chúng sẽ gào lên khóc, mè nheo.

Để xử lý tình huống khóc, mè nheo có chủ đích, trước hết bạn hiểu được nguồn gốc ngôn ngữ khóc, mè nheo xuất phát từ đâu và ý nghĩa của nó, từ đó mới biết cách khắc phục để xử lý thỏa đáng được.

Thực ra ban đầu tiếng khóc, sự mè nheo để đòi hỏi một điều gì đó là hợp lý. Có lẽ điều này là do khi em bé còn nhỏ, bé rất nhạy cảm. Bé có khả năng biết rằng âm thanh của bước chân là sẽ có sữa, có mền đắp lên và bé nằm trông chờ những âm thanh, những giọt sữa. Rồi bé cũng biết làm thế nào để có một ít quyền lực, bắt người ta phục vụ và làm cách nào để có được thứ mình muốn, khi mình cần ăn, lúc ốm cần người chăm sóc, khi lạnh cần người đắp mền, lúc sợ cần người kề bên. Bé khóc, la, ré, đạp, tất cả đều là chiến thuật của bé, và đó cũng là những ngôn ngữ mà bé có thể nói được lúc đó.

Bé làm như vậy từ hồi nhỏ nên khi lớn lên nó cũng tiếp tục làm như vậy. Bé lẫy, hờn, khóc lóc với người kia để đòi hỏi, mong muốn được đáp ứng nhu cầu của mình. Đó chẳng qua là sự tiếp nối với ngày xưa, khi mà khả năng biểu đạt còn nhiều hạn chế. Nhưng giờ bé đã biết nói, khả năng biểu đạt tốt hơn, bé cần học ngôn ngữ ở cấp độ cao hơn. Những gì ngày xưa là hợp lý, chấp nhận được, nay không còn hợp lý nữa, cần thay đổi theo cách thức tiếp cận mới. Nên lúc trẻ khóc hay mè nheo nhằm thỏa mãn nhu cầu, ham muốn của mình không phải là lúc bạn tức giận, la mắng, chê cười, khiển trách trẻ, mà là cơ hội để cho bạn dạy trẻ về bài học mới chất lượng hơn để chúng trưởng thành.

Cho nên nếu trẻ khóc, mè nheo để đòi hỏi một điều gì đó dù có hợp lý đi nữa bạn cũng không nên đáp ứng ngay, mà cần chuyển qua ba không thỏa mãn để giúp trẻ có được điều mình muốn một cách đúng đắn. Còn nếu chỉ là những đòi hỏi quá mức, ham muốn quá đáng, không phù hợp với tình huống hiện tại thì nhất quyết từ chối. Dưới đây là một vài gợi ý để xử lý trẻ khóc, mè nheo khi chúng đòi hỏi, mong muốn đáp ứng một nhu cầu nào đó mà không được bạn thỏa mãn ngay.

1. Đánh lạc hướng

Dựa vào đặc điểm tâm lý khi còn nhỏ, bé lúc này chưa định hình được khái niệm tồn tại vĩnh viễn của một vật thể, một trạng thái vật thể chỉ tồn tại khi em nhìn thấy vật thể ấy. Trẻ em vào thời điểm này chưa có khả năng nhớ và như thế một vật thể được lấy ra khỏi tầm mắt của bé, giá trị tồn tại của vật ấy sẽ biến mất. Nên đánh lạc hướng là một trong những giải pháp hữu hiệu, đặc biệt hiệu quả đối với trẻ từ 0 đến 4 tuổi.

Cụ thể, trong lúc đi chơi trẻ một mực đòi ăn kem, nhưng bạn không muốn đáp ứng, rồi những dấu hiệu của ngôn ngữ khóc, mè nheo bắt đầu xuất hiện và liên tục bùng phát. Ngay lúc đó hoặc ngay trước đó hãy đánh lạc hướng con bạn vào một sự vật, sự việc nào đó mà có thể gây được quan tâm, chú ý của đứa trẻ - trong tầm mắt nhưng ngoài tầm tay: “Con thấy chiếc xe đó lớn không? Con nhìn xem nó có bao nhiêu cái bánh”; hay là “Âm thanh đó từ đâu vậy? Chúng ta cùng đi tìm nào”. Đồng thời, đưa trẻ ra khỏi nơi bán kem và đừng nhắc đến một câu nào có liên quan đến từ kem nữa.

Giải pháp này nếu bạn biết cách ứng dụng khéo léo, sẽ đặc biệt có tác dụng. Vì lúc này giải thích, phân tích đúng sai, nói lý lẽ với một đứa trẻ dưới 4 tuổi không khả thi và gây ra sự khó hiểu nhất định trong nhận thức các em. Trong khi các em vẫn bị tác động mạnh mẽ bởi những phản ứng bản năng của não bò sát, bị cảm xúc chi phối. Đánh lạc hướng giải pháp hữu hiệu, có thể làm hạn chế được đáng kể nguy cơ khóc, mè nheo không cần thiết của trẻ.

