DÁN NHÃN
Dán Nhãn là hiện tượng rất nhiều người mắc phải, dán nhãn là khi nhìn
nhận sự thật theo cảm xúc chủ quan của bản thân, nhìn theo chiều tiêu cực hay
tích cực đều là dán nhãn, tức gắn cho sự thật một cái mác nào đó làm lệch bản
chất vốn có.
Trước đây khi còn tiêu cực con người thấy đau khổ, khi vượt qua được
đau khổ rồi thì người ta chuyển sang tích cực đến tích cực thái quá. Tích cực
và tích cực thái quá đều là mắc, nó có thể làm cho tâm trí hiện tại cảm thấy
vui nhưng đó vẫn nằm trong cặp nhị nguyên Tiêu cực - Tích cực, khi không thoát
được nhị nguyên thì không lên được tầng thức mới và theo thời gian sẽ thoái hóa
bằng cách này hay cách khác.
Tiêu cực hay tích cực là 2 đầu nhị nguyên, đi qua cả 2 đều cần bỏ và
trở về trạng thái ở giữa là Sự thực.
Tiêu cực hay tích cực là cảm xúc của bản thân mỗi người khi trải nghiệm
sự vật, hiện tượng nên nó sẽ khác nhau. Sự thật không có tiêu cực, cũng không
có tích cực mà là cái vốn dĩ đang tồn tại của sự vật hiện tượng đó. Ví dụ như vừa
mua xe mới ra đường bị va quệt xước sơn, cảm xúc bị va quệt thật xui xẻo hay bị
va quệt thật may mắn đều là dãn nhãn tiêu cực và tích cực, sự thật là ở giữa: bị
va quệt xước sơn, vậy thôi, cần làm gì tiếp thì làm.
Thấy ai xinh quá thấy yêu hay xinh quá thấy ghét, thấy ai đẹp trai là
lăng nhăng hay xấu trai là chung tình cũng vậy, có 2 thứ diễn ra, 1 là cái nhãn
xảy ra trong đầu mỗi người, 2 là sự thật của sự vật hiện tượng. Khi bỏ qua được
cái nhãn tiêu - cực tích cực thì nhìn thấy sự thực.
Dán nhãn nó cũng như một cái khuôn dành cho bản thân và dành cho người
khác khiến ta luôn mắc vào đó, dẫn đến suy diễn hành động của người khác. Ví dụ
như khi thấy chồng không để ý lời mình nói nghĩa là anh ấy không quan tâm đến
mình, hay con không làm theo lời mình là không thương bố mẹ, hay ngược lại anh ấy
đánh mình vẫn yêu mình… Đó là lý do những người dán nhãn luôn gặp đi gặp lại một
kiểu người một kiểu tình huống, hoặc là luôn tự gây áp lực cho mình và những
người xung quanh hoặc là cho dù bị lừa, bị đau khổ vì tình, đau khổ vì chồng vì
con ... họ vẫn không dứt ra được vì họ vẫn cho rằng: đang rất tốt. Bản thân
không chịu nhìn sự thực đang diễn ra chứ không phải không biết, việc dán nhãn
khiến họ chịu đựng được nhiều hơn, lâu hơn. Điều cần làm là nhìn vào sự thực và
cần làm gì tiếp theo.
Dán nhãn giống sự nhìn lệch, như cái cân, cái cân chỉ vạch 0 là vạch
chuẩn, nó có lệch lên khiến ta nặng hơn hay lệch xuống nhìn ta nhẹ hơn đều
không phải sự thật. Độ lệch càng cao thì cái nhìn càng méo. Cái cân mà vạch là
-30kg thì người 80 kg nhảy lên chỉ 50kg cũng thành người mẫu.
Dán nhãn là sự đánh lừa tâm trí người khác và đánh lừa cả bản thân
mình, như những người luôn hô hào mình là ai, mình có sức mạnh, mình giỏi
giang, mình là tỷ phú… dán nhãn cho mình xong chạy theo có hụt hơi không? lấy sức
mạnh từ bên ngoài rồi cũng có lúc mệt, sức mạnh thật sự không nằm ở đó. Kết quả
của mỗi người đến từ hành động + phúc đức + nhân duyên. Việc tin vào hô hào bản
thân khiến con người ảo tưởng về sức mạnh của mình mà quên đi thực sự cần làm
gì, nên tỷ lệ người hô hào làm được không cao vì sự thực có một bộ phận nhỏ những
người đúng như những gì họ hô hào.