Tuy nhiên, nhằm giải quyết tận gốc của vấn đề bạn cần đi thẳng vào việc xử lý khóc, mè nheo, để bạn thực sự là người làm chủ được tình hình, chứ không phải mãi trốn tránh vấn đề. Cho nên, chúng ta sẽ đi vào phương pháp xử lý thứ hai ở mức độ cao hơn, khó hơn, đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.

2. Đối mặt với vấn đề

Mỗi đứa trẻ ở những vùng miền, quốc gia, châu lục sẽ có đặc tính, tính cách, nhận thức khác nhau, nhưng chung quy lại việc khóc, mè nheo đều cũng có nét tương đồng. Bởi vậy, chỉ cần nắm chắc được cái sườn mà tôi gợi ý dưới đây, bạn có thể tự tin xử lý hiệu quả mọi tình huống khóc, mè nheo.

Thứ nhất, khi trẻ đòi hỏi, mong cầu một điều gì đó mà không được đáp ứng đứa trẻ sẽ khóc, mè nheo. Đó là phản ứng hoàn toàn tự nhiên và dù trẻ khóc, mè nheo có lý hay vô lý, trước hết hãy khẳng định niềm mong muốn, cảm xúc của trẻ: “Con rất thích con búp bê này và muốn mẹ mua phải không?”

Thứ hai, nói lên cảm xúc, quan điểm của bạn: “Mẹ thấy con có vẻ rất thích con búp bê này chỉ có điều là đã có giao ước. Không mua gì thêm ngoài những thứ đã liệt kê trước đó, nên mẹ rất tiếc vì chuyện này.”

Thứ ba, thường trong thời gian đầu khi đòi hỏi bị từ chối, trẻ sẽ khóc, mè nheo để gây áp lực buộc bạn phải nhượng bộ. Trong tình huống đó nếu ở chỗ đông người hãy dẫn trẻ đến một nơi vắng vẻ hơn, còn ở nhà có thể tiến hành xử lý tình huống ngay và theo các bước sau đây.

Đầu tiên bạn nên đứng ở đó bên cạnh nghe trẻ khóc, mè nheo. Thường theo bản năng hoặc có chủ đích trẻ sẽ bám chân, níu áo, kéo tay bạn, thậm chí nhiều trẻ còn cố tình tỏ ra rất đau đớn, thở không được, khó chịu trong người. Tất cả cũng chỉ để gây áp lực, nhằm khiến trái tim của bạn, thường là trái tim của người mẹ dao động mà chuyển ý, đó là chiến thuật của đứa trẻ.

Nếu trẻ làm như vậy, bạn nên cương quyết tách trẻ ra khỏi người, giữ khoảng cách tối thiểu một mét để trẻ hiểu rằng bố mẹ vẫn đang quan tâm chú ý đến con, biết con đang khóc, mè nheo. Nhưng con cũng cần tôn trọng không gian của bố mẹ, như cách bố mẹ đón nhận tiếng khóc, mè nheo của con. Thái độ của bạn nên là cảm thông, yêu thương, nhẫn nại, nhưng vẫn giữ vững quan điểm.

Vì trẻ đòi một thứ gì đó mà không đạt được cũng khổ sở lắm rồi, dù đòi hỏi đó vô lý hay có lý, bạn không nên phủ nhận cảm xúc của con bằng những mẫu câu như: “Chuyện có gì đâu phải khóc?”, hoặc “Con thật vô lý, vậy mà còn khóc à”. Bạn cũng không nên ngăn cấm hay bắt con ngừng khóc.

Nếu lúc khóc, mè nheo trẻ có hành vi mút ngón tay, đưa hai tay lên sờ môi dưới hay ngậm mút một món đồ nào đó. Tuyệt đối bạn cũng không được ngăn cấm trẻ, nếu ngăn cấm việc này thì đấy là bạo hành, một dạng tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ. Việc của bạn là hãy để cho trẻ khóc, mè nheo thể hiện cảm xúc tự nhiên của các em, nhưng đừng để những cảm xúc đó làm dao động tâm mình - chuyện này rất khó. Vì lúc này tiếng khóc, sự mè nheo là một chiêu trò, hành động có chủ đích, để tác động đến bạn và thường nạn nhân là những người mẹ. Bởi người mẹ sống bằng trái tim, thiên về cảm xúc, yêu thương con bằng tình yêu tử cung nên dễ bị tác động hơn là bố, do đó các mẹ hãy chú ý nhé.

Yêu thương trẻ, không bỏ rơi, để mặc cho các em khóc đến khi nào nín thì thôi. Điều đó sẽ làm tổn thương đứa trẻ, khiến chúng đóng trái tim lại, mất đi kết nối với bố mẹ. Nhưng cũng cần rất nhẫn nại, vững tâm để đứng bên cạnh, cần giữ khoảng cách với trẻ, đủ để trẻ không chạm vào người và đủ để đứa trẻ nhận biết được sự hiện hữu của bạn. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh chờ đợi con khóc, mè nheo đến khi nào con ngừng thì thôi, đồng thời bạn có thể khẳng định lại quan điểm của mình một cách ngắn gọn: “Dù con có khóc mè nheo bao lâu đi nữa, mẹ không mua là không mua”. Nói như vậy đứa trẻ sẽ hiểu rằng, chiến thuật khóc, mè nheo để gây sức ép lên tinh thần bố mẹ không hiệu quả, chúng sẽ mau chóng dừng lại.

Ngoài ra không nên nói chuyện, giải thích, phân tích thêm bất kỳ vấn đề nào với trẻ khi các em còn đang khóc, mè nheo, tâm lý còn kích động. Nói chuyện vào những thời điểm mà tâm trạng trẻ như vậy, là việc làm không mang lại hiệu quả cho cả người lớn lẫn đứa trẻ.

Những lần đầu trẻ sẽ dùng toàn tâm, toàn lực khóc, mè nheo, nên thời gian kéo dài khoảng từ mười lăm đến ba mươi phút. Lần đầu thì lúc nào cũng vậy, luôn rất khó khăn. Nhưng nếu khóc, mè nheo một hồi lâu vẫn không thấy bố mẹ chuyển lòng, không thấy chiến thuật của mình phát huy hiệu quả, đứa trẻ sẽ nín khóc, dừng gào thét, dẫm chân, lăn lộn, mè nheo.

Sau đó đợi thêm khoảng năm đến mười phút, thậm chí lâu hơn nữa để đứa trẻ bình tĩnh, thật sự bình tĩnh, trở lại trạng thái bình thường bạn mới nói chuyện: “Con muốn đạt được điều gì đó mà cứ khóc, mè nheo thì không còn hợp lý nữa. Con sẽ có được nhưng theo một cách khác thông qua ba không thỏa mãn, cũng chính là ngôn ngữ mới con cần học và phát triển.”

Trong trường hợp trẻ khóc, mè nheo sẽ trở nên rất hỗn loạn. Nhiều người, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã khuyến khích “timeout” đối với trẻ, có nghĩa là cho trẻ đứng ở một góc nào đó, để đến khi nào trẻ bình tĩnh rồi mới nói chuyện. Tôi cũng đã từng áp dụng cách này, nhưng sau một thời gian, hiểu hơn về trẻ em, quan sát chúng nhiều hơn, tôi không còn áp dụng cũng như không ủng hộ cách thức tiếp cận này nữa.

Nếu có time-out thì người đó sẽ là tôi, người lớn chúng ta. Khi trẻ khóc, mè nheo, những lúc trẻ như vậy việc bạn nên ở cạnh trẻ, tương tác với các em, cho các em thấy sự hiện diện, nhẫn nại, khoan dung của bạn, bằng tất cả tình yêu có thể và lý trí để giải quyết vấn đề. Như vậy các em sẽ học được hành vi khuôn mẫu là dù có chuyện gì đi nữa, mọi chuyện cũng có thể giải quyết bằng lời nói, tình yêu và sự nhẫn nại. Nhưng không dễ đâu vì khi trẻ khóc, mè nheo như vậy, dù có lý hay vô lý đi nữa, theo một cách bản năng điều này khiến bạn dễ rơi vào trạng thái mất tự chủ cảm xúc. Nhưng nếu bạn làm chủ được cảm xúc của mình, giữ được sự tĩnh lặng bên trong nội tâm trước sự động loạn của con, tự chủ về cảm xúc để tương tác với trẻ, thực sự bạn phải là người có bản lĩnh mới làm được. Muốn làm chủ được cảm xúc trong lúc dễ dàng bị kích động như vậy, không có cách nào khác là bạn cần học và tu thân.

Khi trẻ khóc, mè nheo bạn cần có một cái đầu thật lạnh để có thể xử lý dứt khoát, triệt để trong sự an nhiên, tự chủ và cần một trái tim thật nóng, để có thể vô cùng yêu thương, kiên nhẫn, khoan dung với đứa trẻ. Cân bằng được hai trạng thái này, thì dù chuyện có được đẩy lên khắc nghiệt đến tột cùng, bạn cũng có thể giải quyết vấn đề một cách trọn vẹn và như thế chỉ sau vài lần không hiệu quả, trẻ sẽ không còn khóc, mè nheo nữa.

Linh hoạt biến hóa, vô chiêu thắng hữu chiêu.

Trần Huy Toàn
Được tạo bởi Blogger.