Có kiểu dán nhãn là dán lên sự vật hiện tượng để nó đẹp hơn: nhìn và tự
nhủ và tưởng tượng nó thật đẹp là nó sẽ đẹp, nó có tác dụng trong một lúc nào
đó nhưng đó là tác dụng giả. Ví dụ như nhìn một cốc nước lọc và nghĩ bên trong
nó là một cốc nước nhiều năng lượng, ngọt và mát, và uống nó sẽ thấy nó ngon và
ngọt như mình nghĩ, uh thì cốc nước lọc làm thế có khi có tác dụng, nhưng nghĩ
thế với 1 cốc nước cống có tưởng tượng vậy để uống được không? Cuộc sống thực tế
hay gặp ly nước nào đây, cần phân biệt rõ ràng hay cần đánh lừa tâm trí?
Dán nhãn gặp nhiều ở những người lúc nào cũng thấy tất cả chỉ có tình
yêu, và yêu thương mọi thứ, yêu thương thì tốt nhưng dán nhãn yêu thương thì
không phải là yêu thương thực sự, đó là bóp méo sự thật và đánh lừa bản thân. Bản
thân những người đó là những người trong quá khứ từng thiếu tình yêu thương,
nên họ chọn cách đối mặt bằng cách dán vào mắt mình cái đẹp để thấy cuộc sống đẹp
như đang đeo một chiếc kính màu hồng. Đó là yếu đuối và không đối diện được,
dán như vậy và trốn trong thế giới màu hồng của bản thân.
Ta đã gặp rất nhiều ca như vậy, để họ về được thực tế họ trải qua rất
nhiều cảnh bầm dập mới có thể nhận ra, vì bản chất họ đang trốn, nhưng có trốn
thế nào thì cũng có ngày sự thật làm họ đau. Vì việc đeo một chiếc kính hồng
lên mắt thì có nhìn con hổ cũng thấy đáng yêu ...vì nó hồng, nó cần về tự nhiên
mà không thả về thì khi cạnh nó, nó có cắn là điều bình thường, cắn nhẹ không
sao vì đang chịu được, nhưng đến lúc nó cắn mạnh, đau thì sự thật vẫn là đau, bị
thương vẫn là bị thương, chịu tiếp thì còn đau tiếp cho đến lúc bỏ kính để nhận
ra nó là con hổ màu vàng, vằn vện và nó cần về rừng.
Đó là vì sao những người vậy hay dung túng và thỏa hiệp với cái xấu của
người xung quanh và của chính bản thân, thấy cái xấu của người khác thì không
lên tiếng, thấy cái xấu của bản thân thì không bỏ được. Vì cái nghĩ ta là người
nên vẫn có tham, sân, si… ta kiểm soát chứ không loại bỏ, kiểm soát mãi làm sao
được, đó là đang nuôi nó dần dần hàng ngày mà không biết, nó sẽ bộc phát khi đủ
cảnh, đủ duyên. Cái xấu như rác, đừng sống với nó rồi nói một ngày nào đó sẽ dọn,
rác là quét hàng ngày.
Trong các cái tham có 1 cái tham là tham yêu thương, đó cũng như bao
kiểu tham khác khiến con người chìm đắm trong đó quên đi sự thực, bay bổng,
không nhận định được tốt xấu, đúng sai, không nhận định được thì không yêu
thương được đúng cách.
Trước khi thực sự thoát khổ và an yên thì ta cần nhìn đúng bản chất sự
việc và sự thực của bản thân. Dán nhãn cảm xúc tích cực nhưng cái đau khổ nó vẫn
nằm bên trong mỗi người, được tích hàng ngày và chờ ngày công phá. Hãy đối mặt
với sự thực cuộc sống.
Cuộc sống là đạo, cách sống là tu.